Gỗ quý nằm la liệt hai bên đường ở Hạnh Dịch (Quế Phong). Theo nguồn tin của VietNamNet, năm 2011, Nghệ An khởi công tuyến đường biên giới xuất phát từ Hạnh Dịch xẻ ngang vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, dài 22km. Dự án do Bộ chỉ huy BĐBP Nghệ An làm chủ đầu tư. Để phục vụ việc xây dựng, tỉnh đồng ý chủ trương cho tận thu hàng ngàn khối gỗ rừng đặc dụng ở đây, thuộc chủng loại từ nhóm 2 đến nhóm 8. |
Tiếp cận các văn bản từ phía cơ quan chức năng, nhóm PV nắm được thông tin việc tận thu chỉ thực hiện với khoảng cách tối đa 1,5m đối với taluy dương. Taluy âm thì đất đá trôi ảnh hưởng đến đâu, có nguy cơ cây gỗ chết thì mới được phép chặt gỗ. Tuy thế việc triển khai ngoài thực địa dường như đã không 'bám sát' nguyên tắc này. |
Theo quan sát, nhiều cây gỗ dường như bị khai thác 'nhầm' khi ở vị trí cách xa taluy đường 4-5m, thậm chí cả hàng chục mét. Tại khu vực này có rất nhiều loài gỗ có giá trị như táu, sến, dổi. |
Nhiều cây gỗ lớn khi khai thác đã làm đổ gãy những cây rừng ở khu vực ngoài diện 'tận thu'. Nhiều cây nằm trong vùng tận thu để làm đường nhưng không thấy bị đốn hạ. |
Gỗ quý nằm la liệt hai bên tuyến đường đang thi công khiến người dân 'sốt ruột' và đặt câu hỏi về sự kiểm soát của lực lượng chức năng đối với việc tận thu tại vùng lõi rừng già này. |
Từng đống gỗ lớn vừa được đốn hạ nhưng không có dấu búa kiểm lâm. Theo điều tra, nhiều gốc cây với dấu vết khai thác đang còn rất mới nhưng cũng không thấy dấu bài cây. |
Một cây sến lớn nằm cách xa taluy đường nhưng đã được 'phát quang' cây bụi xung quanh, có vẻ sắp được đốn hạ theo diện 'tận thu'. |
Những xe kéo với trọng tải 'khủng' chất đầy gỗ tròn lưu thông trên tuyến đường huyết mạch, tiềm ẩn nguy cơ phá nát đường vào Hạnh Dịch. |
Cao Thái