Hiện nay, trên địa bàn huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, dân tộc Mông chiếm tỷ lệ dân số lớn thứ 3 với 1.405 hộ, 8.309 nhân khẩu ở 21 thôn, bản, thuộc 8 xã khác nhau. So với mặt bằng chung, điều kiện kinh tế cũng như trình độ dân trí của đồng bào Mông còn thấp và nhiều khó khăn; tồn tại một số hủ tục như: thách cưới cao, cúng ma, cúng cho người chết quá rườm rà, tảo hôn, trồng và buôn bán thuốc phiện, nghiện hút.
Trước thực trạng đó, Huyện ủy, UBND huyện đã tổ chức nhiều hội nghị bàn bạc, xin ý kiến già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín, đại diện các hộ dân của người Mông ở 21 bản, với quyết tâm tìm ra các giải pháp khắc phục.
Từ năm 2017 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy Than Uyên chủ trương xây dựng nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông theo tinh thần: thận trọng, chắc chắn, đồng bộ gắn với phát huy dân chủ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con thực hiện các phong trào thi đua trong lao động sản xuất, bài trừ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng nông thôn mới, quy ước bản. Từ đó, đã xây dựng nên nội dung và ký cam kết “Nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông”, với 8 việc nên làm và 8 việc không nên làm, sau đó rút ngắn lại thành “5 việc phải làm và 5 việc không làm”.
Sau 6 tháng thực hiện thí điểm, người Mông ở xã Phúc Than thoát khỏi những ràng buộc, cản trở của hủ tục truyền qua bao đời, tích cực, chủ động phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Với sự đồng thuận cao, huyện Than Uyên quyết định nhân rộng thực hiện nếp sống văn hóa mới đến 100% bản người Mông trên địa bàn huyện với nhiều hoạt động đồng bộ, quyết liệt. Dịp lễ, tết, giải thi đấu, hội diễn văn nghệ… các địa phương chú trọng đưa vào biểu diễn nhiều tiết mục văn nghệ, môn thi thể thao truyền thống của đồng bào dân tộc Mông.
Huyện Than Uyên đề ra 5 nhiệm vụ, 4 giải pháp tiếp tục thực hiện “Nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông”, trong đó tiếp tục đổi mới hình thức nội dung tuyên truyền việc thực hiện ký cam kết theo hướng cô đọng, ngắn gọn; thống nhất hệ thống chính trị từ xã đến thôn bản, đồng thời phát huy vai trò già làng trưởng bản, người uy tín để thực hiện; chuyển giao việc theo dõi thực hiện cam kết “Nếp sống văn hóa mới trong vùng đồng bào dân tộc Mông” cho các Ban vận động xã hoặc chi hội bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân gian dân tộc Mông của thôn bản…
Kể từ khi thực hiện cam kết, có 207 hộ đồng bào Mông thoát nghèo, 1 hộ là chủ hợp tác xã có sản phẩm đạt OCOP 3 sao, tỷ lệ sinh con thứ 3 và tảo hôn giảm đáng kể, toàn huyện giảm 2 bản, 2 xã có đồng bào theo đạo trái pháp luật, các tục tang lễ, cưới hỏi được thực hiện văn minh. Các cặp vợ chồng khi sinh con, người dân ốm đau đều đến cơ sở y tế để được thăm khám, chữa bệnh; tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm hàng năm và hạn chế tình trạng học sinh dân tộc Mông bỏ học.
Bản cam kết “Nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông” thể hiện sự nhạy bén, sáng tạo trong xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện Than Uyên, đáp ứng đúng tâm tư, nguyện vọng thay đổi của người dân, nên đã tạo ra một luồng gió mới, giúp thay đổi nhận thức vốn tồn tại lâu đời trong cuộc sống đồng bào người Mông, tạo được sự lan tỏa tới các cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.