Đây là hình ảnh anh Đặng Văn Phong, xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang đang tham vấn các chuyên gia nông nghiệp về phương pháp trồng, chăm sóc cam sành.
Là một người có 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng cam sành, nhưng với anh Phong, nếu không có những buổi tham vấn, hỗ trợ như thế này thì rất khó để vườn cam của anh có thể đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Cam sành được ví là “vàng trong đá” của Hà Giang. Đây là một trong những cây trồng chủ lực mang lại giá trình kinh tế cao cho vùng đất vốn chỉ toàn núi đá cằn cỗi. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế từ cam sành, tỉnh Hà Giang đã ban hành Nghị quyết số 04 về phát triển bền vững cây cam sành giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cùng với đó, HĐND tỉnh Hà Giang cũng ban hành Nghị quyết số 58 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành.
Huyện Bắc Quang có gần 3.100 ha cam sành, chiếm khoảng 43% tổng diện tích cam toàn tỉnh Hà Giang. Để cam sành xứng tầm cây trồng chủ lực, huyện Bắc Quang nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung đã có nhiều sáng kiến, cách làm hay, đổi mới được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong phát triển bền vững cây cam.
Việc tận dụng công nghệ internet triệt để đã giúp bà con được tiếp cận nhiều hơn với các chuyên gia để tham vấn về các phương pháp chăm sóc, nâng cao sản lượng, tăng chất lượng mẫu mã, nâng giá trị kinh tế.
Thực hiện theo quy trình chuyển đổi số ngay từ đầu. Được sự hỗ trợ của cán bộ khoa học, làm đúng quy trình hơn. Ngày xưa thì làm chưa đúng thời điểm cây sinh trưởng, giờ mới biết được đặc thù của chúng.
Quả đồng đều, sản lượng cao, mẫu mã đẹp, khách hàng ưa chuộng. So với những hộ chưa có quy trình làm thì giá cao hơn. Những hộ tự trồng, không theo quy trình chỉ bán được 9.000/kg, còn mình bán được 11.000/kg, cuối vụ mình bán được 15.000/kg.
Hà Giang là một tỉnh miền núi có địa hình chia cắt, việc di chuyển giữa các địa bàn gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, các chuyên gia khó có thể thường xuyên tới tận các vườn cam để hỗ trợ trong những lúc cần thiết. Vậy nên, việc tận dụng internet để kết nối với các chuyên gia để được tư vấn về những khúc mắc xung quanh cây trồng này đã mang lại nhiều thuận lợi cho người dân.
Chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, những người nông dân như a Phong có thể gặp gỡ, trao đổi với các chuyên gia nông nghiệp về những vấn đề mà vườn cam của mình đang gặp phải.
Theo như anh Phong chia sẻ, cây cam là một giống cây “khó tính”, nếu như không hiểu được đặc tính của cây này thì rất khó có thể phát triển. Dù là những khâu nhỏ nhất trong quá trình chăm sóc, thu hoạch cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng cam.
Không chỉ tận dụng intetnet để tiếp cận, trao đổi với các chuyên gia, anh Phong còn sử dụng nó như một công cụ để mang sản phẩm của mình tới gần hơn với người tiêu dùng.
Chuyển đổi số để cho cả thị trường cùng biết, thời buổi 4.0 nên ghi hình, quay phim chụp ảnh, cho lên hệ thống để mọi người đều biết tới quy trình sản xuất cây cam. Được các nhà mạng, cquan chức năng hỗ trợ để mng biết đến công việc của mình.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các chuyên gia, gia đình anh Phong đã thực hiện mô hình vườn cam mẫu với diện tích 5 ha, với số lượng hơn 3.000 cây. Để được công nhận là vườn cam mẫu, phải đáp ứng những tiêu chí khắt khe như xây dựng hệ thống giao thông nội vườn, hệ thống tưới; trông và chăm sóc theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường, ứng dụng KHKT vào sản xuất… ứng dụng chuyển đổi số thông qua nhật ký điện tử, cập nhật quá trình trồng, chăm sóc cam, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử và quảng bá hình ảnh cam sành bằng ứng dụng internet, mạng xã hội...
Ngoài ra, gia đình anh Phong cũng phải thường xuyên cập nhật tình hình, nội dung công việc có liên quan đến sản xuất cam sành lên phần mềm xác thực số để khi sản phẩm tới tay người dùng, họ có thể xác định được nguồn gốc, xuất xứ cam.
Việc ứng dụng internet vào phát triển cây cam là một mô hình mới trong chiến lược phát triển bền vững loại cây chủ lực này của tỉnh Hà Giang nói chung và huyện Bắc Quang nói riêng. Mô hình này có thể phát huy tối đa việc phối hợp, chuyển giao kỹ thuật, liên kết chặt chẽ giữa người nông dân và các chuyên gia nông nghiệp.
Qua đó, mang tới cho người dân trồng cam những quy trình tiên tiến, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc ứng dụng internet cũng góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm cam Hà Giang, giúp sản phẩm được tiêu thụ tốt hơn.
Đây là tiền đề quan trọng để phát triển bền vững cây cam, đưa cam sành trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh Hà Giang. Tỉnh Hà Giang cũng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 duy trì ổn định diện tích cam sành toàn tỉnh là 5.000 ha; đến năm 2030 cải tạo, áp dụng đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với 100% diện tích cam sành.