Năm nay 90 tuổi, bà Hoàng Thị Hương Liên - con gái nhà cách mạng, nhà văn hoá Hoàng Đạo Thúy - tự nhận mình đã ở tuổi vừa nói câu sau đã quên câu trước. Nhưng những ký ức của bà về người cha vẫn hiện rõ mồn một, để mỗi lần nhớ lại, từng câu nói, từng kỷ niệm về cụ vẫn chạy qua như xem lại một thước phim cũ.
Hoàng Đạo Thúy là con trai của chí sĩ yêu nước Hoàng Đạo Thành - một quan triều đình nhà Nguyễn. Cụ mồ côi cha từ năm 8 tuổi, mẹ thì đi lấy chồng. Từ nhỏ, cụ đã được nuôi dưỡng bởi người chị gái cùng cha khác mẹ là Hoàng Thị Uyển - tức cụ Cả Mọc, một nhà buôn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng lúc bấy giờ.
Nhờ những đóng góp to lớn, cụ Cả Mọc từng được cả Bác Hồ lẫn vua Bảo Đại mời tới dùng trà, thể hiện sự trân quý và ngợi khen tấm lòng bồ tát của cụ dành cho cộng đồng.
Là một người được tin cậy và yêu quý như thế nên cụ Cả Mọc cũng rất có uy trong gia đình. Với Hoàng Đạo Thuý, cụ Cả giống một người mẹ hơn là một người chị. Vì thế, cụ Thuý hoàn toàn tin tưởng vào những nhận định và quyết định của chị. Năm ấy 20 tuổi mà chưa có vợ, Hoàng Đạo Thuý nói với cụ Cả Mọc rằng: Chị chọn ai em cũng ưng.
Làm nghề buôn vải ở phố cổ, cụ Cả Mọc thường xuyên tiếp xúc với nhiều hạng người. “Khi ấy, bà ngoại tôi cũng buôn bán và hay đưa mẹ tôi theo xuống Hà Nội lấy hàng. Mẹ tôi ăn mặc quê mùa, tuềnh toàng, người thì bé xíu như que tăm. Nhưng chỉ nghe cách mẹ tôi nói chuyện, cư xử, bà Cả Mọc đã đánh giá ‘đây không phải là một người tầm thường’. Bà nhắm ngay mẹ tôi cho bố tôi và đích thân xuống nhà ngoại tôi ở Đường Lâm (Sơn Tây) để tìm hiểu gia cảnh”.
“Khi ấy, bố tôi đẹp trai, cao lớn, có học thức, lại là trai Hà Nội. Nhiều nhà buôn bán, quan lại muốn gả con gái cho nhưng bà Cả không đồng ý, mà bố tôi cũng không muốn quan hệ với những gia đình buôn bán lớn như thế. Nhà ngoại tôi khi ấy ở vùng quê, là tỉnh lẻ. Thế mà khi bà Cả đã nhắm mẹ tôi thì bố tôi đồng ý ngay. Ông nói: ‘Chị đã lựa chọn kỹ thế là tốt rồi, em xin vâng’”.
Đám cưới diễn ra trong khi cô dâu, chú rể chưa hề gặp mặt nhau. Ngày cưới, cụ bà Cát Thị Tốn vạch tấm màn nhòm ra ngoài, còn nhầm tưởng người anh họ của Hoàng Đạo Thuý mới là chú rể.
“Khi bố tôi lấy mẹ tôi, cả khu phố cổ xôn xao. Không ai hiểu nổi tại sao một thanh niên đẹp đẽ, sáng láng như thế lại đi lấy một phụ nữ nhà quê, thấp bé, đen đủi.
Nhưng chứng kiến 63 năm ông bà sống với nhau, chúng tôi mới có thể hiểu hết được sự lựa chọn sáng suốt của bà Cả. Có lẽ chỉ một người phụ nữ tốt nết như mẹ tôi mới có thể cáng đáng được cả gia đình 10 đứa con để bố tôi yên tâm đi làm việc nước”.
Bà Liên kể, các con cháu sau này cũng nhiều lần hỏi cụ Thuý: "Ông bà lấy nhau không tìm hiểu như thế thì sống với nhau thế nào? Nhưng bố tôi luôn nói: ‘Dù có tìm hiểu, yêu đương hay không, khi đã lấy người ta làm vợ thì phải chung thuỷ, quý mến và tôn trọng nhau cho đến cuối đời. Sống với tâm niệm ấy nên suốt cuộc đời bố tôi, ông luôn một lòng biết ơn bà trong tất cả những việc ông làm được. Ông luôn nói ‘đó là công của bà’. Thậm chí những cuốn sách ông viết trên giường bệnh chăm bà, ông cũng nói đó là công của bà, có bà động viên thì ông mới viết được như thế, mặc dù để viết được, ông phải ngồi ở đầu giường, kê giấy lên đùi. Lúc nào ông cũng bày tỏ lòng biết ơn của mình với người vợ chung thuỷ và tốt nết”.
Cụ bà là người ít nói, nhưng đến cuối đời, cụ vẫn thủ thỉ với các con: “Đời mẹ sung sướng khi được bố con thương yêu”.
Lấy nhau được ít hôm thì chàng trai hào hoa của đất Kinh kỳ như được thử thách tấm lòng. “Mẹ tôi bị bệnh nặng”.
“Bà ngoại tôi xem bói, thầy bảo phải lấy vợ lẽ cho bố tôi thì mẹ tôi mới qua khỏi. Bà tôi tưởng bảo con rể lấy vợ lẽ thì dễ quá, nào ngờ bố tôi kiên quyết chối từ, chỉ một lòng lo trị bệnh cho mẹ tôi. Bà tôi đã hứa sẽ thu xếp mọi chuyện ổn thoả nếu bố tôi lấy vợ lẽ mà bố tôi vẫn không nghe. Bà giận lắm. Song lòng chung thuỷ đã thắng. Sau nửa năm chạy chữa, mẹ tôi khỏi bệnh”.
“Mẹ tôi tuy là gái nhà quê nhưng có học. Ông ngoại tôi là một nhà nho nên ông dạy chữ Nho và chữ Quốc ngữ cho con từ nhỏ. Sau khi lấy bố tôi, có một thời gian mẹ tôi bán sách ở phố Hàng Gai.
Để xoay xở cho một gia đình đông con bằng đồng lương còm cõi từ nghề dạy học của bố, mẹ tôi phải bươn chải làm thêm đủ thứ nghề. Bà vừa bán sách vừa khâu màn thuê”.
Cụ bà chuyên khâu màn the - một loại màn làm từ tơ lụa mỏng, dành cho các gia đình giàu có. Vì thế, khâu màn the đòi hỏi kỹ thuật cao, phải là người cực kỳ khéo tay mới làm được. “Thế mà, một ngày bà khâu được 9 cái màn, trong khi tôi chỉ khâu được 1 cái và tôi chẳng bao giờ dám mơ có thể khâu được nhanh và đẹp được như bà. Khâu màn the rất giỏi nên khi chuyển sang khâu màn xô, bà làm nhoay nhoáy. Sau này, bà còn khâu cả quần đùi, áo may ô”.
Lấy chồng nghèo khó, lại không có ai thân thích hỗ trợ, cụ bà tự thấy mình phải chăm chỉ gấp nhiều lần người khác thì mới đủ sức cáng đáng cả gia đình 10 đứa con nheo nhóc. Suốt những năm Hoàng Đạo Thuý xa nhà đi hoạt động cách mạng, một mình cụ bà ở nhà lo toan, gánh vác. Cụ Thuý hay bảo với các con cháu rằng, cụ bà đã giúp trông nom gia đình để cụ yên tâm làm việc, tức là cụ bà đã giúp cụ trong mọi công việc.
“Năm 64 tuổi, bố tôi về hưu, cũng đúng thời điểm mẹ tôi đổ bệnh nằm một chỗ. Đó là những năm tháng chiến tranh ác liệt, chúng tôi ai cũng bận lao vào công việc của cơ quan, đơn vị, lại còn gia đình riêng, do đó thỉnh thoảng mới về thăm cha mẹ. Ông một mình chăm nom bà, chưa một lần kêu than, oán trách suốt 18 năm trời”.
Hai cụ sống cùng nhau những năm cuối đời trong căn nhà cấp 4 ở làng Đại Yên, không phiền tới con cháu. Cứ sáng sáng, cụ ông lại bế cụ bà ra hiên phơi nắng. Tắm rửa, nấu nướng cho vợ ăn, một tay cụ đảm nhiệm. “Có những hôm mẹ tôi thèm ăn bánh đúc ngô, ông phải nhờ người ta vào tận chợ Hà Đông mới kiếm được. Lúc bà đòi ăn bánh bèo, ông phải gửi người xuống tận chợ Phùng mua cho”.
Có 2 tháng cụ ông được chế độ đi nước ngoài an dưỡng, cụ đành đưa cụ bà sang với các con. Nhưng cứ một tuần cụ lại biên thư về một lần hỏi tình hình cụ bà thế nào. Các con trả lời thư phải kể rất tỉ mỉ để cụ yên tâm. Lúc về, cụ còn chiều ý cụ bà, mua từ chiếc nhẫn đến lọ nước tắm thơm.
Năm 80 tuổi, cụ Thuý bị chứng chóng mặt. Bác sĩ nói do cụ nghiện thuốc lá nặng đã 60 năm rồi nên tuy biết là hại cũng không dám khuyên cụ cai thuốc. Nhưng cụ tự nghĩ, nếu còn hút thuốc thì còn bị chóng mặt và sẽ không chăm sóc được cho cụ bà. Vậy là trong một phút quyết định, cụ cất tẩu đi và không bao giờ hút nữa.
Nhưng rồi dù cụ Thuý có chăm sóc kỹ lưỡng đến đâu, vào một ngày đầu xuân năm Nhâm Tuất, cụ bà cũng ra đi sau 18 năm nằm một chỗ. Khi cụ bà đã mất, cụ Thuý luôn băn khoăn tự trách mình đã sơ suất điều gì để không giữ được cụ bà ở lại thêm.
“Ông cụ đã ôm lấy áo quan vừa khóc vừa nói: '63 năm sống với tôi, sao bây giờ bà nỡ bỏ đi. Dù phải chăm sóc bà bao năm nữa, tôi vẫn vui lòng, chỉ mong còn bà’. Sau đám ma người vợ ông vẫn hằng trân quý, ông ốm nặng tưởng chừng như không qua khỏi”.
Hơn 10 năm ròng rã, không quên một ngày, cụ ông giữ lệ đúng buổi sớm pha cà phê lại rót một chén lên bàn thờ thắp hương mời cụ bà. Trên các trang bản thảo, trong lúc trò chuyện với con cháu, lúc nào cụ cũng kể về cụ bà, về lòng nhân ái, về những hi sinh của cụ bà cho sự nghiệp của cụ ông.
Khi đã yếu, không thể về thăm mộ cụ bà được nữa, cụ Thuý thương nhớ viết mấy dòng thơ:
“Xa nhau nhiều đoạn, nghĩ mà đau
Hoa cỏ phôi phai, đất dãi dầu
Mợ mất, tôi còn, sao lại thế
Mỗi giờ, mỗi phút nhớ thương nhau”
Bài: Nguyễn Thảo
Ảnh: Nguyễn Thảo, Gia đình cung cấp
Thiết kế: Nguyễn Ngọc