Sau khi phát hiện Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) vào sáng nay, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã nhanh chóng hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp để đánh giá vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói rằng tên lửa Triều Tiên có thể đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
“Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley và những người đồng cấp từ Nhật Bản và Hàn Quốc đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức họp khẩn để phản ứng với vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của Triều Tiên. Phiên họp sẽ được tổ chức vào khoảng 16h30 giờ EST ngày 29/11”, thông báo của phái đoàn Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho biết.
Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí gây tranh cãi của nước này. Theo các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Triều Tiên bị cấm phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân, song Bình Nhưỡng tuyên bố kho vũ khí của nước này là cần thiết để phòng vệ nhằm chống lại chính sách “thù địch” của Mỹ.
Theo hãng thông tấn Kyodo, chính phủ Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp của hội đồng an ninh quốc gia sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã chủ trì phiên họp khẩn của hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận về động thái mới nhất của Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson thông báo rằng Mỹ, Canada và đại diện của Nhật Bản, Hàn Quốc cùng các quốc gia có liên quan sẽ nhóm họp để trao đổi về cách thức mà cộng đồng quốc tế có thể thực hiện để đối phó với mối đe dọa Triều Tiên.
Phản ứng các nước
Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đã “nhất trí tăng cường năng lực răn đe chung để đối phó mối đe dọa Triều Tiên”. Ngoài ra, hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ quan điểm rằng Trung Quốc cần phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc xử lý cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Thủ tướng Abe đã mô tả vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là “hành vi nghiêm trọng không thể dung thứ” còn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định vụ phóng tên lửa đã đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình toàn cầu. Tổng thống Donald Trump cho biết sẽ “xử lý vấn đề” và không thay đổi chính sách với Triều Tiên, trong khi Ngoại trưởng Tillerson lên án Triều Tiên phóng tên lửa xuống vùng biển Nhật Bản, đe dọa các nước lân cận, khu vực và ổn định toàn cầu.
Các nước châu Âu cũng nhanh chóng bày tỏ quan điểm sau khi Triều Tiên phóng tên lửa vào sáng sớm nay. Ngoại trưởng Anh Boris Johnson kêu gọi Bình Nhưỡng “thay đổi hướng đi”.
“Đây không phải là con đường hòa bình và thịnh vượng đối với nhân dân Triều Tiên. Chính quyền Triều Tiên phải thay đổi hướng đi của nước này”, ông Johnson cho biết.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng chỉ trích mạnh mẽ vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Ông Jens cho rằng Triều Tiên cần quay trở lại các cuộc đối thoại đáng tin cậy với cộng đồng quốc tế.
Bình luận trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là hành động “vô trách nhiệm”.
“Tôi lên án vụ phóng thử tên đạn đạo mới vô trách nhiệm của Triều Tiên. Điều đó càng củng cố quyết tâm của chúng ta trong việc tăng cường sức ép với Bình Nhưỡng, cũng như củng cố tinh thần đoàn kết với các đối tác của chúng ta”, ông Macron nhấn mạnh.
Vụ phóng tên lửa sáng nay của Triều Tiên là vụ phóng tên lửa đạn đạo đầu tiên sau hơn 2 tháng và là vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên sau hơn 4 tháng. Đây được cho là vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa thành công thứ 3 của Bình Nhưỡng và tên lửa mới nhất được dự đoán đủ khả năng bắn tới Mỹ.
Hội đồng tham mưu trưởng Hàn Quốc cho biết tên lửa được phóng đi từ phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên vào khoảng 3h17 sáng nay và rơi ở vùng biển ngay sát Nhật Bản. Tên lửa được cho là đã bay xa 960km và bay cao 4.500km. Nói cách khác, đây là vụ phóng tên lửa bay cao nhất và có thời gian bay lâu nhất của Triều Tiên từ trước đến nay.
Theo Dân Trí