Những ngày cận Tết, các ghe thuyền mang hoa, cây kiểng, đặc sản từ các tỉnh miền Tây lần lượt cập bến Bình Đông (quận 8). Năm nay, Sở Du lịch TP.HCM và quận 8 sẽ thí điểm mua hoa bán không hết của tiểu thương.
Chợ hoa Tết trên bến Bình Đông họp ven kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, quận 8. Những ngày qua, ghe thuyền chở hoa từ các tỉnh miền Tây như Bến Tre, Đồng Tháp, Tiền Giang lần lượt cập bờ... Các mặt hàng chủ yếu là hoa, cây kiểng dùng để trang trí ngày Tết.
Anh Toàn, một tiểu thương từ Bến Tre lên TP.HCM chở theo khoảng 800 chậu hoa, chủ yếu là hoa mai. 10 năm gần đây, anh đều đưa ghe lên bến Bình Đông kinh doanh.
Ngay khi vừa cập bờ, các thành viên trên ghe nhanh chóng chuyển cây lên bày bán. Hàng của anh Toàn gồm ớt trái tim, cây sam hương, cây khế, cây quất mini giá từ 50.000 đồng/cây. "Chỉ cần cho ghe thuận lợi cập bến sẽ bán buôn may mắn. Năm ngoái tôi phải chở cây bán ế mang về nhưng năm nay nhận được tin Sở Du lịch TP.HCM và quận 8 sẽ mua hoa bán không hết của tiểu thương nên rất phấn khởi", anh Toàn tâm sự.
Anh Tý (Long An) cùng với 4 người khác trên ghe đến bến Bình Đông từ 4 ngày trước. Các khu vực neo đỗ, bán hàng đều đã được đăng ký và sắp xếp trước. "Tôi tranh thủ chạy ghe đến đây bày bán hoa kiểng sớm. Hiện tại vẫn thưa khách vì phải từ ngày 25-30 tháng Chạp người dân mới đi mua hoa nhiều hơn", anh Tý nói.
Bên cạnh đó, ghe của anh Hoàng Sơn cũng đang chuyển dần những chậu mai lớn lên bờ.
Các chủ vườn ở miền Tây cho biết, thời tiết năm nay khá thuận lợi nên hoa ra nhiều nụ và nở đúng dịp Tết. Mai năm nay được trồng ở nhiều tỉnh khác nên số lượng bán ra thị trường lên đến hàng nghìn chậu.
Phía bên dưới ghe của anh Hoàng Sơn, các cây mai được chăm sóc cẩn thận. Năm nay vườn của anh Sơn xuất hơn 1.000 chậu cây từ Bến Tre đến TP.HCM phục vụ người dân. "Giá thành các loại hoa nhìn chung vẫn giữ nguyên như năm ngoái, chỉ từ 100.000 đồng là có thể mua được một chậu mai vàng chơi Tết", anh nói.
Anh Sơn, anh Tý và các chủ vườn khác đều đã có thâm niên cả chục năm đưa hoa và cây kiểng về TP.HCM bán. Đa phần họ đều ở đây bán đến chiều 30 Tết mới trở lại quê nên những chiếc ghe là nhà. "Tuy vất vả nhưng ai cũng thấy vui vẻ hết. Cả năm trông chờ nhất vào vụ hoa Tết, nếu bán hết sớm sẽ được về quê sớm", anh Tý cười.
Hoa được bày bán khá đa dạng chủng loại, nhiều nhất là mai, cúc, vạn thọ, mào gà, bông trang, quất, ớt kiểng. Hoa cúc có giá khoảng 230.000 đồng/cặp, hoa mào gà 200.000 đồng/cặp... Nhiều thương lái cho biết, mức giá này ngang bằng dịp Tết năm ngoái.
Những chậu hoa giấy đầy màu sắc được các tiểu thương chuyển lên bờ, phủ kín các gian hàng. Hoa giấy khá lâu tàn, người chơi có thể mua về ngay và trưng qua Tết.
Những chậu hoa giấy đủ màu sắc của chị Lan vùa được mang lên đã có nhiều người ghé mua tấp nập. Bông giấy nở to, đẹp, nhiều màu nhưng chỉ có giá từ 130.000 đồng/chậu. Các chậu lớn hơn, ghép cành tỉ mỉ hơn có giá 3 - 5 triệu đồng/chậu.
Chị Thư (quận 8) chốt mua 2 chậu mai vàng với giá 600.000 đồng sau một hồi ngắm. "Mình chỉ muốn mua cây nhỏ đặt trên bàn. Nhà gần đây nên sát Tết tôi sẽ ra mua thêm hoa", chị nói.
Hiện tại, bến Bình Đông vẫn còn khá vắng ghe thuyền. Chợ hoa nơi đây bắt đầu từ 25 đến ngày 30 tháng Chạp. Ngoài buôn bán còn có nhiều hoạt động khác như phố ông đồ, đờn ca tài tử trên ghe, lân sư rồng tại sân khấu chính, hội thi cắm hoa, mâm ngũ quả...
Thông tin được ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó giám đốc Sở Du lịch TP HCM, nói tại buổi họp báo kinh tế, xã hội, chiều 28/12. Hoa được thu mua sẽ dùng trang trí đường hoa xuân nghĩa tình ở bến Bình Đông, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Theo ông Hòa, hiện Sở Du lịch và địa phương vận động kinh phí. Dự kiến, vào ngày 30 tháng Chạp, UBND quận 8 và Mặt trận tổ quốc quận làm việc với các chủ ghe đưa hoa lên bán dịp Tết để thống nhất số lượng, giá cả.
"Việc mua hoa sẽ được trải đều cho tất cả chủ ghe có mặt vào ngày tất niên", ông Hòa nói. Theo lãnh đạo Sở Du lịch, việc này giúp chia sẻ một phần khó khăn với các tiểu thương và hạn chế cảnh đập bỏ hoa ế, gây phản cảm. Nếu cách làm này hiệu quả, từ năm sau sở sẽ mở rộng ra các quận, huyện khác.