Sau vụ trồng thuốc lá, người dân lại tận dụng diện tích canh tác trồng các loại cây khác để nâng cao thu nhập. Mô hình trồng thuốc lá năng suất, chất lượng cao góp phần giúp huyện Hà Quảng hiện thực hóa các mục tiêu về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.


CÂY CÓ HƯƠNG VỊ ĐẶC BIỆT GIÚP NGƯỜI HÀ QUẢNG 'HÁI RA TIỀN'
Nhiều năm nay, cây thuốc lá được gọi vui là cây xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng), giúp người dân tăng thu nhập.
Cây thuốc lá với hương vị đặc biệt được trồng tại Hà Quảng (Cao Bằng) từ hàng chục năm trước. Ban đầu chỉ phát triển ở vài xóm nhỏ, sau đó, mô hình trồng thuốc lá được nhân rộng ra toàn huyện.
Ông Lưu Trọng Hính, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng, cho biết: "Chúng tôi bắt đầu thâm canh cây thuốc lá từ những năm 1995-2000. Từ năm 2000 tới nay, huyện áp dụng các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật của Viện Kinh tế kỹ thuật thuốc lá. Hiện nay, cây thuốc lá trở thành cây trồng giúp xóa đói, giảm nghèo của địa phương".
Nhờ cây thuốc lá, đời sống kinh tế - xã hội của bà con Hà Quảng thay đổi rõ rệt. Đường sá, nhà cửa khang trang hơn so với những khu vực không trồng loại cây này. Bà con cũng áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất từ vài tạ/ha lên 2,8-3,5 tấn/ha.
Theo ông Hính, Hà Quảng hiện là vùng trồng thuốc lá trọng điểm của Cao Bằng và cả nước. Mỗi năm, huyện trồng từ 1.100 - 1.300 ha thuốc lá, tổng doanh thu đạt 180-200 tỷ đồng/vụ, sản xuất trong khoảng 3 tháng.

![]() | ![]() |
Những năm gần đây, thuốc lá được mùa, được giá. Nhờ sự đồng hành của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, bà con không phải lo đầu ra. Cây trồng này đang mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
“Chúng tôi đang tập trung tiếp tục nâng cao năng suất, hướng tới mục tiêu 3,5-5 tấn/ha, đồng thời vận động bà con nhân dân mở rộng thêm mô hình trồng thuốc lá. Mong muốn của chúng tôi là làm thế nào đạt năng suất cao bằng một số địa phương như Tây Nguyên, Gia Lai, Tây Ninh…, những nơi đất đai phù hợp với cây thuốc lá, thâm canh tốt hơn”, Trưởng Phòng Dân tộc và Tôn giáo huyện Hà Quảng chia sẻ thêm.

![]() | ![]() |
Gia đình chị Nông Thị Thìn, ở xóm Bản Hoàng (xã Trường Hà) trồng cây thuốc lá khoảng 7 năm nay.
Chị Thìn cũng như nhiều người dân khác ở Hà Quảng, mỗi khi đi hái thuốc lá vẫn nói vui là “hái ra tiền”.
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn thuốc lá, chị cho hay, chăm sóc loại cây này không quá khó mà hiệu quả kinh tế lại cao. Cây thuốc lá giúp tăng thêm thu nhập để trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày. Đời sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể.

Với kinh nghiệm từng trồng nhiều loại cây nông nghiệp truyền thống, chị Thìn cho biết, cây thuốc lá mang lại giá trị cao. Giá bán thuốc lá trung bình 50-60 nghìn đồng/kg, trong khi ngô chỉ bán được khoảng 10 nghìn đồng/kg.

![]() | ![]() |
Diện tích trồng thuốc lá của gia đình chị Thìn khoảng 5.000m2, sản lượng mỗi năm đạt 7-8 tạ, thu 50-60 triệu đồng/vụ (mỗi năm chỉ làm 1 vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau).
Thời gian qua, gia đình chị Thìn cũng như các hộ dân khác ở Hà Quảng đều được huyện và doanh nghiệp thuốc lá hỗ trợ về giống, phân bón; được mua nợ, thu hoạch xong mùa vụ mới phải trả tiền.
Sau đó, có đơn vị đến tận nhà để thu mua, gia đình chị trồng đến đâu bán hết đến đấy, không phải mang ra chợ bán.
“Bây giờ cả xã Trường Hà và huyện Hà Quảng tập trung đầu tư nhiều vào cây thuốc lá. Chúng tôi rất mong sẽ được nhà nước hỗ trợ thêm về giống, phân bón, thuốc trừ sâu để giảm bệnh, tăng sản lượng”, chị Thìn bày tỏ.

