Không tô son, không nhuộm tóc, không ngồi gần... 50 cm
Chia sẻ với PV, nhiều thế hệ học sinh một trường cấp ba có tiếng tại TP.HCM khẳng định trường có nội quy nam nữ không được xếp cùng bàn. Ngoài ra, các bạn trai và gái nếu ngồi gần phải giữ khoảng cách 50 cm.
Một số địa điểm như ghế đá sân trường, thư viện, hầm để xe cũng không được phép ngồi cạnh hay nói chuyện quá lâu vì đó là hành vi "mờ ám".
Một học sinh nam cho biết đôi bạn nào bị thầy giám thị chụp lại hình đang ngồi cùng nhau trên ghế đá sẽ lập tức bị mời phụ huynh, phê bình, thậm chí hạ hạnh kiểm.
Ban giám hiệu trường này từ chối nói về quy định lạ lùng và hẹn phóng viên 15 ngày sau quay lại vì "cần thời gian chuẩn bị chứ không thể trả lời ngay được".
Cũng có nội quy tương tự, một trường THPT chuẩn quốc gia tại Hà Nội thậm chí còn hạn chế tình bạn giữa những học sinh... cùng giới tính.
"Đầu năm học, cô chủ nhiệm phát cho mỗi bạn một bản khai, yêu cầu ghi rõ tên người bạn thân cùng lớp, cùng trường, khác trường để quản lý. Những đôi bạn thân nam - nam hoặc nữ - nữ sẽ rơi vào tầm ngắm vì thầy cô sợ chúng mình lệch lạc giới tính", Trần Minh Tùng (học sinh lớp 11 ở Hà Nội) kể.
So với các nam sinh, kỷ luật dường như siết chặt hơn với các nữ sinh. Một số ngôi trường có quy định bạn gái không được đeo trang sức, không sơn móng tay dù chỉ là sơn bóng, không trang điểm, không tô son, dây buộc tóc bắt buộc phải màu đen, không mang tất (vớ) sặc sỡ...
Riêng việc mặc áo dài cũng có hàng loạt nội quy. Huỳnh Mỹ Thư (Nghĩa Thục, quận 5, TP.HCM) cho biết em phải mặc áo dài từ thứ hai tới thứ sáu.
"Áo dài bắt buộc phải có cổ, là áo dạng cài chứ không được kéo khóa. Khi mặc không được xắn tay, tà áo phải thả dù đi xe đạp, guốc đi kèm không được cao quá 3 phân, không khoác áo chống nắng khi mặc áo dài", nữ sinh liệt kê.
Thư kể một lần em phải gọi phụ huynh tới đón về giữa giờ học vì bị phát hiện mặc áo lót khác màu áo dài.
Hình phạt dành cho học sinh vi phạm nội quy thường thấy là ghi sổ trực ban, mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm. Nguyễn Thị Uyên Như (học sinh lớp 11 ở TP.HCM) cho biết trường em sử dụng phương pháp trừ điểm thi đua của lớp.
"Nếu chỉ phạt cá nhân, nhiều bạn không sợ nhưng ảnh hưởng tập thể dễ dẫn tới việc bị cả lớp ghét nên dần dần không bạn nào dám làm sai nữa", nữ sinh 17 tuổi cho biết.
Riêng chiếc áo dài nữ sinh cũng có nhiều quy định đi kèm. Ảnh: Đoàn Tùng.
Chỉ nên cấm những biểu hiện quá đà?
Đồng tình với việc nhà trường nên có những quy tắc giúp học trò đi vào quy củ và tập trung vào việc học, nhưng cô Trần Mỹ Thường, phụ huynh có con học lớp 12 THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho rằng thầy cô nên tìm hiểu cá tính, hoàn cảnh của học trò trước.
"Lần ba chồng tôi mất đột ngột, muốn cháu gái về nhìn lần cuối mà gia đình không biết cách nào để gọi con. Liên lạc qua điện thoại của trường thì rất lâu", chị Thường nói lý do vì sao bất đồng với quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại di động.
"Tôi nghĩ vấn đề gì cũng có 2 mặt. Các con còn nhỏ, cầm điện thoại là mê chơi game, nhưng nếu thầy cô, cha mẹ quan tâm và hướng dẫn chơi những trò rèn luyện IQ hoặc trò chơi thông minh thì không những không có hại mà còn phát triển trí tuệ", người mẹ khẳng định.
Cô Trịnh Đông Hoa, giáo viên tại quận 8, TP.HCM, cho biết dù nhà trường không cho phép nữ sinh trang điểm đi học, nhưng cô vẫn khuyến khích học trò tô son nhẹ khi tới trường.
Cô giáo lý giải ngoại hình xinh xắn giúp học trò chỉn chu, gọn gàng, tự tin hơn, tự hào với nét đẹp của bản thân hơn. "Đó cũng chính là điều tôi muốn dạy các em. Còn tất nhiên những trường hợp 'mặc sức' son phấn, nhuộm tóc lòe loẹt, ăn mặc phản cảm khi tới trường thì phải nghiêm khắc xử lý", cô Hoa nhấn mạnh.
Thầy Nguyễn Văn Dũng - Hiệu phó THPT Trương Định, Hà Nội - đồng tình ý kiến chỉ nên cấm những biểu hiện quá đà chứ không nên hà khắc với học trò.
Thầy hiệu phó cho biết các trường phải làm sao cho mỗi học trò rời đi sẽ nhớ về những kỷ niệm đẹp, chứ không phải gương mặt nghiêm khắc của thầy giám thị, đòn roi của cô chủ nhiệm, những lời nhiếc móc của cha mẹ, hay hàng loạt hình phạt và bản kiểm điểm đầy nước mắt.
Theo Zing