Những quy định mới mẻ, phù hợp của Đảng về trách nhiệm chính trị nhanh chóng đi vào đời sống. Có thể nói, việc để các ông Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam nghỉ hưu, không chờ đến hết nhiệm kỳ là kết quả đáng chú ý của những chủ trương, quy định này.
Ngày 17/1/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Thông cáo của hội nghị bất thường này nêu rõ, ông Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng; được đào tạo cơ bản, trưởng thành từ cơ sở và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khóa tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Phúc chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 Phó Thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng; 2 Phó Thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, ông Nguyễn Xuân Phúc đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.
Căn cứ quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và xem xét nguyện vọng của ông Nguyễn Xuân Phúc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để ông Nguyễn Xuân Phúc thôi giữ các chức vụ Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trước đó, ngày 30/12/2022, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã đồng ý để ông Phạm Bình Minh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực và ông Vũ Đức Đam, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng thôi giữ các chức vụ trong Đảng. Sau đó, Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Phó Thủ tướng đối với ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam.
Nhìn nhận về kết quả của hai phiên họp Trung ương bất thường này, phát biểu trên báo Nhân dân, TS Khổng Đức Thiêm (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, việc Trung ương Đảng và Quốc hội thực hiện quy trình cho thôi các chức vụ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, trước đó là đối với các ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam và một số người khác đã cho thấy sự đồng thuận cao trong Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Từ đó, chúng ta cũng thấy rõ một bài học, cán bộ, đảng viên cần tu dưỡng, học tập, rèn luyện suốt đời, bất luận ở cương vị nào.
Theo ông Thiêm, quá trình này trước hết là sự tự giác. Nếu không như vậy, cán bộ lãnh đạo dù tốt đến đâu, dù giàu kinh nghiệm đến đâu mà xao nhãng trách nhiệm, kỷ cương, nhẹ thì xói mòn uy tín, hơn nữa không còn đủ điều kiện đáp ứng trọng trách được giao. Thực hiện nghiêm trách nhiệm chính trị cũng chính là việc tự giác nhận trách nhiệm đối với những sai phạm của đơn vị, cấp dưới mình phụ trách.