Từ 12-13/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.
Nhân dịp này VietNamNet đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc Nguyễn Vinh Quang. Ông Nguyễn Vinh Quang từng là Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á (Ban Đối ngoại Trung ương), Công sứ - Phó Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc. Ông là người nghiên cứu sâu về Trung Quốc và quan hệ Việt Nam – Trung Quốc.
2023 là năm mà quan hệ Việt Nam và Trung Quốc phát triển thuận lợi. Sau đại dịch Covid-19 các hoạt động giao lưu, trao đổi đoàn được khôi phục, mở đầu là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10-1/11/2022). Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, có thể nói là mang tính lịch sử, đã mở ra giai đoạn mới cho quan hệ hai nước và một số vấn đề khó khăn giữa hai nước được tháo gỡ.
Sau chuyến thăm đó nhiều lãnh đạo cấp cao, bộ ngành, địa phương của 2 nước đã tiếp xúc, qua lại với nhau. Về phía ta có thể kể đến là Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường lần thứ 3 tại Bắc Kinh (tháng 10); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Trung Quốc, dự Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Thiên Tân (tháng 6), mới đây là tham dự Hội chợ Trung Quốc-ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại-đầu tư Trung Quốc-ASEAN tại Quảng Tây (tháng 9); hay chuyến thăm của Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trương Thị Mai (tháng 4)…
Về phía Trung Quốc có Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đến Việt Nam đồng chủ trì phiên họp Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc; Phó Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Vương Dũng thăm Việt Nam; các chuyến thăm của Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, Vân Nam, Khu ủy Quảng Tây…
Trong khoảng thời gian ngắn mà sự giao lưu, gặp gỡ, tiếp xúc nhiều như vậy là hiếm có. Bởi hai bên đã nhận thức được ý nghĩa chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhận thức được quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển thuận lợi nhất.
Không chỉ chính trị, ngoại giao mà cả về kinh tế, thương mại, giao lưu nhân dân… cũng được tăng cường, thúc đẩy.
Và thật trùng hợp khi 2023 là năm hai nước kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008-2023). Nhìn lại có thể thấy quan hệ hai nước phát triển rất đúng hướng và khuôn khổ mà lãnh đạo cấp cao hai nước xác lập cách đây 15 năm là rất chính xác.
Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện là khuôn khổ ngoại giao cao nhất của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam xây dựng quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện. Việt Nam cũng là nước Đông Nam Á đầu tiên mà Trung Quốc thiết lập khuôn khổ quan hệ này.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng giữa hai nước còn có những tồn tại, nhưng đây là chuyện lâu dài không thể giải quyết sớm được. Những vấn đề đó đã được lãnh đạo cấp cao đề cập, thảo luận một cách nghiêm túc và các cơ chế để giải quyết cũng được nối lại sau đại dịch.
Nhìn chung tình hình quan hệ hai nước năm qua thuận lợi và nhiều điểm sáng.
Phải khẳng định các cuộc gặp giữa lãnh đạo cao nhất hai nước đều quan trọng, nhưng mỗi chuyến thăm vào thời điểm khác nhau thì tầm quan trọng, ý nghĩa lại khác nhau.
Chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là đáp lễ về mặt ngoại giao sau chuyến thăm năm ngoái của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến thăm đó rất thành công với Tuyên bố chung gồm 13 điểm, được truyền thông rộng rãi, cả hai nước và thế giới biết đến. Những thỏa thuận đạt được giữa hai Tổng Bí thư vào năm ngoái đang triển khai rất tốt. Lần này lãnh đạo cấp cao lại gặp nhau lần nữa, tôi nghĩ rằng quan hệ hai nước đã tốt rồi, sẽ tốt hơn.
Đây là lần thứ 3 Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thăm Việt Nam. Cũng xin nói thêm kể từ khi bình thường hóa quan hệ thì đây là lần đầu tiên có một Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc thăm Việt Nam đến 3 lần.
Khi lãnh đạo cấp cao tiếp xúc, gặp mặt nhau còn chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan triển khai thành công việc cụ thể.
Chính vì thế tôi cũng như nhiều người Việt Nam kỳ vọng chuyến thăm sẽ có những kết quả tốt đẹp, mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước. Tôi cho rằng hai nước có thể sẽ đạt được những thỏa thuận mới hoặc triển khai cụ thể hơn những thỏa thuận đã có đi vào thực tế hơn.
Tôi hy vọng tương lai quan hệ hai nước sẽ tốt hơn. Còn những vướng mắc chưa giải quyết được, nếu lần này khai thông thì chắc chắn quan hệ hai nước sẽ tốt hơn. Đó là đó là hy vọng của rất nhiều người, của cả Việt Nam, cả Trung Quốc nhưng chúng ta cũng không quá lạc quan khi có những vấn đề chưa thể tháo gỡ ngay được. Hai nước cần nhìn thẳng vào đó, tìm ra giải pháp cụ thể.
Khuôn khổ quan hệ ngoại giao đã ở mức cao nhất, còn trong tương lai diễn tiến thế nào thì cần phải nghiên cứu, tôi cũng không dám khẳng định. Nhưng để phát huy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện theo tôi hai nước vẫn phải làm thêm nhiều việc nữa.
Ví dụ, trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm chính thức của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (11/2022) và trong Thông cáo báo chí chung nhân chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Trung Quốc (6/2023) đều khẳng định “hai bên nhất trí tích cực thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển giữa hai nước”.
Việc kết nối chiến lược phát triển là xu thế trên thế giới, đặc biệt khi Việt Nam với Trung Quốc là hai nước láng giềng, có rất nhiều điểm đồng, cho nên việc kết nối là cần thiết. Tuy nhiên kết nối thế nào, ra sao thì do các cơ quan bộ ngành hai nước nghiên cứu, đề xuất.
Tiềm năng phát triển giữa Việt Nam với Trung Quốc còn rất lớn, hai bên chưa khai thác hết. Trong đó giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa là những điểm sáng, điểm mạnh trong quan hệ hai nước.
Là người làm công tác ngoại giao nhân dân trong nhiều năm, tôi cho rằng việc phát huy được yếu tố này là rất tốt. Bởi tăng cường hiểu biết lẫn nhau của nhân dân hai nước chính là nền tảng, cơ sở của quan hệ hữu nghị Việt-Trung. Nói hữu nghị mà nhân dân không có giao lưu, không có sự hiểu biết thì hữu nghị đó không phải thực chất và chưa chắc chân thật.
Tôi rất vui, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng thương mại giữa hai nước vẫn duy trì tương đối tốt, đặc biệt sau khi Trung Quốc mở cửa. Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc ở ASEAN.
Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc Nguyễn Vinh Quang.
Điều đáng mừng nhất là cán cân thương mại chênh lệch giữa Việt Nam với Trung Quốc từng bước rút ngắn. Thực tế có nhiều hàng hóa của Việt Nam đang ngày càng được người Trung Quốc ưa chuộng như nông sản, thuỷ hải sản..., thậm chí có những loại hình như gần đây người Trung Quốc mới cảm thấy hấp dẫn, ví dụ như quả sầu riêng. Vì vậy hai nước còn nhiều dư địa để hợp tác.
Việt Nam là một nước nông nghiệp, có những người nông dân cần cù sản xuất ra nhiều sản phẩm và Trung Quốc là một thị trường rất lớn. Còn ở chiều ngược lại, Trung Quốc như “một đại công xưởng của thế giới” có thể cung cấp cho Việt Nam rất nhiều thứ chúng ta đang cần.
Ngoại giao nhân dân có vai trò quan trọng trong đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, đặc biệt trong bối cảnh thế giới hội nhập như hiện nay. Còn riêng trong quan hệ Việt-Trung, hai dân tộc đã có quan hệ giao lưu hàng ngàn năm nay, ngoại giao nhân dân hai nước chính là phát huy truyền thống giữa hai dân tộc, giúp nhân dân tăng cường hiểu biết lẫn nhau.
Hội hữu nghị Việt-Trung là một tổ chức nhân dân, đóng vai trò đầu mối các hoạt động đối ngoại nhân dân với Trung Quốc. Và đây là một trong những Hội hữu nghị được thành lập sớm nhất. Tôi đã làm Phó Chủ tịch hội được hơn 10 năm.
Hội Hữu nghị hai bên đã thiết lập một cơ chế giao lưu khá đặc biệt và rất hiệu quả, đó là “Diễn đàn nhân dân Việt-Trung”, trong đó một số nhân sĩ Việt Nam được coi là hiểu biết sâu về Trung Quốc và một số nhân sĩ Trung Quốc hiểu biết sâu về Việt Nam gặp nhau hàng năm để thảo luận những vấn đề mà nhân dân hai nước quan tâm, góp phần giúp Đảng và Chính phủ mỗi bên có những quyết sách đúng đắn trong việc củng cố và phát triển quan hệ hai nước.
Theo tôi, tâm tư nguyện vọng của người dân hai nước chính là nền tảng xã hội, mối quan hệ hữu nghị được xây dựng trên nền tảng đó. Một trong những khó khăn chúng ta đang phải đối mặt chính là những vấn đề liên quan đến nền tảng xã hội. Đó là dư luận xã hội, người Việt Nam nghĩ gì về Trung Quốc, người Trung Quốc nghĩ gì về Việt Nam. Đây là vấn đề không chỉ các nhà ngoại giao mới làm được mà còn cần sự hợp sức của các tổ chức nhân dân, trong đó nòng cốt là Hội hữu nghị Việt-Trung và các tổ chức chính trị xã hội khác.
Trong nhiệm kỳ qua Hội Hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc đã tổ chức triển khai nhiều hoạt động với sự tham gia của nhân sĩ, trí thức, cựu chiến binh, thanh thiếu niên, doanh nghiệp… tạo nền tảng xã hội cho quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước. Cách đây 2 tuần, Đại hội đã đề ra phương hướng hoạt động Hội khóa VII nhiệm kỳ 2023-2028, trong đó xác định tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hoạt động trên các mặt như tổ chức và phát triển Hội, công tác đối ngoại. Đáng chú ý là nghiên cứu khả năng thành lập Câu lạc bộ cựu lưu học sinh Việt Nam tại Trung Quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại chương trình Gặp gỡ hữu nghị Thanh niên Việt - Trung lần thứ 16 (năm 2015).
Từng có gần 10 năm công tác tại Trung Quốc, tôi có nhiều kỷ niệm với người dân đất nước này, tôi còn nhớ mãi khi đến thăm một vùng nông thôn ở Trung Quốc biết tôi là người Việt Nam họ gọi ngay lập tức là “người đến từ đất nước Hồ Chí Minh”. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc rất sâu đậm, cứ nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh là người dân Trung Quốc lại dành cho Người một sự ngưỡng mộ, kính trọng.
Tôi biết một người Trung Quốc, trong phòng làm việc của ông treo bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh với chú thích bằng chữ thư pháp “Không có một gánh nặng nào có thể làm oằn đôi vai con người này”. Tôi ngỏ ý mượn ông bức tranh đó để trưng bày trong cuộc triển lãm 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đàn ông Trung Quốc đó cảm thấy rất vinh dự và sẵn sàng cho mượn.
Hiện nay, người ta thống kê ở Trung Quốc có khoảng 70 di tích mang dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang được bảo quản rất tốt và phục vụ khách du lịch trong ngoài nước đến tham quan.
Thiết kế: Minh Hòa - Nguyễn Ngọc
Tư liệu: Bộ Ngoại giao, Cục Thống kê