Sáng 6/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng BCĐ quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì phiên họp lần thứ 16 của BCĐ.
Tại phiên họp, lãnh đạo các địa phương đạt kết quả tích cực về tiêm chủng vắc xin đã chia sẻ các kinh nghiệm, bài học; các địa phương đạt tỷ lệ tiêm chủng thấp giải thích rõ nguyên nhân.
Dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, khó dự báo, trong khi khả năng miễn dịch suy giảm theo thời gian; mặt khác, khi dịch bệnh vừa được kiểm soát thì tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác lại xuất hiện.
Trong khi đó, trên thế giới, nhiều nước phát triển, có nền y tế hiện đại cũng đang bùng phát dịch trở lại. Nền kinh tế nước ta có độ mở lớn, quy mô còn khiêm tốn, khả năng chống chịu thì có hạn, cho nên chỉ cần một biến động nhỏ ở bên ngoài có thể tác động lớn đến trong nước.
Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh, dứt khoát không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trước dịch bệnh, không say sưa, ngủ quên với những kết quả đã đạt được.
Thủ tướng nêu rõ mục tiêu dứt khoát không để dịch bệnh bùng phát trở lại, cơ quan, địa phương nào để dịch bệnh bùng phát trở lại phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, trước nhân dân. Trong tháng 8, phải hoàn thành việc tiêm mũi 3, 4 cho các đối tượng chỉ định và mũi thứ 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12; bảo đảm đủ vắc xin, trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư y tế cho phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng khẳng định quan điểm chỉ đạo là: Kiên quyết, kiên trì, kiên định kiểm soát dịch bệnh có hiệu quả để góp phần thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững KT-XH; đặt tính mạng, sức khỏe người dân lên trên hết, trước hết; phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng bệnh từ sớm, từ xa, từ cơ sở; đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người để vận động tiêm vắc xin và phòng, chống dịch; tiêm chủng vắc xin phòng ngừa dịch bệnh là trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân.
Đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung, yêu cầu tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của Covid-19, thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình và các yếu tố nguy cơ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu làm tốt hơn nữa, đồng bộ, quyết liệt, bài bản, hiệu quả hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người dân và các cấp, các ngành trong phòng, chống dịch.
Nêu rõ những kết quả đã đạt được, người đứng đầu Chính phủ biểu dương, lan tỏa các điển hình người tốt việc tốt, những tấm gương hy sinh, cống hiến vì tính mạng, sức khỏe người dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, giữ vững bản lĩnh, vượt qua khó khăn, thách thức…
Cùng với đó, đẩy mạnh, thần tốc hơn nữa việc tiêm vắc xin, bởi vắc xin vẫn là vũ khí quan trọng nhất, quyết định nhất trong phòng, chống dịch. Bộ Y tế phải bảo đảm đủ, phù hợp, kịp thời vắc xin, không để tình trạng thiếu vắc xin; tăng cường đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn và thúc đẩy việc tổ chức tiêm tại các địa phương; tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước.
Thủ tướng nêu rõ, phải phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiêm chủng; biểu dương, khen thưởng những người làm tốt, phê bình những người làm chưa tốt, xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm.
Thủ tướng lưu ý Hà Nội và TP.HCM cần đặc biệt chú ý việc thúc đẩy tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, do số học sinh đông, không gian học tập tại trường hạn chế hơn các địa phương khác, nếu các cháu mắc bệnh thì cha mẹ cũng phải nghỉ làm để chăm sóc.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Trưởng BCĐ phòng, chống dịch chịu trách nhiệm chỉ đạo tiêm chủng đạt chỉ tiêu đề ra; bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch và phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo rất cụ thể để xử lý vấn đề thuốc, vật tư, nhân lực y tế. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan tích cực, chủ động hơn nữa để khẩn trương triển khai, xử lý các vấn đề cấp bách, bức xúc, với các vấn đề vượt thẩm quyền thì kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Tài chính phản ứng chính sách nhanh, bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư kịp thời hướng dẫn thủ tục đấu thầu liên quan tới mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Đến nay, Trung ương và các địa phương giành tổng kinh phí 82.121 tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ 728.488 lượt người sử dụng lao động và trên 49,94 triệu lượt người lao động và các đối tượng khác bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH tích cực triển khai, đôn đốc các địa phương làm tốt hơn một số chính sách hỗ trợ còn hạn chế trong thực hiện.