Tỉnh Bình Định đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực, với mục tiêu cao nhất là lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ, lấy sự hài lòng của DN, người dân làm thước đo.
Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 20/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XX) về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, chuyển đổi số của tỉnh Bình Định đã đạt nhiều kết quả nổi bật trên 4 khía cạnh: Hạ tầng số, công nghiệp công nghệ thông tin, nhân lực công nghệ thông tin và dữ liệu số.
Công cuộc chuyển đổi số đang góp phần tích cực nâng cao đời sống của người dân, sức cạnh tranh của DN và hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp tại tỉnh Bình Định. Đồng thời là cơ hội để tỉnh bứt phá, tận dụng cơ hội để cải thiện ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực, nhất là xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế-xã hội địa phương…
Con số ấn tượng
Bình Định nằm trong số 41/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến... Văn phòng Chính phủ đánh giá, Bình Định là một trong những địa phương thực hiện tốt số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, Bình Định cũng triển khai hiệu quả về đổi mới tổ chức quản lý, kết nối, chia sẻ, sử dụng dữ liệu phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công. Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối với tổng cộng 22 cơ sở dữ liệu, phần mềm chuyên ngành để phục vụ cho công tác quản lý, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Cùng với đó, nằm trong số 31 địa phương đã hoàn thành việc xây dựng, kết nối, tích hợp Kho dữ liệu điện tử trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với Kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công quốc gia để chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu số hóa phục vụ giải quyết thủ tục hành chính.
Tỉnh Bình Định đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số
Kết quả đánh giá chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2022, tỉnh Bình Định xếp hạng thứ 29 trên cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2021.
Đáng chú ý, Chỉ số phục vụ người dân, DN trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công tính đến tháng 11/2023 được Văn phòng chính phủ đánh giá trực tuyến theo thời gian thực và đang được công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tỉnh Bình Định đang đứng thứ 3 toàn quốc.
Bình Định hiện là trung tâm công nghệ của miền Trung, nơi đặt trung tâm nghiên cứu, cơ sở của các công ty công nghệ hàng đầu như FPT, TMA, VNPT...
Theo thống kê, trong 10 tháng của năm 2023, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến của tỉnh Bình Định đạt 50,2% (chỉ tiêu Trung ương quy định là 50%); Thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện TTHC tỷ lệ bình quân của cả tỉnh đạt 71,2% (chỉ tiêu do tỉnh đề ra là 35%); khai thác CSDL quốc gia về dân cư đạt 91,4%...
Tính đến ngày 30/10, có 54.437 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến, tăng 22.842 hồ sơ so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ gửi, nhận văn bản điện tử có ký số trao đổi giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ trên 99%.
Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh (IOC) luôn được duy trì, với 8 dịch vụ, gồm: Dịch vụ giám sát an toàn thông tin; dịch vụ phản ánh hiện trường; dịch vụ giám sát, điều hành giao thông; dịch vụ giám sát, an ninh trật tự đô thị; dịch vụ giám sát thông tin trên môi trường mạng; hệ thống giám sát dịch vụ công; hệ thống thông tin kinh tế - xã hội và Dashboard tổng hợp giám sát điều hành. Ngoài ra, Trung tâm IOC đã kết nối với dịch vụ giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản.
Hiện nay, 100% các sở, ngành và UBND cấp huyện đều có cán bộ quản trị mạng; 159/159 xã, phường, thị trấn đã thực hiện thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng.
Xây dựng các nền tảng và quyết tâm của cả hệ thống chính trị
Thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh Bình Định đã vào cuộc quyết liệt và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, để mang đến thuận tiện cho người dân và DN trong thực hiện thủ tục hành chính, địa phương này đã và đang triển khai nhiều nền tảng, ứng dụng.
Hiện nay, 100% các sở, ngành và UBND cấp huyện đều có cán bộ quản trị mạng
Có thể kể đến như hệ thống hỗ trợ nghiệp vụ quản lý thông tin về đất đaihttp://congdatdai.binhdinh.gov.vn kết nối liên thông với Cổng dịch vụ công của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố, hệ thống của Tổng Cục thuế. Kết nối, chia sẻ thông tin doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh từ Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp Quốc gia. Hệ thống thông tin quản lý trường học; hệ thống thông tin quản lý cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh; Bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (EMR); Hồ sơ sức khỏe điện tử công dân (nâng cao); Hoạt động khám chữa bệnh từ xa; Hệ thống bản đồ số dùng chung; Hệ thống thông tin phòng chống thiên tai…
Triển khai thí điểm “Dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính” trên Hệ thống VNPT iGate. Ưu điểm vượt trội của chứng thực điện tử là người dân chỉ mất một lần làm nhưng có thể lưu lại và sử dụng lâu dài để làm hồ sơ trực tuyến cho những thủ tục khác, khỏi mất công đi lại nhiều lần. Không những thế, về lâu dài, việc này góp phần bổ sung, làm giàu kho dữ liệu giấy, tờ điện tử của cá nhân trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, từ đó trong tương lại không xa có thể giúp người dân làm thủ tục hành chính mà không cần sử dụng bất cứ một loại giấy tờ gì. Hiện nay tất cả chứng thực dồn về Cổng dịch vụ công Quốc gia, nếu tỉnh đưa vào hệ thống VNPT iGate sẽ giúp giảm bớt áp lực cho Cổng dịch vụ công Quốc gia, người dân bớt một bước đăng ký.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP), phục vụ nhu cầu kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tích hợp các hệ thống phần mềm dùng chung phục vụ chỉ đạo điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang triển khai xây dựng hệ thống camera các điểm du lịch; xây dựng hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh; xây dựng Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; hệ thống phòng họp không giấy; hệ thống quản lý tài liệu lưu trữ điện tử tỉnh…
Tại tỉnh Bình Định, Cổng thông tin điện tử tỉnh (https://binhdinh.gov.vn/) và Cổng dịch vụ công tỉnh (https://dichvucong.binhdinh.gov.vn) đã triển khai mục nhận thông tin hỏi đáp và tiếp nhận các phản ánh, thắc mắc của người dân, doanh nghiệp.
Chuyển đổi số luôn hướng về người dân, doanh nghiệp
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng tỉnh đã thực hiện được nhiều hoạt động quan trọng trong chuyển đổi số. Một trong số đó là việc cải thiện công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo các cấp dựa trên dữ liệu; phát triển Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định với sự góp mặt của các DN công nghệ uy tín; và hướng tới mục tiêu xây dựng TP Quy Nhơn thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) hàng đầu cả nước.
Thanh niên tỉnh Bình Định hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục trực tuyến
Ông Tuấn nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh thực hiện đó là đẩy mạnh phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cùng với đó, tập trung rà soát, nghiên cứu, đề xuất đơn giản hóa thành phần hồ sơ thủ tục hành chính; tăng cường thực hiện liên thông thủ tục hành chính; thực hiện tái cấu trúc quy trình giải quyết để cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là đối với những thủ tục hành chính thiết yếu liên quan đến người dân, DN. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ số hoá thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để sử dụng hiệu quả dữ liệu số hóa phục vụ nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải có hành động cụ thể, giải pháp thiết thực để thúc đẩy người dân, DN ưu tiên sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bình Định nằm trong top 10 toàn quốc về chỉ số chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Để hoàn thành mục tiêu này, việc tập trung phát triển nguồn lực, trong đó tính toán, xây dựng cơ chế, chính sách riêng về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút các nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia… để thực hiện chuyển đổi số. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng DN, người dân về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số là rất quan trọng.
Hồ Giáp - Nguyễn Hiền