Theo Reuters, cuộc điều tra chống tham nhũng đình đám ở vương quốc này hiện đã vượt ra ngoài biên giới.
"Dựa trên điều tra hơn 3 năm qua, chúng tôi ước tính, ít nhất 100 tỷ USD đã bị sử dụng sai mục đích thông qua việc tham nhũng và biển thủ có hệ thống suốt nhiều thập niên", Tổng chưởng lý Ảrập Xê-út Sheikh Saud al-Mojeb ra thông báo cho biết.
Theo quan chức này, cho tới giờ đã có 208 người được triệu tập để thẩm vấn, song mới 7 người được thả, 201 người vẫn bị giam. Hàng chục hoàng tử, quan chức cấp cao, các doanh nhân nổi tiếng, gồm cả bộ trưởng nội các, các tỷ phú đã bị bắt giam vào cuối tuần trước.
Hiện, điều tra đã được mở rộng sang nước láng giềng Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Ngân hàng Trung ương UAE đã yêu cầu các ngân hàng thương mại và các công ty tài chính tại đây cung cấp thông tin chi tiết về tài khoản của 19 nhân vật.
Hầu hết 19 người, gồm cả Hoàng tử - Tỷ phú Alwaleed bin Talal và cựu Trưởng lực lượng cảnh vệ quốc gia - Hoàng thân Miteb bin Abdullah đã bị bắt. Hoàng tử Al-Waleed bin Talal là một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới, ông sở hữu tòa tháp hoàng gia khổng lồ ở Riyadh, cao 99 tầng gồm các căn hộ sang trọng và một khu mua sắm lớn, khách sạn Four Seasons.
Các ngân hàng UAE cho hay, giới chức nước này không giải thích tại sao họ lại lấy thông tin. Tuy nhiên, giới chức các ngân hàng cho rằng giới chức nước này làm như vậy trên tư cách của chính phủ Ảrập Xê-út, nhằm lấy lại số tiền bị biển thủ.
Hiện, giới chức UAE chưa bình luận gì trong khi nhà chức trách Ảrập Xê-út đã đóng băng hơn 1.700 tài khoản ngân hàng như một phần của cuộc triệt phá tham nhũng.
UAE, đặc biệt là Dubai, là một trong những nơi được giới nhà giàu Ảrập Xê-út dùng làm nơi cất tiền. Ngoài việc để tiền trong ngân hàng, họ còn mua những căn hộ, biệt thự đắt tiền ở Dubai và đầu tư vào thị trường chứng khoán.
Tờ Wall Street Journal dẫn nguồn tin nắm chắc vấn đề cho hay, hoàng gia nước này đang tìm cách thu về khoảng 800 tỷ USD tiền mặt và trị giá tài sản.
VietNamNet