Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Văn Tổng- Giám đốc Sở Công Thương Bình Định xung quanh nội dung này.
Tốc độ tăng trưởng vượt bậc
Với tầm quan trọng của dịch vụ logistics trong việc phát triển KT-XH, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, trong đó có mục tiêu chuyển đổi số. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của chuyển đổi số trong phát triển dịch vụ logistics của tỉnh nhà?
Hiện nay, logistics là ngành dịch vụ mũi nhọn của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao là một phần không thể tách rời của chuỗi cung ứng, hỗ trợ quá trình vận chuyển liên tục của hàng hóa, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Chính vì tầm quan trọng của logistics trong việc phát triển kinh tế - xã hội, Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra 5 trụ cột tăng trưởng, trong đó có dịch vụ cảng và logistics. Việc phát triển dịch vụ logistics gắn với chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh cần phải bắt nhịp để có mang lại nhiều lợi ích thiết thực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Chuyển đổi số là nền móng cho sự phát triển của hoạt động thương mại, giúp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông hàng hóa; giúp các doanh nghiệp giảm các chi phí có liên quan và tăng doanh thu và lợi nhuận, góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
Hiện nay ngành Công thương Bình Định đã triển khai chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics như thế nào? Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật?
UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 4317/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 về Kế hoạch phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bình Định đến năm 2025, theo đó, giao các sở, ban, ngành có liên quan tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; phát triển thị trường dịch vụ logistics; vụ tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động logistics.
Trên cơ sở đó, ngành Công Thương địa phương cũng triển khai và phối hợp với các sở, ngành triển khai các nhiệm vụ nhằm phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở Công Thương thường xuyên tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến các nội dung liên quan đến ngành logistics nói chung và chuyên đề chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics nói riêng đến với các doanh nghiệp logistics, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, bước đầu cơ bản giúp doanh nghiệp nhận thức về logistics, về chuyển đổi số và vai trò, tiềm năng của chuyển đổi số ngành logistics trong tương lai.
Trong năm 2022 vừa qua ngành logistics đã có những đóng góp không nhỏ trong hoạt động xuất nhập khẩu, tiếp tục đưa hoạt động xuất nhập khẩu thành một điểm sáng bởi tốc độ tăng trưởng vượt bậc chưa từng có so với những năm trước. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 đạt 2.060 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt 1.606,3 triệu USD (cao nhất từ trước đến nay), tăng 11,3% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 453,7 triệu USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ, cán cân thương mại hàng hóa của tỉnh năm 2022 xuất siêu 1.152,6 triệu USD.
Song song với việc thực hiện chuyển đổi số, hạ tầng logistics của tỉnh ngày càng được cải thiện với đầy đủ các hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không. Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics đang được xây dựng và mở rộng đã góp phân nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng và thuận tiện.
Doanh nghiệp logistics cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số phù hợp
Quá trình chuyển đổi số ngành logistics tỉnh có gặp phải khó khăn gì không thưa ông?
Bên cạnh những kết quả đạt được, nỗ lực chuyển đổi số ngành logistics trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như:
Đầu tiên, nguồn lực tài chính là một trong những thách thức trong chuyển đổi số logistics tại Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Định nói riêng. Các giải pháp chuyển đổi số trong ngành logistics thường đòi hỏi sự đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân lực. Do vậy, mặc dù doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số nhưng hiện nay phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ nên gặp khó khăn về nguồn vốn khi triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Thứ hai, sự thiếu hụt về nguồn nhân lực và hạn chế về công nghệ. Quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics đòi hỏi doanh nghiệp logistics phải có đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn và kỹ năng công nghệ.
Hiện nay, đa phần doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều sử dụng các phương pháp thủ công, truyền thống trong quản lý và vận hành, dẫn đến hiệu quả thấp, chi phí cao và thiếu tính linh hoạt. Hơn nữa, đa số nhân lực logistics chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyển đổi số, do đó gặp khó khăn trong việc tiếp cận và vận dụng kiến thức, kỹ năng về công nghệ mới, từ đó làm giảm sức cạnh tranh của ngành logistics nói chung.
Từ những khó khăn đó, ông có đề xuất gì để chuyển đổi số triển khai thuận lợi hơn trong thời gian đến?
Từ những hạn chế trên, để phát huy được sức mạnh của chuyển đổi số ngành logistics trong thời gian tới, ngành Công Thương đề xuất: Đối với các cơ quan quản lý nhà nước là Chính phủ, quan tâm tới các chính sách ưu đãi về thuế, mặt bằng thuê đất và lãi suất vay nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics giảm chi phí liên quan, tập trung nguồn lực đầu tư vào mạng lưới kho bãi và các hệ thống tự động; đầu tư vào cơ sở hạ tầng số, đáp ứng nhu cầu kết nối và xử lý dữ liệu ngày càng tăng trong tương lai.
Về phía doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics cần nhận thức rõ về vai trò của chuyển đổi số và coi nó là xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 như hiện nay. Doanh nghiệp cần xây dựng lộ trình chuyển đổi số rõ ràng, phù hợp; đầu tư công nghệ, thay đổi phương pháp quản lý một cách đồng bộ, linh hoạt sẽ giúp các doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh công bằng với đối thủ nước ngoài; chú trọng xây dựng nền tảng số cho chuỗi dịch vụ logistics; thông qua việc tăng cường tương tác, trao đổi với các doanh nghiệp trong ngành logistics nhằm tìm kiếm sự hợp tác từ các đối tác có thế mạnh trong lĩnh vực chuyên môn và có tiềm lực tài chính để giúp cải thiện khả năng của doanh nghiệp từ đó cung cấp nguồn lực ổn định để phát triển công nghệ, thu hút nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng tiêu chuẩn của quá trình chuyển đổi số trong ngành logistics trong tương lai.
Xin cảm ơn ông!
Diệu Thuỳ