Thời gian vừa qua, nhiều vấn đề lớn được phản ánh trên báo chí đã được các lãnh đạo cao nhất của đất nước chỉ đạo giải quyết quyết liệt, thấu đáo, nhận được sự hưởng ứng của người dân và khích lệ tinh thần của những người làm báo. Làm rõ vấn đề báo chí nêu, không để những vấn đề báo chí nêu rơi vào im lặng, nhiều người đang rất kỳ vọng vào những chỉ đạo quyết tâm này.

Có một bầu không khí mới trong làng báo thời điểm này, mà những nhà báo lâu năm liên tưởng tới không khí của năm 1987, khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi tới báo Nhân dân 27 bài viết thẳng thắn và mạnh mẽ chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí, phê phán tệ quan liêu trong chuyên mục "Những việc cần làm ngay" đã nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên tạo nên một làn sóng thể hiện mạnh mẽ vai trò phát hiện, giám sát của báo chí. Những sự việc báo chí nêu đưa đến cấp nào, cấp đó coi là những việc cần làm ngay.

Trở lại với thời điểm hiện tại, thời gian qua, những vấn đề nóng, chống tiêu cực, tham nhũng gắn với Nghị quyết Trung ương 4 được báo chí nêu ra đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo sát sao và từng bước được giải quyết rốt ráo, là một tín hiệu rất đáng mừng đối với những người làm báo.

Mới đây nhất, vào cuối tuần trước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo làm rõ những thông tin liên quan tới khối tài sản lớn của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa mà báo chí nêu.

Một số bài báo đã thông tin các thành viên trong gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa hiện đang nắm giữ hơn 11 triệu cổ phiếu, tương ứng 34% vốn của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Ước tính giá trị số cổ phiếu này ước khoảng trên 700 tỷ đồng. Những tiêu đề các bài báo như: Gia đình Bà Thứ trưởng có gì ở công ty Điện Quang; Cần làm rõ việc thâu tóm cổ phần; Cần kiểm soát mối gia đình của quan chức; Đáng lẽ Ủy ban chứng khoán phải vào cuộc. Tất cả các bài báo đều đặt một dấu hỏi về khối tài sản quá lớn của gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa mà trước đó đã từng giữ chức Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Điện Quang.

 

Theo VTV