Tuần Việt Nam tiếp tục toạ đàm với chủ đề: "Tận thu tài nguyên đất nước"cùng ông Đào Trọng Tứ, GĐ Trung tâm Phát triển bền vữngTài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu, Nguyên Phó Tổng thư ký uỷ ban sông Mê Kông; bà Ngụy Thị Khanh GĐ Trung tâm Sáng tạo Phát triển xanh Green ID và ông Nguyễn Minh Thuyết nguyên là ĐBQH khoá XI, XII.

Không thể lấy công quỹ đền quyết sách sai

Hoàng Hường: Trong phần tọa đàm trước, các khách mời đang thảo luận vấn đề: "Ai và nguồn nào sẽ đền bù cho DN nếu dự án bị đình chỉ" và cách nào để điều hòa được vai trò và quyền lợi của DN -  cộng đồng - nhà nước. Tôi muốn biết ý kiến từ kinh nghiệm thực tế của bà Khanh?  

Bà Ngụy Thị Khanh: Với những trường hợp thế này, các bên liên quan hay những quyết định sai đều có chủ thể. Và họ sẽ phải chịu trách nhiệm khi đưa ra quyết định sai.

Dự án hiện đang tạm dừng, nhưng câu hỏi của chị Hường liên quan đến việc "ai sẽ là người phải chi trả cho doanh nghiệp khi mà họ đã phải làm động tác hoàn nguyên lại với môi trường?"

Người dân sẽ không chấp nhận việc lấy công quỹ để trả cho DN vì điều này vô lý. Ai đưa ra quyết định sai thì phải chịu trách nhiệm. Không thể lấy ngân sách bù vào để tạo tiền lệ cho hành vi làm sai mà không xử lý trách nhiệm. 

Ông Nguyễn Minh Thuyết: Trước hết là chúng ta phải thực hiện được yêu cầu công khai minh bạch. Tất cả những dự án này phải được công bố cho người dân biết bằng nhiều phương tiện khác nhau. Người ta có thể có ý kiến, sau đó chúng ta có thể tổ chức những cuộc tham vấn ý kiến của chuyên gia bởi vì các chuyên gia am hiểu sâu nhất. 

Bà Ngụy Thị Khanh: Tôi rất tán thành với chia sẻ của ông Thuyết. Có một điểm khác nữa là vai trò của người dân cũng phải tích cực, chủ động hơn. Qua câu chuyện cây xanh và sông Đồng Nai tôi thấy rằng người dân quan tâm đến môi trường sống chung chứ không phải chỉ như một số người nói là "À, việc chung thì mặc kệ!"

Ông Đào Trọng Tứ: Tôi phân vân chuyện ông Thuyết và bà Khanh nói người dân phải chủ động, tích cực hơn.Ví dụ khi đổ đất xuống rồi người dân mới biết thì dân làm được gì? Tất cả những vụ việc vừa rồi có sự kết hợp giữa công luận, báo chí và người dân, riêng người dân thấp cổ bé họng, giả dụ như tôi chẳng hạn, thì rất khó để lên tiêng đơn độc.

Trong quản lý hiện nay chúng ta đều nói 'sống làm việc theo pháp luật', các dự án tác động đến mức độ nào thì phải công khai ở mức độ đó. 

Còn hài hòa lợi ích các bên là chuyện khó. Luật pháp đưa ra vấn đề gì, có nghĩa là đã tính đến lợi ích các bên rồi. Vấn đề chỉ là, đang có tình trạng luật của ngành nào thì bảo vệ cho quyền lợi của ngành đó.

Vậy thì hài hoà thế nào?

Trong thời buổi phát triển kinh tế hiện nay, các vấn đề như Quan hệ Đối tác Công - Tư  chẳng hạn, rất quan trọng vì Nhà nước không thể bao cấp hết. Câu chuyện cổ phần hoá hay huy động các lực lượng của xã hội và tư nhân cuối cùng mục tiêu phát triển cũng vì con người.

Xin nhắc lại câu của ông Ban ki-moon Tổng thư kí LHQ: "Các chỉ tiêu kinh tế xã hội, môi trường, trong phát triển tiến bộ, chỉ cho chúng ta thấy: chúng ta đi rất xa nhưng chệch con đường phát triển bền vững"  

Thêm vấn đề khác nữa là tài nguyên của chúng ta ngày càng cạn kiệt, giờ chỉ có mỗi con đường là theo hướng phát triển bền vững.

tọa đàm, năng lượng, ngành than, nguy cơ, phát triển, cạn kiệt
Ông Nguyễn Minh Thuyết và bà Ngụy Thị Khanh


2015: VN từ nước xuất khẩu sang nhập khẩu than

Hoàng Hường:Nhân nói về phát triển bền vững, tôi không khỏi liên tưởng tới câu chuyện đang nóng lên những năm gần đây là cảnh báo về tư duy khai thác tận thu đang khiến nhiều nguồn tài nguyên cạn kiệt. Ví dụ, cách đây vài năm chuyên gia ngành than Nguyễn Thành Sơn đưa ra một nhận định khá sốc: Trong khi xuất khẩu ồ ạt thì đồng thời chúng ta bắt đầu phải nhập khẩu than. Tất nhiên với giá thành cao. Phải chăng cái giá phải trả do "vắt kiệt" tài nguyên môi trường, đến lúc này mới bắt đầu nhìn thấy? Và tác động lên một số ngành kinh té?

Bà Ngụy Thị Khanh:  Mấy năm trước rất nóng chuyện than. Xuất khẩu ồ ạt không kiểm soát. Đến nay, theo quy hoạch của ngành than cũng như quy hoạch ngành điện, dự báo là sau  2015 chúng ta sẽ nhập khẩu lượng than rất lớn để phục vụ cho phát điện.  

Suốt quá trình làm việc với chuyên gia các ngành than, điện vừa qua, chúng tôi nắm bắt được thông tin than VN có tiềm năng lớn, nhưng khả năng để khai thác được tiềm năng đó lại rất nhỏ, chỉ chiếm 6% tổng tiềm năng. Nguồn than chủ yếu nằm ở bể than sông Hồng. Và chưa thể khai thác nguồn tiềm năng này tới năm 2030.

Ví dụ, ngành than đưa ra nghị kiến từ 2015 có khả năng khai thác, ước tính mỗi năm được khoảng 55 đến 58 triệu tấn. Nhưng thực tế theo con số chúng tôi nhận được năm 2013 thì họ chỉ khai thác được với công suất một năm chỉ có 44 triệu tấn thôi, tức là thấp hơn khoảng 10 triệu tấn so với dự kiến.  

Tại sao? Bởi vì công nghệ khai thác than hiện nay là phải đi sâu xuống dưới hầm lò lộ thiên, và khi mà xuống hầm lò thì anh phải chi phí lớn hơn, độc hại hơn, điều kiện làm càng khó khăn hơn.  Có vẻ như chúng ta phải chuyển từ nước xuất khẩu nhiên liệu sang nước nhập rồi. 

tọa đàm, năng lượng, ngành than, nguy cơ, phát triển, cạn kiệt
Ông Đào Trọng Tứ


Hoàng Hường:Vậy là sắp tới sẽ là viễn cảnh thách thức cho nhiều ngành sản xuất, vậy theo các chuyên gia, thách thức chính tới đây là gì? 

Ông Đào Trọng Tứ: Hiện nay công suất điện giữ phần lớn nhất là thuỷ điện, gần 50%. Song chính thuỷ điện cũng đã khai thác  hết 85% tiềm năng. Vừa rồi QH phải dừng 480 thuỷ điện nhỏ vì những tác động môi trường. Đơn giản vì thuỷ điện không phải năng lượng sạch. Năng lượng gió, điện mặt trời mới sạch.  

Quay trở lại than, than là một trong những nguồn cung cấp, sản xuất ra năng lượng lớn nhất, là nhiên liệu truyền thống từ thời tiền cổ, và thế giới phát triển như hiện nay từ khi phát hiện ra than. Nhưng than là một nguyên liệu hoá thạch hữu hạn, và vấn đề phát triển tiềm lực than nó gây lên tác động rất ghê gớm đến môi trường.  

Trong một số nghiên cứu mà chúng tôi có, một trong những phương thức sản xuất điện bằng than là tác hại ghê gớm nhất là do vấn đề từ khâu sản xuất, vận chuyển môi trường, nhất là khi phát điện gây độc hại. 

Hiện nay ta có thể lạc quan hơn là công nghệ càng ngày càng tiên tiến lên, lọc những chất độc tốt hơn, thiệt hại giảm đi. Nhưng trong tất cả các loại hình sản xuất điện thì nhiệt điện than vẫn gây ltác động ghê gớm nhất, hy vọng rằng chúng ta sẽ tìm được biện pháp. 

Trở lại chủ đề phát triển bền vững, với kinh nghiệm khi chúng tôi tham quan ở Đức, phát triển năng lượng tái tạo có tiềm năng rất lớn mà chúng ta ít để ý đến. Riêng năng lượng tái tạo của Đức đã là hơn gấp 2 lần năng lượng toàn bộ sản lượng điện của mình, tiềm năng rất lớn.

Tất nhiên là chúng ta có những rào cản kỹ thuật, pháp lí và đồng thời là vấn đề tài chính, khiến chưa thể phát triển năng lượng tái tạo mạnh được, như vấn đề hiện nay của năng lượng gió là vấn đề giá cả. Nghị quyết số 24 của Trung ương Đảng có nói về câu chuyện biến đổi khí hậu, xử lý, bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên.  

Tôi cho rằng đây là một bước đi về mặt cam kết chính trị rất lớn, nhưng chúng ta có làm đến nơ i đến chốn hay không: diện tích đất nước chúng ta rất nhỏ, có 331.698 km²; mà dân số đã 90 triệu người. Đất nước ngày càng đông, mà chúng ta sử dụng tài nguyên một cách mạnh mẽ như thế này. Tài nguyên than lại được trợ cấp giá. Hiện nay các nước cũng muốn đầu tư vào để sản xuất điện, đối với quan điểm của một người làm về môi trường, vấn đề tài nguyên tôi thấy phải nhìn nhận lại. 

(Còn nữa) 

Phần sau: Chủ trương kêu gọi các nhà đầu tư nhằm mở mang phát triển thị trường, bên cạnh mặt lợi là một số hệ lụy khác như khai thác triệt để các nguồn tài nguyên giá rẻ để phục vụ sản xuất. Lãi thì người ta hưởng, còn hệ quả chúng ta phải gánh chịu, thậm chí không ít DN FDI còn báo lỗ giả. Giải bài toán này như thế nào?

Tuần Việt Nam

Ảnh: Lê Anh Dũng

Quay phim: Đức Yên, Xuân Quý

Đạo diễn hình: Thúy Hồng

Dựng phim: Huy Phúc