Trong phần này, người sáng lập Đại học Fulbright VN chia sẻ góc nhìn của ông về văn hóa thiện nguyện của người giàu ở Mỹ và VN.

Nhà báo Việt Lâm:Trường ĐH Fulbright VN (FUV) tuyên bố sẽ đi theo hướng không vì lợi nhuận. Thời gian qua, có khá nhiều cuộc tranh luận trong công chúng nghi ngờ về tính bền vững về tài chính của mô hình mà FUV đang theo. Họ lập luận rằng, mô hình đại học phi lợi nhuận phát triển mạnh ở Mỹ vì người Mỹ đã có được tập quán quyên tặng tiền cho trường đại học, còn ở VN đây vẫn là khái niệm xa lạ. Không ít đại gia Việt sẵn sang hiến một số tiền lớn để xây chùa, xây đền nhưng khi họ bỏ tiền vào trường đại học thì họ coi đó là một khoản đầu tư và phải thu hồi được lợi nhuận.

Ông Thomas Vallely: Tôi hiểu sự hoài nghi này. Tình trạng chạy theo lợi nhuận trong giáo dục đại học là một vấn đề có thật. Nhưng chuyện lạm dụng yếu tố phi lợi nhuận cũng hoàn toàn có thể xảy ra. Nói cách khác, đây không phải là chuyện mô hình này hoàn hảo còn mô hình kia thì không.

Tuy nhiên, nhìn chung các trường đại học vì lợi nhuận ở Mỹ rất hiếm. Chẳng hạn, trong top 100 trường đại học tốt nhất không có trường nào hoạt động vì lợi nhuận cả. Có thể trong top 500 có vài trường nhưng rất hiếm. Nói cách khác, hệ thống đại học vì lợi nhuận không thực sự tồn tại ở Mỹ.

Nguyên tắc hoạt động cơ bản của mô hình phi lợi nhuận là gì? Nếu anh có một chương trình đào tạo quản trị kinh doanh hay kỹ sư tốt và những người trẻ muốn vào học, lấy bằng rồi khi ra trường kiếm được công việc ở một công ty tốt, chẳng hạn ở Vietnam Airlines, thì họ có thể trả được tiền học phí. Nhưng nếu bạn muốn trở thành một nhà hoá học, thì sau khi học xong rất có thể bạn sẽ làm một công việc mà không thể kiếm đủ tiền để trả nợ học phí. Do đó, sinh viên học ngành hoá cần được trợ cấp.

Tức là chúng tôi lấy tiền thu được từ các chương trình đào tạo quản trị kinh doanh MBA để tài trợ cho sinh viên học ngành khoa học. Nói cách khác, có những ngành cần hoạt động theo quy luật thị trường nhưng có những ngành học phải được trợ cấp. Trong một trường đại học phi lợi nhuận, anh sẽ lưu chuyển dòng tiền sang những ngành học cần được trợ cấp.

Vậy sự khác biệt căn bản giữa đại học phi lợi nhuận và đại học vì lợi nhuận là gì?

Trong mô hình vì lợi nhuận, anh phải kiếm ra tiền và đưa tiền đó về cho các cổ đông bởi vì họ đã đầu tư tiền vào trường và cần thu lại. Còn trong mô hình phi lợi nhuận, anh không cần phải trả tiền lại cho cổ đông, thay vì thế anh trợ cấp cho các sinh viên và ngành học như tôi vừa nói.

Chắc chắn là để có các trường đại học phi lợi nhuận thì cần có sự hiến tặng của các cá nhân, tổ chức. Như tôi từng nói, nếu trường ĐH Fulbright không thể kết nối với xã hội VN ở mức độ thực sự sâu sắc thì trường sẽ không thể phát triển bền vững được. FUV cần nguồn đầu tư từ những các cá nhân giàu có và những người quan tâm đến trường. Ở đây, quay trở lại vấn đề quản trị. Nếu FUV có một cơ chế quản trị đúng đắn thì tôi tin rằng FUV sẽ thu hút được tài trợ từ tư nhân.

Hiện FUV đã có đủ nguồn tiền ban đầu để thành lập và hoạt động nhưng chắc chắn chúng tôi cần xã hội Việt Nam ủng hộ về học phí, tiền hiến tặng và có thể cả nguồn vốn tài trợ từ nhà nước. Đó là sự kết hợp của nhiều nguồn.

Thomas Vallely, Đại học Fulbright Việt Nam, đại gia
Ông Thomas Vallely


- Vậy ông sẽ nói gì với các nhà tài trợ tiềm năng ở Việt Nam, nhất là khi họ hỏi ông "Tôi sẽ nhận lại được gì khi hiến tặng cho FUV?"

Bạn sẽ không nhận được gì ngoài một lá thư cảm ơn từ FUV rằng: Rất cảm ơn ông/bà đã đóng góp cho trường Fulbright (cười). Thực ra, điều bạn sẽ nhận lại được là sự tưởng thưởng vì đã đóng góp sức mình để kiến thiết một quốc gia. Nếu bạn muốn có một VN mạnh hơn, tốt hơn cả là bạn hãy góp sức mình xây các trường đại học. Nếu bạn từng nghĩ đến việc làm sao để xây dựng một VN đủ mạnh để đứng vững trước những áp lực từ bên ngoài thì bạn hãy cân nhắc đóng góp cho đất nước.

- Theo tôi được biết, FUV cũng đã vận động gây quỹ trong cộng đồng doanh nghiệp VN. Từ những phản hồi ông nhận được thì liệu có thể lạc quan về triển vọng các doanh nhân, đại gia VN sẽ quan tâm và đóng góp cho các sáng kiến xây trường đại học phi lợi nhuận không?

Thực sự là chúng tôi đã nhận được tiền hiến tặng hay cam kết hiến tặng từ Việt Nam.

- Nước Mỹ nổi tiếng về văn hoá quyên tặng tiền cho các trường đại học. Động lực nào làm nên tinh thần này?

Ở Mỹ chúng tôi có luật thừa kế. Theo luật thì phần lớn của cải của bạn không thể được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Bởi vì hệ thống thuế của Mỹ quy định, bạn có thể nạp thuế cho chính phủ hoặc đem số tiền đó cho một ai khác. Chính vì vậy, người giàu Mỹ thà đem tiền làm từ thiện hơn là nạp cho chính phủ để họ mua máy bay chiến đấu, tàu ngầm. Họ nói tôi muốn quyên tiền cho bảo tàng Metropolitan ở New York để họ có thể mua thêm tranh của Van Goh chẳng hạn. Đó là lý do vì sao mà văn hoá từ thiện lại trở nên phổ biến ở Mỹ. Nhiều người giàu Mỹ cũng có thể muốn hiến tặng tiền của cho những trường đại học mà họ từng theo học. Đây là nguồn tài trợ chủ yếu cho các trường nhỏ. Ưu đãi thuế chính là động lực chính phía sau văn hoá thiện nguyện ở Mỹ.

Ở VN chưa có một hệ thống ưu đãi như vậy để khuyến khích người giàu đóng góp thiện nguyện nhưng tôi nghĩ Chính phủ có thể suy nghĩ về mô hình này. Bởi vì tôi tin là văn hoá thiện nguyện có vai trò quan trọng để khuyến khích sáng tạo và đổi mới thể chế. Tiền hiến tặng cần được sử dụng nhưng lợi nhuận mà họ nhận về phải là chất lượng dịch vụ công được cải thiện. Chỉ như thế, nguồn tiền hiến tặng mới tạo ra giá trị đích thực.

- Như vậy có thể hiểu là không hẳn người giàu ở VN chưa sẵn lòng hiến tặng tiền mà có thể bởi vì họ còn chưa đủ lòng tin rằng chất lượng dịch vụ công sẽ cải thiện.

Tôi nghĩ đúng như vậy.

- Thế những hoạt động thiện nguyện đã phát triển như thế nào ở các nước châu Á khác như Trung Quốc chẳng hạn? Báo chí gần đây nói nhiều về việc những người giàu ở Trung Quốc bắt đầu hiến tặng rất nhiều tiền cho các trường đại học.

Trung Quốc có những trường đại học rất tốt. Và điều khá thú vị là đấy là những mô hình khá giống với mô hình mà chúng tôi đang theo đuổi cho FUV, một mô hình mà Việt Nam và Mỹ đã mất đến cả một thập niên để thảo luận. Chúng ta đã mất một thời gian khá dài kể từ chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phan Văn Khải hồi năm 2005. Thảo luận thì nhiều nhưng chưa có mấy hành động thực tế để biến tầm nhìn đó thành hiện thực.

Trở lại câu chuyện Trung Quốc, bước vào đầu thế kỷ 20, các nhóm tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa giáo bắt đầu đầu tư mạnh vào giáo dục đại học ở Trung Quốc. Vì vậy, có khoảng 6 - 7 trường đại học của Trung Quốc nhận được nguồn tài trợ lớn từ các cá nhân rất giàu có, chẳng hạn như tỷ phú Henry Louis, ông vua ngành nhôm lúc đó. Những tỷ phú này là thành viên của phong trào Thiên Chúa giáo, họ quan tâm tới Trung Quốc và hiến tặng tiền xây những trường đại học thuộc loại tốt nhất ở Trung Quốc ngày nay.

Riêng ĐH Thanh Hoa là một ngoại lệ. Trường ĐH Thanh Hoa được xây dựng từ nguồn quỹ tái thiết Trung Quốc sau chiến tranh do Mỹ chi trả. Đây là trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Trung Quốc hiện nay.

Điểm thú vị là nguồn tiền ban đầu xây trường Đại học Fulbright cũng có khởi nguồn phần nào tương tự như ĐH Thanh Hoa. Quỹ Tín thác Sáng kiến Đại học VN, tổ chức chịu trách nhiệm xây FUV nhận tài trợ từ khoản tiền trả nợ mà VN trả cho các khoản vay dân sự của chính quyền Sài gòn cũ sau chiến tranh VN.

(Thomas Vallely cũng chính là người đã vận động để Chính phủ Mỹ dành một phần lớn khoản tiền trả nợ này thành lập Quỹ Giáo dục VN VEF, tài trợ học bổng cho người VN sang Mỹ theo học cao học hoặc tiến sỹ trong các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật - PV).

Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc lên nắm quyền, họ không đóng cửa các trường đại học này mà chỉ để chúng ngưng hoạt động cho đến khi Trung Quốc bắt đầu cải cách, mở cửa. Nhờ vậy mà đến nay, những trường này vẫn duy trì được thế mạnh của mình.

Bên cạnh đó, chính phủ Trung Quốc cũng đầu tư xây dựng rất nhiều trường đại học mới, nhưng không phải theo mô hình của Mỹ. Bạn sẽ không muốn tạo ra huyền thoại Trung Quốc đâu vì rất có thể bạn sẽ phóng đại năng lực thực của họ trong giáo dục. Các trường này vẫn tương đối đóng cửa trong khi FUV có thể sẽ cởi mở hơn một chút.

- Tại lễ kỷ niệm 20 năm Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, ông đã tuyên bố trước sự có mặt của quan chức hai nước rằng trường ĐH Fulbright sẽ không phải là trường tốt nhất VN mà là trường đại học mới thành lập tốt nhất trên thế giới. Ông có thể giải thích vì sao FUV lại đặt mục tiêu như vậy không?

Ý tưởng của chúng tôi là đừng nỗ lực trở thành trường đại học tốt nhất VN. Trước hết, điều đó sẽ rất khó khăn. Nhưng khi chúng tôi nói chúng tôi muốn xây một trường đại học mới tốt nhất trên thế giới, chúng tôi thực sự quyết tâm.

Sẽ mất một thời gian để FUV có thể có những chương trình đào tạo kỹ sư tốt hơn trường ĐH Bách Khoa TP.HCM chẳng hạn. Chúng tôi sẽ không cạnh tranh về điều này. Khi chúng tôi nói rằng chúng tôi sẽ cố gắng để trở thành trường đại học mới tốt nhất trên thế giới, điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ sử dụng những phương pháp giảng dạy khác. Nói cách khác, chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm xây dựng mô hình đại học mới tốt nhất trên thế giới. Và chúng ta sẽ xem xem mô hình ấy sẽ ra sao.

Đây là một cuộc thử nghiệm. Tất nhiên, FUV sẽ vẫn phải cạnh tranh với một số chương trình đào tạo khá mạnh của VN. FUV sẽ làm điều đó như thế nào? Đó vẫn còn đang là một tiến trình với nhiều thử nghiệm.

- Có lẽ câu trả lời này của ông đã giải thích phần nào cho câu hỏi của nhiều độc giả rằng liệu FUV có dựa trên mô hình giáo dục đại học hiện tại mà ngay ở Mỹ cũng đang bắt đầu tranh luận và xem xét lại. Có thể hiểu rằng FUV sẽ đặt mình trong dòng chảy của những công nghệ giáo dục mới đang biến cải giáo dục bậc cao trên thế giới hiện nay, như giáo dục trực tuyến mở chẳng hạn?

Đúng vậy. Khi tôi lái xe đi đâu đó chẳng hạn, tôi download một khoá học mà tôi có thể theo dõi trên điện thoại của tôi. Ví dụ hôm nay tôi đang muốn học về opera, nên tôi download khoá học từ một công ty cung cấp khoá học và nghe giảng suốt 2 giờ đồng hồ lái xe. Điều đó thật tuyệt vời. Hay là gần đây, tôi đã làm một chuyến đi dài về quê hương của nhà văn William Faulkner ở Missisipi. Tôi chỉ việc bấm vào khoá học về ông ấy trên Iphone và thế là khi tôi đến quê hương ông ấy thì tôi đã học xong khoá học về ông ấy trong ô tô của mình.

- Nhiều độc giả hỏi ông rằng, ông có tin rằng vấn đề của giáo dục đại học ở VN có thể được giải quyết bằng một số trường đại học tốt nhất, như mô hình mà FUV đang theo đuổi không?

Tôi có lòng tin như vậy. Nếu không, tôi đã không làm.

- Nhưng ông cũng biết đấy, Viettel có thể trở thành "người thay đổi cuộc chơi" trong lĩnh vực viễn thông vì hiệu ứng lan toả trong kinh tế dễ hơn nhờ sự cạnh tranh. Còn trong hệ thống giáo dục đại học thì nhiều người nghi ngờ là những trường tốt nhất liệu có thể đóng vai trò lan toả ảnh hưởng hiệu quả được hay không khi mà sự bảo thủ của hệ thống giáo dục không phải là nhỏ. Ông sẽ trả lời với những người hoài nghi này như thế nào?

Tất nhiên, tôi không có đủ tự tin để nói rằng "Ồ, đúng rồi, FUV sẽ làm được điều đó. Đừng lo lắng gì cả!". Không, tôi không tin điều đó.

Nhưng tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ tạo nên một sự đổi mới sáng tạo nhỏ về mặt thể chế rất thú vị về những gì mà một trường đại học có thể làm được. Và hi vọng là nếu nó đủ tốt thì cho dù mô hình này không hiệu quả ở VN, nó có thể hữu ích ở những nơi khác.

Dù sao đi nữa thì hiện tại chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn chuẩn bị thành lập trường. Tôi rất mừng vì Quốc hội Mỹ, cả hai đảng đều ủng hộ sáng kiến này với VN và tài trợ cho chúng tôi khoản ngân quỹ cần thiết để xây trường. Chúng tôi sẽ tận dụng cơ hội lớn này một cách nghiêm túc. Đương nhiên, FUV cũng cần phải gây dựng niềm tin từ công chúng và chúng ta sẽ phán xét FUV sau này.

- Tôi thì vẫn có niềm tin rằng: hành động luôn ý nghĩa hơn bất kỳ lời nói nào và thay vì ngồi đó hoài nghi hay tự ti thì hãy bắt tay vào hành động. Bất kỳ một cuộc cải cách nào cũng đều phải bắt đầu từ những thử nghiệm và chúng tôi hi vọng rằng cuộc thử nghiệm với FUV sẽ thành công và tạo ra hiệu ứng lan toả cho giáo dục đại học VN. Xin cảm ơn ông!

VietNamNet

>> Phần 1: Lãnh đạo Việt Nam muốn chúng tôi phản biện

>> Phần 2: Không thể bê nguyên Harvard về Việt Nam