Các khoa hồi sức tích cực, cấp cứu luôn là điểm “nóng” nhất ở bệnh viện bởi đây là nơi chăm sóc những bệnh nhân đang trong tình trạng "thập tử nhất sinh". Tuy nhiên, đây lại thuộc nhóm các chuyên ngành khó thu hút được nhiều sinh viên lựa chọn tiếp tục chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa.
Vì vậy, các bệnh viện và các trung tâm cấp cứu luôn thiếu bác sĩ chuyên khoa hồi sức cấp cứu. Vấn đề này cũng đã được thể hiện rất rõ trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19 ở tất cả các địa phương.
VietNamNet xin trích đăng tuyến bài Thiếu nhân viên y tế ở nơi thập tử nhất sinh trong bệnh viện để phản ánh tình trạng này.
Kỳ 1: Nơi ánh đèn không bao giờ tắt: Bài viết ghi lại thực tế công việc của các bác sĩ, điều dưỡng ở Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, nơi đang cố gắng giành giật sự sống cho rất nhiều bệnh nhân.
CA TRỰC ĐÊM CĂNG THẲNG
"Ở đây thì ngày hay đêm quan trọng gì, cũng chẳng khác gì nhau. Nếu có cũng chỉ là phía cửa sổ, xem trời nắng hay tối mù, đen kịt vì đêm", bác sĩ nội trú Phan Kim Lê (28 tuổi) nói sau khi làm thủ thuật cho một ca bệnh mới tiếp nhận. Lúc này đồng hồ vừa điểm 3h sáng. Sau thời gian đào tạo y khoa tại Đại học Y khoa Vinh, Lê vượt qua kỳ thi tuyển chọn bác sĩ nội trú tại Đại học Y Hà Nội. Từ năm 2021 đến nay, cô gái gắn bó với công việc bác sĩ nội trú tại Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).
Cởi bỏ chiếc áo choàng xanh, Lê quay về bàn máy tính, ngồi nhập lại thông tin tình trạng của bệnh nhân. Bóng dáng nhỏ bé của cô lọt thỏm giữa chiếc bàn ngổn ngang tài liệu. Xung quanh các hàng ghế trống trơn bởi các bác sĩ, điều dưỡng trong ca trực đang luôn tay trong phòng điều trị. Phía hành lang sáng điện, âm thanh duy nhất lúc này là những tiếng ro re, tiếng bíp kéo dài của máy lọc máu, monitor...
17h30 mỗi ngày, 30 nhân lực gồm bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú, điều dưỡng... cùng bắt đầu ca trực đêm. Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 150 giường cấp cứu, trong đó 73 giường được đặt tại Trung tâm Hồi sức tích cực, luôn trong tình trạng kín bệnh nhân. Phần lớn người bệnh được đưa vào đây từ các khoa phòng, bệnh viện tuyến dưới, trong tình trạng chuyển biến nặng hoặc nguy kịch. Chính vì vậy, khu Hồi sức tích cực tại bệnh viện Bạch Mai được ví như "thành trì cuối cùng", "tuyến cuối của những tuyến cuối".
Trung bình một bệnh nhân tại đây có tới 50-70 đầu việc mỗi ngày. Đây là khu vực biệt lập hoàn toàn nên gần như người thân không thể vào trong chăm sóc. Từ ăn uống, thay quần áo, vệ sinh cá nhân... đến chụp chiếu, làm thủ thuật, dùng thuốc... Trong tình trạng nặng, họ không thể vận động, mọi nhu cầu sinh hoạt, điều trị phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ điều dưỡng, bác sĩ của khoa. Việc nói chuyện của các bệnh nhân cũng vô cùng hạn chế vì hôn mê, sức khỏe yếu. Nếu có thể tương tác thì có người lại mê sảng, không tỉnh táo. Các bác sĩ, điều dưỡng lại càng phải để tâm, chú ý đáp ứng các nhu cầu của bệnh nhân.
Công việc ngốn nhiều thời gian, 21h, một vài người trong ca trực còn chưa kịp dùng bữa tối. Chiếc giường nằm được 4 người đẩy đi, bên ngoài lúc này, trời tối đen như mực. Đến trước cửa phòng MRI, người nhà, bệnh nhân xếp hàng dài chờ đợi. Chiếc giường của Trung tâm Hồi sức tích cực được thông báo phải chờ ít nhất 30 phút nữa, thêm 30 phút tiến hành chụp cộng hưởng, tổng nhanh nhất 1 tiếng mới xong. Lúc này, bác sĩ Đức liên tục bóp bóng thở cho bệnh nhân. Phía đầu giường treo 3 bình oxy vì cả đội đã lường trước tình huống "xếp hàng" này.
- Lê ơi, nhận bệnh nhân, cho vào giường 601 nhé. - Tình trạng như nào thế ạ? - Vẫn tỉnh táo, khó thở, hỗ trợ oxy, miệng nhiều đờm, đờm đặc lắm phải hút ngay.
Điều dưỡng Xuân hớt hải lật xấp bệnh án vừa được bàn giao, nói nhanh tình trạng cho bác sĩ Kim Lê. Hai cô gái chạy nhanh vào phòng bệnh, thế nhưng lại thêm cái khó khi bệnh nhân liên tục giật mask thở, không chịu để bác sĩ động vào người.
"Anh Nam ơi, anh Nam, giúp em", Lê thò đầu ra cửa phòng, gọi với. Một vài điều dưỡng bỏ lại công việc đang dở tay chạy vào. Người đàn ông lớn tuổi vẫn giãy dụa không hợp tác. Điều dưỡng Nam ghì lấy tay ông. Dáng người to lớn của anh, thêm sự giúp sức của 2-3 người nữa vẫn không ăn thua.
"Thế này thì đến lấy máu còn khó. Chị Xuân, lấy thuốc an thần cho em. Anh Đức, làm giấy tờ cho bệnh nhân để người nhà ký. Trước tiên em sẽ hút đờm, hiện có dấu hiệu xuất huyết rồi, sau đó em sẽ làm thủ thuật đặt ống thở". Nhận ca bệnh, Lê trở thành bác sĩ trực tiếp điều trị trường hợp này, cô nhanh chóng giao đầu việc để các đồng nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị dụng cụ, cả đội tất bật tiến hành, đồng hồ khi ấy điểm 2h30 sáng.
Xong phần việc cơ bản cho ca bệnh vừa tiếp nhận, Kim Lê ngồi thừ lại ở bàn làm việc. Cô gái 28 tuổi chợt nhớ ra tối nay quên không gọi về nhà cho bố mẹ. Sinh ra ở Nghệ An, cô ra Hà Nội học xa nhà như bao bạn bè cùng trang lứa. Ngày còn là sinh viên, tối nào cô cũng gọi về nhà cho bố mẹ đỡ nhớ, rảnh rang cuối tuần thì bắt tàu xe về quê thăm nhà. Thói quen ấy dần thay đổi từ khi cô trở thành bác sĩ nội trú. "Đi sớm về muộn, có theo lịch sinh hoạt của bố mẹ đâu nên những cuộc gọi cứ thưa dần", Kim Lê nói.
Thời gian trong ngày, trong tuần hầu hết là dành cho bệnh nhân. Lê đảm nhận trực tối thiểu 2 ca đêm/tuần, còn lại là ca ngày, có những đêm tăng cường trực. Một ca đêm kéo dài từ 17h30 đến 7h sáng hôm sau, thực hiện họp giao ban rồi tiếp tục làm việc đến chiều, sau đó được về nghỉ ngơi sáng hôm sau tiếp tục xoay vòng. Ở viện nhiều, đương nhiên quỹ thời gian dành cho các mối quan hệ khác sẽ ít đi.
"Bọn mình hay đùa nhau là lâu lâu về phòng trọ để thăm nhà. Còn nhà ở quê có bố mẹ thì vài tháng, nửa năm. Thế nên nội trú ế nhiều lắm, ế bằng thực lực là có thật. Khi nào không phải đi trực thì hở ra là ngủ chứ hẹn hò gì được", Lê cười. Bằng tuổi cô, bạn bè phần đông đã lập gia đình, có con. Nhưng bố mẹ cô đến giờ cũng không hối thúc gì vì biết con gái quá bận rộn.
Nhận câu hỏi của phóng viên "Trước khi học nội trú, Lê có biết mình sẽ bận đến mức này không?", cô gái này thành thật chia sẻ: "Mình biết trở thành bác sĩ nội trú sẽ rất vất vả, ai trải qua rồi cũng nói vậy. Nhưng đến lúc bước vào mình mới thực sự hiểu 'vất vả' là như nào. Lúc đầu ai cũng ngợp với cường độ làm việc này rồi sau dần bắt nhịp mới thành quen".
Ba năm theo đuổi vai trò bác sĩ nội trú, Lê tạm gác lại cuộc sống riêng, những sở thích, thói quen. Chấp nhận việc học phí phải để bố mẹ lo và bản thân thì sống dựa vào nguồn tiền trợ cấp cho bác sĩ nội trú ít ỏi. Lê chia sẻ, chủ yếu là lo tiền nhà, tiền ăn cũng không tốn vì toàn ăn cơm viện. Quần áo, dày dép, mỹ phẩm... thì càng không mất đồng nào vì "cả ngày trong viện, mua về cũng không dùng tới".
"Sang năm còn tăng học phí, bốn mươi mấy triệu cho một năm. Chỉ lo bố mẹ vất vả. Còn mình thì xoay kiểu nào chẳng đủ", nói tới bố mẹ, Lê ngập ngừng rồi lại cười trừ. Nhưng với Lê, nội trú là con đường ngắn nhất để nâng cao tay nghề. Bởi còn trẻ nên cô sẵn sàng đánh đổi 3 năm, chỉ là canh cánh trong lòng về việc chưa báo đáp gì được cho bố mẹ. Hơn 3h sáng, nữ bác sĩ nội trú mới gục xuống bàn để chợp mắt sau 11 tiếng đồng hồ làm việc liên tiếp.
Chưa đầy 15 phút chợp mắt, Kim Lê bị lay dậy bởi có tình huống bất ngờ. Trường hợp này được tiếp nhận tại khoa mới đây chừng 3 ngày trong tình trạng toan chuyển hóa nặng. Quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn khi hai chân của bệnh nhân bị liệt và cân nặng cơ thể lên tới 100kg. Giữa đêm, nhịp tim của bệnh nhân giảm xuống thấp, tình trạng xấu, khó chuyển biến. Chiếc máy lọc máu đặt bên cạnh giường bệnh liên tục hoạt động không nghỉ. Trong lúc ấy các điều dưỡng vẫn liên tục thêm thuốc để giúp ổn định lại các chỉ số.
Người nhà túc trực bên ngoài đã được bác sĩ thông báo về nguy cơ tử vong cao. Sau khoảng 30 phút, tình trạng tiếp tục xấu đi. Kim Lê và bác sĩ Kiên được cử ra gặp và báo lại tình trạng cho gia đình và xin ý kiến. Cầm trong tay sấp giấy tờ bệnh án, Lê hít thở sâu rồi lấy lại vẻ mặt điềm tĩnh, đẩy cửa bước ra. Bằng chất giọng nhẹ nhàng, chậm rãi, Lê giải thích về tình trạng lúc này của bệnh nhân để người nhà nắm rõ. "Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi tình trạng người thân của anh chị trở nặng", nữ bác sĩ nội trú nói, ngón tay cái vân vê trên tờ giấy đặt trước mặt. Chiếc khẩu trang che kín nửa mặt, mũ đội kín đầu, chỉ còn để chừa ra đôi mắt với một nỗi buồn và thông cảm. Lúc này, phía gia đình chọn ký đơn để bệnh nhân được ra đi thanh thản, không thực hiện cấp cứu.
Gần 4h, nhịp tim về 0, các bác sĩ rút ống thở rồi giúp người nhà làm thủ tục, gọi xe để đưa thi thể bệnh nhân về nhà tang lễ. Chừng 1 tiếng sau, xe đến trước sảnh khoa. 4-5 người hò kéo nhau phụ giúp đưa thi thể xuống tầng 1. Qua dọc hành lang, nhiều người nhà của các bệnh nhân khác lúc này cũng tỉnh giấc. Họ nhìn chiếc xe đẩy đi vào thang máy với ánh mắt đồng cảm, có phần lo ngại. Người ta nói không sai, "tuyến cuối của những tuyến cuối" vốn là nơi giành giật sự sống đến từng giây từng phút.
"SINH VIÊN ĐẾN HỌC NHIỀU MÀ RA TRƯỜNG CÁC EM ĐI ĐÂU HẾT!"
7h, một ngày làm việc mới lại tiếp tục guồng quay với khối lượng công việc khổng lồ. Đỡ hơn một chút so với ban đêm bởi có thêm đội ngũ thực tập sinh, là những nhân lực y tế chất lượng cao, nguồn chất lượng cao của địa phương, đến học việc. Một vài em cứng việc được giao hỗ trợ điều dưỡng chăm sóc các giường bệnh, hỗ trợ ăn sáng hoặc phụ giúp bác sĩ lấy máu, thay băng. Mỗi kỳ thực tập, khoa tiếp nhận cả trăm sinh viên lui tới. Học việc tại Trung tâm Hồi sức tích cực của viện Bạch Mai luôn là lựa chọn hàng đầu của rất nhiều bạn trẻ bởi được chứng kiến tận mắt cuộc chiến khốc liệt nơi phòng bệnh.
"Nhưng chẳng biết có phải trông chúng tôi vất vả quá không, vì sinh viên đến học thì nhiều mà ra trường các em cứ đi đâu hết. Có mấy ai dám chọn cái nơi khó khăn nhọc nhằn này", bác sĩ Phạm Thế Thạch (phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực) nói.
Nói đến khó khăn, bác sĩ Thạch không từ chối điều ấy. Nhưng với ông, bất kể ngành nghề nào trong xã hội cũng có những vất vả riêng. Người thức khuya dậy sớm, người lăn xả nơi địa đầu tổ quốc, khó có thể đem ra mà so sánh.
"Chỉ là với tôi, càng khó thì càng tạo ra những nỗ lực không ngừng. Phải có nỗ lực thì mới có bứt phá, an nhàn thảnh thơi thì ai chẳng hài lòng, cần gì cố gắng nữa", ông nói.
17 năm gắn bó với nghề, cũng từng là một sinh viên trường y, theo học nội trú, làm bác sĩ chuyên khoa rồi trở thành nơi "chọn mặt gửi vàng", nếu nói về vất vả, kham khổ có lẽ vị bác sĩ ấy có thể viết ra cả cuốn sách. Nhưng sau tất cả, ông gói gọn lại trong nụ cười hiền lành và cái thở phào mỗi khi có ca khỏe mạnh xuất viện.
Bên dưới chiếc mũ trùm đầu y tế màu xanh thường trực là mái tóc đã điểm bạc, sau ánh mắt hấp hới sáng lên là tâm tư của một vị bác sĩ đã bao năm vẫn không quen nhìn vào ánh mắt của người nhà bệnh nhân. Mỗi khi đó, trong lòng ông lại canh cánh, dấy lên những lời tự động viên, khích lệ bản thân bởi chỉ có cách duy nhất là hết sức cứu chữa người bệnh để đáp đền lại những ánh mắt ấy.
Với ông Thạch, không chỉ bác sĩ mà tất cả điều dưỡng, hộ lý cũng đều là những người hùng. Chị Nguyễn Thị Nguyệt Anh làm công việc điều dưỡng tại Trung tâm Hồi sức tích cực đã vài năm nay, thời gian không nhiều nhưng cũng đủ lâu để chị quen với guồng quay công việc. Hằng ngày, chị Nguyệt Anh đảm nhận chăm sóc các ca bệnh. Không có người nhà bên cạnh, phần lớn thời gian chỉ nằm bất động, việc sinh hoạt của bệnh nhân phụ thuộc hoàn toàn vào đội ngũ điều dưỡng.
"Cho bệnh nhân ăn uống đều đặn ngày ba bữa, gội đầu, tắm rửa, thay quần áo, thay bỉm... ôi nhiều lắm, ngồi đếm thì hết cả mấy bàn tay. Nhiều việc quá nên tôi cứ cắm mặt vào làm mà không xuể ấy chứ. Mà đâu phải đảm nhận một bệnh nhân, tính cả trung tâm này mấy chục con người mà đội ngũ điều dưỡng thì nào có mấy mống đâu", chị Nguyệt Anh kể. Tính hào sảng, cứ vừa làm chị vừa kể, vừa kể lại vừa cười nói vui vẻ.
Những ngày đầu nhận công việc điều dưỡng, chị cũng ngượng tay vì phải thay dọn cho người khác nhưng làm nhiều thành quen. "Tôi chỉ nghĩ họ như người thân mình vậy. Người lớn thì chạc tuổi ông bà, bố mẹ. Người trẻ cũng ngang tầm anh chị em trong nhà. Tất nhiên là công việc của mình thì mình phải hoàn thành. Nhưng hoàn thành công việc trong niềm vui mới là trọn vẹn", chị nói.
Ai cũng bảo làm điều dưỡng là cực lắm, chăm người thường còn khó, chăm người bệnh lại càng vất vả hơn. Chỉ ngay mỗi việc xoay người qua lại để thay quần áo cũng làm chị bở hơi tai. Nhiều khi bạn bè cũng trêu, hỏi cái nghề nhọc nhằn mà đồng lương chẳng được là bao, sao chị ham thế. Chị lại cười giòn, đáp rằng thế giờ không làm nghề này thì đi làm nghề gì được, ai nói hồi xưa lỡ chọn học điều dưỡng mất rồi.
"Vâng cụ sao cơ ạ, cụ chưa ăn cơm á? Vâng cụ không ăn cơm được mà nãy con cho cụ ăn cháo rồi, cụ có muốn uống thêm sữa không?".
"Em nằm đấy chị lấy bỉm thay cho, không phải ngại chị, thanh niên thì phải mạnh mẽ lên. Mình còn phải khỏe mạnh để ra viện, về nhà với bố mẹ".
"Em thay quần áo giúp anh nhé, bộ quần áo mới tinh, thay ra cho sạch sẽ và thoải mái. Anh cố gắng lên, yên tâm ở đây đã có các bác sĩ hết lòng điều trị để anh chóng khỏi".
Có những cuộc hội thoại ngắn dài đủ cả, người tỉnh táo ở đây thì đa phần nói sảng. Người nặng hơn thì chỉ có thể hé đôi mắt để nhìn về phía nữ điều dưỡng. Đồng nghiệp thường trêu, không hiểu chị Nguyệt Anh lấy đâu ra nhiều năng lượng như thế, đi tiếp chuyện bệnh nhân cả ngày cũng được.
Mỗi lần như vậy, chị lại quay ngoắt ra: "Ai biết họ không nói nhưng họ nghe được. Mình là họ là mình cũng sợ lắm chứ. Phải nói, để người ta nghe được tiếng trò chuyện chứ không phải mỗi tiếng máy móc chạy ro ro. Nói để người ta yên tâm mà đỡ nghĩ ngợi".
Đã không ít lần, chị Nguyệt Anh đứng trước người nhà bệnh nhân khi họ vì lo lắng mà "lẻn" vào để nhìn người thân. Không quát mắng, xua đuổi, bằng giọng nói nhẹ nhàng xen đầy sự thấu hiếu, chị vỗ vai khuyên họ rời đi và hãy tin vào các y bác sĩ.
Việc điều trị trong Trung tâm Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai tất nhiên chẳng phân chia ngày đêm. Vậy nên việc bị cuốn vào công việc lu bù là điều không thể tránh khỏi. Người đứng ngoài nhìn vào công việc của các y bác sĩ, điều dưỡng tại đây hẳn sẽ ngưỡng mộ; người mới bước vào thì thấy ngợp; chỉ có người trong cuộc, gắn bó lâu dài với những bệnh nhân, căn phòng ở đây mới hiểu cảm giác chắc chẳng có thời gian để ngồi mà kêu mệt. Nhưng hơn cả, sau những lần chứng kiến sự ra đi mất mát, họ vẫn cố gắng, nỗ lực để tìm kiếm một chút le lói sáng, dù là một tia hy vọng mong manh cũng cố để giành giật về những sinh mạng dưới lưỡi hái tử thần.
Những áp lực của bác sĩ hồi sức cấp cứu
Áp lực khi làm việc tại khu hồi sức tích cực là vô cùng lớn nên nhiều bác sĩ không trụ được trong chuyên ngành này. Không chỉ áp lực cấp cứu, điều trị bệnh nhân, họ còn đối mặt với nguy cơ bị bạo hành y tế, ảnh hưởng tâm lý khi mỗi ca bệnh không thể cứu sống.