icon icon

"Cho tôi xin một ly trà đá
Góc phố nơi tôi hay về qua
Cho tôi tạm quên những vội vã
Nghe anh em chuyện đời vui buồn

..."

Tiếng nhạc phát ra từ một góc phố trên đường Phan Đình Phùng trong một buổi chiều Hà Nội giữa tháng 10, lúc này nắng mùa thu vàng như mật. Quỳnh Anh ngồi xuống một quán trà đá ven đường, gọi cho mình và cô bạn thân 2 ly nước mát rồi nghỉ chân, tranh thủ thả dáng chụp ảnh.

Hà Nội 36 phố phường, đi đến đâu người ta cũng dễ tìm cho mình vài ba hàng trà đá. Qua từng năm tháng, thức uống rẻ tiền, dễ mua ấy trở thành thói quen, tạo nên nét văn hóa trong đời sống sinh hoạt của người dân. Dù đi xa cách mấy, nhiều người dễ nhớ và thèm một ly trà đắng chát, nhất là giữa những ngày tiết trời vào thu, dưới cái nắng gió hanh hao.

Dừng chân bên những quán cóc ven đường, không biển quảng cáo, không menu sang chảnh, các vị khách tự kéo ghế nhựa, gọi với vào quầy nước đầy thân thuộc: "U ơi, cho con ly trà đá".

Người bán thường là các ông, bà đã cao tuổi.

"Trà đá" là danh từ khi nói về một thức uống, vừa là câu cửa miệng khi bạn bè, đồng nghiệp bắt đầu rảnh tay, nghỉ giải lao: "Trà đá không?" Vài ba chiếc ghế nhựa, một bộ ấm tích, phích nước, thùng đá... vậy là có ngay một hàng trà đá. Không kén không gian, đồ uống này xuất hiện ở mọi nơi. Mỗi người có một lý do để gắn bó với quán nước, thường chẳng ai đòi hỏi tiện nghi khi tìm đến nó. Trà đá như một thú vui để giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng. 

Người Hà Nội vốn cầu kỳ trong nhiều thứ, nhất là về khoản ẩm thực nhưng với trà đá, họ lại chẳng đề ra yêu cầu nào khắt khe. Ngồi trà đá, người ta bỗng dưng "dễ dãi", không bàn tới việc trà ngon hay dở. Trà đá vỉa hè là nơi bắt đầu những câu chuyện trên trời dưới biển, chuyện xã hội, làng xóm, chuyện cơ quan... đủ cả. Nhấm nháp ly trà đá vào mùa hè oi bức, mát lòng mát dạ; mùa đông lạnh giá thì gọi cốc trà nóng, thưởng thức cái vị chan chát rồi ngọt dần trong miệng, cứ thế, người ta hòa mình vào những chuyện “không đầu không cuối”…

Muốn lê la thì ngồi trà đá, thích sang trọng tốn kém hơn thì vào quán cà phê. Dù là lề đường, vỉa hè, hay vào sâu trong những con ngõ nhỏ, quán trà đá lúc nào cũng thu hút rất đông khách qua đường. Nếu như những năm 90 trở về trước, các hàng trà đá có đặc trưng là những chiếc ghế băng (ghế gỗ dài), trên bàn bày hộp thuốc lá, lọ kẹo vừng kẹo lạc cùng giỏ ấm tích thì hiện nay nhiều quán chuyển sang sử dụng ghế nhựa. Khách tới dùng thêm một chiếc ghế đặt cốc trà đá lên bày ngay trước mặt.

Rảo bước quanh mấy khu tập thể cũ, đếm sơ cũng được hơn chục hàng trà đá. Bà Liên (80 tuổi) coi việc bán quán nước là thú vui khi tuổi về già. Ngồi với khách, bà cũng thoải mái kể đôi ba câu chuyện làm quà. Vẻn vẹn chỉ sau một ly trà, vị khách lạ cũng biết được cuộc đời bà tần tảo khi chồng mất sớm, hai anh con trai lần lượt qua đời, chỉ còn bà làm lụng nuôi con nuôi cháu.

- Bà cho con gửi tiền nước, con phải chạy đi làm rồi. 
- Thôi chú cầm đi, nước hôm nay tôi mời.
- Ấy không, bà phải cầm để hôm nào rảnh con lại qua nghe bà kể chuyện thời xưa nữa chứ.

Vị khách dúi vào tay bà Liên hai tờ tiền lẻ rồi rời đi. Còn người phụ nữ tuổi thất thập cổ lai hy ngồi lại với góc sân tập thể được mấy bóng cây che rợp. Nắng xiên xuống qua kẽ lá, bà ngẩng lên nhìn rồi buông một câu như cái thở nhẹ: "Thỉnh thoảng có người tâm sự cũng đỡ buồn".

Trà đá vỉa hè trở thành một điểm đến không cần hẹn trước của bất kỳ lứa tuổi nào từ người già, người trẻ, dân văn phòng, lao động chân tay... Những cụ già coi trà đá là nơi hàn huyên với bạn bè, là cái cớ để các cụ đi ra ngoài, vận động chân tay. Với những anh shipper, quán nước giá rẻ là nơi dừng chân sau hàng chục đơn hàng ngược xuôi giữa ngày nóng nực... Chỉ với 3.000 - 5.000 đồng là có ngay chỗ ngồi để cà kê, ngắm nhìn đường phố. Những lúc như thế, bao nhọc nhằn, lo toan, vất vả... chợt tan biến. Hà Nội vội vã nhưng bên ly trà, nhịp sống phồn hoa bỗng dưng chậm lại.

Cũng chẳng cần tới nhà hàng cao sang, giới trẻ Hà Nội ngày nay hẹn hò nhau ngay tại hàng trà đá. Thu về, ngồi nơi góc phố quen cùng nhau ngắm nhìn đường phố. Có lẽ không ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này người ta lại thích ngồi vỉa hè uống trà đá như ở Hà Nội và có lẽ cũng không nơi nào lại có nhiều quán trà đá như tại thủ đô.

Có thể chọn đồ uống khác nhưng ngồi trà đá ven đường, vỉa hè, công viên… là sở thích của nhiều vị khách, điều này dường như trở thành nét rất riêng của người Hà Nội. 

Với dân văn phòng, trà đá là thức uống dùng gần như hàng ngày. Vào giờ nghỉ trưa, quanh khu vực Cầu Giấy, Đống Đa… một số quán trà đá đông nghịt khách. Sau nửa ngày ngồi trong phòng kính, bật điều hoà, “dân bàn giấy” lại thèm hít thở khí trời, ngồi dưới bóng cây nhấp môi ngụm trà đắng chát. Thường từ 12h30-13h30, quán trà đá ven các con phố như Duy Tân, Phạm Văn Bạch, Liễu Giai… tấp nập người ra vào. Những chồng ghế nhựa xếp gọn từ sáng cũng được khách hàng tự gỡ ra để ngồi, không quên lấy một chiếc làm bàn để ly nước.

“Uống trà đá cho tỉnh táo” là câu trả lời thường thấy với dân văn phòng. Họ vẫn mặc nguyên trên người những bộ đồng phục của công ty, trên cổ còn đeo thẻ nhân viên. Ngồi trà đá dăm mười phút, họ tạm quên đi công việc còn chất chồng, cứ vậy xuề xoà cho thư thả đầu óc.

Những nơi đông nhân viên văn phòng được coi là khu đắc địa để kinh doanh trà đá. Theo chia sẻ của một chủ quán, hàng nào vắng khách thu nhập cũng đều đặn dăm bảy triệu một tháng, còn nếu đông doanh thu cao gấp đôi, thậm chí gấp ba. Tưởng chừng từ 3.000 - 5.000 đồng một cốc là ít ỏi nhưng một hàng bán vài trăm cốc mỗi ngày, lợi nhuận không hề nhỏ, đối với dân lao động chân tay.

Không chỉ bán ở những quán riêng, thực khách còn tìm thấy trà đá ở bất cứ hàng ăn nào tại Hà Nội, từ cả bình dân đến sang trọng. Ăn phở Hà Nội vào buổi sớm, ai mà không gọi thêm cho mình ly trà đá, đĩa quẩy rán giòn. Rồi bún riêu, bún ốc nguội, ăn bánh mì... người ta cũng kèm thêm ly trà đá cho mát cổ họng.

Một sớm cuối tuần thư thả là được dậy sớm, xuống phố ăn sáng rồi tạt qua quán trà đá ngồi ngắm trời thu thật là thi vị.

Mùa thu còn là mùa của những thức quà diệu kỳ, nhất là cốm non. Thời buổi hiện đại, mùa nào người ta cũng mua được cốm nhưng phải ăn vào mùa thu nó mới chuẩn vị. Ăn cốm hợp nhất với uống trà, điều này chưa chắc khoa học, chẳng có quy định nhưng cũng không ai bàn cãi. Không lạ gì hình ảnh vài ba cô thiếu nữ trên tay cầm bọc lá sen gói tròn, ngồi xuống gọi cốc trà đá rồi mở ra, để thấy bên trong, từng hạt cốm non thơm thơm, xanh biếc. Chẳng ai ép uổng, người ta tự mình tìm tới những thú vui ấy như một thói quen.

10h30 sáng, sân E2 khu tập thể Thành Công (quận Ba Đình) yên ắng, nắng hiu hiu, hắt xuống những khoảng sân rợp đầy lá vàng rụng. Thỉnh thoảng vang lên mấy tiếng cười khà rồi vài ba tiếng đập quân cờ nghe cái chát: "bắt", "chiếu tướng", "ăn"... 

Các cụ ông là những người thưởng trà có gu nhất. Với họ, trà phải đậm đà, vừa thơm, chát đủ, ngọt hậu vị mới đạt chuẩn. Ở Hà Nội, dạo quanh sân tập thể, không khó để gặp cảnh các bô lão ngồi đánh cờ tướng, có khi tới cả chục người quây vào một chiếc bàn vuông bé xíu. Đặt cạnh bàn cờ là những ly trà, nước trà đặc và thường không uống cùng đá. Các cụ ông vừa nhâm nhi, vừa tính nước đi.

Việt Hoài (1991) sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Mỗi lần nhắc về trà đá, cô miên man theo những câu chuyện từ thời là sinh viên: "Ngày đấy làm gì có tiền đâu. Đám bạn rủ đi chơi thì toàn tụ nhau ở mấy quán trà đá, trà chanh, thêm đĩa hướng dương là ngồi ê a cả buổi". Hoài kể, sau này ra trường, đi làm cô gái này vẫn giữ thói quen ngồi mấy quán nước vỉa hè, mang theo cây đàn guitar, ukulele, cả nhóm lại hát hò vang cả con phố. 

Năm 2019, Hoài có dịp qua Nhật Bản làm việc một năm. Xa Hà Nội, nỗi nhớ lại ùa về trong lòng cô gái. "Sang đất nước mặt trời mọc, tôi cũng đi uống trà nhưng nét văn hóa của họ khác với Việt Nam, không có kiểu ngồi vỉa hè, gốc cây, bờ tường như ở mình. Nhớ thế, cái cảm giác ngồi ghế nhựa, dưới mấy tán cây, nhìn ra đường ngắm xe cộ ngược xuôi. Trà đá Hà Nội là một cái gì đó rất đặc biệt, tới mức nó phải là Hà Nội chứ nơi khác tìm không ra", Hoài nói.

Sau này trở về Hà Nội, lập gia đình, Hoài và chồng cũng giữ thói quen lê la quán xá những ngày cuối tuần. Khi thì đi ăn phở Thụy Khuê, lúc lại bún ốc nguội Hòe Nhai... Ăn gì xong rồi cũng dẫn nhau ra trà đá, ngồi ven hồ Trúc Bạch, Hồ Tây vừa hóng gió thu, vừa nhâm nhi ly trà thanh mát.

Dù trong một bộ vest lịch thiệp hay xuề xòa chiếc áo phông sờn cũ, ở một góc phố nhỏ hay trong hẻm, gầm cầu thang khu tập thể... người ta đều có thể ngồi xuống, cầm cốc trà và cảm nhận hương vị. Trà đá hút khách không phải vì ngon hay rẻ mà bởi cảm giác chẳng lạc vào đâu mà nó mang lại. Và cứ vậy, chẳng ai biết trà đá có từ bao giờ, ai bán nó đầu tiên nhưng rồi theo năm tháng, thứ đồ uống dung dị ấy trở thành điều dễ mua, dễ bán bậc nhất mảnh đất ngàn năm văn hiến. 
"...

Nhấp trên môi ly trà tôi thấy tôi không nhỏ nhen và bon chen
Sát nhau lại sao bình yên những phút nghĩ về mình
Và thấy bao điều ta dường như đã quên ôi chuyện xưa chuyện hôm nay
Vẫn những khi ta cùng nhau ngồi uống, Hà Nội trà đá vỉa hè".

Thạch Thảo

Xem các bài viết của tác giả