Lễ giỗ chung 287 người ở Khâm Thiên bị bom B52 sát hại
Lễ giỗ chung của 287 người dân phố Khâm Thiên bị sát hại trong trận bom rải thảm của máy bay B52 46 năm trước, đêm 26/12/1972.
Cách đây 50 năm, quân và dân ta đã tiến hành chiến dịch phòng không quy mô lớn, đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược, chủ yếu bằng máy bay B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội - Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Hàng nghìn bài báo, hàng trăm cuốn sách đã được viết để lý giải câu hỏi: Vì sao một đất nước với tiềm lực kinh tế và quân sự kém xa Mỹ lại có thể bắn rơi hàng loạt máy bay B-52 - niềm tự hào của nền công nghiệp và biểu trưng cho sức mạnh răn đe của Mỹ.
Theo nhận định của các chuyên gia, nhà khoa học trong hội thảo "Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không 1972”-Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại", kỳ tích chưa từng có ấy được tạo thành bởi nhiều nguyên nhân, nhưng dự báo sớm và tuyệt đối chính xác của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc đế quốc Mỹ sẽ dùng B-52 tấn công ra miền Bắc, Hà Nội và sẽ thua trên bầu trời Hà Nội đã giúp quân và dân Việt Nam có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt.
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lại dành sự quan tâm đặc biệt tới B-52. Cuối năm 1967, sau khi nghe báo cáo của ông Phùng Thế Tài (lúc này là Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách Phòng không - Không quân), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm - càng tốt, để có thời gian suy nghĩ chuẩn bị… Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Đại tá Nguyễn Xuân Mai, nguyên Tổng biên tập báo Phòng không – Không quân, là một phóng viên chiến trường, đã có nhiều lần tác nghiệp khi Bác Hồ thăm, làm việc với Quân chủng Phòng không – Không quân. Trong lần tác nghiệp về Bác, ông đã có những bức ảnh để đời mà đằng sau đó là những câu chuyện lịch sử.
Mỹ đưa máy bay B-52 đến chiến trường miền Nam Việt Nam tháng 6/1965 đến tháng 4/1966 đã được gần 1 năm nên về mục tiêu, cách đánh B-52 bấy giờ là một vấn đề rất cần nghiên cứu, nhất là đối với bộ đội tên lửa. Trong khi đó, tên lửa và không quân của ta đã bắn rơi ở miền Bắc những chiếc máy bay không người lái ở độ cao từ 16-18km.
Ngày 24/3/1966, Bác Hồ nghe báo cáo, bộ đội tên lửa bắn rơi máy bay không người lái ở độ cao 18km, xác chiếc máy bay được đưa về phòng khoa học quân sự của quân chủng Phòng không – Không quân để nghiên cứu.
Đại tá Nguyễn Xuân Mai cho hay: “Bác bảo cho Bác xuống xem xác chiếc máy bay này. Thật ra mục đích Bác không phải đến xem như xem triển lãm, mà chính là để kiểm tra thực tế có đúng tên lửa ta bắn rơi được chiếc máy bay ở độ cao 18km hay không?”.
Đại tá Mai lúc bấy giờ với tư cách là phóng viên, được gọi sang để chụp ảnh sự kiện này.
Chỉ huy và lãnh đạo các lực lượng phòng không ở xung quanh khu vực Hà Nội đều được triệu tập đến đón Bác.
Trong gian phòng chừng 30m2, một xác máy bay không người lái tầng thấp 147-7 (bay ở độ cao dưới 1000m) do pháo cao xạ bắn rơi, xác chiếc máy bay gần như còn nguyên vẹn.
Còn một chiếc máy bay BQM-34A bị bắn rơi ở độ cao 18km đã vỡ thành những mảnh vụn, bày la liệt trên các mặt bàn để trong gian phòng. Riêng chóp chiếc máy bay này vì cao gần 3 mét bày trong nhà chật nên phải để ngoài sân.
Trưởng phòng khoa học quân sự của quân chủng báo cáo với Bác về tính năng kỹ thuật của chiếc máy bay không người lái tầng thấp 147-7. Nhưng Bác chỉ nghe lướt qua rồi vòng ra xem những mảnh vụn của máy bay không người lái tầng cao.
Bác chú ý nhìn kỹ bộ phận máy ảnh của máy bay không người lái tầm cao bị bắn rơi.
“Tôi phải ‘phục kích’ bên cửa sổ vì mấy mảnh trên máy bay được bày ngay đó, đoán thế nào Bác Hồ cũng đến xem. Y như rằng đến chỗ đó Bác dừng lại, đó là lần đầu tiên tôi được chụp ảnh Bác Hồ gần nhất, chỉ cách hơn 1m”, Đại tá Mai chia sẻ dù đã chụp Bác Hồ nhiều lần nhưng đây là lần đầu ông chụp được Bác gần như vậy.
Trưởng phòng khoa học quân sự giới thiệu với Bác: “Thưa Bác, đây là một bộ phận của chiếc máy ảnh được trang bị trên máy bay không người lái BQM-34A, nó được lắp cuốn phim dài 250m, rộng 60cm. Nếu nó bay ở độ cao 18km có thể chụp được một không gian rộng ở dưới đất rất rõ, nét từ 20-25km, chụp liên tục đến hết cuốn phim, trận địa của ta như thế nào, chiều ngang bao nhiêu cây số, chiều dài bao nhiêu cây số”.
Bác nghe đến đó vội rút trong túi ra chiếc kính trắng và đeo vào, Bác nhìn và đọc rất kỹ những dòng chữ trên mảnh máy bay. Chính thời điểm đó Đại tá Nguyễn Xuân Mai bấm được một kiểu ảnh, và bức ảnh lịch sử “Bác Hồ xem xác máy bay không người lái” được ra đời.
Sau khi xem xác máy bay xong, Bác ra ngoài sân xem bộ phận chóp của chiếc máy bay không người lái. Lúc này Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Phùng Thế Tài báo cáo với Bác: “Thưa Bác, đây là đầu chóp của máy bay không người lái BQM-34A. Nó không phải bằng kim loại mà bằng vật liệu tổng hợp, đạn bắn vào nó không thủng, không cháy”.
Đại tá Mai nhớ lại, “Bác Hồ khi đó lấy tay dứt thử sợi amiăng. Tôi cũng có một bức ảnh lúc Bác Hồ dứt sợi amiăng”.
Sau khi xem xong, Bác và một số lãnh đạo của lực lượng Phòng không – Không quân vào họp riêng gồm ông Hoàng Văn Thái, Phó tổng Tham mưu trưởng quân đội; Phùng Thế Tài, Tư lệnh; Đặng Tính, Chính ủy quân chủng; Đỗ Đức Kiên, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng phụ trách về tên lửa và hai Phó Chủ nhiệm Cục Chính trị; một phóng viên là ông Xuân Mai.
“Vào trong phòng làm việc, đồng chí quay phim không được vào, thành ra trong phòng rất tối, không có đèn đóm gì cả. Tôi rất khó khăn, tìm mãi chỗ đứng để làm thế nào có thể chụp được ảnh Bác Hồ đang tiếp xúc với các lãnh đạo của quân chủng. Cuối cùng chọn được một chỗ để chụp”, Đại tá Mai nhớ lại.
Bác khen các chiến sĩ có nhiều cố gắng. Bác rất thương đồng bào và chiến sĩ ta vất vả gian khổ trong điều kiện chiến đấu khó khăn. Bác nhận định, Mỹ đã đưa máy bay B-52 vào chiến trường miền Nam, liên tiếp gây tội ác thì sớm hay muộn sẽ đưa máy bay ra miền Bắc, kể cả đưa ra Hà Nội.
“Hôm nay, Bác thấy tên lửa của ta đã bắn rơi máy bay ở độ cao 18km, còn bay cao hơn cả B-52. Ở miền Nam nó chỉ bay cao độ 10 đến 12km. Như vậy tên lửa có khả năng bắn được tầm cao của B-52. Nhưng đánh thế nào để thắng, để rơi được B-52 không phải chuyện dễ, không phải cứ bắn tầm cao là rơi được. Vì thế muốn bắn được nó, các chú phải nghiên cứu”, ông Mai thuật lại những lời Bác căn dặn.
Bác giao cho Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân phải tích cực nghiên cứu cách đánh B-52 như thế nào, để khi nào nó ra miền Bắc thì quân ta có thể đối phó được.
Đại tá Mai kể: “Hôm đó chủ yếu Bác nhấn mạnh việc chuẩn bị đánh B-52 và kiểm tra xem khả năng chúng ta có thể bắn rơi được tầm cao như thế nào, đồng thời chỉ thị việc nghiên cứu cách đánh và làm thế nào đánh thắng được B-52”.
Tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Người là nguồn sức mạnh to lớn, góp phần động viên, chỉ hướng, xây dựng quyết tâm cho bộ đội Phòng không – Không quân.
Quân và dân ta đã có thời gian năm để chuẩn bị và lập nên kỳ tích cùng quân và dân miền Bắc đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược chủ yếu bằng B-52 trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12/1972.
Thiết kế: Nguyễn Ngọc
Lễ giỗ chung của 287 người dân phố Khâm Thiên bị sát hại trong trận bom rải thảm của máy bay B52 46 năm trước, đêm 26/12/1972.
Mùa đông 1972, hàng chục pháo đài bay rơi rụng ở Bắc Việt Nam, nhiều phi công thiệt mạng hay trở thành những vị khách bất đắc dĩ của "khách sạn Hilton Hanoi".