Sự việc xảy ra vào ngày 6/11 vừa qua trên đoạn đường cao tốc Thượng Hải – Côn Minh chạy qua đoạn Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Lái xe cho biết, đang chạy trên đường thì đột nhiên chiếc xe "không nghe lời", rung lắc hồi lâu. Sau khi cố gắng kiểm soát, phần đuôi xe bị tách rời và sau đó khiến cả chiếc xe lật nghiêng xuống đường.
"Hóng" được thông tin này, người dân sống quanh đó ngay lập tức hò nhau chạy đến hiện trường. Có người nói "chạy ra giúp đỡ" nhưng cũng có người tranh thủ "cơ hội vàng" để kiếm lợi, tiện tay tranh thủ hôi của, mang quýt về nhà.
Bằng chứng là họ mang theo cả bao bì để bỏ quýt vào trong đó, đổ đầy bao là xách đi.
Nhìn số quýt trị giá gần 40 triệu đồng lăn lóc trên đường cao tốc và rãnh thoát nước, tài xế chưa hết xót xa, lại chứng kiến thêm cảnh tượng "ngứa mắt" này, không kìm nén được giận giữ, anh ta đã lao đến ngăn cản.
Thế nhưng, có vẻ như những người hôi của không biết mình đang làm gì. Hai trong số này sau khi bị cản đã quay ra to tiếng và đánh lại chủ xe. Ba người cứ như thế "thượng cẳng chân hạ cẳng tay".
Cảnh sát chuyên trách làm việc trên đường cao tốc sau khi nhận được tin báo đã nhanh chóng có mặt đến ngăn chặn không cho sự việc diễn biến xấu hơn, đồng thời thu xếp giúp đỡ người gặp nạn.
Được biết, số quýt trên là do tài xế và một người họ hàng chung nhau buôn. Người này chở xe quýt từ Hồ Nam đến nơi khác để bán.
Vấn nạn trở thành nỗi nhục quốc gia
Không thể kể hết những vụ hôi của xảy ra trong thời gian qua ở Trung Quốc. Không chỉ được phản ánh trên mạng xã hội, trên báo chí trong nước mà thậm chí, một vài vụ đã bị bêu riếu trên báo chí nước ngoài như Anh, Mỹ…
Truyền thông Trung Quốc cũng nhiều lần bày tỏ thái độ ngán ngẩm, lên án mạnh mẽ hành vi trơ tráo này của một bộ phận người dân.
Một bài viết trên Tân Hoa xã cách đây khá lâu đã từng cho rằng "cướp bóc kiểu Trung Quốc" là kết quả của tâm lý đám đông. Nhiều người nghĩ luật pháp không thể trừng phạt tất cả mọi người nếu họ cùng phạm tội, chẳng hạn như vụ hôi quýt ở trên.
Và thực tế này đã đặt ra nhiều câu hỏi về đạo đức và pháp lý trong xã hội nước này.
Lý Thạc Hạo - một giáo sư thuộc Đại học Lan Châu (Trung Quốc) nhận định, cùng với việc thúc đẩy các giá trị đạo đức, giới chức trách cần ban hành các điều luật về tội a dua. Nếu không, những vụ hôi cướp như vậy sẽ còn tiếp diễn ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
"Con sâu bỏ rầu nồi canh", vì hành động của một nhóm người mà đôi khi, Trung Quốc cứ mãi mang tiếng vì những công dân "xấu xí".
Nhiều người cho rằng họ cảm thấy rất nhục nhã vì chứng kiến cảnh người dân của mình hành động còn không bằng loài vật như vậy.
Theo TTVN