Buổi sáng một ngày bình thường tại Darling Cafe, quán cà phê nhỏ nằm trên phố Tam Trinh (Hà Nội). Cô Mai - chủ quán, vừa nhận được một đơn hàng mới từ ứng dụng Be. Đây đã là đơn hàng thứ 8 cô nhận từ Be chỉ trong một buổi sáng.
Hưởng lợi lớn nhờ những đơn hàng trên ứng dụng, thế nhưng người phụ nữ này không hề biết rằng, dữ liệu ẩn giấu đằng sau chiếc điện thoại đã thay đổi hoàn toàn cách mà cô kinh doanh.
Với mỗi cốc cà phê được chuyển đi, dữ liệu về hành vi mua hàng đó đã được ứng dụng lưu lại, tổng hợp và phân tích. Ở những đơn hàng sau đó, nếu người dùng tiếp tục có nhu cầu gọi một món đồ uống, cửa hàng đã mua sẽ được ứng dụng đề xuất và hiện lên ngay trước mắt người xem.
Nhờ việc hành trình trải nghiệm của khách hàng được ghi lại, cùng với thời gian, thuật toán dẫn đường, lựa chọn tài xế của ứng dụng sẽ ngày một tối ưu hơn. Và vì thế, thời gian giao hàng cũng ngày càng được rút ngắn.
Câu chuyện nhỏ này chỉ là một ví dụ đơn giản về cách mà dữ liệu đang làm thay đổi bức tranh kinh tế tại Việt Nam. Vào năm 2024, những tiến bộ trong việc thu thập và phân tích dữ liệu sẽ không chỉ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa như quán cà phê của cô Mai kiếm thêm thu nhập, mà nó còn mở ra cánh cửa về một tương lai tươi sáng và tiềm năng hơn cho cả nền kinh tế.
Theo báo cáo của Why Market Research Is Important, 60% công ty làm tốt việc nghiên cứu thị trường bằng dữ liệu sẽ có lợi nhuận cao hơn các công ty không thực hiện việc này.
Thống kê từ Forrester research cho thấy, 54% doanh nghiệp cho rằng việc phân tích dữ liệu sẽ tác động trực tiếp tới doanh thu, 44% thậm chí còn nghĩ hành động này sẽ tạo ra một lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.
Việc đưa ra chiến lược dựa hoàn toàn trên dữ liệu sẽ là cách giúp các doanh nghiệp có một chiếc “kim chỉ nam” tin cậy, đặc biệt là trên nền tảng thương mại điện tử.
Thông qua phân tích dữ liệu, doanh nghiệp có thể ra quyết định kinh doanh nhanh hơn từ 3 đến 5 lần, tạo ra lợi thế cạnh tranh về tốc độ thực thi và phát triển năng lực chủ động của nhân viên, tránh lãng phí nguồn lực không cần thiết.
Trên thực tế, Metric đã chứng kiến nhiều sự thay đổi ngoạn mục của các doanh nghiệp khi áp dụng dữ liệu vào quyết định kinh doanh.
Thời điểm cuối năm 2022, một nhà phân phối các sản phẩm điện tử ghi nhận sự thua lỗ trong bối cảnh thị trường vô cùng ảm đạm. Để gỡ rối, doanh nghiệp này giảm giá sâu các sản phẩm, nhưng điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận sụt giảm, thậm chí về mức âm. Việc cắt giảm nhân sự hoặc đóng cửa bớt mặt bằng cũng được thực hiện nhằm tiết kiệm tối đa chi phí, tuy nhiên, đó không phải giải pháp lâu dài.
Khi sử dụng dữ liệu để tìm cách cải thiện tình hình, họ phát hiện ra một mẫu TV đang bán rất chạy trên các sàn thương mại điện tử. Sau quá trình phân tích, đánh giá, doanh nghiệp này quyết định tin theo dữ liệu, nhập sản phẩm về bán, và kết quả là doanh thu, thị phần đã được cải thiện đáng kể.
Ví dụ kể trên cho thấy, khi được dùng đúng cách, dữ liệu có thể mang lại sức mạnh ghê gớm, ngoài sức tưởng tượng. Dữ liệu chính xác sẽ là cơ sở vững chắc cho các cơ quan quản lý, hỗ trợ việc đưa ra những chính sách phù hợp, từ đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
Với cộng đồng doanh nghiệp, dữ liệu giúp họ giảm thiểu tối đa các sai lầm không đáng có, thúc đẩy tăng trưởng bền vững thay vì sử dụng các chiến lược “ngắn hạn” như chạy theo trào lưu, bán phá giá, … Phân tích dữ liệu sẽ là con đường khả quan nhất giúp doanh nghiệp đạt 2 mục tiêu tăng trưởng nhanh và dài hạn cùng lúc.
Có nhiều lý do để tin rằng kinh tế dữ liệu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ năm 2024. Đầu tiên, khi các động lực tăng trưởng kinh tế truyền thống như xuất khẩu có dấu hiệu suy giảm, kinh tế dữ liệu có thể mang cơ hội mở rộng và đa dạng hóa cho nền kinh tế Việt Nam.
Những ngành như thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và sản xuất thông minh đều phụ thuộc rất nhiều vào các giải pháp dựa trên dữ liệu. Sự tăng trưởng của những ngành này sẽ đóng góp đáng kể vào tổng sản lượng kinh tế.
Kinh tế dữ liệu còn giúp tăng năng suất lao động. Bằng cách khai thác sức mạnh của phân tích dữ liệu, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hoạt động, cải thiện quy trình ra quyết định, và nâng cao hiệu suất. Điều này hứa hẹn sẽ đóng góp lớn vào thúc đẩy tăng trưởng và tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Kinh tế dữ liệu của Việt Nam vào năm 2024 sẽ tăng trưởng ổn định và có tầm ảnh hưởng ngày càng lớn. Trong nỗ lực trở thành trung tâm dịch vụ dữ liệu của khu vực, các thỏa thuận xuyên biên giới và các các sáng kiến trao đổi kiến thức sẽ hỗ trợ Việt Nam trong việc chuyển giao công nghệ và tăng cơ hội tiếp cận thị trường. Hợp tác và đối tác quốc tế sẽ đóng vai trò then chốt, củng cố vị thế của Việt Nam trong nền kinh tế dữ liệu toàn cầu.
Việc Chính phủ tiếp tục cam kết hỗ trợ chuyển đổi số cho các ngành công nghiệp và tạo dựng môi trường thuận lợi cho đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy nền kinh tế dữ liệu phát triển. Đầu tư vào hạ tầng số, khung pháp lý và giáo dục sẽ mở đường cho sự phát triển bền vững của lĩnh vực này.
Việt Nam hiện có 3 điểm sáng về kinh tế dữ liệu. Đầu tiên là nhận thức về tầm quan trọng của dữ liệu. Từ Trung ương cho tới địa phương, từ khối cơ quan chính quyền cho tới các tổ chức, doanh nghiệp đều đã bắt đầu coi dữ liệu như là một tài nguyên, tài sản chiến lược.
Các cấp lãnh đạo, quản lý đều mong muốn khai thác, hiểu dữ liệu để từ đó nâng cao hiệu suất về quản trị, tối ưu quy trình, ra quyết định và điều hành dựa trên dữ liệu,... Nhiều doanh nghiệp đã áp dụng và khai phá dữ liệu trong việc nâng cao trải nghiệm khách hàng, tự động hóa tiếp thị, tối ưu hóa tồn kho, tối ưu chi phí,...
Điểm sáng tiếp theo là về đổi mới sáng tạo. Dữ liệu là nguồn tài nguyên, nguồn cảm hứng cho sự sáng tạo và đổi mới. Chúng ta đang thấy một Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng, song hành với đó là việc áp dụng các công nghệ, nền tảng và khai phá dữ liệu trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
Điểm sáng thứ 3 là mục tiêu phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ dựa trên dữ liệu đang trở thành lực lượng, động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế Việt Nam nói chung và kinh tế dữ liệu nói riêng.
Bên cạnh các điểm sáng, kinh tế dữ liệu Việt Nam cũng còn nhiều điểm tối. Chúng ta chưa có một nghiên cứu khoa học, xác định quy mô nền kinh tế dữ liệu của Việt Nam theo đúng nghĩa, để từ đó xác định chiến lược đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, cũng như các giải pháp thực thi một cách khoa học.
Khả năng hiểu rõ, tận dụng và khai phá tiềm năng dữ liệu của đa số các tổ chức, doanh nghiệp còn hạn chế. Việc đào tạo, phát triển kỹ năng về khai phá dữ liệu của các trường đại học, các tổ chức giáo dục, hay trong chính nội tại tổ chức, doanh nghiệp còn thiếu và yếu.
Việt Nam có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế dữ liệu. Sự thuận lợi này đến từ định hướng đúng đắn của Chính phủ và nguồn năng lượng dồi dào từ lực lượng dân số trẻ, với tỷ lệ tiếp cận Internet lên tới 80%.
Tuy nhiên, trong năm 2024, nước ta cũng sẽ phải đối mặt với 2 thách thức liên quan đến vấn đề dữ liệu. Đó là thách thức về việc xây dựng hành lang pháp lý, các tiêu chuẩn, quy chuẩn dữ liệu, cơ chế liên thông chia sẻ dữ liệu và sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng. Theo ước đoán, Việt Nam sẽ cần khoảng 1-1,5 triệu nhân sự làm việc trong lĩnh vực dữ liệu trong giai đoạn từ 3-5 năm tới.
Nhìn vào bài học kinh nghiệm của top 5 nước dẫn đầu thế giới về kinh tế dữ liệu như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, họ đã mất hàng chục năm xây dựng thể chế, chiến lược cũng như đầu tư nhiều tỷ USD gây dựng thị trường, nhưng phải tới năm 2020 mới cơ bản hình thành rõ nét chiến lược và chính sách dữ liệu.
Do vậy, theo quan điểm cá nhân, năm 2024 kinh tế dữ liệu chưa thể trở thành động lực tăng trưởng mới cho Việt Nam. Để thúc đẩy được tiềm năng của nền kinh tế dữ liệu, trong năm 2024, Việt Nam nên quyết liệt xây dựng hạ tầng số, tạo lập dữ liệu và triển khai đồng bộ từ trung ương đến địa phương, trong tất cả các ngành trọng điểm.
Việt Nam cũng cần xây dựng kho tri thức về khai phá dữ liệu, các ví dụ thành công trong việc sử dụng dữ liệu với các ngành, các cấp, đồng thời truyền thông rộng rãi để lan tỏa thông tin này tới mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.
Thiết kế: Minh Hòa