Nhà báo Phạm Huyền: Cảm ơn 3 vị khách mời đã nhận lời tham gia chương trình của Báo VietNamNet. Câu hỏi đầu tiên, xin được gửi tới ông Nguyễn Tuấn Việt, người vừa trải qua kỳ thi cấp lại GPLX với rất nhiều chuyện “cười ra nước mắt”. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về hành trình thi đỗ bằng lái xe?
Ông Nguyễn Tuấn Việt: Vâng, tôi là người đã lái xe 10 năm rồi. Ngày trước, khi tôi thi thì dễ hơn, ít câu hỏi lý thuyết hơn. Nhưng lần này, khi đổi bằng, tôi phải thi lại lý thuyết.
Phần thi lý thuyết nhiều câu hỏi hơn và có thêm phần nữa là phần thi mô phỏng. Phần thi mô phỏng này gây khó và bỡ ngỡ cho người lái xe. Bởi vì, những tình huống trong thi mô phỏng khiến cho chúng tôi như là đang phải chơi game. Và cái cách để mà xác định đúng hay sai, chỉ là một nút trên bàn phím.
Phần học mô phỏng gồm 120 câu hỏi nhưng đến lúc thi chỉ có 10 câu. Thời gian để được đánh giá đúng chỉ kéo dài khoảng vài giây. Đây là điều khiến cho người đã lái xe như tôi hay bị xử lý sớm các tình huống. Mà xử lý sớm hơn chỉ 1 giây cũng không được điểm. Do đó, tôi rơi vào trạng thái hoặc được 0 điểm hoặc được 5 điểm.
Ở trong lớp lý thuyết của tôi có một chị là hiệu phó một trường nhưng đã phải thi lại đến 16 lần. Phần thi mô phỏng của chị rất vất vả. Chị ấy nhiều tuổi nên mỗi lần vào phòng thi rất run, thường ấn nút sớm quá hoặc muộn quá. Tôi nghĩ, ở phần thi này khó đối với những người như tôi đã lái xe hoặc những người có nhiều tuổi.
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông Quyền, thời gian vừa qua Hiệp hội đã nhận được những ý kiến nào phản ánh về tình trạng bất cập trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Thời gian vừa qua, với vai trò của Hiệp hội, chúng tôi cũng tiếp xúc với khá nhiều các cơ sở đào tạo và người học.
Chúng tôi cũng đã đi khảo sát một số cơ sở và tiếp nhận các ý kiến phản ánh, phải nói là khâu quản lý đào tạo của chúng ta trong thời gian vừa qua đã đổi mới khá nhiều. Tuy nhiên, cũng có những nội dung phù hợp nhưng cũng nhiều nội dung không phù hợp.
Ví dụ, quy định về tiêu chuẩn của giáo viên dạy thực hành lái xe. Mình quy định phải có bằng trung cấp. Hay là những quy định về yêu cầu bắt buộc phải học tập trung, có điểm danh đối với phần học lý thuyết. Chưa hết, với phần mềm mô phỏng, cabin điện tử, tôi cho rằng khi chúng ta ban hành chưa có sự thử nghiệm, đánh giá.
Nhà báo Phạm Huyền: Trong số những việc ông vừa nêu, vấn đề nào khiến cho các học viên cảm thấy bất cập và bức xúc nhất?
Ông Nguyễn Văn Quyền: Hiện nay, các cơ sở đào tạo trong phạm vi cả nước gần như đang "đóng băng". Người ta không dám tiến hành đào tạo nữa bởi vì sợ sai và sợ bị cơ quan pháp luật xử lý. Nhất là Hà Nội và TP.HCM, có thể nói là 100% các cơ sở đào tạo đang ngừng.
Những nội dung bất cập nhiều nhất mà học viên phản ánh có 2 vấn đề. Thứ nhất, đó là phần mềm mô phỏng không phù hợp.
Phần mềm mô phỏng này chỉ trang bị cho người học khả năng nhận diện tình huống giao thông thôi chứ không phải là kỹ năng xử lý. Bởi vì đây chỉ là xử lý trên bàn phím, như vậy hoàn toàn khác với xử lý trên vô lăng. Nếu muốn xử lý tình huống thì phải xử lý trên cabin điện tử mới sát với thực tế.
Thứ hai, đó là cách chấm điểm. Phần mềm chỉ chấm điểm khi học viên xử lý đúng thời điểm quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, người lái xe nhận diện tình huống nguy hiểm, xử lý tùy theo khả năng phản xạ của mỗi người.
Người ta có thể xử lý sớm một chút hoặc những lái xe nhuần nhuyễn, thành thạo, đủ tự tin, có thể người ta xử lý muộn hơn. Vậy phải xây dựng thang điểm - xử lý sớm chút có thể là điểm thấp, xử lý đúng điểm tối ưu... Tôi cho rằng cần có nghiên cứu để làm sao sát với thực tiễn và đáp ứng yêu cầu.