Với giới văn nghệ sĩ, sự quan tâm, ghi nhận của cấp quản lý có ý nghĩa to lớn. NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, tin rằng người nghệ sĩ không màng danh lợi nhưng luôn cần sự động viên, ghi nhận. Năm qua, khoảnh khắc đáng nhớ của anh là nhận bằng khen của Thủ tướng.
Còn với Lan Hương, đó là khi chị được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vinh danh Diễn viên truyền hình của năm. Theo chị, người làm nghề chuyên nghiệp luôn mong muốn văn hoá nước nhà được quan tâm sâu sát.
NSND kể: "Thời tôi, rất nhiều lãnh đạo chịu khó đi xem kịch. Điều đó cho thấy sự quan tâm, gần gũi của cấp quản lý đối với nghệ thuật, động viên chúng tôi rất nhiều".
Dự chương trình Vinh danh nghệ sĩ tiêu biểu lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn năm 2022, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh ngồi hàng ghế khán giả vẫn xúc động, nghẹn ngào không kém những người trên sân khấu nhận giải.
Bởi, chị luôn mong muốn những nghệ sĩ ở các loại hình nghệ thuật khác nhau như tuồng, chèo, cải lương... đến từ những tỉnh, thành khác nhau được tôn vinh.
Năm 2022, nhiều hội nghị, hội thảo văn hóa được tổ chức rất thành công. Là người tham gia gần như đầy đủ các hội nghị, hội thảo văn hóa tiêu biểu, Trương Ngọc Ánh nói: "Tôi cảm nhận được Đảng và Nhà nước đang quan tâm sâu sắc đến việc giữ gìn và phát triển văn hóa Việt Nam".
Hơn ai hết, các nghệ sĩ luôn nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của nhiệm vụ giữ gìn và phát triển văn hóa đối với một quốc gia, một dân tộc.
Là nghệ sĩ đồng thời là doanh nhân, Trương Ngọc Ánh tin rằng một quốc gia chỉ phát triển kinh tế mà không chú trọng văn hóa sẽ không thể phát triển bền vững.
Giữ gìn và phát triển văn hóa không chỉ giữ được gốc gác của dân tộc mà còn song hành với sự phát triển kinh tế. "Tìm hiểu một quốc gia, một dân tộc trước hết là tìm hiểu văn hóa của họ. Bạn đến bất cứ quốc gia nào thì hoạt động đầu tiên luôn là giao lưu văn hóa - nghệ thuật, vì văn hóa - nghệ thuật kéo con người đến gần với nhau.
Khi đón nguyên thủ các quốc gia sang thăm Việt Nam, bạn sẽ trình diễn loại hình nghệ thuật nào trong buổi chiêu đãi? Chắc chắn không phải rap mà phải là những gì đặc thù nhất trong văn hóa của dân tộc Việt", nhà sản xuất nói.
Vai chính nhận 80 nghìn đồng, làm sao có tác phẩm đỉnh cao?
Nhiều nghệ sĩ kỳ vọng vào sự bứt phá về cơ chế, chính sách của cơ quan quản lý.
Đạo diễn Lê Quý Dương - ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Sân khấu thế giới trực thuộc UNESCO - nhận định chính sách và cơ chế quản lý văn hoá nghệ thuật còn tồn tại những khoảng cách khá xa với thực tiễn sáng tạo.
Cụ thể, thủ tục hành chính cho sự ra đời của một sản phẩm sáng tạo văn hoá nghệ thuật còn nhiều bất cập, rườm rà và không phù hợp với thực tiễn. Điều này gây khó khăn cho chính các đơn vị nghệ thuật công lập, các chương trình sự kiện của Nhà nước.
NSƯT Xuân Bắc cho rằng khi đã xác định rõ nền tảng văn hoá có giá trị thế nào trong đời sống xã hội, các cơ chế, chính sách mới cần tạo điều kiện để những nhân tài thực thụ được trọng dụng, phát triển và tỏa sáng.
"Nếu duy trì cơ chế như cũ, nghệ sĩ đóng vai chính được trả 80 nghìn đồng, vai phụ, vai thứ nhận 40 - 50 nghìn đồng thì làm sao thu hút được nhân tài, làm sao có tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao? Phải có cơ chế dám đầu tư, dám chịu thất bại thì mới có bước tỏa sáng được", anh nói.
NSND Lan Hương đồng tình, cho rằng văn hoá - nghệ thuật cần sự chuyên nghiệp và được đầu tư bài bản. Từng biểu diễn tại Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC), chị nhận thấy Việt Nam thực sự thiếu một "thánh đường nghệ thuật" mà nghệ sĩ nào cũng mong được diễn, người dân nào cũng mong được đến xem chương trình ở đó.
NSND mong sẽ có một trung tâm nghệ thuật được đầu tư xứng tầm cả về vật chất lẫn con người để quảng bá về văn hoá. "Phải có nhà hát như thế, con người như thế mới có tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao", chị cho hay.
Theo các nghệ sĩ, vai trò cơ quan quản lý đối với việc giữ gìn, phát triển văn hóa - nghệ thuật rất quan trọng. Nhà chức trách cần tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công tác quản lý, tạo không gian cho nghệ sĩ tự do sáng tạo.
Phân định rõ nghệ sĩ và người tham gia hoạt động nghệ thuật
NSND Việt Anh đặt ra 2 vấn đề cấp thiết: Thứ nhất, định hướng văn hóa cho giới trẻ một cách bài bản, quyết liệt hơn. Thứ hai, đầu tư đồng bộ cho nghệ thuật để các tác phẩm đạt chiều sâu, lan tỏa lâu dài.
"Khi cả khán giả và nghệ sĩ có cùng điểm giao thoa, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn trên tinh thần cộng hướng, thúc đẩy lẫn nhau", ông nhận định.
Trong khi đó, nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh mong muốn cấp quản lý có những chính sách, hành động cụ thể hơn nhằm bảo tồn các loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.
"Đơn cử, hãy tạo ra nhiều sân chơi hơn, mở ra những cơ hội giao lưu cho các ngành nghề trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Sẽ ra sao nếu mời Noo Phước Thịnh đóng một vở tuồng cùng các nghệ sĩ gạo cội? Khi các loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống được làm một cách mới mẻ, thú vị, chắc chắn thu hút người trẻ", chị nói.
Ngoài ra, Xuân Bắc mong có sự phân định rõ ràng giữa nghệ sĩ và người tham gia hoạt động nghệ thuật. Không nên đánh đồng tất cả người tham gia hoạt động nghệ thuật là nghệ sĩ.
Theo anh, nghệ sĩ là “kỹ sư kiến tạo tâm hồn”. Họ mang tới những tác phẩm nghệ thuật có giá trị về cái đẹp giữa con người và con người, cái đẹp trong nhận thức.
Trước những thông tin chưa tích cực về nghệ sĩ và người hoạt động nghệ thuật, theo Xuân Bắc, cần nhận định đây là bản chất hay hiện tượng.
Nếu là hiện tượng, đây sẽ là bài học đáng giá cho người hoạt động nghệ thuật nói chung phải xem lại mình, tu dưỡng lại bản thân. Nếu là bản chất, cần mạnh tay tẩy chay, đưa họ ra khỏi vòng phát triển của văn hoá.
"Không nên đánh đồng các hiện tượng rồi áp đặt thành bản chất của nghệ sĩ. Đôi khi, có người cả đời cống hiến, làm việc với nhận thức đầy đủ nhưng chỉ một sai sót nhỏ khiến họ mất cả sự nghiệp, chúng ta mất một tài năng", Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam nói.
Năng lượng sáng tạo mới
Theo đạo diễn Lê Quý Dương, bối cảnh xã hội và công cuộc chống tham nhũng đang tạo nên niềm tin và năng lượng sáng tạo mới cho các nghệ sĩ đã định hình.
Sau đại dịch Covid-19 và những thăng trầm của đời sống, công chúng đang có nhu cầu thưởng thức, giải trí nhiều hơn và đòi hỏi những sản phẩm sáng tạo trí tuệ hơn, sâu sắc hơn.
Từ đó, một thế hệ nghệ sĩ mới, trẻ trung, nhiệt huyết và tràn đầy đam mê khát vọng xuất hiện và trưởng thành.
Đạo diễn tin rằng Việt Nam đang dịch chuyển và đổi mới chính mình để có đủ năng lượng vật chất lẫn tinh thần cho mỗi bước phát triển và đón nhận thời cơ, vận hội mới.
"Điều đó là động lực và nền móng cho việc hình thành đời sống văn hoá nghệ thuật mang tính sáng tạo, văn minh, phù hợp với nhu cầu của đời sống ", anh nói.
Quan sát lực lượng nghệ sĩ trẻ kế thừa thế hệ đi trước để dấn thân, sáng tạo và luôn trăn trở với nghề, NSND Việt Anh tin tưởng vào một nền văn hóa tử tế và tương lai tươi sáng của nghệ thuật nước nhà.
Đảm đương nhiều vai trò từ nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn đến nhà quản lý, Xuân Bắc luôn thấy mình phải có trách nhiệm đóng góp cho sự phát triển văn hoá. Theo anh, muốn thay đổi nhận thức văn hoá của thế hệ trẻ theo chiều hướng tích cực, người lớn phải thay đổi.
Với Trương Ngọc Ánh, phát triển văn hóa không thể là chuyện "một sớm một chiều". Trước thềm năm mới, chị thấy tràn đầy niềm tin và hy vọng vào văn hóa mới vừa giàu bản sắc vừa chứa đựng hơi thở thời đại.