Những ngày tháng 5, nắng vàng rực rỡ, khắp các tuyến đường thành phố Nam Định được trang hoàng cờ hoa mừng sinh nhật Bác, đặc biệt hơn với Thành Nam khi đây cũng là dịp kỷ niệm 60 năm ngày Người về thăm tỉnh lần thứ 6.
Nằm giữa trung tâm thành phố, tại phố Phù Nghĩa (phường Hạ Long) có căn nhà 2 tầng là nơi ở của tứ đại đồng đường gia đình NSND Kim Liên. Ở tuổi 81, bà nhanh nhẹn dẫn khách vào thăm không gian đặc biệt của ngôi nhà với những bức ảnh về thời hoàng kim khi hoạt động nghệ thuật.
Trong sự nghiệp ca hát NSND Kim Liên có nhiều kỷ niệm, đặc biệt bà có 4 lần gặp Bác Hồ, trở thành người Nam Định hiếm hoi từng có cơ hội tiếp xúc, nói chuyện, ăn cơm cùng Bác. “Tuy sức khỏe có giảm sút nhưng được trời cho trí nhớ, đầu óc minh mẫn nên tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết trong mỗi lần gặp Bác”, bà Liên tâm sự.
Ngày 20-21/5/1963, Bác Hồ về dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ V được tổ chức tại Hội trường Nhà máy Dệt Nam Định (nay là Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định).
“Chiều đó, tại đoàn văn công Nam Định mấy anh em chúng tôi đang luyện tập hăng say để chuẩn bị biểu diễn tại Đại hội thì có một anh từ Tỉnh ủy về truyền đạt ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Phan Điền rằng, cho phép đoàn vào biểu diễn trước Bác Hồ. Mọi người nghe được tin này thì ôm nhau, nhảy cẫng lên, sung sướng vì quá bất ngờ. Hồi đó chỉ cần nhìn thấy Bác thôi là đã thấy hạnh phúc rồi, dù chỉ đứng xa để nhìn”, bà Liên nhớ lại.
Nửa giờ sau, đoàn được đề nghị diễn màn “Cô Tâm đi tìm Đảng” trong vở chèo “Cuộc đời theo Đảng” của tác giả Đăng Thục, nghệ sĩ Kim Liên đóng vai chính chị Tâm. Nghe được tin này, cô gái 21 tuổi Kim Liên vui mừng khôn xiết, bởi trong đời không nghĩ sẽ được biểu diễn trực tiếp trước Bác Hồ. “Lúc đó ai cũng chỉ mong đến buổi tối để đi vào hội trường nhà máy dệt biểu diễn, nhìn thấy Bác, thậm chí đoàn còn không cần bữa cơm chiều”, bà Liên nhớ lại.
Đến tối, quá háo hức, từ hai cánh gà sân khấu, các nghệ sĩ Nam Định nhìn trộm qua khe nhỏ xuống dưới hàng ghế khán giả xem Bác Hồ đã tới chưa. Mấy phút sau Bác Hồ đi vào, được dẫn lên ngồi hàng ghế đầu. “Lúc bấy giờ mới được nhìn thấy. Bác mặc bộ quần áo nâu, đẹp như ông tiên, mắt sáng rộng, râu trắng, mũi cao. Người còn đẹp hơn trong ảnh nhiều”, bà Liên xúc động tả lại lần đầu nhìn thấy Bác.
Bà Liên kể về buổi biểu diễn: “Mở màn, các cháu thiếu nhi đồng ca bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”, sau đó đến các nghệ sĩ hát văn bài “Nam Định quê tôi”. Đến lượt tôi biểu diễn, trời ơi, tôi hồi hộp quá, lo mình hát sai hơi, quên lời vì lúc đó chỉ có nhìn xuống Bác. Nhưng may mắn hôm đó tôi hát hay, không hề phô, chênh nhịp nào”.
Sau khi diễn xong, Bác Hồ lên sân khấu ôm theo bó hoa tặng cho diễn chính Kim Liên và nhắn nhủ: “Bó hoa này, Bác tặng cho Kim Liên, Bác tặng cho cô Tâm. Bác mong cháu khỏe mạnh, hát hay, múa dẻo, phấn đấu được như cô Tâm trong vở chèo”.
Khi ấy bà Liên cảm động đón nhận hoa từ Bác và nghẹn ngào nói: “Con xin Bác, nghe lời Bác dạy con sẽ cố gắng được như cô Tâm”. Ngay sau đó trẻ em, thiếu nhi ùa vào vây quanh Bác.
Đầu năm 1965, sau khi hợp nhất 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam thành tỉnh Nam Hà, đoàn chèo Nam Hà chính thức được ra đời. Năm 1968, đoàn được huy động lên Thủ đô để biểu diễn nhân ngày 22/12 với vở chèo "Trần Quốc Toản ra quân".
Thời điểm đó phong trào “Ba đảm đang" phát triển rất mạnh, huy động được hết thảy chị em từ chiến trường ra đồng ruộng đến nhà máy. Chính vì vậy, khi dàn dựng vở diễn “Trần Quốc Toản ra quân”, đạo diễn Đoàn Bá đã quyết định chọn các nữ nghệ sĩ để đóng vai chính và nhân vật trung tâm (các vai nam) để thể hiện tinh thần “ba đảm đang cả trên sân khấu”. Vì thế vai Trần Quốc Toản và Thế Tử do 2 nữ diễn viên trẻ Thúy Ngân và Kim Liên đảm nhận, Hồng Lê nhận vai Cô gái làng Vân, Thúy Nga đóng vai hề đồng.
Vở chèo ra mắt công chúng gây tiếng vang lớn, đoàn đi biểu diễn phục vụ bộ đội, nhân dân các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Thái Bình, Cao Bằng, Quảng Ninh… Ngày 20/12/1968, 4 nữ diễn viên đã vinh dự được biểu diễn trước Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch.
“Chúng tôi vào đến nơi đã thấy Bác đứng chờ sẵn rồi, tay chống cây gậy ba-toong. Mới chỉ 5 năm thôi mà Người đã già, yếu đi thấy rõ, khác hẳn lần tôi gặp vào năm 1963. Tôi chạy đến ôm lấy Bác, nước mắt tràn ra. Bác liền nói ‘Kim Liên gặp Bác là phải vui lên, sao lại khóc’”, bà Liên bồi hồi, cảm động vì không ngờ Bác vẫn còn nhớ mình.
Mấy chị em sau đó quây quần xung quanh Bác. Bác thăm hỏi sức khỏe, tình hình của từng người. Bà Liên giới thiệu với Bác về người chồng đang đi B và 2 người con gái, đặc biệt bà còn tự hào khi giới thiệu mình đang là đại biểu HĐND tỉnh.
Bốn nữ nghệ sĩ sau đó lần lượt ngâm thơ, hát cho Bác Hồ nghe. Nghệ sĩ Kim Liên đã ngâm các trích đoạn "Kiều gặp Kim Trọng", "Kiều ở lầu Ngưng Bích". Với mỗi bài, Bác thưởng cho một cái kẹo.
Vài ngày sau, bà Liên được Bộ Văn hóa nghệ thuật gọi đến Đài tiếng nói Việt Nam cùng nghệ sĩ Linh Nhâm, Trần Thị Tuyết tập luyện và thu âm bài thơ Chúc Tết Kỷ Dậu 1969 của Bác.
Vị nghệ sĩ kỳ cựu kể lại: “Ba chúng tôi với 3 giọng đọc, 3 phong cách khác nhau, ngâm thơ rồi thu để Bác chọn và sẽ phát vào lúc giao thừa sau khi Bác chúc Tết đồng bào, chiến sĩ cả nước. May mắn tôi được Bác chọn. Người nhận định, nếu nói về kỹ thuật ngâm Kim Liên chưa bằng nhưng giọng Kim Liên đạt được ý thơ của Bác”.
Mùa xuân năm 1969, Bộ Văn hóa nghệ thuật thành lập đoàn nghệ thuật tổng hợp đi lưu diễn dài ngày tại thủ đô Paris (Pháp) và một số nơi ở châu Âu, cùng khoảng thời gian Hội nghị Paris đang diễn ra. Đoàn 78 người gồm các nghệ sĩ chèo, ca, múa, cải lương… do Thứ trưởng Bộ Văn hóa Cù Huy Cận làm trưởng đoàn. Nghệ sĩ Kim Liên được triệu tập tăng cường cho Nhà hát Chèo Trung ương với nhiệm vụ ngâm bài thơ Xuân 1969 của Bác Hồ.
Ngâm thơ Bác ở trong nước đã được Bác khen, nhưng giờ sang xứ người, sợ khán giả không hiểu ý thơ của Bác. Vì vậy đêm diễn đầu tiên bà Liên cũng hồi hộp y như lần đầu gặp Bác. “Tôi phải tập luyện với một đàn anh ở đoàn Trung ương nhiều lần, từ cách ngắt nghỉ hơi, nhấn nhá”, bà Liên nói.
Giữa Paris hoa lệ, sầm uất, dù là lần đầu ra nước ngoài nhưng bà Liên quyết tâm thể hiện tốt tác phẩm của Bác trước bạn bè quốc tế.
“Sân khấu tráng lệ, rộng lớn, tôi thì nhỏ nhắn ‘thắt đáy lưng ong’, tóc dài đến gót chân, có thể nói là đẹp. Bước chân ra sân khấu được vỗ tay hưởng ứng. Ngâm câu thứ nhất đến câu thứ 6, sau mỗi câu là một tràng vỗ tay nổi lên rào rào từ phía khán giả kèm theo lời hưởng ứng ‘répét – ngâm lại’.
Sau đó tôi ngâm lại lần 2, lần này thì hay hơn lần đầu vì tôi đã đo được mức thưởng thức của khán giả. Kết thúc màn biểu diễn, cả khán phòng vỗ tay, hô vang “Hồ Chí Minh – Giáp, Giáp (Đại tướng Võ Nguyên Giáp - PV)”, bà Liên xúc động nhớ lại.
Bộ trưởng Xuân Thủy khi đó là trưởng đoàn Việt Nam dân chủ cộng hòa đã lên tặng hoa và nói “Cảm ơn Kim Liên – một người ngâm thơ mà cả nước rạng rỡ”. Các buổi diễn tiếp theo trong 6 tháng tại khắp các sân khấu ở Pháp, bà Liên không chỉ ngâm thơ của Bác, bà còn ngâm thơ của Huy Cận, Xuân Thủy, đóng các vai Đào Huế, mẹ Cám, mẹ Đốp… diễn đủ các thể loại như con thoi trên sân khấu.
Trước khi nghệ sĩ Kim Liên về nước, vì trân trọng tài năng, Bộ trưởng Xuân Thủy đã tặng bà bài thơ “Đóa sen hồng”:
Sau khi đoàn từ Paris trở về, trong đợt tổng kết lưu diễn, nghệ sĩ Kim Liên được đoàn bầu là đại diện của Nhà hát Chèo Trung ương nhận huy hiệu Bác Hồ, cùng với các nghệ sĩ Thanh Huyền (ca múa), Đinh Thìn (nhạc), Thanh Bình (múa), Ái Liên (hát cải lương), Mai Phụng (công nhân).
“Tôi hạnh phúc vô cùng, không biết đền đáp gì cho Nam Hà, đại diện quê hương, anh em nhận phần thưởng cao quý”, bà Liên chia sẻ.
Giữa tháng 7/1969, 6 người nhận huy hiệu cùng đoàn vào gặp Bác Hồ. “Bác vừa xuất hiện, không ai cầm nổi nước mắt, lúc này Bác đã yếu lắm rồi, nhìn Bác ai cũng xót xa”, bà Liên ngấn lệ kể mới gặp Bác trước Tết khoảng 6 tháng mà giờ Người khác quá.
Nghệ sĩ Kim Liên thuật lại cuộc trò chuyện với Bác: “Khi ấy Bác hỏi: ‘Kim Liên, cháu sang Pháp ngâm thơ của Bác, Việt kiều có thích không?’. Tôi mới thưa: ‘Dạ Việt kiều thích lắm ạ, 1 câu một tràng vỗ tay, 6 câu là 6 tràng vỗ tay. Con thấy hạnh phúc. Chính vì thơ Bác hay nên con ngâm cũng được thơm lây’”.
Vui hơn là ngay hôm sau, thư ký của Bác là ông Vũ Kỳ đã đón bà Kim Liên vào Phủ Chủ tịch gặp Bác Hồ và ăn cơm cùng. “Vừa gặp, Bác hỏi: ‘Kim Liên đã đói chưa?’. Tôi thưa rằng chưa đói, Bác liền bảo chưa đói cũng ăn thôi. Thế là 3 bác cháu cùng vào”, bà Liên cho biết. Trong bữa cơm đặc biệt đó có món canh cua đồng, do đi nước ngoài cả nửa năm không được ăn nên bà rất vui sướng vì Bác tâm lý.
Biết chuyện Bộ trưởng Xuân Thủy tặng bài thơ, Bác yêu cầu Kim Liên đọc lại cho nghe. “Vừa mới đọc câu thứ nhất ‘Kim Liên quê ở Nam Hà’, Bác đã kêu dừng lại và nói không phải. Tôi đớ người ra, không hiểu vì sao. Bác liền giải thích ‘Kim Liên vốn ở Nam Đàn chứ’. Lúc đó tôi mới hiểu, dù hoàn cảnh, thời khắc nào Người cũng luôn nhớ về quê hương”, NSND Kim Liên xúc động kể.
Sau bữa cơm, vì chưa được thăm nhà sàn Bác từng ở, bà Liên mạnh dạn xin được Bác dẫn đi thăm. Trước lúc ra về, Người muốn tặng cho nữ nghệ sĩ tài năng một món quà làm kỷ niệm. Trong phòng chỉ có mấy tờ sách báo, cái quạt lá cũ, trên bàn làm việc là quả cân và cái thước, và Người lấy chiếc thước kẻ đó tặng Kim Liên.
Người đã căn dặn: “Đây là miếng gỗ đã theo Bác sau khi bôn ba một số nước. Bác dùng mấy chục năm nay rồi, hôm nay Bác tặng lại cho Kim Liên làm kỷ niệm”. Nhấc cái thước lên bà mới thấy có khắc 3 chữ S-N-K. Ba chữ ấy có nghĩa là "Suy nghĩ kỹ", với mục đích không chỉ chặn giấy mà còn ngụ ý khi định làm bất cứ một việc gì thì phải “cân nhắc và suy nghĩ kỹ" xem có nên làm hay không.
Nữ nghệ sĩ Kim Liên luôn gìn giữ cẩn thận chiếc thước kẻ như báu vật, mỗi khi dự định làm bất kỳ một việc gì, bà đều nhớ đến ba chữ tô đỏ của Bác Hồ như một lời dạy, một phương châm sống để cố gắng vươn lên.
Năm 2008, khi biết bà có kỷ vật quý, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã xin lại để trưng bày, giới thiệu với nhân dân và bạn bè quốc tế. Để bà đỡ nhớ kỷ vật, bảo tàng đã gửi lại bản chụp chiếc thước.
“Hơn 1 tháng sau, khi đang lưu diễn gần Hà Nội tôi bàng hoàng biết tin Người qua đời. Mấy ngày đó trời mưa tầm tã, tôi không thể lên viếng được”, bà Liên nghẹn ngào nói.
60 năm kể từ ngày được gặp Bác lần đầu tiên, hình ảnh, giọng nói ấm áp của Người vẫn vang vọng trong ký ức của bà Kim Liên. Chính sự động viên, khích lệ của Bác từ thuở ban đầu ấy đã tiếp thêm nghị lực, thôi thúc bà cống hiến cho nền nghệ thuật tỉnh Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung. Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1988, Nghệ sĩ Nhân dân năm 2015. Năm 1993, do sức khỏe yếu bà phải nghỉ hưu.
Ở tuổi bát tuần, ngoài quây quần bên con cháu, bà vẫn năng nổ tham gia các hoạt động nghệ thuật. Hiện nay bà đang là thành viên CLB Thiên Trường - nơi tập hợp nhiều nghệ sĩ cao tuổi, đi biểu diễn ở khắp trong và ngoài tỉnh, tạo nên sân chơi ý nghĩa, thiết thực để sống vui - khỏe - có ích.
Thiết kế: Minh Hoà
Bông ngọc lan Bác Hồ gửi tặng nữ văn công mang về cho 'người thương'
Hai lần Bác Hồ đến thăm và kỷ niệm của con trai Giáo sư Nguyễn Xiển
Gia đình Giáo sư Nguyễn Xiển có vinh dự được Bác Hồ hai lần tới thăm,… những lời ân cần, chỉ dạy của Bác khiến các thành viên trong gia đình trí thức tiến bộ phải suy ngẫm.
Bữa cơm đặc biệt ở ven đô trước ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập
Nằm sâu trong con ngõ An Dương Vương (Tây Hồ, Hà Nội) có một ngôi nhà đặc biệt, được coi là “địa chỉ đỏ”, vinh dự được đón Bác Hồ từ Việt Bắc về trước khi Người đọc Tuyên ngôn độc lập.
Cuộc sống của con gái ông Hoàng Quốc Việt được Bác Hồ đặt tên
Hạ Chí Nhân, con gái nhà cách mạng Hoàng Quốc Việt, từng được Bác Hồ bế ẵm và đặt tên trong ngày đầy tháng. Bà là một trong những đứa trẻ có tuổi thơ gắn bó với Bác nhiều nhất trên chiến khu Việt Bắc.