NÔNG DÂN MIỀN NÚI THU HÀNG TỶ ĐỒNG TỪ MÔ HÌNH NHÀ MÀNG

Hiệu quả của mô hình nhà màng cao hơn nhiều so với trồng lúa, ngô… theo kiểu làm nông truyền thống. Ước tính mỗi năm cách sản xuất ứng dụng công nghệ cao này đem lại 2,5 - 3 tỷ đồng/ha cho bà con nông dân Hà Quảng.

Hiệu quả cao của mô hình mới

Bao năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, trồng cả lúa, ngô, thuốc lá mà đời sống vẫn khó khăn, chị Đàm Thị Thảo ở xóm Bản Hoàng (xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) quyết tìm hướng đi mới để tăng thu nhập cho gia đình.

Năm 2022, các cơ quan, ban, ngành ở địa phương tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, vật nuôi, tiếp cận mô hình nông nghiệp công nghệ cao. 

Qua nhiều kênh thông tin, thấy mô hình nhà màng có thể tăng hiệu quả kinh tế, chị Thảo mạnh dạn đầu tư nhà màng trồng dưa sạch đầu tiên với tổng diện tích 1.100m2 tại xóm Bản Hoàng.

W-dan toc thieu so.jpg

“Khi tôi làm mô hình nhà màng dưa sạch Pác Bó Farm ứng dụng công nghệ cao, ở xã Trường Hà chưa có mô hình nào tương tự. Tổng vốn cần hơn 200 triệu đồng, tôi được huyện hỗ trợ 50% để đầu tư vật liệu (nilon, sắt, hệ thống tưới…). Tháng 6/2022, tôi bắt đầu trồng thử nghiệm vụ đầu tiên”, chị Thảo nhớ lại. 

Vốn kiến thức về mô hình nông nghiệp công nghệ cao còn khá hạn hẹp, chị nhờ cán bộ phòng nông nghiệp, trung tâm dịch vụ nông nghiệp tư vấn những kỹ thuật cơ bản; tham gia nghiêm túc các lớp tập huấn do địa phương giới thiệu. Ngoài ra, chị còn tự đi học hỏi, tham quan một số mô hình đã thành công để tích lũy thêm kinh nghiệm.

Chỉ ít lâu, chị đã biết cách pha trộn đảm bảo tỷ lệ đất, phân, vôi, trấu… khi đóng bầu đất cho sản lượng và chất lượng quả cao. Chị nhận biết được đúng thời điểm thu hoạch để dưa đạt độ ngọt và thơm mát nhất; biết cách thay đất để đảm bảo độ dinh dưỡng, giảm nguy cơ nấm bệnh; biết cách chọn giống cây phù hợp nhất trong vô số loại giống đang có trên thị trường…

W-dan toc thieu so 12.jpg
Công nghệ tưới nhỏ giọt được chị Thảo áp dụng trong mô hình nhà màng của mình.

Vụ đầu tiên Pác Bó Farm thu khoảng 3 tấn dưa chuột bao tử, bán hết ngay cho người trong huyện Hà Quảng. Sau 2-3 vụ, nhiều khách hàng ngoại tỉnh cũng tìm đến đặt mua. Dưa sạch ươm trồng được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Nhưng năm ngoái, khoảng 4 tấn quả gần tới vụ thu hoạch thì lũ quét qua, Pác Bó Farm thiệt hại hơn trăm triệu đồng.

“Nói chung là mình cũng lường trước rủi ro rồi. Không thể vụ nào cũng làm ăn suôn sẻ hết được. Nếu muốn làm nhà màng, điều kiện đầu tiên là phải thực sự chịu khó, chăm dưa hơn chăm con mọn, không kể sáng sớm hay đêm muộn. Làm hời hợt “bữa đực bữa cái” sẽ không hiệu quả”, chị Thảo chia sẻ kinh nghiệm. 

W-dan toc thieu so 17.jpg

Sau gần 3 năm triển khai mô hình nhà màng trồng dưa sạch với đa dạng loại dưa chuột, dưa lê, dưa hấu…, chị Thảo nhận thấy hiệu quả kinh tế vượt trội hơn hẳn so với trồng lúa, ngô, gấp 8 lần so với trồng thuốc lá.

Năm 2024, chị đầu tư mở rộng thêm 1 nhà màng trồng dưa sạch, cũng với quy mô hơn 1.000m2.

“Hiện tại, mỗi năm chúng tôi làm 3 vụ. Trong đó, 2 vụ chính (từ tháng 3 đến tháng 9) thu khoảng 3 tấn dưa/vụ. Với mỗi nhà màng xấp xỉ 1.000m2 mà làm tốt cả 3 vụ thì sau khi trừ chi phí vẫn thu khoảng 200 triệu đồng/năm”, chị hồ hởi thông tin.

W-dan toc thieu so 6.jpg

Mô hình nhà màng Pác Bó Farm không chỉ giúp gia đình chị Thảo tăng thu nhập mà còn tạo việc làm cho người dân địa phương.

Thông thường vào vụ dưa mới sẽ cần khoảng 2 ngày để đóng bầu đất. Khoảng 8 nhân công sẽ được thuê với chi phí khoảng 300.000 đồng/ngày công.

“Tiếng lành đồn xa”, nhiều đoàn tham quan từ các huyện, tỉnh khác đã trực tiếp về Pác Bó Farm để học hỏi kinh nghiệm. Chị Thảo sẵn sàng chia sẻ mọi kiến thức, kỹ năng mà mình đã tích lũy được để có thể nhân rộng mô hình, tạo nguồn sinh kế mới cho bà con nông dân.

“Thời gian tới, rất mong chính quyền địa phương sẽ có nhiều lớp tập huấn về mô hình nông nghiệp công nghệ cao, giúp tôi học hỏi thêm để áp dụng vào thực tế sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế cao hơn nữa”, chị Thảo bày tỏ.

Nhân rộng mô hình trên địa bàn Hà Quảng

Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng cho biết, Hà Quảng là địa phương đầu tiên ở tỉnh Cao Bằng triển khai mô hình nhà màng từ năm 2022 - 2023.

“Nhà màng là một điển hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Hiện chúng tôi đang tập trung phát triển mô hình này tại các xã vùng thấp. Tuy nhiên, nhà màng yêu cầu kỹ thuật cao, nên bước đầu chúng tôi ưu tiên triển khai với những hộ gia đình có khả năng tiếp cận chuyển giao khoa học công nghệ”, ông Hính nói.

W-dan toc thieu so 23.jpg
Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng.

Với quan điểm tặng “cần câu” chứ không tặng luôn “con cá”, huyện Hà Quảng trích một phần ngân sách địa phương, lồng ghép với nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia (xây dựng nông dân mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi), hỗ trợ mỗi mô hình điểm khoảng 100 triệu đồng, phần còn lại người dân đối ứng.

“Mắt thấy tai nghe” hiệu quả kinh tế thực sự từ những mô hình điểm, bà con tự học tập lẫn nhau, nhân rộng mô hình.

W-dan toc thieu so 8.jpg

Đến thời điểm hiện nay, toàn huyện Hà Quảng đã có 11 nhà màng được xây dựng làm mô hình điểm, dự kiến tới đây sẽ tiếp tục nhân rộng hơn nữa.

“Ước tính mỗi năm mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao này đem lại thu nhập bình quân 2,5 - 3 tỷ đồng/ha cho bà con nông dân sau khi trừ các loại chi phí. Có thể nói đây là bước đi đúng đối với địa bàn tỉnh Cao Bằng nói chung và huyện Hà Quảng nói riêng”, ông Hính nhận định. 

W-dan toc thieu so 3.jpg

“Trước kia làm nông nghiệp, nông dân ở Hà Quảng phải mất rất nhiều thời gian, công sức gánh nước đi tưới cây hoặc chờ trời mưa. Giờ với mô hình nhà màng ứng dụng công nghệ cao, hệ thống tưới nhỏ giọt tự động điều khiển qua điện thoại di động, ở bất kỳ đâu cũng chủ động tưới tiêu cho cây. Có lần đi tận miền Nam, tôi cũng vẫn tưới được cây trong nhà màng, tùy tình hình thời tiết, trời nắng thì đặt lịch tưới nhiều hơn trời mưa”, chị Thảo vui vẻ kể.

Thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030, UBND huyện Hà Quảng đã và đang tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát quy hoạch, cơ cấu các loại cây trồng chủ lực, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế của địa phương và nhu cầu thị trường.

Thời gian tới, huyện sẽ tăng quy mô sản xuất nông nghiệp áp dụng khoa học công nghệ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. 

Đồng thời tăng cường các chính sách liên kết phát triển, hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; mở rộng danh mục sản phẩm nông nghiệp thông minh đạt tiêu chuẩn OCOP.