Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, vừa qua, Bộ Y tế cho biết, số tiền học sinh sinh viên đóng bảo hiểm y tế hàng năm đều không chi trả hết. Vậy xin ông cho biết, lý do gì mà ngành bảo hiểm lại tăng thu mức đóng bảo hiểm y tế từ 3% lên mức 4,5% lương tối thiểu chung?
Ông Nguyễn Đình Khương: Bảo hiểm y tế mang tính san sẻ cộng đồng rất lớn. Thế thì chúng ta huy động của những người trẻ để hỗ trợ cho những người già, huy động của những người khoẻ để hỗ trợ cho những người đau yếu.
Nếu tính cân đối trên bình diện riêng của khối học sinh sinh viên tham gia thì đúng là quỹ bảo hiểm y tế của học sinh sinh viên chi không hết. Nhưng trong khi đó, người gia, nhất là các bác đã về hưu, quỹ tính riêng cho các bác về hưu bị thâm hụt rất nhiều. Vì vậy, ta đang huy động của người trẻ là các cháu học sinh, sinh viên để hỗ trợ cho những người gia yếu.
Nhà báo Phạm Huyền: Dù đã được đại diện Bộ Y tế giải thích về việc này, nhưng một lượng lớn phản hồi của bạn đọc VietNamNet cũng như phản ánh trên các tờ báo khác, vẫn tiếp tục đặt vấn đề: Mức đóng bảo hiểm tăng nhưng phụ huynh chưa có niềm tin rằng chất lượng của dịch vụ này sẽ tăng. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Đình Khương: Trong những năm gần đây, Nhà nước tập trung đầu tư để nâng cao cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật cho ngành y tế rất lớn. Chính vì chi phí đầu tư như vậy nên chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng rất lớn. Nhà nước đang thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ chi phí khám chữa bệnh vào giá viện phí. Cho nên, chúng ta đã điều chỉnh giá viện phí lên.
Như vậy, Nhà nước đã đầu tư nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trước khi nâng cao mệnh giá bảo hiểm y tế.
Còn vấn đề có nên học sinh sinh viên có nên tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc hay không, đây là chính sách mà rất nhiều nước thực hiện bắt buộc toàn dân tham gia bảo hiểm y tế để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng.
Thông qua tham gia bảo hiểm y tế, chúng ta giáo dục các em học sinh tính cộng đồng, sự chia sẻ, tương thân, tương ái hỗ trợ nhau, phong cách rất đẹp của người Việt Nam.
Nhà báo Phạm Huyền: Nhiều giáo viên chủ nhiệm phàn nàn họ phải kiêm luôn công việc đôn đốc, thúc ép học sinh mua bảo hiểm, một công việc không hợp với giáo dục cho lắm. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Đình Khương: Rất nhiều nước đã thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân. Chúng ta cũng đang tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân để chăm sóc sức khoẻ nhân dân được tốt hơn. Nghị quyết 21 của Bộ Chính trị đã nêu, cả hệ thống chính trị các bộ các ngành, các cấp, chúng ta phải tập trung chăm lo bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho toàn dân.
Tôi nghĩ đây là trách nhiệm của các cấp, các bộ, các ngành, các đơn vị kể cả trường học.
Trong khi chúng ta thu bảo hiểm y tế học sinh, ngành bảo hiểm cũng trích lại 4% phí hoa hồng cho nhà trường để đảm bảo công tác thu này. Ngoài ra, cơ quan bảo hiểm xã hội cũng trích lại 7% tổng số thu cho nhà trường để chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho học sinh sinh viên tại nhà trường cho các cháu.
Vì vậy, tôi nghĩ, nhà trường thu ở đây chính là lo cho các cháu học sinh, lo cả chăm sóc sức khoẻ ban đầu và lo việc tham gia bảo hiểm y tế có trách nhiệm với các cháu.
Nhà báo Phạm Huyền: Trước phản ứng của dư luận, một tổ biên tập với sự tham gia của Bộ Tài Chính, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và Bộ Y tế vừa được thành lập để nghiên cứu, xem xét nhiều nội dung của chính sách bảo hiểm y tế mới này do trong quá trình áp dụng nảy sinh một số vướng mắc. Thưa ông, tổ biên tập dự kiến đề xuất những thay đổi gì?
Ông Nguyễn Đình Khương: Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Y tế nghiên cứu điều chỉnh vấn đề của Thông tư liên tịch số 41.
Riêng về hình thức đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên, chúng tôi đang kiến nghị Liên Bộ thay đổi phương thức đóng. Ví dụ năm 2015, chúng ta tạm thời thu 3 tháng trong năm 2015. Sang năm 2016, chúng ta sẽ phân kỳ có thể 6 tháng thu một lần, hoặc thu 9 tháng một lần, sau đó tiếp tục thu 3 tháng cuối năm. Khi phân kỳ như vậy, chúng ta sẽ giảm được áp lực cho các cháu học sinh và cha mẹ các cháu đóng phí bảo hiểm y tế đầu năm.
Xin cảm ơn ông!
VietNamNet