Ít ai biết rằng BS CK2 Trần Thanh Linh, Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy với biệt danh “bác sĩ 91” là người sinh ra để hồi sinh bệnh nhân từ thảm kịch đến đại dịch. Năm 2007 anh tham gia đoàn công tác tăng cường cứu những nạn nhân sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, cuối năm 2014 ứng chiến cứu nạn nhân mắc kẹt vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng (Lâm Đồng), năm 2020 tham gia điều trị cho 2 ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam.
Đặc biệt, dấu ấn không thể nào quên là anh góp công lớn “hồi sinh” bệnh nhân 91- phi công người Anh nhiễm Covid-19.
Nghỉ ngơi chưa được 10 ngày, anh vác ba lô đến tâm dịch Đà Nẵng ở lại đến 6 tuần, nơi Việt Nam có những bệnh nhân nhiễm Covid-19 đầu tiên tử vong. Trở về sau khoảng thời gian tĩnh lặng, Tết cận kề điểm dịch Gia Lai bùng phát, anh lại một lần nữa xung phong lên đường…không hẹn ngày về, chỉ biết khi nào hết dịch mới được về nhà.
Đã hơn 6 tháng kể từ khi bệnh nhân 91 trở về nước sau thời gian điều trị 115 ngày. Câu chuyện của bệnh nhân người Anh từng thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Đến giờ, Việt Nam đã bắt đầu bước vào đợt sóng thứ 3 của dịch Covid-19.
Bác sĩ Trần Thanh Linh sau khi tiễn bệnh nhân 91 về nước vẫn còn giữ liên lạc mặc dù thời điểm đó anh đang ở chiến trường Đà Nẵng… “Stephen lúc đó đang ở Anh, anh hồi phục tốt, có thể đi đứng bình thường. Anh tiết lộ đang chuẩn bị kỳ thi sát hạch phi công để sớm trở lại công việc. Song, khi nghe tin anh em Bệnh viện Chợ Rẫy ra Đà Nẵng chống dịch, anh vô cùng ngạc nhiên. Tại sao mọi người có đủ sức lực đến như vậy, anh chúc chúng tôi sức khỏe, rồi sau đó do bận bịu, việc liên lạc cũng gián đoạn”, bác sĩ Linh nhớ lại.
Bệnh nhân 91 và bác sĩ có vô vàn kỷ niệm đồng thời cũng có nhiều bí mật giữ cho riêng nhau. Những câu chuyện báo chí đăng tải về phi công Anh chỉ một phần nhỏ được phép hé mở.
“Có một điều có thể chia sẻ với mọi người rằng, Stephen muốn trở lại Việt Nam và hy vọng tôi (bác sĩ Linh) có thể tự tay cao râu cho anh ấy. Bởi lúc anh ấy không thể cử động tay chân. Với dân ICU,trong việc chăm sóc người bệnh, không ai nề hà điều gì cả. Giúp bệnh nhân là nhiệm vụ, kể cả đổ chất thải, vệ sinh cá nhân người bệnh huống hồ là công việc nhỏ cạo râu”, bác sĩ Linh thổ lộ.
Có thể nói giai đoạn 1 của đợt dịch Covid-19, bệnh nhân 91 chính là ca đặc biệt nhất, bệnh nặng nhất, được quan tâm nhất và cũng là bệnh nhân KHÓ CHỊU NHẤT.
Bệnh nhân được chuyển viện từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sang Bệnh viện Chợ Rẫy lúc còn hôn mê sâu, bệnh cảnh nặng nhiều lúc tưởng chừng tuyệt vọng. “Chúng ta tự hào cứu sống phi công Anh không phải vì hệ thống y tế chúng ta hơn các nước phương Tây tiên tiến mà chúng ta tự hào về sự ĐOÀN KẾT. Hơn 30 con người, chuyên gia đầu ngành hợp sức lại để cố gắng cứu bệnh nhân, không phân biệt đó là người nước ngoài hay người Việt, bệnh nhân có tiền hay không mà bệnh nhân đó còn cơ hội nào SỐNG hay không để ê-kíp cùng cố gắng”, bác sĩ Linh xúc động nhớ lại.
Chia sẻ thêm câu chuyện tại sao bệnh nhân 91 khó chịu không tiếp xúc truyền thông, bác sĩ Linh cho hay, cơ bản chúng ta nên hiểu và tôn trọng văn hóa của họ. Bệnh nhân cần sự riêng tư và những dư chấn tâm lý sau cuộc hành trình từ cận tử đến hồi sinh, bên trong tâm hồn có nhiều xáo trộn vì thế phải cho bệnh nhân 91 thời gian.
“Sau 1 năm, giờ nhiều người hay đùa gọi tôi là ‘bác sĩ 91’, đó là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời y nghiệp của mình”, bác sĩ Linh nói với ánh mắt hạnh phúc. Để “trị” một ca khó như 91, ngoài chuyên môn bác sĩ còn phải như một nhà tâm lý, có cảm thông, giải thích, ân cần gần gũi.
“Phải dự tính liệu trình điều trị từng loại thuốc gây ra tác dụng phụ, báo trước cho bệnh nhân, khi kịch bản xảy ra y chang họ không khó chịu và hợp tác. Dần dần họ tin tưởng vào chuyên môn của bác sĩ hơn. Hơn 2 tháng hôn mê, khi tỉnh bệnh nhân sẽ rơi vào trầm cảm, hoang mang lo sợ khi không có bạn bè, người thân. Bác sĩ phải bên cạnh bệnh nhân 100% để động viên. Đó là trị liệu tâm lý”, bác sĩ Linh tâm sự.
Cứ như vậy có một tình bạn xuyên biên giới vượt qua cả mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc.
Thật khó khăn để gặp gỡ, trò chuyện bác sĩ Trần Thanh Linh mong anh hé mở câu chuyện từ bệnh nhân 91 đến tử huyệt Đà Nẵng. Anh trở về sau những tháng ngày lăn lộn nơi tâm dịch, bản thân cũng bị sang chấn tâm lý, anh khó mở lòng khi bản thân đang “mắc kẹt” trong mớ cảm xúc hỗn độn, giằng xé.
Phải rất lâu mọi thứ trở lại cân bằng anh chấp nhận hé mở lòng mình. Song, thi thoảng cuộc phỏng vấn cứ ngập ngừng, tưởng chừng vị bác sĩ cứng cáp qua trăm trận mạc ấy lại cố đưa tay lên vuốt giọt nước mắt “chùng chình” chực chờ rơi khi hồi tưởng lại từng sự kiện.
Bác sĩ Linh nhớ mãi ngày 24/7/2020 Đà Nẵng phát dịch, bệnh nhân 416 dương tính, ê-kíp xách va ly ra sân bay chờ đợi để mong ra miền Trung hỗ trợ đồng đội. Ban đầu họ nghĩ ra giúp kỹ thuật ECMO, lên đường chỉ một ba lô với vài bộ đồ rồi về sớm. Song, đặt chân đến tâm dịch tình thế thật khốc liệt, các anh không còn nghĩ ngày trở về. Tiên lượng tình hình diễn tiến sẽ phức tạp, khó khăn hơn và cần thêm lực lượng chi viện.
Bệnh nhân quá đông, trong khi tử huyệt nằm ngay chính trong Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng khiến bác sĩ không còn khái niệm ngày đêm.
“Nhiều lúc không hiểu tại sao chúng tôi có đủ sức, sức mạnh nào đã đẩy chúng tôi từ 2h sáng phải dậy làm miệt mài đến gần 10h tối mới xong việc, miệt mài suốt 6 tuần. Tối về chỉ kịp ăn mì gói nghỉ ngơi rồi tiếp tục, chế độ dành cho bác sĩ rất tốt nhưng thực sự quá mệt khiến chúng tôi không nuốt nổi”, bác sĩ Linh nhớ lại.
Hàng trăm bệnh nhân liên tục dương tính, bác sĩ không chỉ làm chuyên môn, mà còn ra sức xây dựng bệnh viện điều trị chuyên Covid-19, thiết lập hệ thống Hồi sức cấp cứu, lọc máu. Và áp lực làm sao giải phóng 7.000 bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Nếu không giải phóng, bệnh nhân cả miền Trung mắc bệnh điều trị ở đâu… luôn câu hỏi lớn. Thời điểm đó những cuộc họp nửa đêm, bàn phương án dập dịch trong vòng 1 tháng chính là mục tiêu động lực để ê-kíp phấn đấu không ngừng nghỉ, làm đến kiệt cùng vì bệnh nhân đang chờ đợi họ.
“Chiến trường Đà Nẵng không có tiếng súng mà là chiến trường của tiếng xe cứu thương. Mỗi ngày mấy chục chiếc xe phong tỏa khắp nơi mang bệnh nhân đi, nhiều đêm con đường vắng lặng chỉ có chiếc xe cứu thương… Tôi và một đồng đội mặc đồ bảo hộ ngồi giữa đường chờ xe cấp cứu, không khí vắng lặng. Lúc đó, cảm nhận mình như 2 bóng ma, thật ác liệt”, bác sĩ Linh hồi tưởng.
Rồi chuyện gì đến cũng đến, không còn cảm giác tinh thần như lúc điều trị bệnh nhân 91 hồi sinh. Cái kết không mỹ mãn, Đà Nẵng có bệnh nhân tử vong đầu tiên vì Covid-19 và Việt Nam không thể giữ số 0 bệnh nhân tử vong. Bệnh nhân 428 tử vong trên bệnh nền suy tim, thận, đái tháo đường là một giọt nước tràn ly. Sau đó liên tiếp tin tử vong báo về từ Huế, Bệnh viện Hòa Vang. “Lúc đó, thật sự những tin buồn dồn dập như thể sát muối vào lòng nhân viên y tế”, bác sĩ Linh nhớ lại trong nghẹn ngào.
Theo bác sĩ Linh, thời điểm tâm dịch Đà Nẵng có 6 bệnh nhân phải chạy ECMO, rất nhiều bệnh nhân như bệnh nhân 91 và nặng hơn bệnh nhân 91: suy thận mạn, đái tháo đường… Bác sĩ lúc đó lực bất tòng tâm dù nỗ lực hết sức. Lúc đó, bài toán làm sao giải quyết được hai ổ dịch, cứu được nhiều bệnh nhân có thể là nhiệm vụ cấp bách, không cho phép bác sĩ chán nản và tâm lý thất bại.
Vì thế, có 6 bệnh nhân rất nặng chạy ECMO, tưởng chừng buông xuôi, nhưng sau lưng là đồng nghiệp, cả nước hướng về là nguồn động viên đã giúp ê-kíp điều trị không từ bỏ dù chỉ còn một cơ hội mong manh để cứu lấy bệnh nhân.
Riêng với bác sĩ Linh, câu chuyện Đà Nẵng là một nửa niềm vui, không trọn vẹn khi chiến trường khốc liệt có đến 35 bệnh nhân tử vong. Đây là vết hằn sâu vào lòng anh, khó lòng nguôi ngoai. Anh rấm rứt nhớ về hình ảnh bệnh nhân 996, 28 tuổi, trên bệnh nền ung thư máu giai đoạn cuối.
Từ lúc bệnh nhân tỉnh cho đến hôn mê, bác sĩ nhớ em trai bệnh nhân gửi một bức thư động viên. “Sau khi bệnh nhân ra đi, chúng tôi đọc lại bức thư, anh em gần như chết lặng… Dẫu nghề nghiệp mình gặp rất nhiều câu chuyện sinh ly tử biệt…nhưng câu chuyện quá sức chịu đựng, cảm xúc không thể nào kìm nén”, bác sĩ Linh nghẹn ngào câu chuyện như vừa mới xảy ra.
Khép lại lòng mình anh đã nỗ lực cùng hàng trăm bác sĩ cả nước dập xong ổ dịch Đà Nẵng để trở về TP.HCM trong sự yêu thương, mang theo về là tình cảm của bà con miền Trung.
Sau tất cả nhìn lại, vị bác sĩ- “chiến tướng tiên phong” chiêm nghiệm: “Đại dịch 100 năm định mệnh cả thế giới phải gánh chịu. Mình làm bác sĩ Hồi sức cấp cứu lúc nào cũng tâm thế sẵn sàng ra chiến trường. Dù đó là thảm kịch sập cầu Cần Thơ, sập hầm hay những đại dịch mà ta đối mặt, đã chọn nghề cấp cứu là số mệnh mình phải tâm thế xuân phong vào những tử huyệt. Quả thật, đại dịch lần như như một trường học lớn để tất cả anh em có thói quen trong điều trị, chuyên môn, tổ chức…nhìn lại để bổ sung cho hành trình về sau”.
Biền biệt chống dịch, bác sĩ lo cho người bệnh tất nhiên không trọn vẹn được mọi đường. Bác sĩ Linh ngậm ngùi khi nói về hậu phương, một năm chống dịch gần như gánh nặng gia đình đẩy lên vai người vợ. Nhiều lúc anh chỉ dám nhìn vợ con mình qua khung hàng rào “trại 6”, dẫu nhiều lúc muốn chạy đến ôm đứa con vào lòng vẫn không thể.
Vợ anh dù nhọc nhằn vất vả khi chăm sóc mẹ già với 2 con không hề than vãn mà còn thường xuyên nhắn tin động viên anh nơi tiền tuyến. Với anh ngoài kia trận mạc gian khổ, song nhìn về phía sau anh an ủi phần nào và hạnh phúc khi có người gánh vác trách nhiệm người đàn ông trong gia đình.
Lúc ở Đà Nẵng, bác sĩ Linh không dám gọi về nhà khi lúc nào con trai 5 tuổi cũng hỏi: “Ba ơi! Hết dịch chưa ba, ba có nhớ Nghĩa không…”. Mỗi lần như thế, anh thấy xót xa, chỉ mong thời gian cuốn anh đi, anh lao đầu vào cứu thêm nhiều bệnh nhân, dập dịch sớm để trở về.
Hơn ai hết, bác sĩ là người hiểu được phút giây sum vầy bên gia đình, anh mong mỗi người hy sinh một chút nhỏ nhoi để có một trạng thái bình thường không gia đình nào phải cách ly. Bởi, anh dự đoán sẽ còn đợt sóng thứ 3, thứ 4 của dịch ập đến lúc nào không hay.
“Lúc từ Đà Nẵng trở về, các bác sĩ tăng cường đều là đối tượng có yếu tố nguy cơ, phải tự cách ly. Vì vậy, chỉ ầm thầm trên một chuyến xe đi chỉ dám ghé những nơi vắng vẻ ăn những đồ mang theo, ngủ ngay trên xe “ăn bờ ngủ bụi”. Để giữ bức tường thành an toàn, anh em bác sĩ hy sinh một chút nhỏ nhoi cũng là niềm hạnh phúc”, điều chưa tiết lộ của bác sĩ về câu chuyện chống dịch.
Tiên đoán của một người đầy kinh nghiệm trận mạc, đợt dịch thứ 3 bùng phát giáp Tết. Gia Lai bỗng dưng thành một ổ dịch có nguy cơ như Đà Nẵng. Anh lại một lần xung phong lên đường đến Gia Lai giúp bạn, hỗ trợ công tác xây dựng bệnh viện dã chiến và với mục tiêu hết dịch mới trở về. “Chúng tôi xác định năm nay lại không có Tết, trong thời điểm này lực lượng nhân viên y tế không xung phong vào điểm nóng thì làm sao giúp bà con có Tết. Đó là nhiệm vụ và trách nhiệm”, anh nói lúc vác ba lô chi viện cho Gia Lai.
Rất may, điểm dịch cơ bản tạm ổn, bác sĩ vất vả một năm ròng kịp đáp chuyến bay cận giao thừa để cùng gia đình đón một cái Tết đầm ấm.
Một năm đầy vinh quang và nước mắt cho một người sinh ra để đặt vào những thảm kịch, tâm dịch hồi sinh những sinh mệnh mong manh trước cửa tử.
Phan Nhơn