Tờ The Straits Times (Singapore) thông tin: "SEA Games trở lại Việt Nam sau gần 20 năm với màn trình diễn ánh sáng rực rỡ kết hợp bắn pháo hoa ngoạn mục trước sự chứng kiến của hơn 20.000 khán giả trên sân Mỹ Đình."
Cây viết Abdul Aziz đánh giá cao nỗ lực tổ chức của nước chủ nhà: "Đây là kỳ SEA Games đầu tiên sau đại dịch Covid-19. Việt Nam cùng nhiều quốc gia ASEAN khác có những bước tiến tự tin để trở lại trạng thái bình thường mới.
Người hâm mộ đến chật kín các sự kiện diễn ra sớm như bóng đá, bóng ném bãi biển... khuấy động bầu không khí thể thao tuyệt vời khắp mọi nơi."
Có mặt tại sân Mỹ Đình, trưởng bộ môn Taekwondo của Singapore - ông Sinnathurai bày tỏ: "Hy vọng lễ khai mạc hoành tráng tối nay sẽ tạo tiền đề cho một kỳ SEA Games thú vị, hấp dẫn trong những ngày tới".
Nhật báo The Star (Malaysia) miêu tả: "SEA Games 31 chính thức bắt đầu tại Việt Nam với lễ khai mạc hào nhoáng thể hiện bản sắc văn hóa kết hợp công nghệ hiện đại để truyền tải thông điệp 'Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn'.
Nước chủ nhà cũng nêu cao tinh thần đoàn kết của tất cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, hợp tác cùng nhau phát triển."
Trong trang phục truyền thống công chúa, VĐV Jalur Gemilang vừa đoạt HCV môn nhảy cầu cầm cờ đại diện cho đoàn thể thao Malaysia gây sự chú ý lớn.
Hãng thông tấn AFP đăng bài viết với dòng tít: "Ánh sáng cùng vũ điệu cuốn hút trong lễ khai mạc SEA Games 31 tại Việt Nam".
Chi tiết tiếp tục được nhấn mạnh: "Việt Nam tạo nên cảnh tượng ánh sáng rực rỡ, vũ điệu và âm nhạc lôi cuốn trong buổi lễ khai mạc SEA Games 31, bất chấp điều kiện thời tiết không mấy thuận lợi.
Pháo hoa bùng nổ trên SVĐ Quốc gia Mỹ Đình. Trong 2 tiếng của chương trình, cảnh quan đầy màu sắc do công nghệ tạo ra kết hợp với những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống."
"Việt Nam tổ chức bữa tiệc ánh sáng hoành tráng trong lễ khai mạc SEA Games, lấy chủ đề vì một ASEAN vững mạnh hơn", Khao Sod của Thái Lan đưa tin về buổi lễ.
Khao Sod bình luận, ban tổ chức lễ khai mạc đã sử dụng giá trị truyền thống để kết nối Đông Nam Á.
"Nước chủ nhà Việt Nam đã huy động hơn 1.000 nghệ sĩ biểu diễn thực sự gây được ấn tượng bằng bản sắc văn hóa và truyền thống của riêng mình, cũng như truyền đạt sức mạnh của người dân ASEAN thông qua công nghệ hiện đại.
Tất cả lột tả được tinh thần 'Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn', chủ đề chính của đại hội thể thao lần này.
Những tiết mục riêng mang đậm văn hóa địa phương. Xen lẫn với các điệu múa của diễn viên trong trang phục dân tộc, cùng nón lá rất riêng của người Việt Nam, thông điệp còn được truyền tải thông qua tre và hoa sen, với sự hỗ trợ của ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo.
Đối với cây tre, đó là tượng trưng của sức sống, đoàn kết, bền vững và sức chịu đựng, trong khi hoa sen như một biểu tượng của sự tinh khiết và tính kiên nhẫn của người Việt Nam".
Nét đẹp văn hóa khác của Việt Nam được khai thác để thể hiện 40 môn thể thao, với 523 nội dung được tranh tài: tranh dân gian Đông Hồ. Đây là một yếu tố khác gây tiếng vang cho báo chí quốc tế.
"Điểm nổi bật khác là việc trình bày biểu tượng của tất cả 40 môn thể thao tại SEA Games lần này thông qua đồ họa tranh Đông Hồ, một nét đẹp truyền thống của Việt Nam", Khao Sod khen ngợi.
"Lễ khai mạc SEA Games 31 gây ấn tượng với chương trình mang đậm dấu ấn văn hòa và truyền thống Việt Nam", Thai Rath viết.
* Đăng Khôi - Thiên Thanh