Thời điểm trước Tết Quý Mão gần 10 ngày, thị trường cây cảnh bắt đầu sôi động khi hoa được bày bán 24/24h trên vỉa hè. Sau vài giờ ngồi canh hàng, nhiều người ngả lưng xuống chiếc lều tạm bợ chờ đêm trôi qua mau.
Cảnh tượng này xuất hiện nhiều dọc tuyến đường Lạc Long Quân, đoạn giao với phố Trích Sài, một trong những địa điểm bán cây cảnh sôi động nhất thủ đô.
Mặc dù thời tiết đang ấm dần, nhiệt độ về đêm vẫn xuống thấp. Gần 1 tháng ăn nằm ngoài hè phố, người bán cây cảnh còn phải đối mặt với nỗi lo sợ trộm cắp hàng hóa.
Từ ngày 20/10 (Âm lịch), ông Kim Tiến (huyện Hoài Đức) đã phải thường xuyên lên Hà Nội để xem địa thế thuê mặt bằng, nghiên cứu thời tiết để tính toán cho vụ mùa Tết. "Hơn một tháng ăn ở, sinh hoạt tại Hà Nội, mấy anh em hiếm khi về nhà", ông Tiến nói.
Căn lều tạm bợ của các anh em ông Tiến được chống bằng cột gỗ rồi căng bạt bao xung quanh, chỉ vừa đủ để che nắng, mưa.
Nơi cư trú tạm bợ này cũng đáp ứng được những sinh hoạt cơ bản của người lao động như nấu ăn, tắm rửa.
11h30, những người lao động vẫn tất bật vận chuyển cây để kịp giao cho khách hàng ở các tỉnh. Tất cả cây ở đây đều do nhà ông Tiến trồng, bao gồm bưởi Diễn và quất.
Thức trắng đêm trông cây trên đường Lạc Long Quân, Sơn và Huy đốt lửa để sưởi ấm. "Đêm xuống trời trở gió, đốt vài thanh củi cũng đỡ lạnh hơn hẳn", Huy nói. Đây là năm thứ hai họ kinh doanh cây cảnh Tết khi góp vốn cùng người quen để nhập cây về bán.
Sau một ngày làm việc, Tiến và Tuấn Anh chuẩn bị đi ngủ, "Bê cây cả ngày khiến cơ thể ê ẩm, bây giờ chỉ thèm giấc ngủ thôi", Tiến nói. Sạp của chàng trai bán giống đào thất thốn, tất cả đều là gia đình cậu trồng được.
Ngay gần đó, bà Nguyễn Thị Miên đang quây bạt để chuẩn bị đi ngủ. Trong vòng 20 ngày bà được trả tiền công 5 triệu đồng. "Tôi có tuổi rồi thức khuya cũng khá mệt mỏi, chỉ lúc nào không có khách mới tranh thủ ngả lưng được một chút", người phụ nữ tâm sự.
Anh Phạm Tuấn Anh kinh doanh cây cảnh đến nay đã được 11 năm và dần quen với việc này những ngày giáp Tết. Sạp của anh đợt này nhập về hơn 200 gốc, hiện đã tiêu thụ được một nửa.
Quanh năm, anh Vàng Văn Chi (dân tộc Tày, Cao Bằng) đi làm thợ phụ hồ. Dịp giáp Tết, anh bàn giao công trình xong rồi cùng bạn bè góp vốn kinh doanh hoa mai. "Mấy anh em tôi đều là người dân tộc. Cuối năm mạnh dạn kinh doanh hoa Tết, hy vọng kiếm được chút ít", anh Chi nói. Đêm nay, anh thức thâu đêm để trông cây rồi sáng hôm sau ngủ bù.
Tại một điểm bán hoa trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy), một người đàn ông chỉ dựng chiếc ô xuống che chắn gió từ một hướng.