Hà Nội và TP.HCM vừa trải qua đợt ngập úng sau mưa. Câu chuyện mưa là phố biến thành sông ở các đô thị lớn hiện nay cần nhìn nhận thế nào, thưa ông?
Có thể nói việc ngập úng tại các đô thị hiện nay trở thành vấn đề rất bức xúc khiến chúng ta phải quan tâm một cách đặc biệt.
Trong vấn đề úng ngập hiện nay, có một số nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân từ tác động biến đổi khí hậu, mưa cường độ lớn cực đoan.
Nguyên nhân thứ hai, đó là trong quá trình đô thị hóa, nhu cầu tiêu nước khác trước, trong khi hạ tầng chung hiện nay không đáp ứng được.
Tiếp nữa là vấn đề phối hợp giữa ngành Thủy lợi quản lý tiêu úng và ngành Xây dựng quản lý thoát nước đô thị.
Về mặt vĩ mô, ngành Thủy lợi đảm nhiệm việc tiêu trên toàn đất nước, nhưng tiêu cho lúa và tiêu cho vùng đô thị lại có tiêu chuẩn khác nhau, nhu cầu tiêu chênh từ 8 - 10 lần. Ví như hệ số tiêu trên 1ha lúa là 5 -6 lít/s/ha, nhưng với tiêu cho khu đô thị phải đáp ứng tiêu chí mưa giờ nào tiêu hết giờ đó.
Thực tế như năm 2008, năm đó Hà Nội úng ngập khủng khiếp, kéo dài đến 12 ngày. Toàn bộ Hà Nội khi đó gồm trạm bơm Yên Sở, Đào Nguyên, Yên Mỹ, tổng tất cả có 104m3/s. Ngay sau đó Bộ NN&PTNT đã có quy hoạch tiêu chống úng ngập cho Hà Nội, năm 2009 Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng lưu lượng bơm tiêu lên tới 504m3/s, tức là gấp gần 5 lần.
Đến giờ, như trạm bơm Yên Sở đã tăng gấp đôi công suất, trước kia là 45m3/s, giờ là 90m3/s. Rồi trạm bơm Yên Nghĩa có công suất đến 120m3/s, trạm bơm Liên Mạc được quy hoạch 170m3/s để bơm ra sông Hồng (chưa xây dựng).
Với công suất đó, có thể khẳng định, nếu hệ thống cống rãnh tiêu ra hệ thống sông tốt, kịp thời, vấn đề úng ngập úng có thể giải quyết được.
Cụ thể tại Hà Nội, phần lớn lượng nước được tiêu ra sông Nhuệ, Tô Lịch nhưng sông Nhuệ lại tiêu nước ra sông Đáy và phụ thuộc vào mực nước biển. Những thông số như vậy ngành Thủy lợi nắm được nhưng ngành Xây dựng phụ trách cấp thoát nước không nắm được. Cũng như các thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ, TP.HCM đều tiêu ra sông nhưng ngành Xây dựng không nắm được sự ảnh hưởng từ nước lũ lên, lũ xuống…
Vì vậy, vấn đề cấp thoát nước ở đô thị phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai ngành Thủy lợi và Xây dựng phụ trách cấp thoát nước, tìm ra giải pháp tốt nhất để giải quyết úng ngập, khi đó mới giải quyết được vấn đề.
Vấn đề úng ngập tại các đô thị lớn được nhắc đến nhiều, Hà Nội, TP.HCM đều đã đầu tư các dự án nhưng đến nay cứ mưa lớn là phố vẫn thành sông, theo ông, còn những bất cập nào?
GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói về nguyên tắc bất di bất dịch trong ngành thủy lợi: "Cao tiêu cao, thấp tiêu thấp, không để nước ở nơi cao dồn về nơi thấp".
Trong ngành thủy lợi luôn luôn có một nguyên tắc bất di bất dịch: Cao tiêu cao, thấp tiêu thấp, không để nước ở nơi cao dồn về nơi thấp.
Ví như toàn bộ khu vực Ô Chợ Dừa trở về Quốc Tử Giám, đây là nơi rất cao, nhưng từ phía sau khu vực Ô Chợ Dừa kéo dài đến sông Tô Lịch lại thấp, dốc ra sông. Vì thế, nếu tiêu toàn bộ khu vực Ô Chợ Dừa ra sông Tô Lịch thì rất dễ nhưng toàn bộ khu vực Nam Đồng – Hồ Đắc Di bị úng ngập do khu vực này cũng dẫn đường ống chung đổ về sông Tô Lịch, vô hình chung toàn bộ nước từ Ô Chợ Dừa lại đổ thẳng vào khu vực Nam Đồng – Hồ Đắc Di.
Khi giải quyết vấn đề thoát nước ở Hà Nội, có vấn đề gần như được nối mạng tạo thành vòng thông với nhau dẫn đến việc nguồn nước cứ chỗ cao đổ về chỗ thấp, gây úng ngập. Đây là vấn đề lớn, hơn lúc nào hết cần sự phối hợp liên ngành giữa thủy lợi và cấp thoát nước.
Ngoài ra, rõ ràng là biến đổi khí hậu tác động đến tiêu nước như mưa lớn hơn, cực đoan hơn sẽ xuất hiện nhiều hơn như trận mưa tại Hà Nội vừa qua, lượng nước gấp đến 1,6 lần. Lượng mưa tăng nhưng thiết kế tiêu thoát nước ở nội đô trước đây là 50mm/giờ, thực tế đến nay mới lên đến 85mm/giờ, năng lực tiêu bị vượt quá thì úng ngập xảy ra, thời gian tiêu phải kéo dài hơn.
Trong khi thiết kế chưa đáp ứng được như vậy, sự phối hợp giữa các ngành để xem xét mực nước trong nội đô cũng như các kênh nhận nước tiêu hoặc nơi nhận nước tiêu của sông là rất cần thiết, cần phải có sự phối hợp đa ngành để giải quyết.
Thưa ông, thực trạng mưa gây ngập trong nội thành có lý do hệ thống cống cũ, nhỏ, được thiết kế từ trước, nhưng nhiều khu vực được đầu tư mới về hạ tầng như Đại lộ Thăng Long, Phạm Hùng, mưa vẫn cứ ngập, thậm chí còn ngập sâu và lâu, ông lý giải thế nào về vấn đề này?
Đây là vấn đề thiếu đồng bộ trong hệ thống thoát nước. Ví như lúc giải quyết vấn đề úng ngập ở TP.HCM, bà Chủ tịch HĐND TP khi đó hỏi ngành Thủy lợi giải quyết xong có hết ngập không?, tôi nói rằng ngành Thủy lợi chỉ là nơi nhận nước tiêu, bể nhận nước tiêu để các cống rãnh trong thành phố chảy ra. Vì thế, ngành Xây dựng cần phải cải tạo hệ thống thoát nước, phải tính toán đường ống để thoát nước.
Đặc biệt, ở một số đô thị, thành phố lớn, tình trạng úng ngập từ chính việc quy hoạch xây dựng theo kiểu “vết dầu loang”, tức là khi đô thị được mở rộng, dân số tăng nhưng hệ thống thoát nước chỉ kéo dài thêm mà không rộng hơn. Ví dụ, đường ống đó được thiết kế cho vùng tiêu thoát có diện tích khoảng 10ha, đến khi vùng đó mở rộng lên 20ha, tức là diện tích tăng gấp đôi nhưng cống thoát nước vẫn như cũ, chỉ kéo dài hơn mà không thay đổi bằng hệ thống cống to hơn
Vì vậy, vấn đề cần giải quyết chính là hệ thống thoát nước, hệ thống cống rãnh ngầm trong nội đô.
Có thực tế các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đã chi đầu tư rất lớn cho thoát nước nội đô, nhưng vấn đề năng lực, khả năng tiêu thoát nước trong nội thành vẫn chưa đáp ứng được, vì sao, thưa ông?
Với Hà Nội, khi Bộ NN&PTNT làm quy hoạch để chống ngập cho thành phố đã lấy theo quy hoạch rất rõ năm 2020, 2030 và 2050 để thiết kế công suất bơm tiêu lên 504m3/s, tức là gấp nhiều lần năm 2008.
Với khả năng như vậy, nguồn nước từ các cống rãnh bên trong nội thành Hà Nội đổ ra lúc nào cũng tiêu thoát được.
Vấn đề cần giải quyết là hệ thống cống rãnh bên trong nội thành Hà Nội. Hệ thống cống rãnh này đang do đơn vị thoát nước đô thị, thuộc ngành Xây dựng vận hành. Vì thế, hai ngành Thủy lợi, Xây dựng cần ngồi lại với nhau để tính toán, thậm chí tính toán cả đến khả năng điều hòa từ các hồ tự nhiên. Đặc biệt, phải cùng giải quyết chuyện thoát nước theo kiểu đưa hết về vùng trũng khiến cho nhiều khu vực bị ngập theo kiểu “rốn” chứa nước.
Với trực trạng hệ thống thoát nước nội đô như ông nói, giải pháp nào để giải quyết tình trạng úng ngập, mưa giờ nào thoát giờ đó ở Hà Nội, TP.HCM?
Chúng tôi đã có tính toán ở TP.HCM sẽ dễ xử lý tình trạng úng ngập hơn, bởi vì nơi đây mưa theo giờ, không mưa tầm tã như ở miền Bắc. Nếu thống kê lại, những năm ngập úng ở miền Bắc rơi vào tháng 9 - 10, khi có không khí lạnh phía Bắc tràn xuống cộng với rãnh thấp ở biển vào, người ta nói mưa như rót nước và lại kéo dài nhiều ngày.
Đã từng có đại biểu HĐND nói đến chuyện dùng cái chum để chống ngập, thực tế đại biểu đó nói không sai, tuy nhiên do không diễn đạt theo chuyên môn nên thành ra bị hiểu không đúng. Cụ thể, với mưa theo giờ ở TP.HCM, chúng tôi đã tính toán, nếu người dân chủ động trữ nước và dần đổ ra sau mưa cũng giải quyết được phần nào tình trạng úng ngập với cơ sở hạ tầng đã cũ.
Tương tự như ĐBSCL, do lượng mưa gia tăng từ 9 -17%, nếu mỗi gia đình có diện tích rộng 100m2 chứa khoảng 2,5m3 nước, thành phố cũng sẽ không bị ngập.
Ngoài ra, với các đô thị lớn, tôi nghĩ rất cần rà soát lại các quy hoạch, thậm chí phải xem xét lại cả tiêu chuẩn thiết kế trong tình hình hiện nay.
Các quy hoạch ngành đã không còn phù hợp; các thiết kế xây dựng, trong đó có thiết kế về hệ thống cống tiêu thoát nước phải được rà soát, xem xét lại, vì có những tiêu chuẩn thiết kế trước kia là phù hợp, nhưng trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, mưa lớn cực đoan như vừa qua, tiêu chuẩn thiết kế đó không còn phù hợp nữa.
Vì thế, tôi cho rằng phải rà soát tổng thể, đồng bộ để giải quyết triệt để những bất cập trong vấn đề tiêu thoát nước đô thị trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay.
Ông nói đến vai trò quan trọng của hồ chứa tự nhiên, thực tế trong câu chuyện tiêu thoát nước nội đô Hà Nội, các hồ có đóng góp ra sao?
Ví như trận mưa 50mm/giờ ở Hà Nội, nếu tính 10% thì 9 phần còn lại đổ vào 1 tiếng đồng hồ lên khoảng 0,5m. Nếu có hệ thống cống tự động không mưa nước cứ chảy vào hồ, lúc mưa dâng lên khoảng 0,5m, không bao giờ ngập.
Về câu chuyện hồ tự nhiên ở Hà Nội, một số ý kiến chuyên gia cũng nói đến những sai lầm trong việc lấp hồ này hồ kia. Tôi cho rằng, nếu không phải yếu tố an toàn hồ chứa, rất cần giữ các hồ tự nhiên cho nhiều mục tiêu.
Thực tế cứ nhìn các làng cổ ở Đồng bằng sông Hồng trước đây, thậm chí hiện nay vẫn mô hình chung: Nhà-ao-vườn. Đó là ngôi nhà được tôn nền khá cao, ao là nơi lấy đất để tôn nền nhà, ao còn là nơi chứa nước và tưới vườn cây, rau. Tuy nhiên, tại nhiều nơi cũng đã có chuyện lấp ao, hồ mà ít ai chỉ cho họ biết ao, hồ có nhiều lợi ích, góp phần chống úng ngập tốt như thế nào.
Ông nói đến tầm quan trọng của ao, hồ tự nhiên, mới đây báo VietNamNet có loạt bài phản ánh việc quận Long Biên muốn lấp ao, hồ tự nhiên để làm dự án bất động sản với lý giải sẽ cho đào lại hồ nhân tạo. Cách làm này có phù hợp trong bối cảnh Hà Nội chưa giải quyết được vấn đề mưa là ngập, thưa ông?
Theo tôi, nếu không phải do mất an toàn ao hồ chứa thì cần bảo vệ ao, hồ tự nhiên. Còn khi làm đô thị mới theo quy hoạch, khuyến khích làm hồ nhân tạo, tăng thêm diện tích hồ nước, nếu làm đúng được việc có hồ trong đô thị là rất tốt. Còn nếu mỗi một khu đô thị bỏ ra 10% diện tích để đào, xây hồ thì rất lý tưởng, tình trạng ngập chắc chắn được giải quyết, vấn đề cảnh quan, môi trường cũng được cải thiện.
GS.TS Đào Xuân Học, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nói về lợi ích của hồ sinh thái đa mục tiêu.
Được biết ông từng kiến nghị với lãnh đạo cấp cao về việc quy định mỗi khu đô thị dành 10% diện tích làm hồ. Ý nghĩa và chức năng của hồ chứa này ra sao, thưa ông?
Đây là một nghiên cứu trước khi tôi đề xuất. Nghiên cứu này chỉ rõ, nếu quy định mỗi khu đô thị dành 10% diện tích để đào hồ đúng nghĩa là hồ sinh thái đa mục tiêu, việc này không khiến các nhà đầu tư thiệt hại về kinh tế, thậm chí còn được lợi khi môi trường, cảnh quan trong khu đô thị đẹp hơn.
Mục tiêu đầu tiên, nếu đào 10% diện tích làm hồ sẽ đủ đất san nền. Cụ thể, nếu cho đào sâu 5m, gần như đủ đất san nền cho 90% diện tích còn lại của khu đô thị.
Tiếp nữa, khi có hồ nước sẽ góp phần cải tạo vi khí hậu. Chúng tôi đã có tính toán cụ thể về giảm 3 độ C xung quanh hồ đường kính bao nhiêu, giảm 2 độ C hồ có đường kính bao nhiêu và giảm bụi rất tốt, chất lượng không khí tốt lên rất nhiều.
Mục tiêu thứ ba về tiêu thoát nước mưa, với 10% diện tích khu đô thị được dành làm hồ chứa, hệ thống tiêu thoát nước mưa đổ vào hồ, sau đó tiêu chậm từ hồ chuyển đi thì khu vực đó không bao giờ bị úng ngập cả. Với cách vận hành đó, mực nước không khi nào bị dâng cao lên, cả khu đô thị hoàn toàn yên tâm về không bị úng ngập.
Mục tiêu thứ tư, ở những vùng ven biển không có nước ngọt, nguồn nước này hoàn toàn có thể dùng nước làm nước sinh hoạt, khả năng cấp nước cho khu dân cư đó được đảm bảo. Đương nhiên, khi dùng làm nước sinh hoạt phải tuân thủ theo quy chế, tiêu chuẩn riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh một số nơi sụt lún, khan hiếm nguồn nước, hồ chứa còn giúp bổ cập nước ngầm, chống lún sụt.
Ngoài ra còn mục tiêu lớn nữa, đó là hồ đa mục tiêu còn có chức năng về năng lượng mặt trời. Chúng tôi đã có tính toán về hệ thống năng lượng mặt trời đặt trên mặt đất và đặt trên hồ nước tăng chênh nhau rất nhiều. Tính toán chỉ rõ hiệu suất điện mặt trời nếu đặt trên hồ nước cao hơn đến 30%. Vì thế, nếu khai thác về điện mặt trời đặt trên mặt hồ, có thể đáp ứng được nguồn năng lượng điện cho cả khu đô thị.
Xin cảm ơn ông!
Bảo Vân - Đình Hiếu thực hiện