Hơn 12 năm qua, anh Hồ Hoàng Liêm cùng các cộng sự miệt mài “cõng điện”, rạp chiếu phim lên núi, đem thứ ánh sáng hiện đại đến với những bản làng khó khăn…
Khi màn chiếu 200 inch bừng sáng cùng cảnh phim hoạt hình, lũ trẻ của điểm Trường Lủng Chư (xã Thượng Phùng, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) ồ lên háo hức. Các em quay sang hỏi anh Liêm dồn dập: “Chú ơi, tivi to bằng cái nhà thế này chú có đem về không?”, “ngày mai các chú có mở cho con xem nữa không?”.
Anh Hồ Hoàng Liêm (33 tuổi, ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) miêu tả lại cảm xúc của những em nhỏ vùng cao lần đầu trông thấy rạp chiếu phim. Đây là rạp chiếu phim trên núi thứ tư được anh Liêm cùng các cộng sự triển khai và chuẩn bị lắp rạp thứ năm ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam).
Hơn 12 năm qua, anh Liêm rong ruổi mang nụ cười đến các bản làng khó khăn.
Ý tưởng lập rạp chiếu phim lưu động xuất hiện hai năm trước, khi anh Liêm bắt gặp ánh mắt ngơ ngác của trẻ vùng cao lần đầu nhìn thấy những ngôi nhà cao tầng, thấy ô tô chạy trên đường trong điện thoại của anh. Có em còn hỏi đó là cái gì?”.
Ở những vùng núi xa xôi, đâu đó vẫn có những con người vất vả, chỉ mong có đủ cái ăn qua ngày thì ánh sáng vào ban đêm hay rạp phim đối với họ vẫn còn là thứ quá xa xỉ.
Sự ngỡ ngàng về thế giới trong mắt những đứa trẻ làm anh Liêm thêm khao khát, mong muốn đem đến những thước phim về thế thế giới rộng lớn bằng việc cõng rạp chiếu phim đến với các em. Đây như là một món quà tinh thần vô cùng to lớn, giúp các em mở ra cửa sổ với thế giới bên ngoài, nơi không chỉ có bản làng, núi rừng.
Để tổ chức được mỗi rạp chiếu phim như thế, nhóm của anh Liêm phải chở thiết bị, pin năng lượng mặt trời, đầu chiếu, màn hình vượt hàng trăm cây số từ Đà Nẵng đến các vùng miền núi xa xôi như ở xã Thượng Phùng (Mèo Vạc) hay Trà Tập (Nam Trà My). Đường xá hiểm trở, có những điểm phương tiện không thể đi vào được, mọi người phải đi bộ cõng thiết bị.
Gần nhất, khi lắp rạp phim ở điểm trường Lủng Chư, nhóm anh Liêm phải vác bộ hơn 9km đường núi, hai bên đường đi lên bản là vực sâu để đưa các thiết bị đến lắp ráp ở điểm trường. Ở tất cả các chuyến đi, anh Liêm và những người bạn của mình đều mang theo rất nhiều món đồ chơi cho các em nhỏ.
“Điểm trường Lủng Chư là nơi xa nhất mà cả nhóm đi. Chúng tôi chuẩn bị hơn 1 tháng trước khi di chuyển. Khi thấy máy chiếu phát những bộ phim hoạt hình không chỉ các em mà người dân trên bản ai cũng vui mừng vì lần đầu họ được xem phim.
Rạp chiếu phim sẽ chiếu những bộ phim hoạt hình, ngoài ra thầy cô còn có thể sử dụng luôn rạp chiếu phim đó làm dụng cụ dạy học. Đó cũng là cửa sổ để các con nhìn ra bên ngoài và là động lực để các con thích đến lớp hơn”, anh Liêm nói.
Cô giáo Đỗ Thị Hương, điểm trường Lủng Chư tâm sự, ở khu vực Lủng Chư, các gia đình rất nghèo, không có điện. Từ trước đến nay các con đều phải tự mường tượng về thế giới qua lời kể của thầy cô, còn nay được tận mắt nhìn thấy bằng những hình ảnh chân thực, sống động.
“Không chỉ mang rạp chiếu phim lên núi, nhóm anh Liêm còn mang tặng các em ô tô đồ chơi, gấu bông, dụng cụ học tập, áo ấm. Kể từ khi nhận được những món quà đó, các em rất là vui, những chiếc xe mà các em chưa từng được thấy bao giờ, chưa từng được sử dụng thì hôm đó anh Liêm đem đến rất nhiều. Từ khi có rạp chiếu phim các em đi học đều hơn và sớm hơn mọi ngày…”, cô Hương chia sẻ.
Anh Liêm sinh ra trong gia đình khó khăn ở Đà Nẵng. Từ bé, anh đã cùng cùng bạn bè trong xóm đứng xếp hàng để nhận thực phẩm, đồ chơi của các đoàn từ thiện. Chính những khó khăn thuở nhỏ đã khiến anh luôn khao khát được làm điều gì đó giúp đỡ trẻ em ở vùng cao.
Anh bắt đầu tham gia những chuyến đi tình nguyện lên vùng cao từ thời sinh viên vào năm 2009. Những chuyến đi đó khiến anh thêm thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn của trẻ em vùng núi. Ngay sau đó, anh Liêm quyết định cùng những người bạn thành lập Câu lạc bộ Nụ cười hồng Đà Nẵng với mong muốn giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, gặp nhiều khó khăn.
Ban đầu chưa có mạnh thường quân hỗ trợ, nhóm đi bán kẹo, bán hoa, xin từng lon gạo, tổ chức các đêm nhạc đường phố để gây quỹ. Sau 5 năm hoạt động, ngoài việc trích lương làm từ thiện, nhiều mạnh thường quân ngỏ ý hỗ trợ, nhóm anh Liêm bắt đầu tìm đến các điểm trường vùng sâu, vùng xa để lắp điện mặt trời, máy lọc nước, tạo sân chơi cho trẻ em…
Kỷ niệm mà anh Liêm nhớ nhất trong hơn 12 năm làm thiện nguyện là lần cõng pin năng lượng mặt trời đến một thôn hẻo lánh ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Năm 2016, anh và những người bạn thay nhau vác 4 tấm pin năng lượng mặt trời nặng hơn 100kg, đến thôn 5 (xã Trà Dơn, huyện Nam Trà My)
“Cả đi và về chúng tôi đi bộ suốt 19 giờ. Tôi vẫn nhớ khoảnh khắc khi ánh sáng bóng đèn đầu tiên bật lên cả người dân thôn 5 và đoàn từ thiện vui mừng, ôm nhau bật khóc”, anh Liêm nhớ lại.
Anh kể, đến thời điểm này, câu lạc bộ của anh lắp đặt 16 trạm pin mặt trời thắp sáng cho nhiều điểm trường và thôn bản ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai, Bình Định... Những tấm pin đến nay vẫn hoạt động tốt, đủ chiếu sáng cho bà con trong thôn bản.
Song hành cùng việc “cõng điện”, rạp chiếu phim lên bản, câu lạc bộ của anh Liêm còn tổ chức chương trình áo ấm mùa đông, mỗi đợt gần 10.000 áo cho trẻ vùng núi; giúp bà con vùng bão lũ; tổ chức phiên chợ 0 đồng; giúp người dân phát triển kinh tế như hỗ trợ con giống, cây trồng; phẫu thuật cho các em nhỏ bị sứt môi, hở hàm ếch…
Hơn 12 năm làm thiện nguyện, luôn có mặt ở những vùng khó khăn, không ít lần anh Liêm rơi vào tình huống nguy hiểm như suýt bị đuối nước trong đợt lũ lịch sử ở miền Trung năm 2020, hay may mắn thoát khỏi trận lở đất ở Nam Trà My năm 2019.
Khi được hỏi có lúc nào anh muốn dừng lại, anh chỉ cười và nói: “Chúng tôi không ngại đi xa hay vất vả, mà chỉ sợ không thể giúp hết những cảnh đời khốn khó. Chỉ cần thấy mọi người vui là tôi cảm thấy hạnh phúc rồi.
Tâm niệm của chúng tôi là khi nào không còn lời đề nghị hỗ trợ, nơi khó khăn nhất có điện, có nước sạch, các em được tiếp cận tri thức tốt hơn thì khi đó tôi mới cho phép bản thân mình dừng lại".