Tờ The Guardian dẫn lời Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói, sự lơ là cảnh giác đã tạo điều kiện cho một biến thể mới của virus xuất hiện và vượt qua biến thể Omicron thống trị toàn cầu.
"WHO ước tính, ít nhất 90% dân số thế giới hiện có một mức độ miễn dịch nào đó đối với SARS-CoV-2 do bị nhiễm bệnh hoặc tiêm phòng trước đó", ông Tedros nói khi đề cập tới loại virus gây ra dịch Covid-19.
Người đứng đầu WHO nói thêm: "Chúng ta gần như có thể nói rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch đã kết thúc nhưng nó chưa kết thúc hoàn toàn. Các lỗ hổng trong giám sát, xét nghiệm, tiêm phòng đang tiếp tục tạo điều kiện hoàn hảo cho một biến thể mới, đáng lo ngại xuất hiện. Đó là loại biến thể có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao".
Ông Tedros lưu ý, cuối tuần trước là tròn một năm kể từ khi WHO thông báo Omicron là biến thể mới, đáng lo ngại trong đại dịch Covid-19. Kể từ đó, nó đã càn quét khắp thế giới, chứng tỏ khả năng lây truyền mạnh hơn nhiều biến thể tiền nhiệm của nó là Delta.
Tuần trước, nghiên cứu thực tế mới nhất cho thấy, các vắc xin mới do Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất có thể bảo vệ tốt hơn so với vắc xin ban đầu. Nghiên cứu được tiến hành với 360.000 người chỉ ra rằng liều vắc xin tăng cường giúp tăng khả năng bảo vệ trước các biến thể mới ở những người đã tiêm 4 liều vắc xin cũ.
Kể từ khi được trình làng ở Mỹ vào tháng 9, vắc xin tăng cường - chứa cả chủng virus corona gốc và biến thể Omicron BA.4/5, mang lại lợi ích cho những người từ 18-49 tuổi lớn hơn so với những người ở nhóm tuổi cao hơn.
Trên khắp thế giới, có 6,6 triệu ca tử vong trong số gần 640 triệu ca nhiễm Covid-19 đã được báo cáo với WHO. Tuy nhiên, WHO cho hay, thống kê này chưa đầy đủ và không phản ánh con số thực tế.
Ông Tedros nói, tuần trước hơn 8.500 người mắc Covid-19 đã thiệt mạng và “điều này là không thể chấp nhận được vì sau ba năm xảy ra đại dịch, chúng ta đã có rất nhiều công cụ để ngăn ngừa lây nhiễm và cứu sống người bệnh”.