Clip này đã mô tả sự hiện diện của các chất có trong khói thuốc lá thông qua thực nghiệm thu khói thuốc lá vào 1 chiếc chai nhựa và sau đó lọc nó qua 1 tờ giấy ăn. Kết quả cho thấy tờ giấy ám khói vàng khè và có mùi rất hôi. Kết thúc clip là lời nhắn bỏ thuốc lá.
Điều đáng nói, bên cạnh những bình luận bày tỏ sự kinh sợ, sẽ bỏ thuốc... thì cũng có những bình luận cho rằng thực nghiệm này chỉ có tính chất “dọa nạt” với lý giải: “Cơ thể con người có chức năng hấp thụ, thanh lọc và đào thải với nhiều hình thức khác nhau. Không đợi bạn hút thuốc hệ hô hấp của bạn đã có một cơ chế thanh lọc và đào thải tuyệt vời.
Hơi thở của bạn dù qua đường mũi hay miệng đều phải va đập nhiều lần vào khí quản. Trên khí quản luôn có một lớp nhầy để hấp thục các bụi bẩn từ không khí. Nếu hít phải quá nhiều bụi bẩn ngoài mức cho phép bạn sẽ bị sặc. Một phản ứng tự nhiên, ngăn không cho bạn tiếp tục hít thêm bụi bẩn.
Nếu cơ thể hấp thụ bụi bẩn như thí nghiệm thì chỉ vài ngày là phổi của bạn đầy bụi. Bạn nào thỉng thoảng có vệ sinh những chiếc quạt hút hay quạt gió trong nhà. Dù trong nhà bạn không ai hút thuốc thì lượng bụi đọng trên cánh trên khung quạt cũng thật là khủng khiếp, nếu thời gian vệ sinh dài cả năm trời, lượng bụi còn nhiều nữa.
Khi tay bạn bị một cái dằm nhỏ như sợi tóc đâm vào, bạn sẽ cảm thấy đau và tìm cách nhổ nó ra. Nhưng, ngay khi nó quá nhỏ, đâm vào quá sâu trong da thịt bạn thì chỉ trong vòng 1 ngày nó cũng sẽ tự động bị đẩy ra ngoài. Ít nhất là ở mức bạn có thể thấy nó và nhổ nó ra...
Tuyên truyền đừng hút thuốc là cần thiết, nhưng phải thể hiện được sự thuyết phục. Đừng so sánh những vật vô tri như chai lọ bông gạc với cơ thể con người đã trải qua hàng triệu năm tiến hóa chống chọi với thiên nhiên hoang sơ, khắc nghiệt. Chớ vài điếu thuốc ... nhằm nhò gì”.
Vậy chuyên gia y tế nói gì?
Theo BS Phạm Quang Tuệ, BV Phổi Trung ương, thực nghiệm này rất thú vị và phản ánh khá chính xác khói thuốc lá “ám” lá phổi như thế nào.
Bác sĩ Tuệ giải thích, thí nghiệm này là hình ảnh rất trực quan, phổi cũng giống như tờ giấy, khói thuốc có rất nhiều chất độc hại và khi đi vào phổi, chất độc lưu lại tại đây.
Khói mang theo những vi chất độc hại và sẽ lưu lại trong phổi, làm mất đi màu hồng hào của lá phổi, gây biến sắc tế bào, niêm mạc, lâu dài sẽ làm phổi mất dần chức năng hô hấp.
Tương tự là những người tiếp xúc với bụi than, bụi silic, bụi amiang, khi vào phổi sẽ lắng đọng trong phổi gây bệnh bụi phổi.
Tuy nhiên, nếu trong điều trị bệnh bụi phổi, có thể dùng phương pháp rửa sạch phổi phần nào thì khói thuốc không có cách nào rửa được. Nói một cách hình ảnh, nó giống như 1 dạng nhuộm.
Đó là lý do vì sao khi phẫu thuật chữa bệnh phổi, các BS phẫu thuật lồng ngực ở BV Phổi Trung ương có thể biết được bệnh nhân có hút thuốc hay không thông qua màu sắc của lá phổi.
Những người hút thuốc thụ động cũng gặp nguy hiểm không kém.
Không chỉ gây hại cho phổi, thuốc lá gây hại đến tim do nicotin hấp thụ vào máu qua các mạch máu ở lá phổi, gây ra bệnh mạch vành.
Theo Dân Trí