Ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc công ty TNHH Công nghiệp Trí Cường đã có cuộc trao đổi với VietNamNet về kinh nghiệm gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phóng viên: Xin trân trọng kính chào ông! Ông có thể giới thiệu đôi nét về doanh nghiệp cũng như chia sẻ quá trình hình thành, phát triển của công ty ạ.
Ông Đặng Thanh Bình: Công ty chúng tôi là Công ty TNHH Công Nghiệp Trí Cường, đến ngày hôm nay đã được hình thành và phát triển được 15 năm. Trong quá trình 15 năm qua, chúng tôi cũng trải qua rất nhiều các thăng trầm, khó khăn bước đầu, từ tìm kiếm những đơn hàng, tìm kiếm những khách hàng,…
Nhìn lại 15 năm khởi nghiệp ấy, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp mới bước chân vào ngành công nghiệp hỗ trợ như chúng tôi là làm sao đáp ứng được các tiêu chuẩn của các bạn hàng, đặc biệt là yêu cầu cao của các khách hàng FDI.
Ban lãnh đạo mà người đứng đầu là anh Lê Thanh Thủy đã phải nỗ lực rất là nhiều, từ nhà xưởng rất nhỏ chỉ hơn 100m2, cơ sở hạ tầng rất là yếu kém. Nhưng nhờ sự cố gắng và được sự tin tưởng của các đối tác, đến ngày hôm nay chúng tôi cơ bản là tạo ra được uy tín trên trường quốc tế.
Hiện tại như ngày hôm nay, chúng tôi cũng đã tạo ra được cơ sở hạ tầng đồng bộ gồm khoảng 7.000 m2 nhà xưởng và tạo ra được công ăn việc làm cho hơn 200 cán bộ công nhân viên. Hệ thống quy trình, quy định, hệ thống quản lý chất lượng được đồng bộ và chuyên nghiệp. Đội ngũ cán bộ công nhân viên cũng ngày càng phát triển và chúng tôi cũng tạo ra được nhiều giá trị cho xã hội.
Phóng viên: Hiện nay thì các đối tác, khách hàng của công ty chủ yếu là các đối tác của những nước nào thưa ông?
Ông Đặng Thanh Bình: Hiện tại, về cơ bản khách hàng của chúng tôi chủ yếu là khách hàng nước ngoài, trong đấy thì có hai mảng, đấy là khách hàng nước ngoài tại Việt Nam khối doanh nghiệp FDI và khách hàng trực tiếp ở tại nước ngoài, như ở Nhật Bản chẳng hạn. Về thị phần, khoảng 80% là chúng tôi cung cấp cho các khách hàng ở trong nước, còn 20% là chúng tôi xuất khẩu.
Phóng viên: Như vậy khách hàng của công ty hầu hết là các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu. Vậy, về quy trình sản xuất của mình thì ông cũng như lãnh đạo công ty có những cái cải tiến như thế nào để có thể đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các đối tác đặc biệt là cái đối tác Nhật Bản như hiện nay ạ?
Ông Đặng Thanh Bình: Hiện tại để đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, tiến độ và công nghệ của các đối tác FDI và đối tác nước ngoài thì chúng tôi phải đầu tư rất nhiều, nhất là vào hệ thống quản trị chất lượng và các hệ thống về môi trường có thể tạo ra những tiêu chuẩn chung. Mấu chốt là để làm sao tạo ra những tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm luôn đồng bộ với các tiêu chuẩn của khách hàng.
Để đáp ứng được, chúng tôi phải nâng cao các đội ngũ về quản lý, về nhân sự để làm sao kiểm soát được những quy trình đấy cho nó phù hợp. Ngoài ra, chúng tôi nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến quy trình công nghệ liên tục để đáp ứng được cái yêu cầu và những đòi hỏi ngày càng cao của các khách hàng.
Phóng viên: Là giám đốc của doanh nghiệp, ông cảm thấy việc truyền lửa, truyền sự đam mê cảm hứng làm việc cho tất cả các anh chị em công nhân hiện nay quan trọng như thế nào? Và công ty đã có những chính sách gì để khuyến khích, hỗ trợ cho người lao động?
Ông Đặng Thanh Bình: Công ty và ban lãnh đạo luôn tạo ra những chính sách tốt nhất để đảm bảo và nâng cao đời sống, chất lượng của lao động. Các cán bộ công nhân viên của chúng tôi được tham gia vào công đoàn để có những cái tiếng nói chung.
Bộ phận hành chính nhân sự cũng liên tục tạo ra những sân chơi, chương trình để khích lệ được tinh thần làm việc của mọi người. Khi mà tinh thần của người lao động tốt nhất thì sẽ tạo ra những sản phẩm tốt nhất.
Phóng viên: Quay trở lại với câu chuyện của ngành chế biến chế tạo cũng như là ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam hiện nay thì ông có đánh giá như thế nào về bức tranh tổng quan của ngành công nghiệp hỗ trợ cũng như là các doanh nghiệp tương tự như là công ty Trí Cường, và điểm mạnh, điểm yếu cũng như là khó khăn thách thức như thế nào khi mà bước vào sân chơi chung?
Ông Đặng Thanh Bình: Khi mà bước vào sân chơi chung, thì ngành công nghiệp hỗ trợ hiện nay thì chủ yếu là các doanh nghiệp ở Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ có vốn ít, thiếu đất đai để xây dựng nhà xưởng, yếu về hệ thống quản trị dẫn đến là nó gặp khá nhiều khó khăn để tham gia sâu rộng ở trong ngành này.
Hiện đang không có chính sách đặc thù hoặc rất là khó để tiếp cận các chính sách hỗ trợ nên sự đầu tư mang tính chưa được đồng bộ, còn manh mún dẫn đến là ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thể bứt phá được trong thời gian qua.
Ngoài ra, hệ thống về quy trình kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp chúng ta vẫn còn nhỏ và chưa đồng bộ dẫn đến không chất lượng chưa ổn định, khó đạt được theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, chúng ta cũng chưa tham gia được sâu vào chuỗi giá trị gia tăng của khách hàng nên là chúng ta còn bị phụ thuộc rất nhiều.
Phóng viên: Ông có những đề xuất, kiến nghị gì với Chính phủ, Bộ Công Thương và với chính quyền địa phương để có những chính sách giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong tương lai?
Ông Đặng Thanh Bình: Chúng tôi có đề xuất thứ nhất là các Bộ, ban ngành và thành phố có những chính sách cơ chế đặc thù hơn nữa cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Có chính sách miễn giảm hoặc hỗ trợ về thuế, phí để làm sao mà thúc đẩy hơn nữa cho các doanh nghiệp.
Thứ hai là có những chuỗi hoặc kênh giúp kết nối được cho doanh nghiệp được đến với nhiều bạn hàng hơn nữa, tạo ra nhiều sân chơi hơn nữa, để làm sao mà doanh nghiệp tham gia được sâu và rộng hơn trong ngành này.
Thứ ba là về hệ thống về đào tạo, chúng tôi mong muốn các đơn vị đào tạo ra được các nguồn lao động có chất lượng cao hơn, gắn với thực tế để làm sao mà khi lao động vào doanh nghiệp thì có thể tiếp cận được với công việc luôn.
Cuối cùng là chúng tôi mong muốn tiếp cận những nguồn hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp qua các chương trình xúc tiến. Hoặc đơn giản tìm kiếm được những cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp ở một số ngành hoặc lĩnh vực mới. Đồng thời có thể kết nối, giao thương được với các doanh nghiệp khác.
Vâng xin trân trọng cảm ơn ông!
Thực hiện: Hoàng Hiệp
Thiết kế: Nguyễn Huệ
Trực tuyến: Kỳ vọng chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp CNHT
Chương trình Đối thoại trực tuyến tiếp tục giới thiệu góc nhìn về vai trò của chính quyền địa phương tới hoạt động công nghiệp hỗ trợ qua chia sẻ của ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội.