Với mỗi người Việt Nam, dù đi bất cứ đâu, làm bất cứ công việc gì thì Tết cũng là khoảng thời gian nghỉ ngơi đặc biệt để chúng ta được trở về quê hương, gặp lại người thân, kể cho nhau nghe những chuyện đã qua trong năm cũ và thầm ước những điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới.
Với tôi, ấn tượng sâu đậm nhất về Tết chính là những ngày 30 Tết của một thời đã xa lắc xa lơ, giờ chỉ còn trong hoài niệm. Ngày 30 Tết là ngày cuối cùng của năm. Ngoài chợ, trên đường làng, sáng ngày 30 Tết vẫn còn nhộn nhịp, tấp nập nhưng chỉ đến quá trưa, về chiều đường làng đã vắng vẻ, thưa người qua lại.
Thi thoảng, ta mới bắt gặp những bước chân vội vã của những người đi gửi Tết muộn màng. Những ai chợt nhớ đến mâm cơm ngày Tết còn chưa đủ vị cần mua sắm trước khi các nhà hàng đóng cửa. Hay một vài em nhỏ đang đốt nốt những quả pháo cuối cùng, nhanh chóng về bên gia đình, chuẩn bị bữa cơm tất niên, quây quần bên gia đình ấm cúng.
Trong bầu không khí ấy, thêm chút mưa phùn và một chút rét ngọt… khiến những ai, vì một lý do nào đó, chưa kịp trở về nhà trong thời khắc cuối cùng của năm cũ không khỏi chạnh lòng nhớ quê hương.
Và đêm trừ tịch mới thật là những khoảnh khắc không thể quên trong đời. Nữ sĩ Anh Thơ từ những năm 30 của thế kỷ trước đã ghi lại rất chân thực cảm xúc chỉ xuất hiện mỗi năm một lần ấy:
Quanh bếp ấm nồi bánh chưng sùng sục,
Thằng cu con dụi mắt cố chờ ăn.
Đĩ nhớn mơ chiếc váy sồi đen rức,
Bà lão nằm tính tuổi sắp thêm năm
(Đêm ba mươi Tết - Anh Thơ)
Sự nhạy cảm của một tâm hồn phụ nữ, thêm một chút khiếu quan sát, Anh Thơ đã làm sống dậy trong chúng ta những thói quen, phong tục tập quán của mỗi người dân Việt Nam mỗi dịp Tết đến, Xuân về - đậm đà hương sắc Việt Nam.
Những ai đã từng ngồi bên nồi bánh chưng đêm Ba mươi Tết, không khỏi cảm thấy xốn xang, tiếc nuối, ngậm ngùi khi đọc những câu thơ trên, nhất là khi nhìn cuốn lịch treo tường mỏng dần theo ngày tháng.
Ngày nay, đời sống kinh tế, xã hội ngày càng phát triển, hàng hóa, mua sắm cho Tết chưa bao giờ dễ dàng, thuận tiện hơn thế. Chỉ cần một cuộc gọi, một cái nhấp chuột trên không gian mạng là cả một “phiên chợ online” bày ra trước mắt, tha hồ chọn lựa bánh chưng, giò mỡ, dưa hành, canh măng, gà luộc,….
Sau đó, cũng không cần bước chân ra khỏi cửa, đúng ngày, đúng giờ, mâm cỗ tất niên đêm Ba mươi Tết đầy đủ, chuẩn vị truyền thống sẽ được mang đến tận nhà. Và nhiều người chúng ta lấy làm rất hài lòng với sự thuận tiện, nhanh chóng, đẹp mắt của những dịch vụ “đi chợ online”, “đặt cỗ online” như vậy.
Cũng có nhiều người cảm thấy “thiêu thiếu” một cái gì đó trong ngày cuối cùng của năm cũ khi đặt cỗ online, đi chợ online. Cái thiếu đó chính là mỗi thành viên trong gia đình không cảm nhận được cái rộn ràng, tất bật, thiêng liêng khi cùng nhau chuẩn bị cho mâm cỗ đêm Giao thừa! Vắng tiếng ông, bà, cha, mẹ sai bảo con cái đi lấy thứ này thứ nọ; thậm chí là gắt gỏng khi chợt nhận ra thiếu món đồ gì đó đã quên chưa mua để Tết thực sự đủ đầy!
Vài năm gần đây, trước khi dịch Covid-19 xảy ra, tôi cũng đã thi thoảng bắt gặp trong ngày Ba mươi Tết, trên vỉa hè phố phường đông đúc nồi bánh chưng bốc hơi nghi ngút, bếp lửa đỏ rực, vài người xúm xít xung quanh trò chuyện rôm rả. Có lẽ, họ cũng như tôi, đã nhận ra như vậy mới thực sự là Tết!
Bích Thu (Hà Nội)
Mời độc giả gửi bài Chuyện Tết xưa - Tết nay về địa chỉ email: bandoisong@vietnamnet.vn |