Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình Việt Nam đã có những chia sẻ với VietNamNet về câu chuyện 8 năm tham gia gìn giữ hòa bình, chiến sĩ mũ nồi xanh Việt Nam luôn tạo dấu ấn tốt đẹp, được bạn bè quốc tế công nhận, được Liên Hợp Quốc tin tưởng, khen ngợi.
Ngày 27/4, Việt Nam sẽ tổ chức xuất quân cho bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 và đội công binh. Kể từ khi Việt Nam bắt đầu tham gia từ tháng 6/2014 đến nay, đây là lần đầu tiên chúng ta cử một lực lượng lớn tham gia vào các hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Đội công binh của ta đã có thời gian chuẩn bị hơn 5 năm, với nhân sự có chuyên môn rất cao, các nhân lực đều là những kỹ sư, chuyên gia máy móc, thợ xây dựng ở bậc cao được tuyển chọn từ 21 đơn vị. Ngoài ra, trong đội hình còn có lực lượng thông tin liên lạc, bệnh viện dã chiến cấp 1 và những lực lượng đảm bảo khác.
Chúng ta còn chuẩn bị lực lượng đảm bảo cho an ninh, an toàn cho đội công binh. Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng đã giao cho chúng tôi phải chỉ huy, chỉ đạo sao cho các lực lượng đi làm nhiệm vụ phải đảm bảo an toàn ở mức độ cao nhất. Việt Nam đang ký một thỏa thuận với Liên Hợp Quốc để đảm bảo chúng ta có quyền khước từ những nhiệm vụ có tính rủi ro cao, mất an ninh, an toàn hay đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, đường lối đối ngoại của ta.
Vì vậy, dù triển khai lực lượng công binh dưới ngọn cờ của Liên Hợp Quốc nhưng chúng ta vẫn giữ được quyền chủ động và quyền tự quyết trong các nhiệm vụ.
Các lực lượng này đều đã được chuẩn bị về tâm thế, kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và đặc biệt là kinh nghiệm hoạt động trong môi trường đa phương tại phái bộ UNISFA.
Phái bộ UNISFA được hình thành từ năm 2011, nằm ở vùng tranh chấp giữa Sudan và Nam Sudan, trước kia đã có lực lượng bộ binh, công binh của Ethiopia tuy nhiên nay đã mãn hạn trở về nước. Liên Hợp Quốc đã quyết định lựa chọn một trong 15 đội công binh của một số quốc gia khác, với mục đích chọn một đơn vị có chất lượng cao hơn để thay thế đội công binh Ethiopia.
Đội kiểm tra tiền trạm của Liên Hợp Quốc đã sát hạch năng lực của 184 cán bộ, chiến sĩ của Việt Nam cùng với vũ khí, trang thiết bị. Họ nhận thấy đội công binh của ta là đội tiêu biểu nhất trong số 15 đội. Cuối tháng 10/2021, đội công binh của Việt Nam đã được Liên Hợp Quốc chính thức lựa chọn.
Dự kiến đầu tháng 5/2022, Liên Hợp Quốc sẽ dùng máy bay để vận chuyển hai lần đội công binh 184 người.
Đến thời điểm này các lực lượng, trang thiết bị, vật tư đã rất sẵn sàng và tôi tin tưởng rằng các sĩ quan sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ mà được Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng cũng như là Liên Hợp Quốc giao cho.
Thời gian qua, Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã rất tạo điều kiện để lực lượng công binh được tiếp cận các loại vũ khí, trang bị tốt phục vụ cho nhiệm vụ.
Hai nhiệm vụ chính của đội công binh sẽ triển khai ở phái bộ là xây dựng các công trình mặt bằng (sân bay, bến cảng, công trình thoát nước, làm lán trại), khoan giếng phục vụ đời sống cho lực lượng tị nạn; nhiệm vụ thứ hai là xây nhà cao tầng.
Đây là những nhiệm vụ mà đối với nhiều quốc gia thì họ cần có thời gian chuẩn bị, cần phải được huấn luyện tỉ mỉ. Nhưng đối với lực lượng công binh của ta đã có những kinh nghiệm trong xây dựng công trình quốc phòng phức tạp hơn rất nhiều.
Trong 8 năm qua, kể từ ngày Việt Nam triển khai hai sĩ quan quan sát viên quân sự đầu tiên đến khi triển khai bệnh viện dã chiến và bây giờ là đội công binh, chúng ta đã đi một chặng đường dài từ đơn giản tới phức tạp, từ hoạt động độc lập của các cá nhân đến những hoạt động đơn vị, từ đơn vị cấp nhỏ cho tới đơn vị là ở cấp quy mô lớn hơn như là đội công binh 184 người.
Các lực lượng của ta có được thông tin toàn diện khi hiểu được tình hình địa bàn, quy trình để xử lý chuẩn theo đòi hỏi của Liên Hợp Quốc. Chúng ta cũng có những biện pháp, kinh nghiệm hơn trong xử lý quan hệ ở môi trường đa phương nhiều quốc gia cùng hoạt động.
Chúng ta cũng đã xây dựng, tạo dựng tình cảm, uy tín của QĐND Việt Nam, của Bộ đội Cụ Hồ tại các nước như Nam Sudan, Sudan, Cộng hòa Trung Phi.
Cho nên, khi triển khai đội công binh, Việt Nam nhận được sự ủng hộ rất lớn của các quốc gia sở tại, sự đồng thuận của bạn bè quốc tế và đặc biệt là sự ủng hộ của lãnh đạo Liên Hợp Quốc.
Trong một thế giới phẳng như ngày nay, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài những xung đột chiến tranh, những thách thức an ninh phi truyền thống.
Văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XII, XIII đều nhấn mạnh đến việc hội nhập quốc tế sâu rộng trong tình hình mới. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng cũng đã chỉ ra quân đội phải là lực lượng xung kích, lực lượng đi đầu trong mặt trận mới, đó là tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc để thể hiện trách nhiệm của một quốc gia thành viên.
Quân đội đã không phụ lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong 8 năm qua các sĩ quan đã hoàn thành tốt sứ mạng này. Đây là niềm vinh dự vừa mang tính nhân đạo, tính nhân văn cao nhưng đồng thời cũng là cơ hội để quảng bá hình ảnh ‘có trước, có sau’ của Việt Nam. Trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây nước ta luôn có sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên khắp thế giới, bây giờ khi đất nước đã có hòa bình thì chúng ta lại có điều kiện để hỗ trợ các quốc gia khác.
Các dân tộc ở Châu Phi họ nhìn nhận sĩ quan Việt Nam là lực lượng cao cả, vì sự tiến bộ, vì hòa bình của đất nước họ. Năm 2019 chính quyền Nam Sudan đã quyết định thiết lập quan hệ ngoại giao với đất nước ta. Ngoài ra, tại Cộng hòa Trung Phi, các nhà lãnh đạo ở đây cũng mong muốn có sự hiện diện nhiều hơn của QĐND Việt Nam và mở rộng ra các lĩnh vực khác như là khai khoáng, nông nghiệp, bưu chính, viễn thông,… Vì họ thấy đây là những thế mạnh của Việt Nam, họ nhận thấy sự vô tư của sĩ quan Việt Nam khi mà tham gia các hoạt động ở đó.
Trong suốt 8 năm qua chúng ta đã cử trên 200 sĩ quan, quân nhân của Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình nhưng chúng ta chưa vi phạm bất kỳ một quy định nào của Liên Hợp Quốc hay của QĐND Việt Nam. Có lẽ Việt Nam là một trong những số rất ít quốc gia chưa hề để xảy ra vi phạm kỷ luật. Đây cũng là yếu tố làm cho bạn bè quốc tế, các quốc gia thành viên cùng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình rất là ngưỡng mộ trong ta.
Từ quan hệ đa phương này đã thúc đẩy ngược lại quan hệ song phương và đến nay chúng ta đã ký được 9 bản ghi nhớ về hợp tác gìn giữ hòa bình; gần đây chúng ta đã ký được với lại Liên Hợp Quốc và EU.
Chúng ta rất phấn khởi khi tỷ lệ sĩ quan của Việt Nam trong thời gian qua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lên tới 33,3%, trong khi tỷ lệ này ở mức trung bình của Liên Hợp Quốc chỉ là 1-2%.
Đội công binh của Việt Nam có tỷ lệ nữ rất cao với 23 người, trên 12,5%, trong khi ở các quốc gia khác chỉ là 6-7%. Ngoài ra bệnh viện dã chiến cấp 2 của ta cũng có tỷ lệ nữ cao, ví dụ như bệnh viện dã chiến cấp 2 số 3 có tới 13 nữ/63 người chiếm tới 17 %....
Các lực lượng của ta đang tham gia ở hoạt động cá nhân, độc lập trên cương vị sỹ quan tham mưu, quan sát viên quân sự hay sỹ quan phân tích tình báo cũng có 4/21 đồng chí. Những tỷ lệ này được Liên Hợp Quốc rất khuyến khích và đánh giá rất cao.
Có một điều mà chúng tôi đã nhận thấy rất thành công, làm cơ sở để cho đội công binh triển khai đó là năng lực của các sĩ quan Việt Nam. Cho dù hoạt động đơn lẻ, độc lập hay là ở trong đội hình của đơn vị thì khả năng thích ứng của sĩ quan Việt Nam đều đáp ứng được các điều kiện khắc nghiệt về khí hậu, môi trường, về đời sống, sinh hoạt đến là những thiếu thốn về điện, về nước. Vì vậy, ở đâu có sĩ quan Việt Nam thì ở đó là có lòng tin của lãnh đạo Liên Hợp Quốc.
Tháng 10/2019, khi gặp Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lúc đó trên cương vị Thủ tướng tại Thái Lan thì Tổng thư ký Liên Hợp quốc António Guterres nói rằng, các sĩ quan Việt Nam là một trong những lực lượng mà uy tín nhất và có năng lực để hoàn thành nhiệm vụ tốt nhất ngày nay ở các phái bộ của Liên Hợp Quốc.
Điều này đã khẳng định lại sĩ quan của chúng ta có năng lực, sức khỏe, trình độ và đặc biệt là phẩm chất chính trị sẵn sàng vượt lên các thách thức.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của ta được lãnh đạo của Liên Hợp Quốc, các nước khen ngợi về những thành công trong 8 năm qua.
Trong thời gian tới Việt Nam sẽ mở rộng thêm địa bàn hoạt động, đưa thêm các lực lượng đến các phái bộ và mở rộng cả quy mô lẫn các loại hình của các đơn vị như bộ binh, quan sát viên, kiểm soát quân sự, dân sự, công an…
Điều mà chúng tôi vẫn căn dặn cán bộ, chiến sĩ của Cục chiến sĩ Hòa bình Việt Nam trước khi lên đường đó là phải xây dựng được mối đoàn kết nội bộ cũng như đoàn kết quốc tế, phải thể hiện được mỗi người sĩ quan, quân nhân của Việt Nam là một sứ giả hòa bình, là một đại diện của nền văn hóa Việt Nam yêu chuộng hòa bình ra trước bạn bè quốc tế. Chúng ta phải xây dựng được hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ và làm lan tỏa những giá trị Việt mà chúng ta có.
Đó là khả năng khắc phục những khó khăn ở địa bàn, làm tốt công tác dân vận. Trước đây khi lực lượng của Việt Nam chưa tham gia thì ở một số phái bộ không có công tác dân vật, không có sự gần với người dân bản địa và thậm chí một số quốc gia còn cấm sĩ quan của họ có những mối liên hệ hoặc giao tiếp với người dân nhưng chúng ta lại làm ngược lại.
Quân đội ta từ nhân dân mà ra và tiến hành các hoạt động vì nhân dân. Ví dụ như trồng rau, dạy trẻ nhỏ, hỗ trợ người dân canh tác…Đây là những nét rất mới mà bộ đội ta làm được, để lại ấn tượng sâu sắc với bạn bè quốc tế, người dân bản xứ. Họ nhìn nhận sĩ quan Việt Nam như là những người anh em bè, bạn thân thương. Ngược lại, đó là yếu tố giúp chúng ta đảm bảo được an ninh, an toàn tới ngày nay.
Trần Thường thực hiện
Thiết kế: Quốc Dũng
Ảnh: Thanh Tùng - Trần Thường - Cục GGHB Việt Nam