Chuyên gia chia sẻ với VietNamNet, phụ huynh, học sinh và nhà trường dám thay đổi cách dạy và học, bớt đặt nặng thành tích, học sinh sẽ bớt áp lực. Từ đó cũng không còn cảnh các em tất tả đến lớp dạy thêm sau giờ học chính khóa.

Những năm gần đây, vấn đề dạy thêm, học thêm đã trở thành một thực trạng đáng báo động, gây không ít áp lực cho học sinh, phụ huynh và cả giáo viên.

Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 29, với mục tiêu tạo ra một môi trường giáo dục lành mạnh, giảm áp lực cho học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục.

Để làm rõ hơn những quy định mới của Thông tư 29, cũng như giải đáp những thắc mắc của độc giả, báo VietNamNet tổ chức cuộc tọa đàm với chủ đề "Thông tư 29: Cơ hội hay thách thức cho giáo dục?".

Tới dự tọa đàm, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu 3 vị khách mời:

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam

TS Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội

Mời bạn đọc theo dõi toàn bộ bàn tròn Thông tư 29: Cơ hội hay thách thức cho giáo dục? 

anhT1.png

Nhà báo Thanh Hùng: Câu hỏi đầu tiên dành cho PTS.TS Nguyễn Xuân Thành. Ông có thể chia sẻ rõ hơn lý do Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 29 và kỳ vọng của Bộ sau khi thông tư có hiệu lực? 

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Đối với hoạt động dạy thêm học thêm Bộ GD-ĐT xác định đó là nhu cầu có thực giữa người dạy và người học.

Để quản lý hoạt động dạy thêm học thêm này Bộ đã có Thông tư số 17 năm 2012. Lúc đó, hoạt động dạy thêm, học thêm là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi đã là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Thông tư 17 có tất cả quy định điều kiện về cấp phép cho những tổ chức cá nhân dạy thêm.

Tuy nhiên sau khi hoạt động dạy thêm, học thêm đưa ra khỏi các ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật đầu tư, bộ đã bãi bỏ những quy định liên quan tới việc cấp phép, vì thế, Thông tư 17 chưa đáp ứng được việc quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong bối cảnh không còn là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. 

Qua quá trình triển khai mấy năm vừa qua, chúng ta thấy rằng dù là nhu cầu thực tế của người học và người dạy, hoạt động học thêm, dạy thêm nổi lên một số vấn đề, đặc biệt là tình trạng dạy thêm, học thêm không đúng quy định, không đúng tinh thần của Thông tư 17. 

Thông tư 17 có nguyên tắc rất rõ ràng rằng dạy thêm, học thêm phải dựa trên nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của người học. Tuy nhiên quá trình triển khai việc dạy thêm kể cả ở trong trường và ngoài trường, điều này không được quản lý hiệu quả.

Vì vậy, qua một số năm nghiên cứu, đặc biệt trong năm vừa qua, với sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT đã triển khai xây dựng thông tư này.

Cơ bản nguyên tắc vẫn như Thông tư số 17, chỉ có một điều chúng tôi đưa ra với kỳ vọng làm thế nào đó để khi thông tư này ra đời, không cấm hoạt động dạy thêm, học thêm nhưng phải quản lý để đảm bảo được quyền lợi của người học và người dạy, không có bất cứ hình thức nào ép buộc học sinh. Khi đã tổ chức dạy thêm, học thêm phải thực sự hiệu quả, đặc biệt là không vì điểm số… 

Nhà báo Thanh Hùng: Có ý kiến cho rằng muốn thực hiện Thông tư 29 cần giảm tải chương trình, thay đổi cách đánh giá, xếp loại và giảm áp lực ở các kỳ thi, quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm về vấn đề này như thế nào?

TS Nguyễn Tùng Lâm: Tôi không cho là như thế. Chúng ta đã có nhiều văn bản về vấn đề học thêm, nhiều năm thực hiện nhưng vẫn chưa hiệu quả. Việc học thêm làm xói mòn khả năng tự học, làm giảm đi sự phát triển của con người. Chúng ta phải hiểu việc học là suốt đời nhưng học sinh không có khả năng tự lập, không có thói quen học, học không hiệu quả. Việc học vẫn vì điểm số, học vì bằng cấp, học để đối phó chứ không phải xuất phát từ mong muốn của học trò.

Do đó, gốc rễ của việc học thêm không phải từ chương trình. Đúng là trước đây xuất phát từ cách thi của chúng ta sinh ra việc không học thêm không làm nổi các bài thi vốn mẹo mực và rất khó. Nhưng giờ đây, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã làm rất tốt việc giảm tải, buộc học sinh phải tự rèn luyện, tự tìm ra kiến thức, từ đó biến kiến thức thành năng lực riêng của bản thân. Đó mới là con đường làm cho giáo dục phát triển lành mạnh, tốt đẹp và chất lượng nhất.

Cả ba đối tượng thầy cô, học sinh, phụ huynh cần nhìn lại Thông tư 29 vì lợi ích lâu dài của đất nước để thay đổi.

Thông tư 29 ra đời vì chúng ta đang dành quá nhiều thời gian vào việc học vì điểm, học vì bằng cấp, học để đối phó. Vì thế việc kiểm tra đánh giá là cần thiết. Học mà không có kiểm tra đánh giá là không hiệu quả. Nhưng chúng ta cần cải tiến như thế nào cho phù hợp với yêu cầu mới là một quá trình.

Đề thi phải để học sinh không học thuộc lòng, không phải đối phó với sách giáo khoa mà phải biến kiến thức sách giáo khoa thành kiến thức của mình để đáp ứng những câu hỏi thực tế. Cái đó mới cần thiết và là bước phát triển lâu dài.

anhT2.png

Nhà báo Thanh Hùng: Thưa PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, liệu việc "siết" dạy thêm có làm tăng áp lực cho học sinh, nhu cầu tìm lớp học thêm "chui” hay gây khó khăn cho giáo viên có nhu cầu dạy thêm? 

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Quan điểm việc tổ chức dạy thêm, học thêm là phải đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người học. Làm sao để nguyện vọng chính đáng đó phải đạt được những cái chúng ta mong muốn - không phải là học thêm kiến thức này kiến thức kia mà phải phát triển được bản thân các em. 

Thứ hai, chúng ta phải nói lại từ “siết chặt”, nghĩa là thế nào? Thứ nhất, chúng ta đã khẳng định dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, Bộ không "siết". Khi dạy thêm, học thêm được quản lý rất rõ ràng, công khai, minh bạch, Bộ không cấm gì cả.

Thông tư thông 29 so với Thông tư 17 không có gì thay đổi. Ví dụ đối với học sinh tiểu học, không dạy thêm học thêm đúng với định nghĩa của thông tư, thì vẫn nguyên như thế.

Thứ 2, quy định giáo viên biên chế nhà nước, hưởng lương trong các đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức dạy thêm học thêm - là nguyên của thông tư 17, chứ không phải bây giờ mới quy định. Như vậy, hóa ra nhiều năm nay chúng ta đều không thực hiện theo thông tư 17? Những thầy cô nào đang than phiền Thông tư 29 siết chặt, làm khó trong việc tổ chức dạy thêm tại nhà là thầy cô đã không thực hiện thông tư 17 từ năm 2012 tới nay.

Không dạy học sinh chính khóa cũng phải bây giờ mới có quy định. Thông tư 17 đã ghi rất rõ: Giáo viên đang dạy ở các cơ sở giáo dục công lập không được dạy thêm đối với học sinh mình trong nhà trường. Nhưng thông tư 17 có “đuôi” đằng sau là “khi chưa được hiệu trưởng cho phép”. Còn bây giờ chúng ta không cho hiệu trưởng cái quyền đó. 

Lý do tại sao thầy cô không dạy thêm học sinh chính khóa của mình? Bởi vì các thầy cô phải tách bạch giữa 2 việc: Một là trách nhiệm của mình khi được nhà nước phân công để dạy cho học sinh thực hiện chương trình. Nếu được phân công dạy học sinh nào, thầy cô phải hết lòng với học sinh ấy. Những thầy cô nào giỏi, có uy tín, được phụ huynh mến yêu, muốn gửi con chắc chắn họ giỏi và có phương pháp dạy tốt. Các thầy cô này ở trên lớp đã làm rất tốt cho học sinh của mình, còn lại có thể cho thêm bài tập để các con tự làm và đáp ứng đúng yêu cầu tự học như TS Tùng Lâm vừa nói. 

Còn nếu học sinh khó khăn, tôi tin rằng với thời buổi công nghệ thông tin này, một tin nhắn hỏi thầy cô không ai từ chối cả.

Quy định này không có gì là mới so với Thông tư 17. Có chăng một điều là trong trường trước đây vẫn có quy định dạy thêm, học thêm trong trường, giao cho học sinh tự nguyện viết đơn, hiệu trưởng sắp xếp… Hiện chương trình GDPT 2018, định hướng phát triển phẩm chất, năng lực, chương trình chỉ có 28-29 tiết, chưa môn nào tới 30 tiết trong một tuần. Hiện, các trường cơ ngơi cũng khang trang, có không gian, phòng ốc, không phải học 2 ca nữa…. Những việc ấy đủ để các thầy cô đã được phân công dạy chính khóa hết lòng với học trò, thực hiện đúng chức trách để học sinh đạt được các yêu cầu cần đạt của chương trình phát triển phẩm chất năng lực.

Có người đặt ra vấn đề, nếu chỉ dạy thế mà không đạt phải xem lại 2 việc: Một là chương trình nặng quá, hai là thầy cô chưa làm hết trách nhiệm.

Chương trình rõ ràng theo Nghị quyết 29 đã biên soạn, vừa rồi quốc hội có giám sát, có khẳng định bằng Nghị quyết 686. Như TS Lâm vừa nói, rõ ràng một chương trình phát triển phẩm chất năng lực như thế, yêu cầu đạt viết rất rõ như vậy, chúng ta phải tách bạch chuyện này.

Vì thế, trong nhà trường mới quy định không tổ chức dạy thêm có thu tiền của học sinh ngoài 3 đối tượng đã quy định.

Không gian và thì giờ còn lại của nhà trường phải dành cho tổ chức các hoạt động giáo dục mà điều lệ đã ghi, như thế mới có thì giờ cho học sinh tự học. Giờ cứ trống chỗ là nhét tất cả học sinh vào trong lớp, không chính khóa thì dạy thêm. Các em phải tự học chứ? Thư viện để làm gì, bao nhiêu cơ sở khác nữa, vườn trường để làm gì, nhà đa năng để làm gì, sân chơi bãi tập để làm gì… nếu cứ học sinh đến trường là đưa vào trong lớp. 

Chúng ta nói chữ siết chặt cần thống nhất lại với nhau, chứ không chỉ từ khóa đó thôi là cả xã hội nói Bộ “siết”, Bộ siết cái gì?

Còn việc ở ngoài nhà trường, đã tổ chức là phải chịu sự quản lý của pháp luật. Nếu đã tổ chức thu tiền là phải đăng ký kinh doanh. Người dạy phải đáp ứng được yêu cầu, không phải ai cũng dạy con em mình được. Chỗ học cũng phải đảm bảo an toàn an ninh theo quy định của pháp luật, chứ không phải là quy định của Thông tư 29.

Việc nói như thế học sinh phải ra ngoài, học chui thì quản lý pháp luật ở đâu? Có phải quản lý xã hội chỉ có một Bộ GD-ĐT đâu, tất cả các cơ quan đơn vị đã được quy định rõ trong thông tư. Trách nhiệm của UBND, của sở, phòng, hiệu trưởng… đã được ghi rõ. Đây còn là câu chuyện của của các bậc phụ huynh, vì quyền lợi của con em mình, phải thực hiện việc giám sát.

Thông tư 29 quy định nếu có tổ chức bên ngoài là phải công khai: dạy cái gì, môn nào, bao nhiêu giờ, ai dạy, dạy ở đâu, lúc nào. Thì giờ làm việc có cả Luật lao động quy định. Không ai dạy đêm, dạy hôm, dạy sáng sớm, như vậy học sinh mới có thì giờ tự học. Chúng ta tưởng tượng giống như lúc nào cũng cho ăn không ngừng thì làm sao tiêu hóa được. Tôi nói dài dòng để giải thích đầy đủ chữ “siết” và “không siết”.

Nhà báo Thanh Hùng: Từ thực tiễn ở cơ sở giáo dục, Trường THPT Việt Đức có kế hoạch triển khai Thông tư 29 thế nào? Có gặp khó khăn gì không, thưa TS Quỳnh?

TS Nguyễn Bội Quỳnh: Ngay từ năm 2018, với học sinh lớp 12 ôn luyện thi tốt nghiệp THPT, nhà trường không thu tiền. Trường chi trả công cho giáo viên theo kế hoạch chi tiêu nội bộ.

Tại trường có lớp học tên “tình thương” - là lớp học của những học sinh có bài kiểm tra chưa đạt yêu cầu sẽ xét vào, nhà trường bố trí giáo viên dạy theo chuyên đề nên có hiệu quả cao trong ôn thi tốt nghiệp. 

Giáo viên dạy thêm bên ngoài, nhà trường rất khó quản lý mà chỉ được báo cáo. Khi có Thông tư 29, chúng tôi cũng nhắc lại giáo viên phải thực hiện nghiêm túc, không dạy học sinh chính khóa không được phép thu tiền.

Một số các thầy cô dạy không hết bài ở lớp mà đưa ra lớp học thêm thì không được. Nếu muốn dạy thêm ở ngoài giáo viên phải trang bị kiến thức của mình, dạy tốt học sinh tự đến đăng ký học. Trong số ấy có thể có học sinh trên lớp của mình có thể có học sinh ở trường khác nhưng các thầy cô phải đăng ký dạy ở trung tâm hợp lý vì đó là những nơi có quy định về tiêu chí cụ thể, thu chi, đóng thuế rõ ràng theo quy định của pháp luật.

Phụ huynh cũng đừng sợ không đi học thêm ở nhà các con chơi game... bởi lẽ, nếu cho học sinh tới lớp học thêm mà các con không chịu học thì cũng không giải quyết gì, rõ ràng học sinh đi học phải có kiến thức và phải giải quyết được bài tập chứ không tham gia quá nhiều lớp học thêm, về nhà trong tình trạng mệt mỏi. 

Chỉ khi học sinh tự có kiến thức mới tư duy được bài làm của mình. Với chương trình giáo dục 2018 có rất nhiều cách trả lời vừa là lựa chọn phương án đúng nhất, đúng sai... thí sinh phải có cách học mới làm được. Bản thân học sinh phải xác định tự học thì mới có kiến thức.

Với THPT Việt Đức khi triển khai Thông tư 29 không có khó khăn gì. 

anhT3.png

Nhà báo Thanh Hùng: Không thể phủ nhận học thêm, dạy thêm vẫn là một nhu cầu chính đáng hiện nay. Thưa TS Tùng Lâm, ông có thể chia sẻ góc nhìn về mô hình học tập phù hợp, đảm bảo công bằng trong giáo dục - để việc dạy thêm học thêm thực sự hiệu quả thay vì trở thành áp lực?

TS Tùng Lâm: Mô hình chúng ta muốn hướng tới phải xuất phát từ 3 đối tượng. Thứ nhất, người học phải có năng lực tự học, biết cách học, học thế nào để có hiệu quả, luôn luôn có câu hỏi và trả lời, biết cách chọn lọc, sắp xếp kiến thức vào cuộc sống chứ không phải chỉ đi nghe giảng.

Tất nhiên có những em thông minh, có năng lực chỉ cần nghe thầy cô giảng là hiểu và biết cách tự học. Nhưng không phải học sinh nào cũng biết cách tự học. Vì thế trong giai đoạn này, quan điểm của tôi là các trường phải dạy học sinh biết cách tự học.

Tiêu chuẩn ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng của tôi là học sinh phải biết tự học. Học sinh nằm lòng điều đó từ khi vào trường đến khi ra trường. Học sinh giỏi bây giờ có thể tự xử lý được nhiều, thầy cô chỉ gia công, rút kinh nghiệm thêm.

Tôi rất thích Thông tư 29, trong đó tiến tới không phải xử lý việc dạy thêm trong nhà trường mà phải làm đúng. Thầy dạy giỏi, học sinh sẽ vận dụng được chứ không có gì khó khăn, áp lực.

Thứ hai là phụ huynh, không phải cứ đẩy con đến lớp học thêm là yên tâm. Tâm lý của bố mẹ vẫn xem việc đi học thêm là thầy cô thay bố mẹ quản con.

Với đối tượng thầy cô giáo phải có trách nhiệm. Thầy cô phải nắm được năng lực của từng học sinh. Có những em chỉ cần lướt qua các em có thể hiểu nhưng có những em cần kỹ lưỡng, cụ thể hơn. Thầy cô phải đưa ra những bài tập dẫn dắt các em. Trên cơ sở đó, thầy cô đã hướng dẫn học sinh ngay từ trên lớp.

Ở trường chúng tôi giờ đây khi đi dự giờ phải đánh giá xem thầy cô chiếm thời lượng nói trên lớp là bao nhiêu. Chúng tôi phải lượng hóa thời gian như thế để thầy cô biết điểm dừng. Học sinh phải được nói, được làm việc thì mới nắm được. Trách nhiệm của thầy cô giáo phải làm việc này thật tốt.

Nhưng tôi băn khoăn một chút, hiện nay có 3 điều kiện dẫn đến việc dạy thêm, học thêm. Thứ nhất, chất lượng giáo dục của các trường hiện nay chưa đều nhau. Vì thế, phụ huynh đổ xô vào những trường đẹp, có giáo viên giỏi. Muốn vào được những trường ấy, phải đi học thêm.

Ngoài ra, chúng ta vẫn quan niệm học vì điểm, nhưng học sinh, phụ huynh không nhận thức được điều này sẽ làm mất cơ hội, đóng bớt nhiều cánh cửa của con em mình.

Đặc biệt trong giáo dục hiện nay chúng ta nghĩ rằng giỏi Toán, giỏi Văn thế là giỏi. Nhưng đấy chỉ là một năng lực, khía cạnh. Một người có thể giỏi nhiều khía cạnh khác nhau. Do đó phải nhận thức đúng được việc học giúp học sinh tiến bộ.

Thứ 3, trách nhiệm của giáo viên phải dạy học sinh đến nơi đến chốn. Khi thầy cô giáo dạy vượt giờ chuẩn, lao động phải trả công. Tôi đồng ý không nên thu tiền, nhưng hiệu trưởng phải biết cân đối để có kinh phí thanh toán tiền ngoài giờ. Người ta làm hết trách nhiệm, không để người ta thiệt thòi. Đó là quyền lợi của giáo viên.

Nếu làm tốt cả 3 việc, việc học thêm, dạy thêm sẽ mất đi.

Nhà báo Thanh Hùng: Việc cấm giáo viên công lập tổ chức dạy thêm có thể khiến học sinh chuyển sang học tại các trung tâm tư nhân với học phí cao hơn? Bộ GD-ĐT có giải pháp nào để đảm bảo cơ hội học tập công bằng cho học sinh, nhất là các em vùng khó khăn? 

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Thủ tướng vừa có công điện ngày 7/2 nói rõ: phải tìm ra tận cùng nguyên nhân. Đối với việc học thêm, dạy thêm ở các địa phương, có một câu chuyện rằng chất lượng các trường chưa đảm bảo sự công bằng… Ở đây có vai trò của quản lý nhà nước.

Nếu cân bằng giáo viên, cân bằng tất cả… việc muốn học thêm là rất chính đáng, chứ không phải học để được vào trường này, vào lớp kia.

Một từ TS Lâm nói tôi thấy rất thấm thía: Chúng ta đã vô hình trung đóng nhiều cửa của học sinh. Chúng ta làm giáo dục mà không để cho những cánh cửa đó rộng mở là chúng ta có lỗi với thế hệ con em. Việc ở THCS chưa có trường chuyên cũng vì ý đó. Bởi khi các con còn bé tí đã phải giỏi Toán trong khi có biết bao năng lực trong con người trẻ, mà nếu không giỏi Toán sẽ còn giỏi hơn nhiều. 

Cái này cũng cần nói tới nhận thức của người dân, của xã hội. Tôi là người làm giáo dục tới khi sắp về hưu, cả gia đình làm giáo dục. Chúng tôi rất trăn trở, tâm huyết với việc này. Các con cứ phải học giỏi, không chỉ là Toán, Văn mà Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa. Chỉ trau dồi kiến thức để giải các bài tập. Dồn quá nhiều thì giờ vào các việc ấy, không có thì giờ để “tiêu hóa”, vận dụng vào cuộc sống và để phát hiện ra mình có nhiều cơ hội, khả năng hơn nữa. Như vậy quả thực là chúng ta có lỗi. 

Cũng chính vì vậy Chương trình giáo dục 2018 quy định 5 phẩm chất, 10 năng lực, trong đó năng lực đầu tiên là tự chủ và tự học. Cái đó thầy cô phải tập trung làm. Những việc ấy không thể một sớm một chiều. Thầy cô có khi cũng chưa tự học được. Thậm chí chúng ta, trong đào tạo về lý thuyết là tiến sĩ mới đủ năng lực tự học, học tiến sĩ vẫn phải có người hướng dẫn. Đó là cả quá trình, nhưng từ bé đến lớn phải giúp các con dần dần biết tự học… Không thể lấp đầy thời gian của các con để dạy thêm. 

Nói về câu chuyện đối tượng học sinh khác nhau và kinh phí cho các thầy cô, hành lang pháp lý có cả... Quy chế chi tiêu nội bộ vẫn phải dựa trên văn bản pháp luật. Quy định chi tiêu về ngoài giờ, thừa giờ đều có đầy đủ. 

Khi bố trí trong nhà trường, các thầy cô chỉ dạy thêm 3 đối tượng, hoặc chỉ có một số môn thi tốt nghiệp, ôn thi tuyển sinh… và hiệu trưởng phải cân đối.

Còn khi nói ảnh hưởng đến thu nhập, có bao nhiêu môn dạy thêm từ xưa đến nay? Những môn không dạy thêm bao giờ, các thầy cô sống bằng cách nào? Số môn không dạy thêm sẽ nhiều hơn các môn có… Rất nhiều thầy cô rèn luyện cho các con kỹ năng phát triển, thậm chí năng khiếu rất tâm huyết, có dạy thêm bao giờ đâu?

Vì thế, việc nói nhu cầu học thêm là một hằng số, chặn ở đây nó sẽ tràn ra chỗ khác, không phải vậy. Với nhu cầu học thêm dạy thêm, chúng ta phải làm trách nhiệm đầy đủ của nhà trường đi, nó sẽ tự giảm xuống. Không phải cho nó là một hằng số, là mọi người đều muốn học thêm, nên khi Bộ bảo không dạy thêm trong trường nữa thì các con tràn ra bên ngoài. Xin lỗi, không có khái niệm đấy, không thể tư duy như thế được. Phải tư duy là Thông tư 29 giúp cho việc dạy thêm học thêm giảm đi và dần dần nhà trường không cần dạy thêm học thêm, bên ngoài cũng không cần tăng lịch. Đấy là một nền giáo dục không có dạy thêm học thêm. 

Trong thời kỳ quá độ không làm ngay được, cho nên việc các con có nhu cầu tiếp tục ôn thi để tuyển sinh, tốt nghiệp vẫn có. Trong trường hợp đó các con được hỗ trợ rồi. Bộ rất chú ý đến 2 đối tượng cuối cấp… Công điện của thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh có giải pháp phù hợp với địa phương để hỗ trợ, nâng cao chất lượng lên dần. 

Còn câu chuyện các con muốn học thêm nữa bên ngoài nhà trường, tôi đã nói ngay từ đầu, thông tư 29 chẳng khác gì so với thông tư 17 cả. Có thể đâu đó nhu cầu tăng thêm, không có nghĩa là tăng cơ sở dạy thêm, có chăng là tăng một số lớp học thêm dạy thêm ở nhà trường. 

Còn nếu như bên ngoài tiếp tục như thế, các cơ quan quản lý của chúng ta phải vào cuộc, không phải chỉ địa phương là ủy ban tỉnh, huyện, xã, tổ dân phố… Tất cả cần thống nhất để làm sao khi các con có nguyện vọng xứng đáng, thầy cô giỏi cũng có thể được mời… miễn sao các con thấy học đúng nguyện vọng, có chất lượng và đảm bảo an toàn, sức khỏe.   

anhT4.png

Nhà báo Thanh Hùng: Thông tư 29 được dư luận ủng hộ nhưng một bộ phận không nhỏ giáo viên lo lắng ảnh hưởng thu nhập. Tại THPT Việt Đức, nhà trường đã làm gì để đảm bảo thu nhập cho giáo viên và các nguồn chi cho ôn thi cuối cấp như nào, thưa TS Bội Quỳnh?

TS Nguyễn Bội Quỳnh: Tất cả giáo viên dạy thêm cho học sinh, phụ huynh không cần đóng phí mà hoàn toàn nhà trường chi trả ở các mức dạy thêm như kèm học sinh giỏi hoặc dạy học sinh yếu kém.

Ví dụ một buổi dạy thêm trả cho giáo viên 300 nghìn/buổi, nguồn này chúng tôi sẽ cân đối ngân sách thu chi của nhà trường. Hàng năm, nhà trường được cấp ngân sách, chúng tôi cân đối phần nào chi cho hoạt động giáo dục, hoạt động nào cho học sinh, cho cơ sở vật chất... Thầy cô trường tôi thoải mái dạy thêm các học sinh mà không thu phí, học sinh được học thêm cũng rất phấn khởi. Nhà trường dạy thêm 2 đối tượng: Có học sinh kém “buộc” phải học nhưng có học sinh muốn ôn tập, hệ thống hóa kiến thức nên muốn xin vào học. Hiệu quả từ những lớp học thêm này cũng rất cao. 

Trước đây, giáo viên có thể dạy thêm bên ngoài ở cả những nơi không đủ điều kiện nhưng khi có Thông tư 29 thì lớp học thêm phải đảm bảo yêu cầu như lớp học an toàn, đủ ánh sáng, đảm bảo phòng cháy...

Tôi nghĩ rằng, muốn dạy thêm ở bên ngoài nhà trường, thầy cô phải có kiến thức tốt, vững vàng. Dạy thêm Bộ GD-ĐT không cấm, cũng không “siết chặt” nếu thầy cô dạy tốt học sinh trường khác cũng sẽ tới học. Quan trọng là nhà trường phải giải thích để giáo viên hiểu rõ trách nhiệm trong dạy thêm và Thông tư 29 là hành lang pháp lý bảo vệ chính chúng ta...

Nhà báo Thanh Hùng: Làm sao quản lý thầy, cô dạy thêm ngoài nhà trường thưa bà?

TS Nguyễn Bội Quỳnh: Quy định là giáo viên dạy thêm bên ngoài phải thông báo với hiệu trưởng đây là trách nhiệm của thầy cô chứ nhà trường phải cử người đi giám sát, chạy theo để kiểm tra. Trong vấn đề này, nhà trường là nơi tiếp nhận thông tin.

Nhà báo Thanh Hùng: Thưa PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, theo Thông tư 29, việc dạy thêm thu phí trong các trường đã bị cấm. Việc học thêm trong trường học chỉ áp dụng với một số nhóm nhất định. Vậy nếu các trường liên kết với các trung tâm để dạy Tiếng Anh hay dạy kỹ năng sống có được không, thưa ông? 

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Trong Nghị định 24 cũng như trong điều lệ của trường THCS, THPT và trường có nhiều cấp học đều nói về hình thức các hoạt động giáo dục và trong đó nói đến câu chuyện các cơ sở giáo dục phải chủ động trong việc phối hợp với các đơn vị để nâng cao năng lực giáo dục. 

Nhà trường phải có một sự phối hợp, chủ động tổ chức cho học sinh phát triển các kỹ năng.

Tất cả phối hợp để tổ chức cho học sinh các hoạt động giáo dục và phát triển năng lực để các em vận dụng kiến thức và phát triển bản thân. Thông tư 29 không cấm, mà định nghĩa rõ thế nào là dạy thêm, học thêm. 

Việc sử dụng sự liên kết đó ở đâu, ngoài nhà trường hay trong nhà trường đều phải có sự quản lý của pháp luật. Lưu ý rằng đấy cũng là tài sản công, được đầu tư để thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. 

Nhà báo Thanh Hùng: Việc kiểm tra giám sát các chương trình liên kết không dạy phạm vào các nội dung kiến thức của chương trình chính khóa liệu có khó với các trường không, thưa PGS.TS?

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Nếu nói việc đó khó tôi không hiểu hiệu trưởng hay giáo viên làm cái gì. Mình là người làm việc, nghề chính là dạy học đương nhiên phải thuộc, hiểu sâu về chương trình. 

Những nội dung nào thuộc chương trình đương nhiên thầy cô phải biết. Không thể nói khó nhận biết, không thể có chuyện đó.

Còn nếu thầy cô nào nói em không biết cái này trong hay ngoài chương trình cần xem lại xem thầy cô có đủ trình độ để làm giáo viên hay không.

Khi đã liên kết tổ chức dạy học các chương trình không trùng chương trình phổ thông thì không thể hỏi Bộ GD-ĐT.

Nhà báo Thanh Hùng: Thưa quý vị khán giả, chúng ta đã lắng nghe các khách mời thảo luận sâu về Thông tư 29, những tác động của chính sách này cũng như các giải pháp để hướng tới một nền giáo dục công bằng, chất lượng hơn. Phần 2 của tọa đàm, các chuyên gia sẽ giải đáp thắc mắc của độc giả liên quan đến vấn đề dạy thêm, học thêm sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, mời quý độc giả tiếp tục đón đọc tại Ban Giáo dục, báo VietNamNet vào ngày mai (15/2). Xin cảm ơn độc giả và các khách mời!

Thực hiện: Ban Giáo dục

Ảnh: Lê Anh Dũng;Video: Xuân Quý - Huy Phúc - Bạt Tuấn