LỜI TÒA SOẠN 

Hà Nội dự kiến tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập khoảng 72.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 55,7%. 

4 năm trở lại đây, năm nay, số thí sinh có cơ hội đỗ vào lớp 10 công lập chiếm tỷ lệ thấp nhất. Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh như “ngồi trên đống lửa”. 

Nguyên nhân tại sao cơ hội vào các trường THPT công lập của học sinh lại khó đến vậy cũng được dư luận đặt ra. Trong đó, không ít phụ huynh phàn nàn "chung cư Hà Nội mọc như nấm sau mưa" trong khi tốc độ xây dựng trường học không tương ứng.

Ban Giáo dục, VietNamNet thực hiện Tuyến bài Cửa hẹp vào công lập THPT ở Hà Nội với mong muốn phản ánh câu chuyện thực tế đang diễn ra tại các trường ở Thủ đô.

Độc giả có thể theo dõi:

kỳ 1:  Tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập thấp kỷ lục, phụ huynh Hà Nội 'ngồi trên lửa'

kỳ 2: Phụ huynh nghèo ‘khóc ròng’ vì con trượt lớp 10 công lập

Thiếu trường học trong phố

Sự bức xúc là tâm lý chung của các phụ huynh trước thực trạng chỉ tiêu vào các trường công lập ở Hà Nội thấp, dẫn tới nhiều học sinh phải đối mặt với việc trượt "tấm vé" vào trường công lập.

Nguyên nhân tại sao cơ hội vào các trường THPT công lập của học sinh lại khó đến vậy cũng được dư luận đặt ra. 

Theo đó, bạn đọc Trần Phong cho rằng: “Chính quyền cần xác định hệ thống giáo dục công lập có thể đào tạo bao nhiêu (%) học sinh. Trong khi đất xẻ để bán, xây chung cư, biệt thự tại sao không lấy tiền đó đầu tư cho trường học, sân chơi, công viên...?”.

Anh Truongviethoang cũng bày tỏ: “Ngay tại Thủ đô mà việc học hành của các cháu lại trở nên khó khăn vậy sao? Do cơ sở hạ tầng các trường công lập không đáp ứng đủ nhu cầu của số lượng học sinh ngày càng tăng hay đây là chính sách để phát triển các trường ngoài công lập?”.

Độc giả Dung Nguyen chua xót: “Chung cư mọc như nấm, dân ngoại tỉnh đổ về như hội, nhiều khu nhà bỏ hoang trong khi trường học và công trình công cộng lại hiếm hoi”.

Một số độc giả cũng cùng chung câu hỏi tại sao ngay tại Thủ đô lại không đủ trường công lập cho giáo dục phổ thông. Trong khi mọi người dân đều đóng thuế, mà chỉ 55,7% con em của họ được học công lập? 

Câu chuyện thiếu trường không chỉ ở cấp THPT, còn diễn ra ngay tại cấp tiểu học. Cụ thể, độc giả Vĩnh Phú chia sẻ: “Cơ sở hạ tầng giáo dục của Thủ đô quá kém hay sao không đủ lớp cho các cháu học trường công lớp 10? Ngay lớp 1 cũng xảy ra tình trạng 50 cháu/lớp. Lãnh đạo thành phố cần có sự đầu tư cho giáo dục hơn nữa”.

Có độc giả cũng liên hệ đến vụ việc hàng nghìn phụ huynh phải đi bốc thăm giành suất học ở trường mẫu giáo Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) gây xôn xao dư luận vào năm 2022.

Độc giả Lê Văn Vinh lại có một cái nhìn khác. Anh nói: “Theo tôi, 55,7% vào công lập là đúng sự thật. Những học sinh còn lại bố mẹ nên cho các em học nghề càng sớm càng tốt. Tôi ngán ngẩm khi dạy lớp 10 mà các em làm tính không xong, dạy thế nào các em cũng không biết. Vậy có nên cho các em tiếp tục THPT hay tìm cho các em một lối đi khác?”.

Tuy nhiên ý kiến này bị độc giả Lê Hạnh phản bác: “Tôi không hiểu tại sao bạn nói tuyển sinh 55,7% là đúng sự thật? Nếu quá trình học 4 năm học THCS, bạn nào học yếu kém sao nhà trường không dám cho ở lại lớp.

Cấp THCS có còn trong diện phổ cập giáo dục nữa đâu mà không thực hiện phương pháp loại trừ hàng năm? Khổ cả cho học sinh và phụ huynh khi đối mặt với những kỳ thi này”.

Ảnh minh họa

Vết sẹo tâm lý từ "cánh cửa bị khép"

Một độc giả giấu tên cho biết: “Gần nửa số học sinh năm nay và những năm tiếp theo trượt lớp 10 công lập với lý do là tỷ lệ cho suất học công lập quá ít, cứ gần 2 học sinh sẽ có 1 học sinh trượt. Điều này sẽ khiến các em mang một vết sẹo đau đớn đến hết đời vì thi trượt cấp 3”.

Độc giả Chức Nguyễn bày tỏ, một thành phố phát triển, giáo dục tất yếu đi trước. Thế nhưng thời gian qua, TP Hà Nội luôn phải chạy theo sự phát triển của xã hội một cách thụ động và hụt hơi. “Các nhà lãnh đạo làm giáo dục Hà Nội cần có hành động ngay để không bị thiệt thòi cho một thế hệ”, anh nói.

Người đọc có tên DaohuyGiam viết: “Giáo dục là nền tảng để "đất nước có trở nên vẻ vang hay không" vậy mà tỷ lệ tuyển sinh vào cấp "ngưỡng cửa cuộc đời" ngay ở Thủ đô quá thấp. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại. Đầu tư vào giáo dục trọng yếu hơn cả đầu tư vỉa hè, trụ sở cơ quan hành chính...”.

Độc giả này đề nghị HĐND và UBND Thành phố Hà Nội ưu tiên xem xét vấn đề này và sớm công bố chương trình hành động cụ thể để người dân được biết.

Một số độc giả cũng chia sẻ với VietNamNet, một quốc gia muốn có giáo dục phát triển cần cho phổ cập giáo dục đến hết cấp THPT. Khi ấy, học sinh mới có thể nhận thức được các vấn đề xã hội. Chính vì thế nên bãi bỏ các kỳ thi vào lớp 10 như một số địa phương đang triển khai.

Bên cạnh đó, độc giả đề nghị Sở GD-ĐT Hà Nội đối thoại, giải đáp với phụ huynh học sinh về tỷ lệ tuyển sinh thi lớp 10 năm nay quá thấp. 

Độc giả Thái Linh cũng đề cập đến vai trò của Bộ GD-ĐT trong câu chuyện này: “Hà Nội không đáp ứng được cơ sở vật chất. Vai trò của Bộ GD-ĐT ở đâu?”.

Bởi lẽ, thực tế, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện cho con học các trường tư thục, trong khi để các con đi học nghề sẽ tước cơ hội thu nạp kiến thức của các em.