Theo hãng thông tấn Reuters, thông tin này được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ thông báo hôm 19/4. Theo đó, BA.2 chiếm tới 74,4% số lượng biến thể virus corona đang lưu hành tại nước này tính từ đầu tuần trước đến hết ngày 16/4, trong khi con số này đối với BA.2.12.1 là 19%.
Nhìn chung, số ca Covid-19 đã giảm mạnh trên toàn nước Mỹ kể từ khi đạt mức kỷ lục hồi tháng 1. Dù vậy, số ca nhiễm mới vẫn gia tăng trong vài tuần qua, đặc biệt ở các tiểu bang phía đông bắc như New York và Connecticut.
Bên cạnh đó, tình trạng dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở các khu vực châu Á và châu Âu đã làm dấy lên lo ngại rằng, một làn sóng dịch khác có thể xảy ra ở Mỹ giống như các đợt bùng phát trước đó.
Số ca nhiễm Covid-19 trung bình mỗi ngày ở Mỹ trong tuần qua tính đến 16/4 là 34.972, tăng 23,4% so với cách đây 1 tuần.
Trung Quốc khẳng định duy trì chiến lược 'không Covid-19'
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) hôm 19/4 thông báo sẽ tiếp tục duy trì chính sách "không Covid-19", trong bối cảnh số ca Covid-19 ngoài cộng đồng vẫn gia tăng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, người phát ngôn NHC Mễ Phong cho biết Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn xem Covid-19 là vấn đề y tế khẩn cấp, mối nguy lớn đối với sức khỏe cộng đồng khiến cả thế giới quan ngại. Do đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục gia hạn các biện pháp chống dịch nhằm giảm số ca lây nhiễm ngoài cộng động và các ca nhập cảnh.
Theo dữ liệu chính thức do NHC thống kê, Trung Quốc trong ngày 18/4 ghi nhận 3.297 ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng và 18.187 ca nhiễm không biểu hiện triệu chứng. Chiến lược “không Covid-19” của Trung Quốc bao gồm việc tiến hành xét nghiệm, truy vết và cách ly tập trung các ca dương tính với virus corona.
Cũng trong ngày 19/4, thành phố Thượng Hải đã yêu cầu người dân tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong chiến dịch xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng. Thành phố đông dân nhất Trung Quốc đang nỗ lực “quét sạch” số ca nhiễm ngoài cộng đồng sau gần 3 tuần áp đặt các biện pháp giãn cách.
Theo giới chức Thượng Hải, việc tiến hành xét nghiệm PCR hàng loạt sẽ giúp phát hiện sớm số ca dương tính với virus corona, theo đó nhanh chóng giảm tối đa số ca Covid-19 ngoài cộng đồng. Dù Thượng Hải đã nới lỏng biện pháp chống dịch tại một số khu vực nguy cơ thấp, song phần lớn cư dân tại thành phố 25 triệu dân này vẫn phải tuân thủ các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt.
Liều tăng cường của vắc xin Moderna hiệu quả trong phòng chống biến thể Omicron
Hãng dược Moderna hôm 19/4 cho biết, liều vắc xin Covid-19 tăng cường được hãng bào chế để phòng ngừa cả biến thể Beta lẫn chủng gốc của virus corona đã tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn đối với một số biến thể khác, trong đó có Omicron.
Moderna đưa ra tuyên bố trên sau khi tiến hành thử nghiệm loại vắc xin mRNA số hiệu 1273.211 của hãng trên 300 người. Kết quả cho thấy, từ 1 đến 6 tháng sau khi tiêm, vắc xin đã tạo ra mức độ trung hòa kháng thể chống lại biến thể Omicron cao hơn so với vắc xin gốc của hãng hiện được sử dụng rộng rãi.
Moderna cho biết, kết quả này là dấu hiệu tốt để hãng thực hiện kế hoạch bào chế các loại vắc xin nhắm vào các biến thể mới của virus corona. Tiến sĩ Jacqueline Miller, nhà khoa học hàng đầu của Moderna, cho biết hãng không có kế hoạch nộp ngay đơn xin cấp phép sử dụng loại vắc xin này, song sẽ nộp dữ liệu tới Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để đặt cơ sở cho một ứng cử viên vắc xin Covid-19 trong tương lai, có khả năng phòng ngừa cả 2 biến thể Beta và Omicron.
Moderna còn bắt đầu thử nghiệm một loại vắc xin khác phòng ngừa cả chủng gốc của virus corona lẫn biến thể Omicron, song phải đến cuối quý II năm nay mới có các dữ liệu ban đầu. Ngoài ra, hãng cũng đang thử nghiệm một vắc xin phòng chống riêng biến thể Omicron.
>>> Cập nhật tình hình dịch Covid-19 mới nhất
Việt Anh
.