Việc Quốc hội nước ta phê chuẩn EVFTA và EVIPA, cùng với quyết định của Nghị viện Châu Âu thông qua hai Hiệp định đã khẳng định mạnh mẽ mong muốn, lợi ích và quyết tâm của hai bên tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa và tạo những đột phá mới nâng tầm quan hệ Việt Nam – EU sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Trải qua ba thập kỷ với nhiều thay đổi trong tình hình thế giới và tại hai châu lục Á - Âu, quan hệ Việt Nam – EU đã không ngừng phát triển, ngày càng sâu sắc và thực chất hơn, với dấu mốc lịch sử là việc hai bên thiết lập quan hệ Đối tác và hợp tác toàn diện vào năm 2012 và phê chuẩn Hiệp định khung về Đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam - EU (Hiệp định PCA) vào năm 2016.
EVFTA một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có tiêu chuẩn cao, toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Riêng đối với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong điều kiện bình thường thì hiệp định có thể giúp GDP tăng bình quân đến 3,2% trong giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, bình quân đến 5,3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% cho 5 năm sau đó.
Một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới cho thấy, nếu thực hiện đồng thời cả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì GDP của Việt Nam có thể tăng thêm tới 3,2% trong thập kỷ 2021-2030.
Với cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế của EU, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU dự kiến sẽ mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU khoảng 42 % vào năm 2025 và gần 45% vào năm 2030 so với kịch bản không có hiệp định, cũng như tăng thu hút đầu tư FDI vào Việt Nam.
EU hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba, thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của Việt Nam... Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam-EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh bất chấp đại dịch Covid-19 và bất ổn của kinh tế-xã hội Châu Âu. EVFTA cũng hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên. Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất... Qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Đến nay là tròn hai năm thực thi Hiệp định EVFTA và đó cũng là thời gian dịch Covid-19 xảy ra, tác động sâu sắc đến nền kinh tế toàn cầu cũng như kinh tế Việt Nam.
Tuy vậy, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong hai năm vừa qua, tính từ thời điểm Hiệp định có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) cũng đạt khoảng 83 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 15%.
Để có được giá trị kim ngạch XNK cả năm 2022 ước đạt khoảng 750 tỷ USD và tiếp tục cân bằng được cán cân thương mại-với kỷ lục xuất siêu hơn 11 tỷ USD phải kể đến nỗ lực của các ngành kinh tế, cộng đồng DN trong việc khai thác hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao.
Tại tọa đàm "Tận dụng EVFTA để xây dựng thương hiệu ngành hàng", ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, hiệp định này có tác động rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu nói chung. EU là thị trường tiêu thụ rất nhiều sản phẩm của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm như thủy sản, lúa gạo. Bên cạnh đó, thị trường EU cũng là một thị trường đa dạng và các sản phẩm công nghiệp cũng được tiêu thụ lớn.
Trong hai năm vừa qua, đa số các mặt hàng của chúng ta xuất khẩu sang EU đều có mức tăng trưởng rất cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như: Sắt thép tăng trưởng lên đến 200%, cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%.
Riêng đối với các nhóm hàng truyền thống thì chúng ta đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như dệt may, gia dày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%. Chỉ có một nhóm hàng bị giảm sút do tác động của dịch Covid-19 là điện thoại và linh kiện. Tuy nhiên, về tổng thể, theo ông Trần Thanh Hải, tác động của hiệp định là một xung lực rất tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Với những thành tích xuất khẩu như vừa qua, có thể khẳng định, Việt Nam đã tận dụng tương đối tốt hiệp định này; và các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu thay đổi tư duy, định hướng thị trường, định hướng mặt hàng.
Và, xác định EU là một trong những khu vực quan trọng với những kênh phân phối lớn, nên Bộ Công Thương sẽ phối hợp với nhà nhập khẩu, kênh phân phối lớn của châu Âu để tổ chức các sự kiện lớn, quảng bá hàng hóa Việt Nam sang các nước khu vực EU trong năm 2023.
Kể từ khi EVFTA có hiệu lực, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam - EU tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng rất mạnh bất chấp đại dịch Covid-19 và bất ổn của kinh tế xã hội Châu Âu. EVFTA cũng hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên. Với việc xóa bỏ ngay lập tức 85,6% dòng thuế giữa Việt Nam với EU, nhiều ngành hàng của Việt Nam sẽ có lợi thế vì giảm được chi phí nhập khẩu nguyên liệu sản xuất... Qua đó, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Về đầu tư, với cam kết mạnh mẽ đảm bảo tính minh bạch, thông thoáng, thuận lợi trong môi trường kinh doanh đầu tư, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư chất lượng cao từ EU với những dự án có công nghệ tiên tiến, tạo ra những giá trị và lợi ích chung cho cộng đồng doanh nghiệp hai Bên. EU hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 27,6 tỷ USD lũy kế đến tháng 8 năm 2022. Tính riêng 8 tháng năm 2022, tổng vốn đăng ký đầu tư của EU tại Việt Nam đạt 2,2 tỷ USD, tăng 69,6% so với cùng kỳ năm ngoái, với 104 dự án cấp mới.
Đây là những tín hiệu đáng mừng và sự khởi đầu thuận lợi, đồng thời là cơ sở hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - EU trong thời gian tới từ đòn bẩy từ EVFTA.
Mới đây, chia sẻ tại tọa đàm “Tận dụng lợi ích từ nhập khẩu, đầu tư của EU trong EVFTA” tổ chức hôm 6/12, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tương đối tốt lợi thế của EVFTA về nhập khẩu nguyên liệu, máy móc từ EU để gia tăng giá trị và kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam nói chung đã tận dụng tương đối tốt những lợi ích, lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do EVFTA. Tuy nhiên, vẫn còn những doanh nghiệp và các hàng hóa của Việt Nam chưa đạt được những tiêu chuẩn kỹ thuật và cụ thể những tiêu chuẩn về vấn đề môi trường xã hội trong những chính sách của EU.
Vì vậy, các doanh nghiệp Việt có thể thông qua EVFTA để tận dụng nguồn đầu tư, máy móc, nguyên liệu và công nghệ từ châu Âu, để từ đó thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra hàng hóa có chất lượng tốt hơn, bảo vệ môi trường hơn, phù hợp với xu hướng của tiêu dùng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết, hiện EU có xu hướng đa dạng hóa các địa điểm đầu tư, nhất là hướng tới thị trường có nhiều mạng lưới các FTA để DN của họ có thể tận dụng cái ưu đãi, ưu đãi thuế, ưu đãi về quy tắc xuất xứ để từ đó xuất xuất khẩu sang các thị trường khác. Trong đó, nhà đầu tư tới từ EU có sự chuyển hướng sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đấy là một xu hướng lớn. Song điểm đáng lưu ý, đó là EU luôn hướng tới xu hướng đầu tư nó gắn với cái tiêu chuẩn phát triển bền vững. EU không không quá coi trọng câu chuyện giá rẻ hay công nghệ thấp mà họ gắn với ý thức phát triển bền vững, gắn với tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Ngoài ra, khi EU tìm đến một địa điểm đầu tư mới có nhiều mạng lưới FTA với các đối tác khác cũng là điểm cộng để nhà đầu tư EU tận dụng ưu đãi thuế, quy tắc xuất xứ, từ đó xuất khẩu sang các thị trường khác. Bên cạnh đó là xu hướng đầu tư gắn với tiêu chuẩn phát triển bền vững, bởi EU coi trọng ý thức gắn với phát triển, tiêu dùng và sản xuất bền vững.
Để làm được điều này, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất quan trọng. Chỉ cần một vài doanh nghiệp không đáp ứng sẽ tạo hiệu ứng xấu cho môi trường đầu tư của Việt Nam. Do đó, bên cạnh chuyển biến từ doanh nghiệp, vai trò của các bộ, ngành và hiệp hội trong việc chia sẻ thông tin, nhằm đáp ứng xu hướng mới của nhà đầu tư EU là cần thiết.
Ông Dương chia sẻ thêm, việc tạo dựng một môi trường cạnh tranh, đầu tư kinh doanh thông thoáng là điều kiện không chỉ tốt cho doanh nghiệp từ phía EU, mà kể cả đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Từ phía EU, kể cả từ cấp Chính phủ, cũng như doanh nghiệp đều có những xu hướng thúc đẩy hoạt động đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Vì vậy, sự chuyển hướng của nhà đầu tư từ EU sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam là xu hướng lớn.
Bà Đào Thu Trang, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược phát triển thị trường, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam khẳng định, EVFTA là điểm nhấn thu hút đầu tư từ EU vào Việt Nam.
Do đó, để thu hút được nguồn vốn chất lượng cao từ EU có nhiều điều mà DN và cơ quan quản lý Việt Nam cần quan tâm thực hiện. Điều đầu tiên, các cơ quan quản lý của Việt Nam tăng cường hiệu quả công tác thực thi hiệp định, để xây dựng và sửa đổi những văn bản luật có liên quan; có những chiến lược, chính sách phát triển nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng để giúp cho doanh nghiệp của Đức, các nhà đầu tư Đức và các nhà đầu tư của châu Âu yên tâm trong vấn đề phát triển lâu dài và bền vững tại thị trường Việt Nam. Cùng với đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp địa phương, doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng uy tín và bền vững, để có thể tận dụng được những yếu tố về nguyên tắc xuất xứ, tận dụng tối đa được lợi thế từ EVFTA…
Anh Duy, Vân Anh, Hoàng Giang, Ngọc Trang, Thành Huế, Phan Hiếu, Nguyễn Vịnh