Clip MC, giảng viên Lê Anh chia sẻ những câu chuyện về tình thầy trò, nghề giáo:
Nhà báo Hà Sơn: Chương trình Hotface hôm nay đăng đúng vào Ngày nhà giáo Việt Nam, tôi muốn trước khi có những câu hỏi cho anh, muốn được nhận từ anh một món quà về tinh thần là một câu hát gì đó?
Giảng viên, MC, Lê Anh: Hát à? Ngày xưa, lần đầu tiên tôi biết đến sân khấu cũng là bởi tham gia một cuộc thi học sinh thanh lịch hồi lớp 10. Lần đầu tiên trong đời mình được cầm mic và nghe tiếng mình rồi tự thốt lên: "Ôi sao nó ấm thế nhở?''. Đến chính tôi cũng bị ngạc nhiên. Sau đó tôi quyết định tặng cho những người trong hội trường một bài hát, tràng pháo tay vang lên khiến tôi xác định: ''Có lẽ mình là người của sân khấu". Cảm giác mọi người đón nhận khi ấy nồng nàn đến hôm nay tôi thấy vẫn nhớ. Bạn đề nghị nên tôi xin được tặng món quà mà ngày 20/11 năm nào cũng tự lẩm nhẩm trong đầu những câu này.
(MC Lê Anh cất tiếng hát bài "Bụi phấn'' - PV)
Nhà báo Hà Sơn: Giọng anh ấm thế này nếu đi dẫn chương trình ca sĩ đến muộn cũng có thể hát thay thế?
Giảng viên, MC, Lê Anh: Đây là tôi hát tâm tình thôi chứ không dám bon chen với các nghệ sĩ, các ca sĩ thành danh. Tôi muốn hát tặng bài "Bụi phấn'' bởi dẫu bây giờ các giảng đường ít phấn, thậm chí có những giờ học không có bụi phấn nữa, thời đại 4.0 mà, nhưng cảm giác hình ảnh những người thầy khi được mô tả tóc điểm bạc với bụi phấn rơi rơi ấy, nó vẫn là một hằng số văn hóa trong nghề giáo. Tôi tin không bao giờ nó bị thay thế vì giúp chúng ta trở đi trở lại với tấm gương những người thầy của thế hệ trước nhưng lại là ngọn đường dẫn tới tri thức mãi về sau.
Nhà báo Hà Sơn: Khán giả người biết đến anh vừa là một giảng viên của ĐH Khoa học Xã hội nhân văn vừa là một MC trong nhiều chương trình truyền hình. Vậy khi còn nhỏ anh ước mơ làm gì?
Giảng viên, MC, Lê Anh: Thực sự thầy giáo hoàn toàn là một giấc mơ không có trong quá khứ nhưng lại có thật với tôi. MC cũng gần như là công việc đến hết sức tình cờ. Hồi bé tôi cũng có những ước mơ giống nhiều bạn trẻ khác như mơ thành chú bộ đội, thành diễn viên kịch, có khi tự hát trong toilet giọng vang vang nghĩ mình có khi trở thành danh ca, đôi lúc thích nghề bác sĩ chữa bệnh cho mọi người nhưng không bao giờ ước mơ làm thầy giáo và MC cả mặc dù mẹ tôi là giáo viên lớp 1.
Đến khi tôi được giữ lại trường làm giáo viên tự nhiên cơ hội nghề nghiệp đến và cũng tự nhủ không biết mình có tồn tại được lâu với nghề giáo viên không hay làm 1, 2 năm thử xem thế nào. Rồi cái gì đến đã đến, tình yêu đến muộn nhưng lại đến trong sự chắc chắn. Tôi hay ví von mình như cô gái già sắp ế tự nhiên gặp được tình yêu của mình đó là nghề giáo. Mình hiểu được sự vất vả đi từng bước từng bước và không kêu than nghề giáo nghèo nữa để sẵn sàng với nó hơn và tự tin thấy mình giàu có ở chỗ khác. Đi khắp vùng miền, học trò nhận ra: "Ôi thầy, ngày xưa thầy dạy em lớp này lớp kia''. Như vậy có phải là giàu có không? Và đến bây giờ cũng đã 19 năm đứng trên bục giảng tôi tự thấy yêu công việc giáo viên của mình.
Nhà báo Hà Sơn: Ngày xưa môn nào học kém tôi rất sợ mà có khi làm bài không đúng tôi bị cô giáo lấy thước đánh rất đau vào tay hay gõ vào đầu, tạt tai khiến sợ quá phải cố gắng học. Thời buổi bây giờ khi mạng xã hội phát triển, thầy cô giáo dường như ngoài kiến thức truyền đạt cho học sinh còn phải kiểm soát cảm xúc tốt bởi không cẩn thận bị đưa lên facebook ngay. Anh có câu chuyện tương tự nào giống tôi liên quan đến thầy cô giáo từng dạy mình?
Giảng viên, MC, Lê Anh: Bạn làm tôi nhớ đến môn Hóa. Ngày xưa ngoài sự kính trọng, nể phục có và yêu thương các thầy giáo cô giáo có một từ nữa là sợ. Bây giờ có thể là ít hơn đấy vì các thầy giáo cô giáo chan hòa lắm. Họ cũng sợ dư luận nên hạn chế những hành vi có biểu hiện như là bạo lực trong học đường. Ngày xưa cô giáo tôi cũng có những hình phạt. Tôi nhớ cái phạt lớn nhất đó là đứng yên không phải úp mặt vào tường mà tay cầm phấn đứng đối diện cái bảng lớn để phải giải bài Hóa. Người học trò bị hổng kiến thức như tôi bị phạt như vậy thật kinh khủng. Tôi cứ đứng càng nghĩ càng rối, đôi lúc liếc xuống bàn các bạn mong cầu cứu nhưng không ai dám nhắc vì cũng sẽ bị phạt ngay. 15 phút tôi đứng ở đó ê chề lắm.
Bây giờ dù là giáo viên nhưng tôi cũng khó nói rằng hình phạt của cô giáo mình khi xưa là tốt hay không tốt. Bởi tôi vẫn nói với mọi người rằng không phải mọi hình phạt đều dở. Và đôi khi nó phải đến ngưỡng nào đó người học trò mới nhận thức ra. Thực tế khi xưa bị phạt tôi bực lắm, cảm giác hơi bị xúc phạm, hổ thẹn và quyết tâm thay đổi mình. Tôi giận và ghét cô giáo đó nhưng đến giờ thấy mình không nên vì dù cô hà khắc nhưng tôi đã thay đổi được rất nhiều nhờ điều đó.
Nhà báo Hà Sơn: Bố và chị gái tôi cũng làm lĩnh vực giáo dục và kể rằng, ngoài những học sinh học rất giỏi đôi khi những bạn cá biệt, bướng bỉnh, thậm chí ban đầu học dốt nhưng nhờ sự nghiêm khắc của thầy giáo đã thay đổi thì quãng đường đời sau này chính họ hay giữ mối liên hệ và bày tỏ sự biết ơn với người thầy. Anh thì sao?
Giảng viên, MC, Lê Anh: Chính xác. Tôi thấy trải nghiệm của bố và các chị của bạn chia sẻ rất chân xác với trải nghiệm của tôi. Ở đại học, sự khác biệt giữa sinh viên và giáo viên cũng thấp thôi vì các bạn lớn, trưởng thành nên mối quan hệ thầy trò gần giống như anh em hơn. Thế nhưng tôi vẫn gặp những trải nghiệm thú vị mà lúc đầu cảm giác cũng khá bi thương đấy. Cụ thể tôi không đóng vai một thầy giáo dĩ hòa vi quý trong trường.
Có thể khán giả lâu nay nhìn thấy một Lê Anh MC rất nhã nhặn trên sóng truyền hình, đó là phong cách tôi định hình trong bao nhiêu năm nay. Nhưng ở trường đại học thì khác, khi là giáo viên tôi bộc lộ gần hết cá tính, quyết liệt việc đúng và sai. Đành rằng cuộc sống tương đối thôi nhưng trong môi trường học hành không rõ ràng đúng sai, làm sao học trò tìm được con đường đi. Nếu chúng ta phủ lên một cảm giác yêu thương nhân văn nhưng thực tế không cho học trò hiểu được cái sai và lỗi như thế nào thì nguy hiểm.
Tôi có câu chuyện với cô học trò đến giờ vẫn ân hận. Bạn ấy là nữ, tôi là thầy giáo nam, tôi đã chữa bài cho bạn năm lần bảy lượt mà vẫn bướng. Cáu quá tôi nói: "Em quá khó dạy, không phải khó dạy do IQ của em kém mà do không chịu mở đầu ra để kiến thức vào. Em quá tự tin về bản thân. Em là một người bị “định kiến” về chính mình đấy!''. Thầy giáo mà nên tôi nói thế và nghĩ chắc bạn ý cứng tính cũng không thiết tha, không căng thẳng về điều đó đâu. Nhưng những người bạn ở cùng phòng nói lại với tôi rằng: "Thầy ác thế. Bạn M... khóc cả đêm".
Khi kể lại câu chuyện này trong tôi vẫn còn sự xúc động. (MC Lê Anh nghẹn ngào - PV). Tôi thấy mình “ác” thật đáng ra không nên nặng lời ám chỉ thế. Thời điểm cách đây 10 năm khi còn là giáo viên trẻ, tôi đã ân hận và tìm mọi cách gỡ sự ân hận đó bằng cách tiếp cận gần hơn để giúp đỡ cô học trò ấy nhưng đáng tiếc bị từ chối và nữ sinh đó học với trạng thái rất... lạnh. Khi em đã ra trường, tôi giữ lại sự ân hận đấy trong mình và cố gắng sửa với những học sinh khác. Nhưng một năm trở lại đây bất ngờ tôi nhận được thư gửi qua mail của cô học trò khi xưa đại ý: "Bây giờ em mới ân hận vì giận thầy suốt hơn 10 năm qua. Bố mẹ em cũng không mắng chửi em đến thế''.
Khi xưa nói vậy tôi không nghĩ là mình đã “mắng chửi” nhưng với cô học trò quan niệm là như thế. "Em giận thầy lắm và vẫn giữ tính cách đó ra ngoài đời. Những vấp ngã của em suốt thời gian qua và lần gần đây khiến em bừng tỉnh rằng lẽ ra em cần khiêm tốn hơn, phải mở đầu óc đón nhận tri thức của nhân loại từ sớm hơn. Nếu thời điểm thầy mắng em nhận ra chắc bây giờ không bị những hậu quả như thế này. Sự xót xa của ngày hôm nay thực ra với em lại là một điều mừng. Bởi vì em đã có những bước chuyển. Hôm nay em hứa với thầy sau mail này sẽ thay đổi mình''. Thật sự khi đọc thư tôi xúc động. 10 năm để học trò nhận ra bài học thay đổi mình là điều tôi thấy mừng.
Nhà báo Hà Sơn: Thời đại 4.0 nhiều bạn trẻ sử dụng mạng xã hội như một công cụ để thư giãn và bày tỏ quan điểm. Là người hoạt động lĩnh vực giáo dục, anh nghĩ sao về hiện tượng một bộ phận giới trẻ có sự hâm mộ lệch lạc và làm thế nào để giải thích uốn nắn các em về cho đúng chuẩn?
Giảng viên, MC, Lê Anh: Câu hỏi lớn hiện nay là chuẩn của giáo dục đang thay đổi và giảng đường đại học nơi tôi dạy cái chuẩn cho các em trên 17 tuổi còn khó bền vững hơn nữa. Ví dụ chúng ta nói câu chuyện tình dục trước hôn nhân, cách đây 20 năm sẽ là nói không nên, điều ấy tiềm ẩn rất nhiều rủi ro không chỉ về vấn đề sức khỏe hay đạo đức, tâm lý. Bây giờ khác, chúng ta đưa vấn đề đó ra các diễn đàn công khai và gần như 100%sinh viên có những biện giải hợp lý cho vấn đề đó. Ví dụ khác, bây giờ các em ở tuổi học phổ thông thần tượng những người xấu, chơi cờ bạc và đâm thuê chém mướn nhưng lại nghĩ họ là anh hùng, tôi quá sợ nhưng không thể nói: "Các em lệch lạc quá!".
Hay các em coi trọng đồng tiền một cách thái quá đến mức độ khẳng định rằng: “Thầy ơi, cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Thầy đừng chứng minh điều ngược lại bởi vì chính thầy hạnh phúc vì điều đó''. Suy nghĩ đôi khi trở thành hành động. Ngày 20/11 các em không mua gì, như món quà nhỏ chắt chiu tình cảm, dù chỉ là chiếc cà vạt hay quyển sách, cái bút tặng thầy cũng là tình cảm nhưng các em lại để phong bì. Các em làm thế đâu còn ý nghĩa gì bởi từ những vùng quê lên các em còn đang phải nhờ cậy bố mẹ nuôi ăn học, chúng tôi nỡ lòng nào lấy tiền của các em. Các em đừng dùng tiền để trả ơn thầy cô. Đôi khi chỉ cần một cái thiếp viết bằng những lời lẽ từ trái tim - chỉ cần tinh thần như vậy là được.
Sự giáo dục từ các thầy cô giáo tôi nghĩ phải là từ một lối sống tích cực. Tôi không thể trông chờ bạn thay đổi sau một cuộc nói chuyện mà phải cho bạn thấy hành động của tôi. Ví dụ học trò tặng quà 20/11 bằng tiền mình nên trả lại để họ thấy mình không vì tiền chứ không phải thầy cứ nói nhưng học trò mua lẵng hoa quả kèm phong bì gửi tặng vẫn hồn nhiên nhận không có ý kiến gì thì học trò sẽ không bao giờ thay đổi được điều em đã nghĩ. Cho nên trước những hiện tượng xã hội tạm gọi là lệch chuẩn các em lại tôn vinh như một lẽ sống tốt thì chúng ta phải có cách, có phương pháp và dần dần giúp đỡ các em hiểu ra được để thay đổi hành vi. Cần thời gian!
Nhà báo Hà Sơn: Anh kín lịch với việc dẫn dẫn café sáng trên VTV3 chưa kể các chương trình chính luận cũng của Đài và hỗ trợ ca sĩ dẫn họp báo làm liveshow riêng. Chắc anh nhận được sự chia sẻ nhiều từ các đồng nghiệp, lãnh đạo của ĐH Khoa học xã hội và nhân văn để nhiều năm qua vẫn đảm đương tốt hai vai trò: người thầy và người dẫn chương trình?
Giảng viên, MC, Lê Anh: Thú thật đây không chỉ là cuộc đấu tranh của riêng tôi mà còn là bài toán của những đồng nghiệp và những người quản lý của nhà trường: làm sao để có một nhân sự vừa làm tốt công việc ở trường mà vẫn được phát triển bản thân đúng theo những gì mong muốn. Rõ ràng mỗi con người khi gắn bó toàn tâm toàn ý với một công việc biên chế sẽ dành nhiều thời gian cho nó, tuy nhiên không có nghĩa sẽ từ chối những công việc khác. Hồi mới ở lại trường tôi luôn phải khéo léo để không mất lòng các sếp, cũng phải nhờ các đồng nghiệp buổi này bạn dạy thay buổi sau tôi bù.
Tôi thấy không phải lúc nào mình cũng thành công và có lúc cũng gay gắt nghĩ nếu nhà trường không tạo điều kiện không biết mình có giữ được niềm thích thú với nghề giảng dạy này không, bởi công việc MC quá hấp dẫn, tôi lại khá thành công ngay từ khởi đầu và được sự tín nhiệm của hàng triệu khán giả. Tôi nghĩ "nước chảy chỗ trũng", tôi phải chọn nơi người ta quý trọng mình hơn chứ.
Nhưng tôi lại thấy mình không muốn bỏ cái gì nên đã kiên nhẫn hơn và muốn chứng minh cho mọi người bản thân đã cố gắng đến đâu. Nếu làm hai việc bạn sẽ vất vả hơn những người làm một việc. Ví dụ tôi sẽ phải xin phép nhà trường cho dạy từ tiết hai tức là 8h sáng trở đi, vì 7h có hôm còn làm café sáng. Tôi làm xong nhảy xe ôm đi đến trường dạy, không kịp cả ăn sáng. Sự cố gắng như vậy ít người nhìn thấy, nhưng lâu dài, người ta sẽ hiểu vì sao mình làm được 2 việc một lúc!
Nhà báo Hà Sơn: Trong mắt tôi anh là một trong những MC dẫn duyên dáng và ứng biến thông minh trong nhiều show ca nhạc của ca sĩ ở phía Bắc. Tôi nghĩ nếu anh chỉ làm công việc MC chạy sô mệt nghỉ, kiếm tiền khỏi nghĩ mà không làm giảng viên e rằng...
Giảng viên, MC, Lê Anh: Điều bạn hỏi cũng chính là điều tôi đã nghĩ vì tôi không có lợi thế về mặt nhan sắc cũng như những khoáng đạt giao du và dấn thân trong showbiz, nhưng càng ngày tôi thấy mình càng có hiệu ứng khán giả khi làm MC. Công việc tốt hơn chứng tỏ việc mình đưa tri thức vào trong lời dẫn và sự linh hoạt, tự tin trong cuộc sống và trong giảng dạy đã giúp ích cho công việc MC khá nhiều. Dẫn truyền hình nhiều khi không áp lực bằng dẫn sân khấu.
Ở truyền hình, MC nhìn máy quay và nghĩ rằng khán giả đang hân hoan ủng hộ để vẫn có thể chan chứa cảm xúc biểu hiện những lời nói còn liveshow là khán giả thật và tại chỗ, cảm xúc thật, thậm chí MC thấy rõ những cái bĩu môi thật trong tầm mắt hay cả những tình huống như MC có thể bị cướp mic cũng là thật và nếu mình không đủ duyên và tỉnh táo sẽ bị vỡ trận ngay.
Lớp học của tôi có thể coi như là một sân khấu thu nhỏ, các em sinh viên năng động và có nhiều tình huống làm thầy bất ngờ, đôi khi chọc ngoáy, thòng thầy một tri thức nào đấy khiến thầy phải vận động đầu óc liên tục. Chính vì thế, khi dẫn liveshow nghệ sĩ, tôi có tâm thế vừa xem vừa phải nghĩ tình huống phía trước như sắp đến đoạn giữa ca sĩ có đi chỗ này đi chỗ kia không? Guốc cao thế liệu có vấp? Giả dụ bị ngã mình đỡ thế nào? Tôi luôn suy đoán để dự liệu và khi gặp tình huống bất ngờ thì cùng với sự thân thiện và nhân văn của mình, tôi nghĩ mình sẽ thông minh hơn. Mọi người đừng nghĩ tôi tự khen mình:tôi giỏi giang; không phải như thế mà do tôi luôn cẩn thận. Tôi tự nhận mình là một trong những MC cẩn thận nhất nhì Việt Nam.
Nhà báo Hà Sơn: Trong nhiều chương trình đã làm, câu chuyện hậu trường khi dẫn trực tiếp nào khiến anh rơi vào tình huống khó xử?
Giảng viên, MC, Lê Anh: Tôi hay làm những chương trình chính luận và phần giới thiệu đại biểu rất nặng không thể nào nhớ được, phải có văn bản, BTC lại có đến mấy người cập nhật liên tục. Một lần, 10 phút trước giờ lên sóng người BTC vẫn bảo tôi đưa tờ dẫn để kiểm tra và bạn trợ lý mang đi không chuyển lại. Tôi bị tập trung vào những nội dung nói ban đầu mà quên mất phải đi lấy lại tờ giấy giới thiệu đại biểu. Bạn biết không, tôi ra sân khấu, bắt đầu dẫn đên phần “xin trân trọng giới thiệu…” nhìn xuống kịch bản trên tay mới tá hỏa bị thiếu tờ giấy danh sách đại biểu quan trọng đó. Nếu dùng trí nhớ thì quá mạo hiểm, không thể đọc trọn vẹn đầy đủ được. Theo bạn khi rơi vào tình huống như thế thì phải làm thế nào?
Nhà báo Hà Sơn: Nếu là tôi có thể tự tắt míc và giả vờ ra hiệu rằng do lỗi tín hiệu phải vào cánh gà...
Giảng viên, MC, Lê Anh: Bạn xử lý rất thông minh nhưng trong trường hợp này có rủi ro là chỉ có cô trợ lý cầm tờ giấy giới thiệu đại biểu, nhỡ mình vào cánh gà cô ấy không ở đó thì sao?... Hôm đó tôi lại dẫn đơn, một mình, không có ai hỗ trợ, nếu đi vào tìm tờ giấy đó thì chương trình sẽ bị gián đoạn và thậm chí bị nghi ngờ về tính nghiêm túc của một sự kiên chính trị. Đang trên sóng THTT, không ai nói gì cũng gay go. Đây thực sự là một trải nghiệm tôi quyết liệt để xử lý.
Cũng phải nói rằng một MC chuyên nghiệp tức là khi nói câu thứ 2 mắt đã phải nhìn liếc xuống câu thứ ba nên chỉ 3s tôi biết trong tay mình không có tờ giới giới thiệu phải xác định tâm thế mặt không biến sắc, nhìn xuống giấu sự bối rối và khi ngẩng lên câu cứu mình là: "Đến dự với chúng ta hôm nay là sự có mặt của các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước và các vị đó đang hiện diện tại đây để cổ vũ cho tác giả đoạt giải cuộc thi... Thưa quý vị trong giây lát, Lê Anh xin được giới thiệu các vị đại biểu có mặt trong ngày hôm nay, còn bây giờ xin mời quý vị xem một phóng sự của chương trình”.
Điều này có nghĩa là tôi đảo phần dưới lên phần trên, đạo diễn không hiểu gì hét lên: "Lê Anh ơi sao lại thế?'' nhưng tôi không thể nói được gì. Lúc này người MC như trọng tài trong sân bóng, thẻ đỏ thẻ vàng là MC quyết định và đạo diễn buộc phải ấn băng cho phóng sự 1p30s chạy và đó chính là thời gian vàng để tôi xử lý. Tôi đi vào và gọi toáng lên và may mắn tìm được cô trợ lý và chương trình diễn ra bình thường. Giả sử bạn không thuộc kịch bản và không biết phần sau là gì cứ chờ đến chữ đọc không thôi thì chết rồi. Hay bạn không dám vượt khung cũng chết.
Nếu chuẩn MC truyền hình không được phép làm khác đi nhưng đây là tình huống xảy ra tôi biện luận với ê kíp nếu không đẩy phóng sự hay bài hát hay bất cứ thứ gì lên lúc đó vỡ trận không phải lỗi của tôi mà của toàn bộ BTC. Vậy nên việc xử lý của tôi lúc đó lại được đánh giá cao, là sự linh hoạt hợp lý. Tôi nghĩ bài học ở đây là sự bình tĩnh, bản lĩnh và quyết liệt. Bình thường tôi là người nhã nhặn nhưng đi vào các tình huống của sân khấu tôi lại quyết đoán để đưa tình huống đúng ý chứ mình cải lương hay nửa nạc nửa mỡ dễ thua lắm. Tâm ý tôi theo đuổi bao năm nay đó là làm tốt từ việc nhỏ nhất.
Phần 2: MC Lê Anh: Mẹ nhiều lần khóc thầm vì tôi nói lời sâu cay
Sơn Hà - Đức Yên - Huy Phúc - Bạt Tuấn
Ảnh: Lê Anh Dũng, Duy Tiến
Thiết kế: Võ Tú Uyên