Bất kể làm dự án website cho thày bói Nhật Bản, hay sàn tiền ảo Thái Lan…, slogan của GMO-Z.com RUNSYSTEM luôn là “Work for your smile – Làm việc vì nụ cười của bạn”.
Năm 2005, Ngô Văn Tẩu và Nguyễn Tấn Minh, cùng là du học sinh Nhật Bản học ngành công nghệ thông tin, cùng tham gia Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản – VYSA, cùng làm part time (bán thời gian) cho một số công ty phần mềm của Nhật, rủ nhau thành lập công ty.
Cả hai quyết định lựa chọn mở công ty chuyên làm về phần mềm với tên gọi RUNSYSTEM, chỉ vì công nghệ thông tin là thế mạnh có sẵn, ít rủi ro hơn khi khởi nghiệp, và làm phần mềm đỡ tốn tiền đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị ban đầu.
RUNSYSTEM bắt nguồn từ tên gọi của nhà sáng lập Ngô Văn Tẩu: “Tẩu” có nghĩa là “Chạy”, dịch sang tiếng Anh là “Run”. RUNSYSTEM có hàm ý sẵn sàng hỗ trợ vận hành các hệ thống công nghệ thông tin cho khách hàng.
Trụ sở chính của công ty đặt tại Hà Nội, do “sếp lớn” Ngô Văn Tẩu phụ trách, với 3 nhân viên ban đầu toàn là sinh viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Còn “sếp nhỏ” Nguyễn Tấn Minh ở lại Nhật Bản, đảm nhận vai trò kỹ sư cầu nối với khách hàng Nhật.
Nhờ sự “mai mối” của doanh nghiệp mà hai chàng du học sinh từng làm part time, RUNSYSTEM nhanh chóng nhận đơn hàng đầu tiên từ một công ty thông tin y tế Nhật Bản, trị giá tới 300 triệu đồng, khá lớn ở thời điểm đó. Với phương châm “Global software quality - Chất lượng phần mềm quốc tế” ngay từ ngày đầu thành lập, startup còn non trẻ sớm chinh phục được lòng tin của khách hàng.
Trong hai năm 2005 – 2006, RUNSYSTEM có thêm một số khách hàng Nhật Bản khác, chủ yếu đặt hàng làm website, cổng thông tin điện tử.
“Hồi đấy chúng tôi làm khá nhiều website cho các thày bói nổi tiếng bên Nhật, thu phí người muốn truy cập để xem phong thủy, thần số học. Có thày bói vừa tối lên tivi thì đến đêm website bị sập vì quá nhiều người truy cập, nên họ muốn nhờ mình hỗ trợ giải pháp để đảm bảo website không bị sự cố vận hành”, ông Nguyễn Tấn Minh vừa cười vừa nhớ lại.
Cũng giống như hầu hết start up, giai đoạn đầu khởi nghiệp của RUNSYSTEM khá vất vả: Kinh nghiệm bán hàng chỉ là con số 0, ngay cả profile giới thiệu công ty cũng chưa biết phải viết thế nào cho hấp dẫn; Vì ít kinh nghiệm nên không ít lần báo giá cho khách hàng sai so với thực tế, phải chịu thiệt; Không tuyển được đủ người vừa biết tiếng Nhật vừa có kỹ năng, kinh nghiệm làm về công nghệ thông tin, nên đành chấp nhận nhìn đơn hàng vuột khỏi tầm tay...
Bản thân ông Minh sau khi nhận bằng kỹ sư tiếp tục học lên thạc sĩ, vừa đi học vừa đi làm. Có khách hàng yêu cầu phải sang ngồi tại văn phòng của họ để khi cần có thể trao đổi công việc ngay, ông Minh đành phải cố gắng căn giờ chạy tới chạy lui từ trường học của mình sang văn phòng của khách hàng. Trải nghiệm thực tế được ông Minh tự đúc rút: Khi mình chỉ là một doanh nghiệp nhỏ thì làm việc với những khách hàng cũng thuộc diện doanh nghiệp nhỏ sẽ dễ chịu hơn vì họ có thể ra quyết định nhanh hơn, không bị ép vào những quy trình phức tạp như doanh nghiệp lớn.
Tháng 3/2007, ông Minh nhận bằng thạc sĩ, đủ tư cách để lập pháp nhân tại Nhật. Chi nhánh tại Tokyo của RunSystem RUNSYSTEM chính thức ra mắt thị trường.
Năm 2008, kết quả kinh doanh của công ty tăng nhiều so với năm 2007, ngoài khách hàng Nhật còn có thêm khách hàng từ quốc gia khác. Nhưng giai đoạn 2008 – 2010, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đơn hàng tăng trưởng chậm. “Thậm chí, có đối tác là công ty Đan Mạch, chuyên làm sản phẩm 3D về đào tạo phòng chống thiên tai, cháy nổ, hôm trước vẫn bảo hoạt động bình thường nhưng sang hôm sau gửi email thông báo phá sản, khiến chúng tôi trở tay không kịp”, ông Minh nhớ lại.
2009 là năm đầu tiên công ty bị lỗ, phải cắt giảm lương của ban giám đốc, tiếp đó cắt giảm 10% lương của nhân viên.
Công ty từng thử phát hành game trên mobile ở thị trường Việt Nam nhưng kết quả không như ý muốn vì “vũ khí” đưa ra chưa đủ mạnh, đành phải từ bỏ.
Lúc đấy, Tập đoàn GMO Internet của Nhật Bản đầu tư rất nhiều vào mảng game, nghe tư vấn của một người chuyên làm môi giới nhân sự, dự định mua luôn một công ty Việt Nam để mở rộng đội ngũ phát triển mảng game tại thị trường Việt Nam, đã nhắm tới RUNSYSTEM.
Cùng thời điểm GMO Internet đặt vấn đề đầu tư, RUNSYSTEM còn có thêm lựa chọn khác từ một startup có sản phẩm rất đặc biệt ở Nhật. Tuy nhiên, nhận thấy GMO Internet có nhiều sản phẩm mà mình có thể triển khai được ở Việt Nam như cổng thanh toán, tên miền hosting..., hai nhà sáng lập RUNSYSTEM “chốt” gia nhập hàng ngũ của GMO Internet vào năm 2011, với tên gọi GMO-Z.com RUNSYSTEM.
Với sự “chèo lái” của Tổng Giám đốc Ngô Văn Tẩu cùng Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc GMO RUNSYSTEM (Tokyo) Nguyễn Tấn Minh, trong vòng 5 năm (2011 – 2016), doanh thu của GMO-Z.com RUNSYSTEM tăng 6 lần , nhân sự tăng 3 – 4 lần.
“Chúng tôi dần khôn hơn, biết cách đi sale, chốt deal. Chứ trước đó chỉ biết đi thả câu, không biết thời điểm nào tốt nhất để giật cần, thậm chí có lần còn đi câu mất cả mồi”, ông Minh hóm hỉnh kể.
Tới nay, GMO-Z.com RUNSYSTEM đã có hơn 900 nhân viên, với 4 văn phòng tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, và 1 công ty con tại Tokyo.
Liên tiếp nhiều năm nay, công ty được vinh danh trong Top 10 Doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin, theo sự bình chọn của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).
Không dừng ở việc làm outsource (dịch vụ thuê ngoài) – khách hàng bảo gì thì làm nấy, năm 2012, lãnh đạo GMO-Z.com RUNSYSTEM quyết tâm tự nghiên cứu, phát triển ra những sản phẩm có tính sáng tạo và chất lượng cao hơn; thành lập riêng một đội R&D.
Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số những năm 2014 - 2015 tại Nhật, công ty đã nhanh chóng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp số hóa dữ liệu. Mở đầu bằng SmartOCR - giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để nhận dạng các ký tự trong tài liệu (văn bản in hoặc viết tay) từ dữ liệu hình ảnh, tài liệu, ảnh…, ra mắt thị trường cuối năm 2015. Kế tiếp có SmartRPA, robot giúp đưa dữ liệu sau khi số hóa vào các hệ thống lưu trữ của khách hàng hoặc sử dụng tiếp cho các công cụ khác. Và một số sản phẩm, giải pháp khác nữa.
Sản phẩm của doanh nghiệp Việt tự tin cạnh tranh với nhiều đối thủ trong nước và quốc tế về chất lượng. Chẳng hạn, SmartOCR và SmartRPA khi ứng dụng tại thị trường Nhật được đánh giá cao hơn nhiều sản phẩm tương tự của công ty Nhật.
“Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ những chia sẻ của ông Watanabe - Giám đốc Công ty GMO Ad Marketing về SmartRPA khi ứng dụng vào nghiệp vụ: “Lợi ích lớn nhất là có thể giảm đáng kể nhân sự trong việc báo cáo. Chi phí phát sinh từ tự động hóa bằng robot cũng thấp hơn chi phí nhân công. Giao diện rất trực quan và dễ sử dụng, cho phép thực hiện các sửa đổi và cũng rất thuận tiện để hướng dẫn cho nhân viên mới. Vì thế chúng tôi đã quyết định chuyển sang sử dụng SmartRPA thay cho sản phẩm RPA khác đang dùng”. Những lời tâm sự này đã thực sự tiếp thêm động lực để chúng tôi tự tin hoàn thiện sản phẩm hơn và đưa sản phẩm Việt chinh phục thêm các thị trường lớn”, ông Minh tiếp tục mạch hồi tưởng.
Lợi thế về chi phí nhân công nên giá thành sản phẩm của GMO-Z.com RUNSYSTEM có tính cạnh tranh. Công ty lại thường quyết định khá nhanh về việc xây dựng sản phẩm nên có thể tận dụng tốt cơ hội thị trường. Chẳng hạn, sản phẩm ứng dụng AI nhập text để tạo website hoặc nhập text để tạo video được đưa ra thị trường chỉ trong khoảng 2 – 3 tuần kể từ khi có ý tưởng làm sản phẩm.
Hiện tại danh mục sản phẩm, dịch vụ của GMO-Z.com RUNSYSTEM đã khá dày, với khoảng 40 sản phẩm, dịch vụ, chia thành 3 dòng: Dịch vụ xuất khẩu phần mềm, kiểm thử phần mềm; Dịch vụ nền tảng Internet như đăng ký tên miền, sản phẩm hosting, server, website, và máy chủ điện toán đám mây, khảo sát trực tuyến; Hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số hỗ trợ toàn diện cho các hoạt động của doanh nghiệp như SmartOCR, SmartRPA, SmartKYC, Smart Gift, Smart Store, WowCRM, ERP, phần mềm kế toán Kaike... cùng các sản phẩm ứng dụng AI như Mira web, Mira bot, AI Easy content…
“Chúng tôi cố gắng tạo ra hệ sinh thái các sản phẩm có tính liên quan, bổ trợ nhau. Nếu khách hàng cần có thể sử dụng ngay sản phẩm trong hệ sinh thái chứ không cần phải vất vả đi tìm mua ở nơi khác”, ông Minh cho biết.
Tư duy Kaizen - cải tiến liên tục được áp dụng vào mọi sản phẩm, dịch vụ công nghệ. Năm 2021, GMO-Z.com RUNSYSTEM là công ty Việt Nam đã hỗ trợ xây dựng xong version 1 (phiên bản 1) sàn tiền ảo tại Thái Lan. Cuối năm vừa rồi đã kết thúc version 2, và hiện đang làm thêm version mới về mobile app.
Đội ngũ R&D rất chịu khó nghiên cứu, ứng dụng những công nghệ mới nhất. Chẳng hạn như blockchain, hiện đã có dự án thứ 5 liên quan tới NFT (token mã hóa trên blockchain, đại diện cho một tài sản duy nhất - PV) được ký kết với khách hàng quốc tế ở Nhật Bản, Thái Lan, Singapore.
Hiện vẫn còn khá nhiều khách hàng tiềm năng muốn sử dụng sản phẩm sàn tiền ảo và NFT của công ty Việt Nam. Ví dụ ở vùng Đông Âu, Địa Trung Hải... và nhiều quốc gia chưa cấm hoặc chưa có những sản phẩm này, hoặc khá cởi mở, cho phép thoải mái đầu tư kinh doanh.
“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục Go Global – tìm kiếm cơ hội từ thị trường thế giới. Nhưng nhìn vào khối thị trường sử dụng tiếng Anh thì quả thực đang là “đại dương đỏ”, không có tí tín hiệu “xanh” nào để mình có thể tự tin bước vào. Mới đây, qua trao đổi với một số doanh nghiệp VINASA, chúng tôi được biết, có dự án ở Mỹ thu hút hơn 20 đối thủ cạnh tranh nhảy vào, gồm cả doanh nghiệp đến từ Ukraine, Nam Mỹ, Đông Âu... Trước kia chúng tôi chỉ hay ngại các đối thủ Ấn Độ, song bây giờ các đối thủ Nam Mỹ cũng rất đáng gờm tại thị trường Mỹ khi giá cả của họ không quá cao so với Việt Nam. Vì thế, chúng tôi sẽ tập trung tìm kiếm, khai thác từ những thị trường thuộc khối “phi tiếng Anh” hoặc các thị trường ngách. Tất nhiên sẽ có rào cản ngôn ngữ, nhưng mình đã làm với tiếng Nhật rồi thì cũng có thể làm được những ngôn ngữ khác”, ông Minh hé lộ hướng đi tương lai.
“Work for your smile - Làm việc vì nụ cười của bạn” là kim chỉ nam đặc biệt trên hành trình Go Global của GMO-Z.com RUNSYSTEM. “Bạn” ở đây gồm cả nhân viên, đối tác và khách hàng của công ty.
Đội ngũ công ty sẵn sàng triển khai công thức T+8 (trả lời email khách hàng trong vòng 8 tiếng kể từ lúc nhận email), hoặc 100+1 (hoàn thành công việc đạt trên mức kỳ vọng của khách hàng)... chỉ để đem lại sự hài lòng và những nụ cười mãn nguyện.
Bên cạnh 3 yếu tố cạnh tranh thông thường của các doanh nghiệp: Quality (Chất lượng) – Cost (Chi phí) – Delivery (Sự phản hồi nhanh chóng), GMO-Z.com RUNSYSTEM còn đề cao yếu tố Emotions (Cảm xúc) bởi khách hàng hài lòng thì sẽ gắn bó lâu dài.
Từng có sự sát cánh, đồng hành của GMO-Z.com RUNSYSTEM trong nhiều dự án lớn như triển khai ứng dụng Internet Banking MB Bank và nền tảng số dành cho khách hàng doanh nghiệp, bà Tưởng Thị Ánh Tuyết, Khối Ngân hàng số - Ngân hàng MB Bank chia sẻ: "Tôi rất hài lòng về sự chuyên nghiệp và thái độ làm việc tận tâm của đội ngũ GMO. Các bạn đã có nhiều đề xuất rất tích cực, hiệu quả, giúp MB Bank tinh chỉnh sản phẩm tốt hơn, nâng cao trải nghiệm khách hàng trong quá trình chuyển đổi số".
Đại diện Mitsubishi Electric Software (Nhật Bản) cũng bày tỏ niềm tin và sự cảm kích với đội ngũ GMO-Z.com RUNSYSTEM đã hỗ trợ phát triển hệ thống điều khiển nhà thông minh HEMS tích hợp thiết bị tích điện, phục vụ cho mô hình tuần hoàn năng lượng của tòa nhà. Hơn 11 năm đồng hành, GMO-Z.com RUNSYSTEM đã góp phần không nhỏ vào thành công trong các dự án công nghệ của Mitsubishi.
Nhìn lại 18 năm qua, hành trình Go Global của GMO-Z.com RUNSYSTEM, thông qua các dự án như website của thày bói Nhật Bản hay sàn giao dịch tiền điện tử Thái Lan, đã trở thành hành trình nỗ lực lan tỏa những nụ cười, tạo thiện cảm về doanh nghiệp Việt, sản phẩm Việt, thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
Hiện GMO-Z.com RUNSYSTEM đang tiếp tục nỗ lực hiện thực hóa tầm nhìn 2030 với những mục tiêu khá cao: Đến năm 2030 sẽ đạt 100 triệu USD doanh thu; Có 5 sản phẩm số 1 thị trường Việt Nam và 5 sản phẩm dẫn đầu thị trường quốc tế; Tiếp tục là công ty số 1 về Nụ cười, đem lại cảm giác hạnh phúc cho nhân viên và khách hàng.
“Với mức tăng trưởng 20 – 30%/năm thì mục tiêu doanh thu hoàn toàn khả thi. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục Kaizen để trở thành doanh nghiệp số 1 về Nụ cười. Còn về sản phẩm, hiện công ty đã có sản phẩm Top 1, Top 2 thị trường Việt Nam. Chúng tôi đang “nuôi” 2 sản phẩm SmartOCR và SmartRPA với mục tiêu hướng đến nhiều thị trường hơn, sẽ vươn lên dẫn đầu ở thị trường quốc tế hoặc một thị trường ngách nào đấy”, ông Minh phân tích khả năng hiện thực hóa khát vọng 2030 của GMO-Z.com RUNSYSTEM.
Nhìn về tương lai còn khá dài ở phía trước, ông Minh để ngỏ sự băn khoăn: “Chúng tôi cũng muốn làm rất nhiều thứ. Nhưng muốn ra được thị trường nước ngoài thì ít nhất cũng phải test (kiểm tra) thị trường trong nước đã. Thực tế thì chúng tôi đang rất khó test ở thị trường Việt với quy mô lớn khoảng 100 triệu dân, chỉ vì vẫn còn một số rào cản về luật pháp. Hành lang pháp lý nhiều khi chưa theo kịp thực tiễn, đơn cử các quy định về blockchain, tiền ảo”.
Bài: Bình Minh
Ảnh: Lê Anh Dũng
Thiết kế: Nguyễn Hồng Anh