Tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng tháng 2/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.
“Đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) đã trở thành phong trào, xu thế của cả xã hội. Lò đã nóng lên rồi thì củi tươi cũng phải cháy. Và không ai có thể đứng ngoài cuộc. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 31/7/2017.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, ngày 12/10/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt vấn đề: "Xử lý cán bộ như thế đủ nghiêm chưa? Lần trước toàn nói là tắm từ vai xuống, giờ là từ đầu xuống. Lòng dân ủng hộ, đang làm rồi phải làm tiếp, không dừng lại". Theo ông, đấu tranh chống tham nhũng để tình hình tốt lên chứ không phải xấu đi, làm sao để cán bộ giác ngộ, mọi người không đi theo vết xe đổ.
Ngày 29/11/2017, tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh PCTN không chỉ kêu gọi suông, giáo dục tư tưởng suông mà phải bằng luật pháp. “Phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, luật pháp. Giao cho anh quyền thì cũng phải có cái roi, cái đòn để anh không thể, không dám và không muốn tham nhũng”.
“Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”, Tổng Bí thư nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Bí thư Trung ương Đảng ngày 10/4/2018. Ông đã bác bỏ một số ý kiến lo ngại việc chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, không ai muốn làm. Người đứng đầu Đảng, Nhà nước khẳng định tư tưởng đó là sai.
Thể hiện quyết tâm làm trong sạch bộ máy, phát biểu tại hội nghị Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương ngày 28/11/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắn nhủ: “Danh thơm còn mãi, đừng ham chức tước, địa vị, vật chất, tiền tài, nhất là khi có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, lắm kẻ nịnh xu…”
Tháng 1/2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XII, ngày 13/10/2019, nhắc đến số lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói: “Thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác! Tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân”.
Tại cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN ngày 25/11/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý đấu tranh PCTN, tiêu cực không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
“Tham nhũng về mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống... là nguy hiểm vô cùng, sắp tới phải làm mạnh cái này, sống làm sao để đến lúc nhắm mắt xuôi tay khỏi phải ân hận”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói và nhấn mạnh “danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn khẳng định, chống tham nhũng là phải vừa kiên quyết, quyết liệt nhưng phải rất nhân văn.
Theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, “bao che cho cán bộ mới làm mất uy tín của Đảng, làm cán bộ hư hỏng; còn xử lý cán bộ chỉ làm cho Đảng mạnh thêm. Cuộc đấu tranh này càng lấy lại uy tín của Đảng” hay “Khâu nào yếu là phải chỉnh ngay, mắt xích nào hỏng phải thay ngay".
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020 diễn ra sáng 12/12/2020 cho biết, trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng.
Đáng chú ý là thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng; 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; hơn 30 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Riêng Ban Chỉ đạo PCTN đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án; 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự.
Trong đó có một Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (một người có thể có hai chức danh)...
Cũng tại hội nghị này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người, và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: "Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây”. Ông mong tất cả những cán bộ rường cột của Đảng và Nhà nước, những "Bao Công của thời đại ngày nay", hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong PCTN.
Minh chứng cho những chỉ đạo mạnh mẽ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước là danh sách hàng loạt cán bộ bị kỷ luật trong những năm qua.
Có thể kể đến nhiều lãnh đạo và nguyên lãnh đạo bị kỷ luật: Ông Đinh La Thăng; ông Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Đức Chung, ông Lê Thanh Hải, ông Nguyễn Văn Bình, bà Hồ Thị Kim Thoa, ông Vũ Huy Hoàng, ông Trần Vĩnh Tuyến, Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, ông Triệu Tài Vinh, ông Tất Thành Cang, ông Bùi Quang Vinh, ông Lê Mạnh Hà, Thượng tướng Phương Minh Hoà, ông Bùi Văn Thành, ông Trần Việt Tân…
Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bế mạc Đại hội XIII
Toàn văn diễn văn bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đọc tại phiên bế mạc, sáng 1/2/2021.
Hương Quỳnh - Thiết kế: Phạm Luyện