icon icon

Vụ cháy căn nhà 5 tầng trên phố Núi Trúc (Ba Đình, Hà Nội), giữa khói lửa hàng trăm độ C, một chiến sĩ PCCC mặt mũi lấm lem cõng một em bé đã ngất lịm từ trong đám cháy chạy vọt ra ngoài. Con thoát chết, người cha gọi anh lính cứu hoả là “vị thần”. Trong vụ cháy quán karaoke ở Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) có 8 nạn nhân được cứu nhưng 3 chiến sĩ PCCC đã hy sinh… Với những người được cứu sống, người lính đã hoá "vị thần" để bảo vệ mạng sống cho họ, mỗi người được "vị thần" tặng thêm một cuộc đời.

Những hành động vượt lửa cứu người chỉ diễn ra trong giây phút sinh tử. Để có những chiến công làm nên biểu tượng của người lính PCCC, mỗi người lính phải trải qua những tháng ngày rèn luyện đổ mồ hôi nơi thao trường.

Trong căn phòng khói lửa mịt mù kèm theo những tiếng nổ to, 1 lính cứu hoả dùng tay kiểm tra nhiệt độ rồi mở cửa, 2 người lính khác khom người nhanh chóng tiến vào phòng. Tầm nhìn bị che khuất, câu nói "có ai không, tôi đến cứu" liên tục vang lên… Một người bị nạn được tìm thấy và đưa ra khỏi đám cháy an toàn. Quá trình diễn ra chỉ trong vài phút. Tiết học huấn luyện trên thao trường của các sinh viên phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) ở Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy phần nào lý giải vì sao trong các vụ hoả hoạn, trong những đợt thiên tai, cháy nổ… người lính PCCC-CNCH bình thường lại làm được điều phi thường. 

Cả nghìn lần luyện tập nhưng ai cũng chỉ mong không bao giờ phải dùng đến.

Gần 20 năm giảng dạy ở Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng khoa Chữa cháy kể, các buổi học trên thao trường diễn ra đều đặn bất kể thời tiết nắng hay mưa rét, gió hay bão. Bởi thực tế còn khốc liệt hơn, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, trong bão, ban đêm. Các sinh viên tuổi đời mười tám đôi mươi phải thích ứng với mọi hoàn cảnh, học với quyết tâm "thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu".

Vất vả là vậy, nhưng để trở thành sinh viên của ngôi trường duy nhất ở Việt Nam đào tạo nghề PCCC và CNCH, thí sinh phải vượt qua sơ tuyển tại Phòng Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh, thành phố theo quy định của Bộ Công an, sau đó tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học. 

Trúng tuyển vào trường, ở hệ Trung cấp học 2 năm, hệ Đại học là 4 năm.

Vậy sinh viên học gì ở trường? Thầy Tuấn Anh nói: “Học rất nhiều”. Với một người cảnh sát PCCC-CNCH, công việc không chỉ đơn thuần cầm vòi phun nước dập lửa, mà còn là người đề xuất tham mưu xây dựng chiến lược, hướng dẫn phòng ngừa, làm công tác kiểm tra, thẩm duyệt thiết kế PCCC-CNCH, sơ cứu bước đầu cho nạn nhân… 

Sinh viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy phải trải qua vô số giờ học trên thao trường bất kể thời tiết nắng hay mưa, gió hay bão 

Những nhiệm vụ này đòi hỏi rất nhiều kiến thức. Năm đầu tiên vào trường, sinh viên học các môn đại cương, toán, lý hoá, rèn luyện thể chất. Đến năm thứ 2, bắt đầu học các môn chuyên ngành, học ngoài thao trường.

Trong thực tế, mỗi tình huống lại khác nhau. Cảnh sát PCCC-CNCH phải thích ứng nhanh với hoàn cảnh. Kiến thức căn bản phải nắm chắc. Cháy ở chung cư hay cháy ở tầng hầm, nhà xưởng sẽ không giống nhau. Phải hiểu về cơ chế cháy, các dạng khói, mức độ độc hại. Thế nên, sinh viên buộc phải học kiến thức về công trình xây dựng, kết cấu vật liệu xây dựng. Khi sự cố hoả hoạn xảy ra, họ sẽ ngay lập tức nắm bắt được tốc độ lan của lửa, của khói độc, tính toán khả năng sập của công trình… từ đó đưa ra phương án chữa cháy, cứu người bị nạn và tài sản.

Ngay cả dùng vòi nước phun xịt vào đám cháy dập lửa cũng cần có kỹ thuật, phun vào đâu, phun vào gốc lửa, dùng nước hay bọt; tư thế đứng phun nước dập lửa như thế nào cho an toàn. Chữa cháy ở những toà nhà cao tầng, lính cứu hoả phải nắm chắc tư thế đứng trên cao. Vì đường vòi nước nặng, áp lực nước phun ra lớn, nếu không nắm chắc kỹ thuật thì rất dễ xảy ra tai nạn. Chữa cháy ở hầm các toà nhà, khói nhiều, che khuất tầm nhìn, lúc đó lính cứu hoả phải nằm, quỳ, trườn tiến vào đám cháy tìm nguyên nhân, dập lửa.

Trên thao trường, cả thầy và trò luôn lấy mục tiêu “giờ là vàng, phút là bạc, một giây cũng huấn luyện” 
 

Sinh viên trong trường phải học bắn súng, học sơ cứu bước đầu cho nạn nhân trước khi bác sĩ đến hiện trường. 

“Học rất nhiều nên chúng tôi thường nói vui ngành này vừa mang tính chất khoa học nghiệp vụ, vừa nhân văn nhưng có rất nhiều môn về kỹ thuật”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.

Ở khoa Cứu nạn cứu hộ, sinh viên được đào tạo kỹ năng CNCH người bị mắc kẹt ở trên cao, trong thang máy, trong hang sâu, dưới nước, trong các công trình sụp đổ, sự cố tai nạn giao thông cơ giới, ở những môi trường đặc biệt có hoá chất…

“Tất cả các kỹ năng đều phải làm đến mức thành thục, làm nhanh, chuẩn vì trong CNCH, khoảng giờ vàng rất ngắn ngủi, đôi khi chỉ tính bằng phút, bằng giây”, Thiếu tá Nguyễn Văn Cần - Phó trưởng khoa Cứu nạn cứu hộ chia sẻ. Cũng chính bởi vậy, mỗi khi nhận được lệnh phát động, người lính PCCC-CNCH chỉ có 90 giây chuẩn bị tư trang rồi theo xe đến hiện trường. 

Ở lớp học kỹ năng cứu hộ người trên cao đang diễn ra dưới trời nắng ngắt, các sinh viên mải mê tập luyện mặc cho những đôi tay do dùng sức nhiều đã trở nên rã rời, mồ hôi lăn trên làn da cháy nắng, bộ đồ bảo hộ ướt đẫm. Thầy Cần cho biết, những tiết học trên thao trường bao giờ cũng vất vả, bất chấp nắng mưa, cả thầy và trò luôn lấy mục tiêu “giờ là vàng, phút là bạc, một giây cũng huấn luyện”. 

Với các vụ hoả hoạn, từ khi phát sinh cháy thì 10 phút đầu dễ dập lửa nhất. Quá 10 phút, lượng nhiệt lớn, tốc độ cháy nhanh, khả năng dập lửa sẽ lâu hơn. Thế nên, lính cứu hoả phải tranh thủ khoảng "giờ vàng" để dập lửa, cứu người bị nạn 

Trong quá trình đào tạo, thầy cô luôn dạy sinh viên kỹ năng đảm bảo an toàn cho bản thân, kỹ năng triển khai sao cho hiệu quả và nhanh nhất, biết phối hợp hỗ trợ lẫn nhau. 

Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh cho biết, ngay bên cạnh trường là đội PCCC-CNCH. Sinh viên năm thứ 3, 4 sẽ tham gia trực ở đó cùng các giảng viên. TP Hà Nội coi đội là một đầu mối chiến đấu, huy động tham gia khi có sự cố cháy nổ. Từ đây, giáo viên và sinh viên học được nhiều kỹ năng thực tế để ứng biến nhanh trong mọi hoàn cảnh.

Với giảng viên, 2 năm phải luân chuyển đơn vị 1 lần. Thầy cô ở trường sẽ được đến các đơn vị bên ngoài hoạt động thực tế, trực ban, trực tiếp chỉ huy công tác PCCC-CNCH. Mỗi lần luân chuyển như vậy, giảng viên tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm để đưa vào giáo trình giảng dạy sao cho sát thực tiễn.

Sinh viên năm thứ 2 được thầy giáo hướng dẫn chuẩn bị bình dưỡng khí, mặt nạ trước khi bước vào giờ huấn luyện cứu người bị nạn trong đám cháy 

Chia sẻ về những giờ học ngoài thao trường, Tăng Tiến Duẩn - sinh viên năm 2 chuyên ngành Chỉ huy chữa cháy, cười nói: “Em quen rồi”.

Duẩn tâm sự, cách đây 10 năm, trên đường đi học về, em chứng kiến một vụ cháy cách nhà mình gần 1km. Cảnh hỗn loạn diễn ra, khói lửa ngùn ngụt bốc lên. Rất nhiều người từ trong đám cháy tháo chạy ra ngoài trong khi các anh lính cứu hoả lao vào chiến đấu với “giặc lửa”. Hình ảnh lính cứu hoả lấm lem khói bụi khiến Duẩn xúc động, nhen nhóm ước mơ sau này trở thành chiến sĩ Cảnh sát PCCC.

“Các năm cấp 2 học lực của em chỉ ở mức khá, có năm còn xếp loại trung bình. Sang cấp 3, không chỉ cố gắng học tập, em còn chăm chỉ tập thể dục, chơi thể thao để rèn luyện sức khoẻ”, Duẩn chia sẻ. Thành quả, em vượt qua kỳ sơ tuyển, chính thức cầm trong tay tờ giấy báo trúng tuyển với điểm 3 môn khối A đạt 27,9.

Rời gia đình, Duẩn khăn gói từ Đắk Nông ra Hà Nội làm thủ tục nhập học Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, đặt những bước chân đầu tiên trên con đường thực hiện ước mơ.

Một tiết học ngoài thao trường huấn luyện cứu hộ người bị nạn trên cao diễn ra dưới trời nắng gắt

Vào trường, tất cả giờ giấc từ ăn ngủ cho đến học tập đều được quy định chính xác đến từng phút. Ban đêm ngẫu nhiên kẻng báo động vang lên, sinh viên có 5 phút chuẩn bị và xuống sân tập trung. Duẩn mới đầu khá bỡ ngỡ nhưng rồi cũng quen. Đến giờ, điều đó với em trở thành bình thường.

“Học ngoài thao trường, mô phỏng thì kỹ thuật đu dây trên cao em thấy rất sợ. Từ tòa nhà 4-5 tầng cứ leo lên rồi lại tụt xuống. Nhưng ý chí buộc em phải vượt qua, phải làm tốt nhất có thể. Bởi em hiểu sau này đi thực hiện nhiệm vụ, hoàn cảnh thực tế còn khốc liệt và khó khăn hơn vạn lần”, Duẩn nói.

Ở Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, sinh viên nữ chỉ chiếm 10%. Quá trình học không có sự phân biệt, nam và nữ đều được đào tạo giống nhau.

Sinh viên say sưa luyện tập để nâng cao kỹ năng cứu nạn cứu hộ 

Công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ mang tính đồng đội cao, sinh viên thường coi nhau như người nhà, hỗ trợ nhau khi thực hiện nhiệm vụ 

Sinh viên nữ chỉ chiếm 10%

Là sinh viên nữ học chuyên ngành PCCC, Nguyễn Thị Ngọc Minh kể, nhiều môn rất khó. Như môn kỹ thuật CNCH, em và các bạn phải học cách đu dây, buộc nút dây, tháo dây cứu người bị nạn. 

Dây thừng to và cứng. Buộc định hình và tháo dây, thầy giáo hoàn thành trong 1 phút, sinh viên luyện 30 phút đến 1 giờ mới đúng kỹ thuật. Những kỹ năng này phải rèn luyện thường xuyên để thao tác thuần thục, làm được giống như bản năng.

“Bây giờ bọn em làm quen và tốc độ nhanh hơn rất nhiều rồi. Cõng người bị nạn (người nộm nặng 30-35kg) chạy thật nhanh cũng đã quen. Rèn luyện nhiều, thể lực rất khoẻ”, Minh khoe.

Khác với Duẩn và Minh muốn làm chiến sĩ Cảnh sát PCCC-CNCH để cứu người, Đinh Đức Hạnh - sinh viên chuyên ngành PCCC (hệ dân sự) theo học với ước mơ ra trường sẽ thiết kế thi công hệ thống PCCC, góp phần xây dựng những công trình an toàn, giảm thiểu sự cố cháy nổ, để các chiến sĩ PCCC-CNCH đỡ vất vả.

PCCC và CNCH là ngành nghề nhân văn, được xã hội và người dân tôn trọng, quý mến, ngưỡng mộ. Trung tướng, PGS.TS Lê Quang Bốn - Hiệu trưởng nhà trường mong sinh viên cố gắng học tập chuyên môn, nghiệp vụ thật tốt; rèn luyện sức khỏe, thể lực, xây dựng cho mình bản lĩnh gan dạ, dũng cảm, mưu trí; tích cực rèn luyện các kỹ năng mềm, khả năng thích ứng… để phục vụ thật hữu ích cho công tác sau này. 

Sinh viên trong giờ học lý thuyết

Nội dung: Tâm An

Ảnh: Phạm Hải - Clip: Đức Yên

Thiết kế: Hoàng Cúc