icon icon

Tạo hóa đã ban tặng cho Thừa Thiên Huế một địa hình khá độc đáo. Nhìn từ trên cao, toàn tỉnh như một công viên lớn, phong phú, đa dạng. Nơi đây hội tụ núi đồi và đồng bằng, là chỗ gặp nhau của sông, đầm phá và biển. Từ hệ thống đầm Phá Tam Giang - Cầu Hai, sông Hương, núi Ngự, Vườn quốc gia Bạch Mã đến khu bảo tồn thiên nhiên Phong Ðiền. Tất cả cho thấy, Huế là vùng đất của sự cộng sinh và hội tụ.

Kỳ đài Huế là công trình thuộc quần thể kiến trúc cố đô Huế, nằm ở phía trong mặt tiền kinh thành, trước Ngọ Môn, theo hướng Nam, ở khoảng giữa hai cửa Ngăn và cửa Quảng Đức, trên pháo đài Nam Chánh. Cùng với những thăng trầm của Kinh thành Huế, Kỳ đài là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Thời Nguyễn, trong tất cả các dịp lễ tiết, chầu mừng, tuần du cho đến việc cấp báo đều có hiệu cờ. Trên đỉnh cột cờ còn có một trạm quan sát gọi là Vọng Đẩu.

Ngoài sông Hương, sông An Cựu cũng khá nổi tiếng ở Huế. Sông còn có nhiều tên gọi khác như Lợi Nông, Phủ Cam, Đại Giang... Tuy nhiên, tên sông An Cựu đối với người dân xứ Huế nghe ra vẫn quen thuộc hơn. Toàn bộ dòng sông dài khoảng 30km, lấy nước sông Hương từ đoạn cuối cồn Dã Viên, chảy qua địa phận TP Huế, TX. Hương Thủy rồi đổ vào phá Hà Trung.

Cầu Trường Tiền là một trong những cây cầu đầu tiên được xây dựng ở Đông Dương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX theo kỹ thuật và vật liệu mới của phương Tây với kết cấu thép. Trước đó những cây cầu được xây dựng đều là công trình ngắn, bằng vật liệu tre, gỗ… không bền vững. Người dân xứ Huế quen với câu ca “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp…”, nhưng chính xác cầu có sáu nhịp và 12 vài kết với nhau thành 6 cặp. Cầu có chiều dài khoảng 400m tính từ hai mố, nếu tính cả đường dẫn thì độ dài của Trường Tiền khoảng 453m, lòng cầu rộng 6m. Lúc mới xây dựng, cầu chưa có phần lề dành cho người đi bộ.

Chùa Thiên Mụ, còn được gọi là chùa Linh Mụ, được chúa Nguyễn Hoàng cho xây dựng vào năm 1601. Chùa nằm bên bờ Bắc sông Hương thuộc địa phận xã Hương Long, cách trung tâm thành phố Huế 5km. Theo dấu thời gian, chùa Thiên Mụ đã trải qua bao lần trùng tu. Trong đó, nổi bật nhất là cuộc trùng tu năm 1710, dưới triều đại của chúa Nguyễn Phúc Chu. Ông cho đúc Đại hồng chung nặng hơn 2 tấn, là chiếc chuông lớn thứ nhì ở Việt Nam (chỉ sau chuông Cổ Lễ ở tỉnh Hà Nam). Chuông được coi là bảo vật của chùa và đã đi vào ca dao như một nét đẹp của xứ Huế êm đềm và sâu lắng.

Nhắc đến sông Hương của xứ Huế người ta cũng thường nhớ tới 2 cồn cát nhô lên ở đây và được gọi là cồn Dã Viên. Nếu cồn Hến được ví là "tả thanh long" thì cồn Dã Viên được gọi "hữu bạch hổ" để tạo thành yếu tố phong thuỷ quan trọng của Kinh thành Huế xưa. Theo các tài liệu văn hóa lịch sử, cồn Dã Viên có chiều dài khoảng 850m, nơi rộng nhất khoảng 185m, chếch về phía tây nam Kinh thành Huế. 

Huế thơ có một hòn đảo nhỏ mộng mơ mang danh cồn Hến. Nơi đây thu hút du khách bởi sự yên bình và tĩnh lặng của tạo vật dù sau thời gian dài có nhiều thay đổi. Cồn Hến có từ bao giờ không nhiều người biết. Nhiều tài liệu cổ như Văn sở tế thần và địa bạ các cấp ghi chép lại, ban đầu mảnh đất nhỏ mọc lên giữa lòng sông Hương này có tên là “xứ cồn cạn”. Cồn Hến còn có tên gọi khác là Cồn Soi, bởi lẽ trước đây, cứ về đêm, nhiều người kéo đến nơi này đốt đèn sáng rực, soi chiếu cả một góc trời để bắt tôm, bắt cá. 

Phố cổ Bao Vinh (Huế) vốn từng là một khu phố trong cảng thị Thanh Hà - Bao Vinh, được hình thành từ đầu thế kỷ 17. Ngày nay tuy đã bị phai mờ theo thời gian nhưng hình hài phố cổ này vẫn giữ được nguyên vẹn bởi những nét xưa cũ. Những ngôi nhà bé nằm nép mình bên những ngôi nhà cao tầng tạo nên cảnh sắc độc đáo không giống bất cứ nơi nào.

Đầm Chuồn rộng 100ha thuộc huyện Phú Vang, là một điểm nhấn độc đáo phong cảnh trữ tình của xứ Huế. Đến đây du khách không chỉ được thả hồn vào chốn bình yên mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp riêng biệt thiên nhiên ban tặng. Đầm này còn được gọi với cái tên khác là đầm Cầu Hai là một phần lớn trong hệ thống đầm phá Tam Giang trong lành, thanh bình, được nhiều du khách ưa thích khám phá mỗi khi đến Huế. 

Đầm Quảng Lợi cách thành phố Huế về phía bắc khoảng 30km, thuộc xã Quảng Lợi, Quảng Điền, Thừa Thiên Huế. Đây là một trong những khu đầm nằm trong hệ thống đầm của phá Tam Giang, diện tích gần 800ha. Đến đầm Quảng Lợi, du khách có thể ngắm bình minh cũng như hoàng hôn cực kỳ đẹp. Nếu ai muốn ghé qua đay còn có thể check-in làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh nhỏ xinh, nơi trang trí nhiều bức tranh về cuộc sống sinh hoạt của ngư dân.

Làng hoa Phú Mậu thuộc xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) nằm bên bờ nam sông Hương, cách trung tâm thành phố Huế khoảng 8km. Từ đây sang phố cổ Bao Vinh chỉ cần qua một chuyến đò ngang. Làng hoa tập trung ở các thôn: Vọng Trì, Thế Vinh, Thanh Tiên và đặc biệt là Tiên Nộn với 13ha đất trồng hoa. Đây là vựa hoa lớn nhất, cung cấp hoa cho Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận. Những loại hoa truyền thống ở làng Phú Mậu gồm có: cúc, hồng, vạn thọ, thược dược, đồng tiền... Ngoài ra, những năm gần đây, người dân Phú Mậu còn trồng nhiều loài hoa nhập khẩu nhằm phục vụ thị trường và cải thiện thu nhập.

Nhà thờ Phủ Cam là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả (số 6 đường Nguyễn Trường Tộ, phường Phức Vĩnh), tổng diện tích 10.804m2. Công trình được xây dựng lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XVII, được xem là giáo đường lớn và lâu đời nhất của cố đô. Lần đầu tiên, vào năm 1682, Linh mục Langlois (1640 - 1770) cho xây dựng nhà nguyện Phủ Cam bằng tranh tre tại xóm Đá, sát bờ sông An Cựu. Nhà thờ Phủ Cam là một công trình giàu tính biểu đạt, mặt đứng như một cuốn kinh thánh mở rộng, mặt bằng xây dựng mang dạng một Thánh giá: đầu Thánh giá hướng về phía nam, chân Thánh giá hướng về phía bắc và ở gần đầu hơn, hai bên vươn ra hai cánh Thánh giá. Tổng thể các đường nét, nhà thờ như hình tượng một con rồng vươn thẳng lên trời, vừa mạnh mẽ vừa thanh thoát nhẹ nhàng, mang đầy tính nghệ thuật và tôn giáo.

Lăng Tự Đức (còn gọi là Khiêm Lăng) là một di tích lịch sử trong quần thể di tích cố đô Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới ngày 11/12/1993. Đây là nơi chôn cất vị hoàng đế thứ 4 của triều đại nhà Nguyễn (tức vua Tự Đức, Nguyễn Phúc Hồng Nhậm). Ông trị vì được 36 năm từ 1847-1883, là vị vua ở ngôi lâu nhất của nhà Nguyễn. Lăng Tự Đức là một quần thể công trình kiến trúc tọa lạc trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng, tổng Cư Chánh (cũ), nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Lăng Tự Đức như một bức tranh sơn thủy tuyệt mỹ, được liệt vào một trong những công trình đẹp nhất thế kỷ XIX.

Lăng Thiệu Trị thuộc làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên Huế, cách Kinh thành Huế khoảng 8km. Công trình đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Dù được đánh giá là có nhiều điểm tương đồng với lăng Gia Long và lăng Minh Mạng – cha của vua Thiệu Trị, lăng Thiệu Trị vẫn sở hữu những nét độc đáo và khác biệt, biến nơi vua an nghỉ trở thành công trình "độc nhất vô nhị" xứ cố đô. 

Lăng Minh Mạng nằm trên ngọn núi Cẩm Kê cách thành phố Huế khoảng 14km, gần ngã ba Bằng Lãng, nơi hợp nguồn tạo thành sông Hương. Lăng được khởi công xây dựng vào tháng 9/1840 và được vua Thiệu Trị tiếp tục xây dựng và hoàn tất vào năm 1843. Lăng Minh Mạng có mô hình kiến trúc quy mô gồm 40 công trình lớn nhỏ, bao gồm cung điện, đền miếu và đài tạ... được bố trí trên một trục dọc theo đường thần đạo dài 700m từ Đại Hồng môn ở ngoài cùng tới chân tường của la thành sau mộ vua. Hình thế của lăng tựa dáng một người đang nằm nghỉ trong tư thế đầu gối lên núi Kim Phụng, chân duỗi ra ngã ba sông trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.

Lăng Khải Định (Ứng Lăng) được xây dựng trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) cách trung tâm thành phố Huế 10km. Lăng được khởi công ngày 4/9/1920 và kéo dài trong 11 năm mới hoàn thành. Tổng thể lăng là một khối nổi hình chữ nhật vươn cao tới 127 bậc. Núi đồi, khe suối của một vùng rộng lớn quanh lăng được dùng làm các yếu tố phong thủy: tiền án, hậu chẩm, tả thanh long, hữu bạch hổ, minh đường, thủy tụ, tạo cho nơi đây một ngoại cảnh thiên nhiên hùng vĩ. 

Cửa Hiển Nhơn nằm ở phía đông của Hoàng Thành, trên đường Đoàn Thị Điểm, TP Huế. Cửa này được xây dựng vào năm 1805 dưới thời vua Gia Long. Đến thời Minh Mạng năm 1833, cửa được gia công phần trang trí đắp ghép mảnh sành. Đến thời Khải Định công trình này lại được trùng tu thêm một lần nữa. Cửa Hiển Nhơn dành riêng cho quan lại và nam giới ra vào Hoàng Thành. Hiện tại cửa này chỉ dùng cho nhân viên trung tâm Bảo tồn Cố đô Huế ra vào, không mở cho khách tham quan, ngoại trừ những ngày lễ hội.

Lầu Tàng Thơ là một trong những thư viện lớn của triều Nguyễn được xây dựng vào mùa hè năm 1825, dưới thời vua Minh Mạng (1820 - 1840), là kho lưu trữ nhằm mục đích xử lý các thông tin liên quan đến việc điều hành quốc sự và lưu trữ tư liệu cho việc viết sử sách. Lầu nằm trên một hòn đảo hình chữ nhật (diện tích khoảng 30m x 50m), ở giữa hồ Học Hải (hồ hình vuông, vốn là một đoạn trong dòng chảy cũ của sông Kim Long, được nắn lại dưới thời vua Gia Long, phần đảo nổi giữa hồ được sử dụng làm kho thuốc súng và diêm tiêu). Hòn đảo này nối với đất liền bằng một cây cầu xây bằng gạch và đá ở bờ hồ phía tây, bốn mặt xây tường gạch thấp. 

LÊ HUY HOÀNG HẢI

Tin nổi bật