Trong các phiên họp diễn ra lặng lẽ tại Đài quan sát Hải quân trước cả cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình giữa Tổng thống Biden và đối thủ Cộng hòa hôm 27/6, Phó Tổng thống Harris cùng những người thân cận đã lên kế hoạch xem xét bất kỳ ai được ông Trump chọn làm “phó tướng” đồng hành tranh cử và hầu như chỉ tập trung vào cựu tổng thống.
Theo CNN, bà Harris từng kỳ vọng một phần vai trò của mình là bảo vệ ông Biden. Song, trong tháng vừa qua, mọi chuyện ngày càng trở nên rõ ràng rằng bà có thể là “át chủ bài” của đảng Dân chủ và tự chứng minh mình là lựa chọn tốt nhất.
Hiện tại, khi ông Biden đã quyết định dừng chiến dịch tái tranh cử và ủng hộ “nữ phó tướng” thay ông “đấu chung kết” với ông Trump trong tổng tuyển cử ngày 5/11, ngày càng nhiều thành viên cấp cao của đảng Dân chủ cũng dự định tán thành điều đó.
Hơn một chục cố vấn và đồng minh thân cận nhận định, chiến lược tranh cử của bà Harris sẽ dựa nhiều vào kinh nghiệm làm công tố viên quận, tổng chưởng lý bang California và thẩm phán chéo trong các phiên điều trần tại Thượng viện. Nói một cách đơn giản, cách bà Harris ứng phó với cựu Tổng thống Trump cũng giống như “cuộc đối đầu giữa một công tố viên và người mang trọng tội”.
Chiến lược này sẽ gợi nhắc nỗ lực tranh cử của bà năm 2020, trong đó khẩu hiệu “Kamala Harris vì người dân” được lấy từ những ngày bà còn đứng trước tòa với tư cách trợ lý công tố viên quận.
Bốn năm trước, đội ngũ tranh cử của bà hầu như chỉ dựa vào các lời hùng biện. Tuy nhiên, năm nay, ông Trump, ứng viên tổng thống đại diện đảng Cộng hòa đã bị kết tội hình sự trong một phiên tòa xét xử các cáo buộc làm giả hồ sơ kinh doanh để chi tiền che giấu mối quan hệ với một ngôi sao phim người lớn ở bang New York, phải bồi thường vì tội lạm dụng tình dục và phỉ báng một cựu nữ nhà báo trong một vụ án dân sự. Ông cũng đã đối mặt với 2 vụ án hình sự khác liên quan đến những nỗ lực can thiệp và đảo ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020.
Các cố vấn và những người ủng hộ như Thượng nghị sĩ bang Massachusetts Elizabeth Warren tin, đây không chỉ là cách để nêu lên câu chuyện cuộc đời của chính bà Harris, mà còn giúp bà trở thành chính khách đang đấu tranh cho người dân Mỹ, đối lập với ông Trump chỉ đang cố gắng phục vụ lợi ích bản thân. Đó cũng là chiến lược nhằm phát huy các ưu điểm như sức mạnh, trí tuệ, sự cứng rắn vốn có của một công tố viên và cũng có thể là của một tổng tư lệnh đất nước.
“Đó là một sự kết hợp tuyệt vời. Trong toàn bộ sự nghiệp của mình, bà Harris đã đảm nhận những vụ án khó khăn và chống lại những nhân vật sừng sỏ như Donald Trump. Danh tiếng của bà ấy ngày càng lớn nhờ thành công trong việc trừng trị kẻ xấu...”, Mini Timmaraju, Chủ tịch tổ chức Tự do sinh sản cho mọi người bình luận.
Giới quan sát nhận định, trong lần dừng chân ở Fayetteville, bang Bắc Carolina tuần trước, khi bà Harris vẫn đang công khai bảo vệ việc tái tranh cử của ông Biden với tư cách “phó tướng”, bà đã thử nghiệm cách lập luận như trên.
“Như nhiều bạn đã biết, tôi là cựu công tố viên. Vì vậy, tôi nói, chúng ta nên nhìn vào sự thật, phải không?”, bà Harris cho biết khi so sánh thành tích của ông Biden với ông Trump trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất, trợ giúp người cao tuổi, giảm giá hàng hóa và bảo vệ chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc của chính phủ liên bang Mỹ dành cho những gia đình, cá nhân có thu nhập thấp (Obamacare).
Bà Harris cũng từng tuyên bố, cách tiếp cận đó bao gồm cả đổ lỗi trực tiếp cho ông Trump về việc đảo ngược phán quyết lịch sử “Roe kiện Wade” về quyền tự do nạo phá thai của phụ nữ cũng như các hạn chế ở cấp tiểu bang sau đó.
“Cách tiếp cận của công tố viên thực sự chỉ là giải mã một vấn đề. Nó nhắc nhở mọi người về bằng chứng thực nghiệm, cho thấy chính xác việc chúng ta đi đến thời điểm này như thế nào… Ông ta (Trump) không thể trốn tránh những thứ như vậy”, bà Harris từng giải thích trong một cuộc phỏng vấn khi vận động tranh cử ở Las Vegas hồi tháng 4.
Theo nhiều nhà phân tích, ngoài kỷ lục là người phụ nữ đầu tiên từng giữ chức Phó Tổng thống Mỹ, bà Harris có thể tạo nên lịch sử bằng việc tranh cử lãnh đạo Nhà Trắng. Nữ chính khách này là người mang nửa dòng máu Jamaica, nửa dòng máu Ấn Độ và tự nhận thấy mình gắn bó với cộng đồng người Mỹ da màu mạnh mẽ đến mức chọn Đại học Howard, nơi đào tạo nhiều tiến sĩ gốc Phi nhất ở xứ sở cờ hoa, để theo học. Chồng bà là người Do Thái.
Những người thân cận hy vọng, nếu chính thức được chọn là ứng viên tổng thống đại diện đảng Dân chủ, bà Harris có thể thu hút thêm sự ủng hộ của các nhóm cử tri da màu, phụ nữ, người gốc Do Thái... Song, họ cũng cảnh báo bà nên có biện pháp phòng ngừa các vụ công kích ác ý hoặc chống đối xuất phát từ sự phân biệt sắc tộc và giới tính tiềm ẩn.
Thượng nghị sĩ đại diện bang California Laphonza Butler, một người bạn lâu năm của bà Harris, tin các kinh nghiệm làm phó tổng thống của nữ chính khách này cùng các rắc rối pháp lý của ông Trump đã tạo nên một tình huống rất khác so với chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020. “Giống như một công tố viên, bà ấy sẽ biết rõ vụ việc của mình từ trong ra ngoài. Bà ấy sẽ sắp xếp các chứng cứ và các nhân chứng của mình để thuyết phục bồi thẩm đoàn - người dân Mỹ”, bà Butler bày tỏ.
Trong khi đó, một hạ nghị sĩ Dân chủ kêu gọi bà Harris không nhượng bộ trước một số suy nghĩ “thức tỉnh” đã thống trị đảng trong những năm gần đây. Nhà lập pháp này nhấn mạnh: “Harris không thể chiến thắng nếu tranh cử với tư cách là luật sư từ bang California. Bà ấy phải thực hiện điều này với tư cách một người làm điều đúng đắn, ngay cả khi việc đó khiến phe cấp tiến khó chịu, một người chống lại tội phạm cho dù đó là tội phạm cổ cồn trắng hay tội phạm đường phố”.