“Cuộc đời là chuỗi tập hợp những điều như ý và bất như ý.
Hãy trân trọng những giây phút tĩnh lặng trong lòng, vì trong đó chúng ta có thể nghe thấy tiếng nói sâu thẳm của tâm hồn.
Hãy nhìn thấy những điều tốt đẹp nhất trong mọi thứ xung quanh bạn và để niềm vui lan tỏa đến mọi người”.
Bởi vậy, đôi khi, những điều tưởng chừng nhỏ bé nhưng có thể truyền cảm hứng, đem lại động lực thúc đẩy tinh thần cho những người đang rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo.
Tết Giáp Thìn vừa “gõ cửa”, VietNamNet xin đăng tải loạt bài “Điều giản dị”: Từ việc đi tìm và khai thác câu chuyện bên lề ở các bệnh viện khi tìm cách nâng đỡ tinh thần cho bệnh nhân, tuyến bài mong muốn nhấn mạnh vai trò quan trọng của liệu pháp tinh thần trong điều trị. Đầu năm mới, đây sẽ là những câu chuyện dung dị nhưng tích cực gửi đến độc giả.
Được thành lập từ năm 1900 với tên gọi "Hôpital Municipal de Cho lon” (Nhà thương thị xã Chợ Lớn), trải qua nhiều lần đổi tên, ngày nay, cơ sở y tế này chính là Bệnh viện Chợ Rẫy - một trong những bệnh viện lớn nhất Đông Nam Á với tuổi đời hơn 120 năm.
Nằm trong khuôn viên rộng 53.400m2, Bệnh viện Chợ Rẫy có một góc nhỏ đã tồn tại hơn 100 năm như một phần không thể thiếu. Nơi đây được gọi là công viên với hàng phi lao xanh mát và trở thành "điểm tựa tinh thần" cho rất nhiều người bệnh và thân nhân.
Lặng lẽ chen giữa các khối nhà và cây xanh, khu vực này đối lập hoàn toàn với phần còn lại của bệnh viện. Cách đó một lối đi nhỏ, nhà thuốc và khu vực khám bệnh luôn đông đúc và tất bật từ sáng sớm.
Không ồn ào hay chen lấn, ở đây, người ta chỉ nghe tiếng kinh cầu phát ra từ một chiếc máy nhỏ đặt dưới tượng Phật và tiếng chim líu ríu. Người bệnh, thân nhân lặng lẽ ngồi dưới tán phi lao để nghỉ ngơi hoặc cầu nguyện
Vào một buổi chiều gần cuối năm, chị Trần Thị Lượm (35 tuổi, An Giang) hướng mắt về phía tượng Phật Quan Âm ở góc công viên. Người phụ nữ này thành tâm quỳ lạy suốt 20 phút.
Cha của chị, ông Trần Văn Vô, vừa trải qua phẫu thuật vì ung thư đại tràng di căn gan. Do quy định chỉ một người nuôi bệnh, chị không được lên phòng trực tiếp chăm sóc cha mà buộc phải theo dõi tình hình thông qua người em gái.
“Sáng nay, em gái gửi ảnh của cha được thay băng sau mấy ngày mổ. Vết mổ lớn lắm, tôi nhìn mà thấy lòng tan nát. Bỏ dở miếng cơm vừa được người ta cho, tôi ra đây để cầu mong cho cha sớm bình phục, bớt đau đớn", chị Lượm nói.
Theo lời người phụ nữ, ông Vô phát hiện ung thư hơn một năm qua, được hóa trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy 8 đợt (4 đợt phải bỏ vì thiếu tiền). Gần đây, bệnh tình của ông diễn tiến nặng, bác sĩ Vương Đình Thy Hảo tư vấn nên tiến hành phẫu thuật.
“Cha tôi nói không đủ tiền nên xin bác sĩ về nhà nằm, không chữa bệnh nữa. Bác sĩ Hảo thuyết phục gia đình và hứa sẽ nhờ bệnh viện hỗ trợ một phần. Bác sĩ động viên nhiều lắm, chị ấy trực tiếp lên khoa để xin cho cha tôi đóng tạm ứng ít lại. Phòng công tác xã hội cũng hướng dẫn xin giấy xác nhận khó khăn ở địa phương để làm thủ tục.
Nói thật, bác sĩ mà không giúp tận tình, chúng tôi sẽ phải cho cha về, tiền đâu mà mổ, chi phí lên đây cũng toàn là họ hàng mỗi người cho một ít. Chúng tôi mong cha được cứu sống nhưng nghèo quá, phận làm con gái, không biết làm sao cả, chỉ biết ra đây thắp hương và cầu nguyện”, chị Lượm nói.
Bao ẩn ức, bất lực dồn nén, chị Lượm cũng như nhiều thân nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ biết gửi gắm vào lời khẩn cầu ở góc công viên. Dù được gọi là công viên, nhưng thực tế nơi đây là góc nhỏ tâm linh mà người bệnh và thân nhân thường lui tới.
Tại đây, bức tượng màu đen được người dân gọi tên "Mẹ Nhật Bản" (hoặc Mẹ Nhật, Cậu Nhật) đặt ở vị trí trung tâm, do Phong trào Thân hữu Á Châu tặng Việt Nam.
Hình ảnh người mẹ và cậu con trai đang hướng mắt ngóng chờ khiến nhiều người tò mò, nhưng ngay cả những người công tác lâu năm tại bệnh viện cũng không biết chính xác ý nghĩa của tác phẩm này.
Phía sau tượng Mẹ Nhật Bản là hồ nước, chính giữa là đài thờ. Rất nhiều tượng Đức Mẹ, tượng Chúa, tượng Phật Quan Âm được sắp xếp theo từng tôn giáo để người dân có thể cầu nguyện.
“Người ta tới đây chỉ cầu sức khỏe, mong người nhà khỏi bệnh, tai qua nạn khỏi. Vào bệnh viện rồi, tiền bạc giàu sang cũng có ý nghĩa gì đâu”, bà Nguyễn Thị Nuôi (70 tuổi, nhân viên vệ sinh) nói.
Bà Nuôi được phân công dọn dẹp vệ sinh tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Chợ Rẫy, ngay gần vị trí của công viên nên chứng kiến nhiều cảnh ngộ. Có những trường hợp tai qua nạn khỏi, nhưng cũng không ít người mất đi theo quy luật sinh lão bệnh tử ở cuộc đời.
“Những ngày rằm, ngày Tết, người nhà bệnh nhân mang hoa và trái cây đến cúng nhiều nhưng trật tự. Không ai bảo ai, thấy hoa héo thì tự dọn dẹp. Người theo Công giáo cầu nguyện một bên, người theo Phật giáo cũng nguyện cầu một bên”, bà kể.
Những ngày chăm anh trai điều trị ung thư gan giai đoạn cuối tại Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Chợ Rẫy), chị T.T.T.A (45 tuổi, Đồng Nai) cũng thường đến góc nhỏ này ngồi nghỉ mỗi chiều. Không gian xanh với hàng phi lao rì rào, sự yên bình và tôn nghiêm khiến chị được tĩnh tâm.
“Tôi không theo tôn giáo nào. Ban đầu, tôi đến đây ngồi nghỉ vì mát mẻ, yên tĩnh, sau lại tò mò vì bức tượng lớn màu đen. Nghe người ta gọi là tượng Mẹ Nhật Bản, rất thiêng. Mỗi lần nghỉ ngơi dưới tán cây, tôi thấy lòng mình nhẹ hơn, sáng suốt hơn. Có lẽ sự tĩnh tâm giúp cho mình hiểu và chấp nhận được quy luật cuộc sống, cố gắng hết sức nhưng không cưỡng cầu”, chị T.A nói.
Thực tế, khá nhiều bệnh viện TP.HCM có góc tâm linh như vậy, thậm chí có cả đền chùa bên trong khuôn viện bệnh viện do yếu tố lịch sử, văn hóa. Anh Nguyễn Bình (25 tuổi, TP.HCM) cho rằng nếu tính mạng của người bệnh được gửi gắm cho bác sĩ, thì người thân và chính bệnh nhân cũng cần có một điểm tựa tinh thần để cân bằng tâm lý.
Vì vậy, những góc nhỏ giản dị này trong khuôn viên bệnh viện cũng mang ý nghĩa rất quan trọng.
Theo Thạc sĩ Lê Minh Hiển, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Chợ Rẫy, phía sau cảnh đông đúc và căng thẳng ở các khoa phòng, góc công viên này đã góp phần nâng đỡ tinh thần cho không ít thân nhân và bệnh nhân. Góc tâm linh đã tồn tại hơn 100 năm, là một phần không thể thiếu của Bệnh viện Chợ Rẫy.
Để đảm bảo trật tự và tính tôn nghiêm, bệnh viện cũng đã nhiều lần tôn tạo, lắp đặt camera quan sát và đặc biệt không đặt hòm công đức, giúp nơi đây thuần túy là địa điểm nhằm nâng đỡ tinh thần và tâm lý cho người bệnh và thân nhân.
“Qua camera, nếu phát hiện đối tượng khả nghi, lợi dụng lòng tin của bà con, chúng tôi sẽ báo với đội bảo vệ ngay. Cá nhân tôi cũng thường xuống đây nghỉ ngơi, không gian tĩnh lặng và nhiều cây xanh cần thiết cho người bệnh và thân nhân”, ông Hiển nói.
Suốt 2 năm chống dịch Covid-19, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng là nơi tiếp nhận rất nhiều ca bệnh nguy kịch với những áp lực chưa từng có trong tiền lệ, còn y bác sĩ căng mình sau lớp áo bảo hộ. Dù thế, khu vực này vẫn sáng đèn đêm ngày, phần nào mang lại sự ấm áp và cả hy vọng cho người thân bệnh nhân, giúp họ đi qua những ngày tháng mỏi mệt của cuộc đời.