Trong vai một người bán rau, nhóm PV đã nhiều ngày khảo sát trên tuyến phố Đà Nẵng và phố Phủ Thượng Đoạn (thuộc phường Đông Hải 1, quận Hải An) vào đầu giờ sáng. Trên vỉa hè và ngay cả dưới lòng đường, người mua kẻ bán tấp nập. Các loại xe chở rau, củ, quả, hàng tôm cá bày ngổn ngang, lộn xộn dưới lòng đường và vỉa hè. Thông thường, chợ họp buổi sáng từ 6 – 10h, buổi chiều từ 16h – 19h.
Khoảng 8 giờ sáng, PV thấy một thanh niên xuất hiện trên tay cầm một xấp tiền lẻ. Anh này vừa tới tận nơi vừa yêu cầu những người bán hàng nộp tiền “vé chợ”. Dường như thành thông lệ, những người bán hàng nhanh chóng đưa cho anh ta từ 5.000 đồng đến 15.000 đồng.
Theo tìm hiểu, số tiền phải nộp nhiều hay ít là tùy theo diện tích chỗ ngồi và số lượng hàng bày bán của những người bán hàng.
Chị Nguyễn Thị H (quê ở huyện Thủy Nguyên) - người bán hàng rau và hoa quả - cho biết: “Tôi đã bán ở đây 10 năm nay. Để được bán hàng thì phải nộp nhiều khoản phí như vé chợ 10.000 đồng/ngày, 100.000 đồng tiền an ninh trật tự/tháng, 20.0000 đồng tiền vệ sinh, tiền thuê chỗ ngồi 300.000 đồng/tháng…”.
Một thanh niên đi thu tiền "vé chợ" của người bán hàng rong trên vỉa hè. (Ảnh cắt từ clip)
Chị H cho biết thêm: “Tiền vé chợ ngày nào cũng phải nộp, có người đến tận nơi thu. Tiền an ninh trật tự nộp vào ngày 10 hoặc 12 hàng tháng. Không nộp thì khỏi bán hàng. Tất nhiên tiền này không có phiếu thu, chứng từ gì”.
Theo ước tính của PV, mỗi sáng có cả trăm người họp chợ trên vỉa hè và dưới lòng đường tại khu vực này. Chỉ một phép tính đơn giản, khoản tiền mà người thanh niên kia thu dao động trên dưới 2 triệu đồng/ngày, khoảng 60 triệu đồng/tháng.
Tình trạng họp chợ trên lòng đường, vỉa hè không chỉ diễn ra ở phố Đà Nẵng mà cũng tồn tại nhiều năm nay trên phố Tôn Đức Thắng, khu vực chân cầu An Dương, phường Nam Sơn, quận Lê Chân. Theo tìm hiểu, các tiểu thương cũng họp chợ trái phép dưới lòng đường và đều phải nộp từ 10.000 - 15.000 đồng tiền “vé chợ” hàng ngày, nói nôm na là tiền “bảo kê” để được bán hàng rong.
Không chỉ ở phố Đà Nẵng và Phủ Thượng Đoạn mà ngay trên đường An Đà (phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền), tuyến đường Tôn Đức Thắng khu vực chân cầu An Dương (phường Lam Sơn, quận Lê Chân), phố Nguyễn Khuyến (phường Lương Khánh Thiện)… cũng diễn ra tình trạng tương tự.
Việc thu tiền này diễn ra công khai mỗi ngày là chủ trương của ai? Khoản tiền thu được sẽ dùng làm việc gì? Để trả lời những câu hỏi này, PV đã tìm đến chính quyền địa phương.
Ông Hoàng Minh Tiệp - Phó Chủ tịch UBND phường Lam Sơn (quận Lê Chân) – địa bàn có khu chợ trên đường Tôn Đức Thắng – khẳng định: “UBND phường không nắm rõ việc thu vé chợ và cũng không có quy định về việc thu phí do đây là chợ cóc, chợ tạm. Chúng tôi đã ký hợp đồng với người quản lý chợ nên việc thu vé, quản lý trật tự hè đường do bên quản lý chợ trực tiếp thực hiện”.
Trong khi đó, ông Tạ Trung Lương - Chủ tịch UBND Phường Cát Bi - thừa nhận: “Việc thu phí 15.000 đồng/ngày không phải là vé chợ mà là tiền trả cho việc dọn dẹp vệ sinh quanh khu vực”.
Như vậy, các phường đều khẳng định không có việc thu tiền “vé chợ”. Nhưng hàng ngày người dân vẫn họp chợ trên đường, vẫn phải nộp phí chợ và phí an ninh trật tự. Số tiền lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng, lại không có chứng từ, hóa đơn vào túi ai?
Câu hỏi này rất cần được các cơ quan chức năng làm rõ.
Theo Dân Việt