Reuters dẫn lời phát ngôn viên hải quân Argentina Enrique Balbi cho hay, tín hiệu cuối cùng được tàu ngầm ARA San Juan phát đi là hôm 15/11 khi nó đang ở phía nam của biển Argentina, cách bờ biển Patagonian 432km.
Chiến dịch khẩn cấp đã chính thức được nâng cấp thành tìm kiếm và cứu hộ vào tối qua 17/11 sau khi mọi liên lạc với tàu ngầm bị ngắt, ông Balbi nói.
"Việc phát hiện tàu ngầm là vô cùng khó khăn dù nhiều tàu và máy bay đã tham gia tìm kiếm", ông Balbi nói đồng thời nhấn mạnh gió lớn và sóng cao khiến việc tìm kiếm và cứu hộ thêm phần phức tạp. "Dĩ nhiên, nhiều giờ đã trôi qua. Đã hai ngày mất liên lạc với tàu ngầm".
Hải quân cho tin rằng tàu ngầm, rời Ushuaia và trên đường tới thành phố biển Mar del Plata ở tỉnh Buenos Aires, đã gặp trục trặc trong liên lạc do mất điện. Theo quy định của hải quân, tàu ngầm sẽ được yêu cầu nổi lên mặt nước khi không thể liên lạc.
"Chúng tôi hy vọng, nó đã nổi lên", phát ngôn viên hải quân Argentina cho hay.
Tàu ngầm ARA San Juan do Đức đóng, sử dụng động cơ đẩy chạy bằng điện-diesel và được đưa vào hoạt động năm 1983. Đây là một trong 3 tàu ngầm mới nhất trong hạm đội tàu ngầm của hải quân.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri cho hay, chính phủ đã liên lạc với gia đình các thủy thủ. Theo Guardian, nhà lãnh đạo này đã viết trên mạng xã hội Twitter, "Chúng tôi cam kết dùng mọi nguồn lực trong nước và quốc tế cần thiết để tìm tàu ngầm ARA San Juan sớm nhất có thể".
Argentina đã chấp nhận đề nghị giúp đỡ của máy bay thám hiểm NASA P-3 của Mỹ đang đóng ở thành phố Ushuaia. Brazil, Uruguay, Chile, Peru, Anh và Nam Phi cũng chính thức đề nghị giúp đỡ.
VietNamNet/Video TTXVN